Bản tin ngày 7/9/2017

Tin trong nước

Tin Biển Đông

Sau khi Trung Quốc tập trận xong, ngày 5/9, VN ‘mạnh mẽ phản đối’ TQ tập trận trên Biển Đông qua lời của bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao VN. Trước đó, ngày 31/8, sau khi TQ tập trận được 3 ngày, bà Hằng chỉ dám “quan ngại” thôi: “Việt Nam hết sức quan ngại về việc Trung Quốc công bố tiến hành diễn tập quân sự trong khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ...” Bây giờ TQ tập trận xong, bà Hằng mới dám “mạnh mẽ phản đối”!

Trong lúc TQ tập trận ở Vịnh Bắc Bộ (từ 1/8-23/8) thì bà Hằng im lặng. Khi TQ đang tập trận ở vùng biển Hoàng Sa và ngay trên sân nhà của Việt Nam, cách bờ biển Đà Nẵng 75 hải lý (từ ngày 29/8 đến 4/9), thì ngày 31/8, bà Hằng phản đối chuyện TQ tập trận ở Vịnh Bắc Bộ! Chờ cho TQ tập trận xong ngày 4/9, thì ngày 5/9, bà Hằng mới dám mở miệng “phản đối mạnh mẽ”!

Bà Hằng mở miệng: “Việt Nam mạnh mẽ phản đối hành động này của Trung Quốc, nghiêm túc yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, không lặp lại các hành động tương tự, không làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực và Biển Đông“.

Sau này, nếu có sợ quá thì bà Hằng nên đóng chặt cửa rồi hãy lớn tiếng phản đối, chứ cái kiểu vừa nói vừa run, chứng minh cho mọi người thấy ta đây cũng dũng cảm, cũng dám phản đối, càng làm cho bọn Tàu vỗ tay cười vào mặt bà, cười vào mặt Bộ Ngoại giao lẫn cái chính phủ mà Bộ Ngoại giao này đại diện.

Báo Sơn La đang chế giễu bà Lê Thị Thu Hằng đây: Việt Nam phản đối và nghiêm túc yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Nghĩa là trước giờ VN chỉ yêu cầu chơi cho vui, bây giờ mới “nghiêm túc” yêu cầu?

Mời đọc thêm: Phản đối Trung Quốc tuyên bố huấn luyện bắn đạn thật tại Hoàng Sa (TN). – Yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (Soha). – Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Hoàng Sa (RFI). – Trung Quốc bác phản đối của Việt Nam về tập trận trên Biển Đông (VOA).

Bài báo đã bị gỡ: Việt Nam – Trung Quốc: “Gác lại tranh chấp trên biển là thượng sách”. Trong cuộc tọa đàm “Sáng kiến Vành đai và con đường: Cơ hội hợp tác Việt – Trung” diễn ra ở Hà Nội hôm 25/8/2017, ông Lăng Đức Quyền, thuộc Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề thế giới của Tân Hoa Xã, nói: “Tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc là tài sản âm, gây tổn thương tình cảm của hai nước, nhiều thế lực thù địch coi đây là ‘tử huyệt’ của quan hệ Việt – Trung”.

Học giả TQ nói tiếp: “Về tranh chấp trên biển, tôi cũng trao đổi với nhiều học giả Việt Nam, thượng sách là gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác. Theo tôi nghĩ chúng ta phải gác lại khai thác đơn phương một số vùng có tranh chấp. Tạo điều kiện dần dần đi đến cùng nhau khai thác“.

Các học giả VN và TQ trong buổi tọa đàm ngày 25/8/2017, chủ đề “Sáng kiến Vành đai và Con đường: Cơ hội mới cho hợp tác Việt – Trung”. Ảnh: Hồng Nguyễn/ Lao Động

Bài báo không viết ý kiến của học giả Việt Nam, cũng như quan điểm của các quan chức Việt Nam về vấn đề này như thế nào. Liệu Việt Nam có chấp nhận giải pháp “Gác tranh chấp, cùng khai thác hay không?

Mời đọc lại các bài báo cũ: “Gác tranh chấp, cùng khai thác” kiểu Trung Quốc (TVN/ NCBĐ). – Lý do không ai hưởng ứng Trung Quốc “gác tranh chấp, cùng khai thác” Biển Đông (GDVN). – Từ “gác tranh chấp, cùng khai thác” đến COC (PLTP). – “Gác tranh chấp, cùng phát triển” ở Biển Đông có khả thi? (TVN). – Cảnh giác với “gác tranh chấp, cùng khai thác” (TN). – “Gác tranh chấp, cùng khai thác”: Đừng nghe Trung Quốc nói! (Soha). – “Gác tranh chấp, cùng khai thác” trên Biển Đông đang trở thành hiện thực? (GDVN). – Biển Đông: Philippines chịu “gác tranh chấp, cùng khai thác” với Trung Quốc? (PT). – Philippines và Việt Nam trước cạm bẫy “gác tranh chấp, cùng khai thác” (GDVN).

Clip của Truyền hình Nhân Dân: “Tạm giữ một tàu cá đưa phương tiện và ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép”:

Mời đọc thêm: Trung Quốc dụ Mỹ lao vào Đông Bắc Á, âm thầm kiềm tỏa Biển Đông? (GDVN). – 18.000 tàu cá TQ tràn xuống Biển Đông: Ngư dân quyết không bỏ biển (DV). – Tiếp sức cho ngư dân Việt (Nhà Nông). – Trang Quốc phòng VN có clip: Đồng hành cùng ngư dân bám biển.

