Hãy ngưng định hướng chính trị đối với nhà khoa học

Nguyễn Hồng Vũ

20-7-2021

Cảm ơn tất cả các lời động viện và ý kiến đóng góp của các bạn trong bài viết trước, khi mình thể hiện sự thất vọng với quyết định chóng vánh “loại” mình ra khỏi buổi tọa đàm online về COVID-19 của “Hiệp hội các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam” (gọi tắt là AVSE).

Thật sự thì mình cũng không biết đến tổ chức AVSE cho đến khi một chị là khóa trên của mình (tiền bối) mời mình tham gia buổi tọa đàm này và cho mình hay rằng đây là “Hội chuyên gia người