Vụ tàu vỏ thép: Công lý cho ngư dân (ĐĐK). – Vụ tàu vỏ thép hư hỏng, sẽ làm việc với cơ quan công an (PLTP). – Khắc phục sự cố tàu vỏ thép và xử lý nghiêm các cá nhân nếu sai phạm (VOV). – Tàu vỏ thép hư hỏng đầu tiên được sửa chữa cho hạ thủy (Soha). – Không thống nhất về trách nhiệm của đăng kiểm trong vụ tàu vỏ thép (Zing). – Bộ Nông nghiệp: Cơ quan đăng kiểm có trách nhiệm trong việc tàu vỏ thép hỏng (VNE). – Vụ tàu vỏ thép NĐ 67: Xem xét trách nhiệm liên đới của cơ quan đăng kiểm (SGGP). – Sẽ giải quyết dứt điểm tàu vỏ thép ở Bình Định (PLTP). – Công ty Nam Triệu đã bàn giao 1 tàu vỏ thép cho ngư dân (ĐĐK). – Bình Thuận xin thêm chỉ tiêu đóng tàu mới theo Nghị định 67 (VOV).

Một nhà báo “vì biển đảo” qua đời

Báo Tiền Phong có bài: Vĩnh biệt nhà báo Nguyễn Đình Quân. Bài báo cho biết, nhà báo Nguyễn Đình Quân (SN 1962), là phóng viên thường trú Báo Tiền Phong tại Khánh Hòa “đã qua đời trong một vụ tai nạn giao thông sáng nay 6/9“.

Được biết, ông Nguyễn Đình Quân là một nhà báo “luôn nặng lòng với biển đảo nói chung và với Trường Sa nói riêng“. Với “hơn 20 năm trong nghề thì cũng không thể đếm được bao nhiều chuyến đi tác nghiệp của anh cùng với Hải quân Việt Nam trên biển đảo quê hương và Trường Sa“.

Nhà thầu Trung Quốc, phá hoại đất nước

Báo Dân Trí có bài: Dự án Cát Linh – Hà Đông: “Điển hình” mất uy tín của doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam. TS. Phùng Thị Huệ – Viện Nghiên cứu Trung Quốc, cho rằng, để Việt Nam tham gia sáng kiến “Một vành đai một con đường” thì Trung Quốc phải chứng minh và phát huy những thế mạnh của họ, đồng thời “khắc phục hạn chế đang tồn tại để đạt tới nhận thức chung…

Tác giả dẫn chứng: “Ở Việt Nam, điển hình là tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, thời hạn kéo dài gần 3 năm chưa hoàn thành, vốn tăng 300 triệu USD, xuất hiện sự cố an toàn…”. Những dự án như vậy sẽ làm “tâm lý chung của người dân Việt Nam là không mấy tin cậy, thậm chí phản cảm với nhiều hạng mục đầu tư của Trung Quốc…”

Mời đọc thêm: Quốc gia nào “cấm cửa” nhà đầu tư Trung Quốc? (TQ).

Nhân quyền ở Việt Nam

BBC có bài: Vác súng đến nhà thờ Thọ Hóa đòi ‘đối thoại’? Linh mục Nguyễn Duy Tân cho biết, có khoảng 20 người đi trên một chiếc xe 52 chỗ, “họ vào trong khuôn viên nhà thờ, dùng loa thùng lớn tiếng yêu cầu tôi đối thoại. Tôi thấy họ bất lịch sự quá nên không chịu đối thoại… Có một người cầm súng khi bị giáo dân lục soát thì ném qua hàng rào nhà [một người dân] và bị giáo dân bắt quả tang và bị đánh rất đau. Họ sau đó viết bản tường trình, xin lỗi và hứa sẽ không quấy rối“.

Công an huyện Xuân Lộc cho BBC biết: “Cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra xác minh, và chưa có kết quả vì còn phải xác minh một số đối tượng, mục đích động cơ.” Còn Cơ quan Cảnh sát Điều tra và Phòng cảnh sát Điều tra Trật tự xã hội tỉnh Đồng Nai thì “từ chối cung cấp thông tin“.

RFA có bài: Thấy gì qua vụ côn đồ gây rối tại Giáo xứ Thọ Hòa? Bài viết nhận định: Sau vụ việc bà Lê Mỹ Hạnh bị côn đồ hành hung dã man hồi đầu tháng 5/2017 nhưng đã bị “chìm xuồng” và sự việc một nhóm côn đồ tấn công vào Giáo xứ Thọ Hòa bằng vũ khí sát thương “như một bằng chứng rõ ràng chính quyền đang thách thức người dân qua sự lộng hành mà dân chúng gọi là ‘côn đồ trị’.

Clip LM Nguyễn Duy Tân trường tình trực tiếp:

RFA có bài: Nguyễn Mai Trung Tuấn: Hình ảnh thế hệ dân oan tiếp nối. Nếu những lời sau đây của em Trung Tuấn nói là sự thật, thì những người tham gia tra tấn em phải bị truy tố về tội bạo hành trẻ em:

“Họ nhốt em từ 9 giờ sáng cho tới 11 giờ đêm và không cho em ăn uống gì hết. Họ nói ‘Bây giờ mày khai không? Mày không khai là tao giết mày’. Em nói ‘Tôi không có gì để khai. Gia đình tôi hoàn toàn bị mất tất cả rồi’. Lúc đó họ còng tay chân em lại. Đến chiều, họ đánh vào ngực em, đá vào hông em. Em thì có tiền sử bị hen suyễn và bị bệnh tim, cho nên em rất mệt. Em có nói ‘Sức khỏe của tôi bây giờ bị kiệt sức. Cần được cấp cứu’. Em nêu ra vậy nhưng họ bỏ mặc em trong phòng và đóng cửa lại. Một lúc sau là em ngất luôn”.

Suy nghĩ về ngày khai giảng

GS Nguyễn Đăng Hưng có bài: Suy nghĩ về ngày tựu trường, niên khóa 2017-2018. Tác giả trăn trở về sự nghiệp giáo dục VN, khi một năm học bắt đầu với bao nhiêu nỗi bất an. Tác giả đặt câu hỏi: “Việt Nam có thật sự xây dựng một nền giáo dục nhân bản, tôn trọng tính trung thực đa dạng của tri thức, vì tương lai con em, không áp đặt mà để con em lựa chọn tự do, điều kiện để có thói quen phản biện và sáng tạo?

Tác giả nêu đặc điểm giáo dục ở Hà Lan: “Phải nói thêm là học sinh, sinh viên Bắc Âu không phải theo học những bài giảng chính trị giáo điều, xơ cứng, những bài học lịch sử một chiều gây phản cảm thường trực cho người dạy cũng như người học. Việt Nam có dám theo Phần Lan ở điểm căn bản này không? Ban tuyên giáo có quyết định tháo gỡ vòng kim cô ý thức hệ lỗi thời này không?

Nhà báo Trân Văn có bài: Mặc xác con em chúng mày. Tác giả so sánh ngày khai giảng đang diễn ra ở VN, qua mô tả của Facebooker Ngọc Vinh, cũng như chuyện bảo vệ học sinh ở Mỹ qua câu chuyện của Facebooker Le Michael.

Về khẩu hiệu “Tất cả vì tương lai con em chúng ta”, tác giả viết: “Phàm đã từng sống tại Việt Nam thì ai cũng đã từng nghe, từng thấy khẩu hiệu ‘Tất cả vì tương lai con em chúng ta’. Thế nhưng đang có nhầm lẫn lớn về đại từ ‘chúng ta’. ‘Chúng ta’ không phải là tất cả mọi người. ‘Chúng ta’ chỉ là thiểu số rất nhỏ trong khối hàng trăm triệu người đang sống tại Việt Nam“.

Tác giả nhắc nhở những người dân bình thường: “Phải ý thức đó chỉ là ‘chúng mày’. ‘Tất cả vì tương lai con em chúng ta’ rõ ràng là rất thật. Nếu không thuộc nhóm ‘chúng ta’ thì mặc xác chúng mày và tất nhiên, mặc xác con em chúng mày“.

“Chống tham nhũng hay diễn hài”?

Báo Lao Động có bài: Chắc tất cả đều như nhau.  Bài báo cho rằng, thật khó tin, khi ‘Không phát hiện trường hợp nào nhận quà Tết trái quy định. Tự phát hiện tham nhũng, chỉ có 1 trường hợp cán bộ xã. Và hôm qua, hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản, thu nhập, chỉ có 3 người không trung thực…

Tác giả viết tiếp: “Chúng ta đang nói dối nhau. Chúng ta đang chấp nhận sự hình thức của những biện pháp chống tham nhũng nghe rất đao to búa lớn nhưng gần như không có hiệu quả. Chúng ta đang nghĩ ai cũng như nhau cả. Cũng cùng một giuộc. Và chúng ta mặc định sự thất bại của mình trên cái tâm thế ấy.

Báo Giao thông có bài: “ĐBQH: Lò nóng rồi, không đưa củi vào lò sẽ tắt!” ĐBQH Vũ Trọng Kim, tỉnh Hải Dương, cho rằng, “tham nhũng tràn lan nhưng xử lý quá ít, chỉ 25 người đứng đầu bị kiểm điểm phê bình vì để xảy tham nhũng ở cơ quan và chỉ có 3 người bị xử lý về kê khai tài sản… là những con số không thực chất“. Củi nhiều quá mà không cho vào lò, nên nó đã tắt ngúm rồi cụ Tổng ơi!

Còn ĐBQH Nguyễn Thái Học, Trưởng ban Nội chính tỉnh Phú Yên, cho rằng: “Báo cáo nói là có một bộ phận cán bộ, công chức nhũng nhiễu, vậy một bộ phận ấy ở đâu, ở cơ quan, đơn vị nào? Năm nào cũng đưa ra những nhận định chung chung như vậy thì không sai, nhưng chẳng có tác dụng gì“.

Cũng báo Giao Thông có bài: Không thu được tài sản đừng nói chống tham nhũng hiệu quả. Bài báo dẫn lời Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: “Việc tham nhũng ở ta tinh vi, rất phức tạp, giằng xé rất nhiều quan hệ, nhóm lợi ích nên nếu không mạnh dạn đi vào thực chất vấn đề thì cũng lặp đi lặp lại giống như trước đây. Chúng ta phải tìm được cái gì mới ở đây để trả lời với dư luận, nhân dân. Chỉ rõ địa chỉ nơi nào, người nào vi phạm, như thế mới có tính thực chất, răn đe”.

Báo VietNamNet có bài: Tướng Vương: Đang giải quyết lợi ích nhóm, sân sau của thời kỳ trước. Thứ trưởng Lê Quý Vương cho hay: “Các vụ án lớn đang giải quyết hậu quả của thời gian trước, quản lý hạn chế, nhất là các tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa nghề. Có hai khái niệm đang phải tập trung giải quyết là lợi ích nhóm, thành lập sân sau”.

Báo Dân Trí có bài: “Người chống tham nhũng, người… chống lưng, không biết ai chống thật, ai chống giả”. Bài báo dẫn lời ĐBQH Vũ Trọng Kim, Ủy viên UB Tư pháp nói rằng: “Cơ quan nào cũng nói phòng chống tham nhũng, nhưng anh này chống tham nhũng, anh kia chống lưng, không biết anh nào chống thật anh nào chống giả”.

Báo VietNamNet có bài: Luật PCTN sửa đổi: Em chồng vẫn không phải là người thân. Dự luật sửa đổi có một quy định trong chương “Liêm chính” gồm: “Bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ mẹ vợ, anh chị ruột, con nuôi, con dâu, con rể, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu”, nhưng lại “thiếu anh chồng, em chồng“. Bà Tiến lại cười… ruồi rồi.

Mời đọc thêm: Sẽ còn nhiều quan chức chạy xe ôm, buôn chổi đót trở nên giàu có (NQL).

Đại án OceanBank

Báo Dân Trí có bài: Hà Văn Thắm “gỡ tội” cho Nguyễn Xuân Sơn ngay tại toà. Ông Hà Văn Thắm khẳng định ông Nguyễn Xuân Sơn không tham ô số tiền 49 tỷ đồng như Viện Kiểm sát cáo buộc: “Số tiền 246 tỷ là anh Sơn chuyển cho đại diện PVN, tức là khách hàng, nên anh Sơn không tham ô”.

Báo VietNamNet có bài: Đại án Oceanbank: Hà Văn Thắm theo dõi đường đi của tiền thế nào? Bài báo dẫn câu hỏi của luật sư: “Chi hàng trăm tỷ cho Nguyễn Xuân Sơn, bị cáo kiểm tra giám sát như thế nào?“, ông Hà Văn Thắm đáp: “Bị cáo biết anh Sơn phụ trách các khách hàng nào. Hành động của họ thể hiện việc anh Sơn đi làm có kết quả. Bị cáo đều theo dõi hành động của các khách hàng hàng ngày. Số lượng tiền bị cáo đồng ý chi, trong đó anh Sơn gửi đi là khá lớn, không thể đút gầm giường được“.

Mời đọc thêm: Hà Văn Thắm khai 3 bí mật giám sát để Nguyễn Xuân Sơn không tham ô (). – Hà Văn Thắm: ‘Nếu biết hình sự, bị cáo ép đồng nghiệp cũng không làm’ (Zing). – Đại án Oceanbank: Tranh cãi về đại diện vốn góp của PVN (VNN). – Luật sư cám ơn câu trả lời của bị cáo Hà Văn Thắm (PLTP). – Xét xử đại án Oceanbank: Phạm Công Danh xin luật sư nói nhỏ vì… đau tim (LĐ). – Truy trách nhiệm Ngân hàng nhà nước trong các đại án ngân hàng (TT).

Trách nhiệm của Bộ Y tế trong vụ bê bối ở VN Pharma

RFA có bài: Thuốc giả và văn hóa từ chức. Bài viết nêu quan điểm: “Việc để thuốc nhập lậu làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, trách nhiệm cuối cùng vẫn là người đứng đầu ngành y tế: trong trường hợp này là bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến“.

Bài viết dẫn lời Luật sư Lê Trọng Quát, một cựu công chức làm cho chính phủ Pháp, nói: “Bà bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đáng lẽ phải từ chức, cái đó quan trọng lắm. Sức khỏe của nhân dân, Tây họ gọi là ‘Santé Pubique’ là một trong 2,3 điều quan trọng nhất của chính phủ mà phải thực hiện. Đây là sự an toàn, an ninh, sức khỏe của nhân dân. Cái đó rất quan trọng”.

Báo người Đưa Tin có bài: Nghi vấn về thông tin thuốc kém chất lượng để “gỡ tội” cho VN Pharma. Trả lời câu hỏi, có phải “cách lý giải về thông tin thuốc kém chất lượng là để ‘gỡ tội’ cho VN Pharma?” Ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng quỹ chống hàng giả Việt Nam (ACF) khẳng định: “Đây không chỉ là ‘gỡ tội’ cho VN Pharma mà là có sự che giấu nhằm trục lợi cho nhóm lợi ích trên nỗi khổ của bệnh nhân và người tiêu dùng. Buôn bán thuốc giả là một tội ác, việc đó gây ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng con người. Nhận định như vậy là thiếu trách nhiệm“.

Mời đọc thêm: H-Capita do VN Pharma nhập khẩu bản chất là thuốc giả (TN). – Vụ Cty VN Pharma nhập thuốc ung thư “giả”: Đề nghị cơ quan tố tụng xem xét đúng bản chất vụ án (LĐ). – Vụ án VN Pharma là vi phạm y đức tồi tệ nhất (Soha). – Vụ Cty VN Pharma nhập thuốc ung thư “giả”: Đề nghị cơ quan tố tụng xem xét đúng bản chất vụ án (LĐ). – VN Pharma lọt cửa kiểm định: Làm cán bộ ở Việt Nam ‘dễ’ quá (MTG). – Ban chỉ đạo 389: Vụ thuốc giả của VN Pharma là tội ác (VOV).

Bất cập các dự án BOT

Báo Dân Trí có bài: Thanh tra Chính phủ vạch rõ bất cập của các trạm BOT. Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra, cho biết: “Với hơn 70 dự án đã được thực hiện mà không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu. 100% là chỉ định thầu với lý do chỉ có một nhà đầu tư tham gia, trong đó có cả nhà đầu tư được lựa chọn chưa đảm bảo năng lực…

Bản kết luận còn nêu rõ: “Phương thức thu phí lạc hậu, gây ách tắc giao thông, đặc biệt là việc xác định vị trí đặt trạm thu phí không hợp lý … có một số trạm thu phí đối với người không tham gia giao thông trên tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT“.

Báo Pháp Luật TP có bài: Bộ GTVT yêu cầu khắc phục hư hỏng BOT Cai Lậy. Bài báo cho biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang “khẩn trương kiểm tra và thực hiện sửa chữa các hư hỏng … Ngoài ra thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về thu phí, bảo trì công trình“.

Về nguyên nhân vì sao công trình mới đưa vào khai thác đã hư hỏng tùm lum như vậy, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang cho rằng: “do tải trọng xe và một số yếu tố khác“.

Báo VnExpress có bài: Đề nghị điều tra việc ‘trả tiền lẻ’, gây rối ở trạm BOT quốc lộ 5. Ngày 6/9, Vidifi, đơn vị quản lý hai trạm thu phí quốc lộ 5 đã gửi văn bản đề nghị Tổng cục An ninh và Công an các tỉnh, thành Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương “điều tra các cá nhân, tập thể có hành vi gây rối tại trạm thu phí BOT số 1 trên quốc lộ 5 (huyện Văn Lâm – Hưng Yên), và có biện pháp ngăn chặn“.

Có lẽ, thay vì điều tra việc “trả tiền lẻ” của các tài xế, các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra chính Vidifi qua thông tin mà bài báo nêu: “Vidifi là chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và được giao quyền thu phí quốc lộ 5 từ năm 2009. Theo doanh nghiệp, nguồn thu phí quốc lộ 5 từ 2009 đến nay khoảng 1.700 tỷ đồng, chủ yếu để thực hiện duy tu và sửa chữa cho chính quốc lộ 5, chưa hỗ trợ được cho dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo quy định“.

Báo Dân Trí đưa tin: Thứ trưởng Bộ GTVT: Thu phí trên quốc lộ 5 là đúng quy định. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, “việc thu phí ở quốc lộ 5 là đúng quy định. Còn việc trả tiền lẻ không vi phạm pháp luật nên người dân có thể làm“.

Mời đọc thêm: Lái xe tiếp tục dùng tiền lẻ trả phí qua trạm BOT quốc lộ 5 (Zing). – Trực tiếp: Trạm BOT Văn Lâm đang tê liệt, quốc lộ 5 tắc kéo dài vì… tiền lẻ (Infonet). – Ôtô “trốn” trạm BOT quốc lộ 5, đường liên xã ùn tắc cục bộ (LĐ). – Lối thoát cho “cuộc chiến tiền lẻ” tại trạm thu phí BOT (LĐ). – Sẽ xem xét miễn, giảm phí cho người dân gần trạm Quốc lộ 5 (TTXVN). – Sở GTVT đề xuất trạm thu phí BOT ‘dùng bao nhiêu thì chỉ trả phí bấy nhiêu’ (TN). – Tướng Lê Quý Vương: Đất bỏ hoang, đầu tư BOT, BT tiềm ẩn tham nhũng (TP). – BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ: Đầu tư 30%, thu phí như làm mới (TP).

Chính sách thuế xiết cổ dân nghèo

Nhà báo Nguyễn Thông tiếp tục bài viết: Chính phủ thuế (phần 5 – cuối). Tác giả viết: “Ở xứ này giờ đây, miền ngược cũng như miền xuôi, thành thị lẫn nông thôn, nơi giàu cũng như nơi nghèo, chỗ nào cũng thấy công sở, trụ sở của đủ loại chính quyền, đảng, đoàn thể, đơn vị được xây cất hoành tráng, mênh mông thiên địa, phủ bóng vàng son lên cuộc sống cơ cực của dân“.

Tác giả viết tiếp: “Giá như những người cầm quyền … hãy có một chính phủ liêm sỉ (biết xấu hổ), vừa cố gắng thanh lọc bộ máy cho trong sạch (liêm), vừa biết xấu hổ (sỉ) về những điều đã làm mà xóa bỏ nó đi để dân bớt khổ nghèo, thì chính phủ ấy còn được coi là chỗ nhờ cậy, đặt vào đó niềm hy vọng. Cái sỉ đầu tiên, theo tôi, có lẽ là thuế khóa.”

Báo Tiền Phong có bài: Vì sao nhiều đề xuất tăng thuế bị phản ứng? Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, “tăng thuế VAT người nghèo chịu tác động gấp đôi người giàu là thực tế đã được nghiên cứu. Tâm lý chung không ai muốn tăng thuế, thêm giải thích thiếu khoa học và cảm tính của Bộ Tài chính khiến người ta tức giận cũng dễ hiểu”.

Mời đọc thêm: Tăng thuế VAT 2% tác động đến tiêu dùng không đáng kể (ANTĐ). – Ai nói “Tăng thuế VAT không ảnh hưởng đến người nghèo”? (NLĐ). – Tăng thuế VAT: “Người thu nhập thấp ít nhiều vẫn bị ảnh hưởng” (VnEconomy).

Vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình

Luật Khoa có bài: Hỏi và Đáp: Vụ Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam. Bài viết cho rằng, cơ sở để ông Bình kiện Chính phủ Việt Nam là “Hiệp định bảo hộ đầu tư song phương giữa Việt Nam và Hà Lan. Ông Bình kiện được vì ông ấy là công dân Hà Lan đầu tư ở Việt Nam. Công dân Việt Nam không thể khởi kiện chính phủ Việt Nam được, mà chỉ có thể khởi kiện chính phủ Hà Lan nếu có tài sản đầu tư ở Hà Lan“.

Toà Trọng tài sẽ đưa ra phán quyết trong vòng 6 tháng kể từ khi kết thúc phiên tòa hôm 30/8/2017, trừ khi “hai bên vẫn có thể thoả thuận với nhau ngoài toà và yêu cầu toà công nhận thoả thuận đó“.

Việt Nam nhận bàn giao tội phạm bị truy nã từ trung Quốc

TTXVN có bài: Trung Quốc bàn giao cho Việt Nam 2 đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt. Bài báo cho biết, hai người này là Nông Văn Phòng, sinh năm 1986, trú tại phường Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên và Khổng Văn Cường, sinh năm 1990, trú tại xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, “bị truy nã về tội giết người theo quyết định của Công an thành phố Hà Nội“.

Hai nghi can trên được phía Trung Quốc trao trả cho Đồn Biên phòng Việt Nam tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

Mời đọc thêm: Bàn giao đối tượng có lệnh truy nã cho Công an Trung Quốc (TTXVN).

Thảm họa Formosa

Thời báo Kinh tế Việt Nam có bài: Sẽ xây trạm quan trắc môi trường biển 4 tỉnh miền Trung. Hệ thống này được biết “sẽ cung cấp thông tin, số liệu, tư liệu về hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường biển miền Trung gồm không khí xung quanh, nước biển và trầm tích; cảnh báo kịp thời khi chất lượng môi trường biển miền Trung có dấu hiệu bị ô nhiễm“.

Hệ thống này do Bộ TN-MT và UBND bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế quản lý. Nhưng Chính phủ còn cho xây dựng một hệ thống giám sát môi trường biển 4 tỉnh “thông qua hệ thống quan trắc bằng công nghệ viễn thám tại Bộ Tài nguyên và Môi trường“. Với một loạt bê bối đã xảy ra, liệu những số liệu của Bộ TN-MT đưa ra có còn ai tin nữa không?

Về vụ án xâm hại trẻ em ở Vũng Tàu

LS Lê Ngọc Luân có bài: Thông tin “nóng hổi” vừa mới nhận. Ông Luân cho biết, ông mới gọi điện thoại trực tiếp cho Viện trưởng VKS TP. Vũng Tàu, Nguyễn Anh Đoan để hỏi: “Tại sao vụ án xâm hại trẻ em ở Vũng Tàu đến thời điểm này chưa có kết luận Điều tra và VKS chưa ban hành cáo trạng truy tố trước toà án?

Đáp lại câu hỏi của LS Luân là sự lảng tránh của ông Đoan. Ông Đoan nói “đã có kết luận điều tra” nhưng vẫn chưa ra cáo trạng. Còn khi LS Luân muốn hẹn lịch gặp, thì ông Đoan bảo bận họp và “có gì nói chuyện sau”.

Cũng liên quan đến chuyện hiếp dâm, báo Dân Trí có bài: Người mẹ bị hiếp dâm 2 lần viết đơn xin đi tù vì quá nhục nhã. Chị L. (SN 1983, ngụ huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) bị một người đàn ông dùng dao uy hiếp và hiếp dâm 2 lần, “nhưng cơ quan điều tra không khởi tố vụ án với lý do chị L. có cơ hội chạy mà không chịu chạy, tức là… tự nguyện quan hệ. Quá uất ức, chị L. đã viết đơn xin đi tù vì không thể chịu được tiếng thị phi”.

Chị L viết: “Tôi không còn muốn làm một công dân bình thường do các ông quản lý nữa. Tôi muốn trút bỏ. Tôi đồng ý làm một người mẹ vô tâm, vô trách nhiệm với hai cô con gái bé nhỏ của mình giống như lời ông trưởng công an huyện đã nói trước mọi người rằng tôi hãy mặc kệ hai đứa trẻ và chạy ra ngoài thoát thân tự cứu lấy bản thân tôi”.

Người Việt tha hương

Tin mừng cho người Việt Nam ở nước ngoài chăng: Việt Nam đòi Đài Loan điều tra vụ bắn chết công nhân. Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 6/9 yêu cầu Đài Loan điều tra vụ cảnh sát sở tại bắn chết một công nhân Việt, gây ra biểu tình phản đối đầu tuần này”.

Cũng tin về người Việt đi kiếm sống ở nước ngoài: Ukraine bắt 20 người Việt vượt biên trái phép. BBC cho biết: Một chiếc xe du lịch nhỏ vận chuyển trái phép 20 công dân Việt Nam đã bị bắt giữ hôm 4/9 gần thị trấn Skole, khu vực Lviv”. Cũng theo nguồn tin, những người vượt biên trái phép đã phải trả khoảng 5.000-8.000 Mỹ kim mỗi người để vượt biên.

20 người Việt sau khi bị bắt giữ vì tìm cách vượt biên trái phép vào EU. Nguồn: Facebook Vyacheslav Abroskin

Tin quốc tế

Khủng hoảng Bắc Hàn

Sau cuộc thử hạt nhân lớn nhất từ trước tới nay, bị thế giới lên án, Bắc Hàn vẫn giữ thái độ thách thức thế giới, đặc biệt là Mỹ, với đe dọa sẽ “tặng thêm quà” cho Mỹ. Đại sứ Bắc Hàn tại LHQ, ông Han Tae Song nói: “Các biện pháp tự vệ gần đây của đất nước tôi, là một gói quà không tặng ai ngoài Mỹ”.

Tuy phải đương đầu với thái độ hung hăng từ lời nói lẫn hành động của Bắc Hàn, nhưng LHQ và thế giới mới chỉ đang ở giai đoạn tìm kiếm giải pháp cấm vận kinh tế hay ngoại giao. VOA đưa tin: Lãnh đạo thế giới đau đầu tìm giải pháp ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên.

Putin cũng nhân sự việc này mà lên tiếng. Theo BBC, tại hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Hạ Môn, Trung Quốc, Putin nói: Bắc Hàn ‘thà ăn cỏ còn hơn từ bỏ hạt nhân’. Ông ta cho rằng ngoại giao là phương án duy nhất: Cấm vận và áp lực không đủ để giải quyết căng thẳng tại Bán Đảo Triều Tiên (RFA).

Nam Hàn lo lắng, giống như người chết đuối chộp được cái phao nào cũng bám vào. RFI đưa tin: Hàn Quốc cầu cứu, Nga tiếp tục kêu gọi đối thoại với Bắc Triều Tiên. Putin khuyên, không nên dồn Bắc Triều Tiên vào chân tường với những biện pháp gia tăng cấm vận mà cần phải kềm chế và tránh các hành động làm gia tăng căng thẳng”.

Lập luận của Putin được VOA thuật lại: Rõ ràng là không thể giải quyết được các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên bằng cách chỉ áp dụng chế tài và áp lực. Chúng ta không nên tùy nghi và dồn Triều Tiên vào đường cùng. Mọi người nên bình tâm và tránh các bước dẫn đến căng thẳng leo thang. Thật khó có thể đạt được tiến bộ trong tình hình hiện tại mà không có các công cụ chính trị và ngoại giao. Không có các công cụ này thì thực sự tôi tin rằng chúng ta khó có khả năng thực hiện được”.

Về phía Trung Quốc, trong vụ Bắc Hàn thử hạt nhân, TQ cũng không thể ngồi im cười khẩy, hay chọc Mỹ và thế giới trong tư thế “ngư ông đắc lợi” được, TQ cũng đang lo chiến tranh đến gần. VOA đưa tin: Trung Quốc tập đối phó ‘tấn công bất ngờ’ gần Triều Tiên. RFA có bài: Quân đội Trung Quốc tập trận đề phòng ‘tấn công bất ngờ’ gần Bán Đảo Triều Tiên.

Trong giới phân tích thời sự, có người cho rằng nên có giải pháp quân sự: Hồ sơ Bắc Triều Tiên: Giải pháp quân sự ít rủi ro nhất? Bài phân tích trên RFI viết: Đề nghị tái lập đối thoại và chấp nhận nguyên trạng mà Trung Quốc đưa ra, về lâu về dài sẽ mang lại những hậu quả tai hại. Ban đầu, Bình Nhưỡng có thể tỏ ra biết điều, phát triển vũ khí hạt nhân ở mức phòng vệ. Nhưng đây là bằng chứng cho thấy vẫn có thể vượt qua những ‘lằn ranh đỏ’ mà Hoa Kỳ vạch ra”.

Có lẽ cũng đúng thế vì Bắc Triều Tiên: 70 năm leo thang bạo lực. Bài tổng kết của RFI kết luận: Năm 2016, chế độ của Kim Jong Un đã tiến hành 24 vụ thử tên lửa và hai lần thử bom nguyên tử. Từ đầu năm 2017, nhà lãnh đạo trẻ Bắc Triều Tiên đã cho bắn 17 quả tên lửa. Trong khi đó, cha ông mới chỉ cho thử 16 lần trong suốt 17 năm đứng đầu nước Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên”.

Vì liên tục cải tiến hạt nhân nên các nhà quan sát đã phải nhìn nhận sự thực về khả năng của quả bom mà Bắc Hàn vừa thử. RFI có bài phân tích: Bom nguyên tử của Bắc Triều Tiên mạnh cỡ nào?

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chỉ đạo chương trình vũ khí hạt nhân với Ri Hong Sop (thứ 2 bên trái) và Hong Sung Mu (P). Ảnh do KCNA cung cấp ngày 03/09/2017. Nguồn: KCNA via Reuters

Bài báo viết: “Theo lời bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản ngày 06/09, năng lượng thoát ra từ vụ thử hạt nhân mới nhất của Bắc Triều Tiên được thẩm định là khoảng 160 kiloton tức là mạnh hơn gấp 10 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima vào năm 1945. Và Hàn Quốc nay tin rằng Bắc Triều Tiên đã thành công trong việc thu nhỏ một quả bom để có thể đặt trên một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).”

Việt Nam mua than Bắc Hàn

VOA có bài: Hà Nội trả lời vụ ‘Bắc Hàn xuất than sang Việt Nam’. Bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: “Là một thành viên có trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn luôn tuân thủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong đó có Nghị quyết số 2371”.

Câu trả lời “lãng xẹt”, chẳng đâu vào đâu. Lần sau Việt Nam có muốn giúp người anh em XHCN thì nên làm như đàn anh Trung Cộng, đừng mua bán những mặt hàng bị LHQ cấm nhé!

Người tị nạn Rohingya

VOA đưa tin: Liên hiệp quốc: Bạo động ở Myanmar có thể gây bất ổn khu vực. Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres ngày 5/9 kêu gọi chính quyền Myanmar chấm dứt tình trạng bạo lực nhắm vào người Hồi giáo Rohingya tại bang Rakhine, đồng thời khuyến cáo nguy cơ xảy ra nạn thanh trừng sắc tộc và bất ổn khu vực”. Được biết, đến nay đã có gần 125.000 người Hồi giáo Rohingya bỏ xứ chạy sang Bangladesh kể từ khi bạo động bắt đầu hôm 25/8.

Người dân Indonesia biểu tình phản đối Myanmar. RFA đưa tin: Hàng ngàn người Hồi giáo Indonesia biểu tình tại đại sứ quán Myanmar.

Từ những xung đột đã nảy sinh ra một nhóm bạo lực. BBC tìm hiểu: Quân đội Arkan chống chính phủ Myanmar là gì? Cho rằng một nhóm nổi dậy vũ trang người Rohinya hình thành và lớn mạnh từ năm 2016. Tổ chức viết tắt là Arsa. Theo Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (The International Crisis Group – ICG), nhóm vũ trang này nhận được huấn luyện từ bên ngoài và người Rohingya sống ở Ả Rập Saudi.

Trong khi đó, bà Aung San Suu Kyi lại biện minh cho tình trạng bất ổn. RFI cho biết: Miến Điện: Aung San Suu Kyi tố cáo “tin thất thiệt” về người Rohingya.

Ngày 06/09/2017, bà Aung San Suu Kyi đã tố cáo điều được gọi là “tảng băng sơn khổng lồ của thông tin sai lệch, được tạo ra để kích động hiềm khích giữa các cộng đồng khác nhau và để thúc đẩy lợi ích của những kẻ khủng bố”. Từ khi có quyền hành trong tay, bà này mắc bệnh về mắt hay sao, không nhìn thấy những hình ảnh các cơ quan truyền thông quốc tế đăng tải, lại phủ nhận mọi chứng cứ hình ảnh như vậy?

Campuchia triệt hạ đối lập

BBC có bài: Hun Sen: “Tôi sẽ cầm quyền thêm 10 năm”. Được biết, ông Hun Sen nắm quyền Thủ tướng đến nay đã được… 32 năm, và là một trong những nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất thế giới!

Mời đọc thêm: Thủ Tướng Hun Sen tuyên bố sẽ tiếp tục lãnh đạo Campuchia (RFA). – TT Hun Sen: Tôi sẽ lãnh đạo thêm 10 năm, ‘đừng ghen tị’ (Zing). – Campuchia yêu cầu Mỹ “tránh sang một bên” (Infonet).

Người tị nạn ở Úc được bồi thường

VOA đưa tin: Úc bồi thường cho người vượt biên bị giam ở Papua New Guinea. “Những người xin tị nạn bị giam tại một trại tù do Úc quản lý trên đảo Manus ở Papua New Guinea trong khoảng năm 2012 và 2016. Họ sẽ nhận khoản bồi thường tổng cộng 55 triệu đôla”.

Tình hình Trung Đông

TT Trump lại có thêm một đối thủ làm điên đầu vì hạt nhân nữa. Theo VOA, Mỹ không rút khỏi hiệp ước hạt nhân dù Iran không tuân thủ. Thỏa thuận này được ký kết vào năm 2015 giữa Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức và Iran nhằm đảm bảo rằng Tehran không sở hữu vũ khí hạt nhân.

Sự hiềm khích giữa Mỹ với Iran gia tăng và sự bất lực của thế giới trước Bắc Hàn đã làm Iran lên tinh thần chăng? Có khả năng, Tổng thống Donald Trump quyết định không chứng nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015 vào tháng tới”.

Trừng phạt tội ác chiến tranh tiến thêm một bước mới. BBC có bài: Quốc tế “tiến thêm một bước” đến việc xét xử tội ác chiến tranh ở Syria. Thẩm phán Pháp vừa được Liên Hiệp quốc chỉ định đứng đầu cơ chế điều tra về những tội ác ở Syria sau 6 năm nội chiến, vào ngày 05/09/2017, cho rằng quốc tế đã tiến thêm một bước đến việc xét xử các thủ phạm. Đó là việc Liên Hiệp Quốc thành lập một Cơ Chế Điều Tra Quốc Tế Vô Tư và Độc lập – MIII, ra đời tháng 12/2016, nhằm tạo điều kiện điều tra về những vi phạm nghiêm trọng ở Syria và trừng phạt những thủ phạm”.

Trump và di dân

Mỹ không còn là xứ sở của di dân nữa: Trump đóng chương trình bảo hộ nhập cư Daca (BBC). – Mỹ: Donald Trump hủy chương trình bảo vệ “Dreamers” (RFI). – Trump tuyên bố ‘rất thông cảm’ với các di dân Dreamers (VOA).

Nhưng ở châu Âu lại mở rộng cửa đón di dân. Có lẽ gió đã đổi chiều và giờ đây Âu Châu ý thức được di dân chính là tiềm năng phát triển của đất nước. VOA có bài: Tòa án EU bác phản đối của Hungary, Slovakia không nhận người tị nạn.

Putin của Nga vs Ukraina

Putin chơi chiêu ở Ukraine: Ukraina: Putin muốn một lực lượng bảo vệ quan sát viên quốc tế. Theo RFI: “Đối với tổng thống Nga, bố trí những lực lượng bảo vệ hòa bình ở Ukraina thì chẳng có gì là ‘xấu’, với điều kiện là chỉ bảo đảm an ninh cho các quan sát viên của Tổ Chức An Ninh Và Hợp Tác Châu Âu – OSCE – mà nhiệm vụ là kiểm soát việc thực thi hiệp định hòa bình”.

Đức Giáo Hoàng đến với những người đau khổ

RFI có bài: Đức giáo hoàng đến Colombia với thông điệp hòa bình, hòa giải. Ngài sẽ đến cử hành thánh lễ tại Bogota, Villavicencio, Medellin, Cartagena de Indias, những thành phố đều là những nơi mà bạo lực còn hoành hành gần đây, với những vụ bắt cóc, giết người do các tổ chức buôn ma túy và phiến quân FARC tiến hành. Người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo sẽ lắng nghe nỗi đau khổ của dân chúng và cổ vũ cho sự tha thứ hòa giải”.

Mời đọc thêm tin quốc tế: Đức cảnh báo du khách đến Thổ Nhĩ Kỳ (VOA). – Biểu tình phản đối vụ một nhà báo bất đồng bị sát hại ở Ấn Ðộ (VOA). – Christian Dior và Gucci thôi dùng người mẫu siêu gầy (BBC). – Bão Irma, mạnh chưa từng có ở Đại Tây Dương, ập vào Antilles (RFA).

Bình Luận từ Facebook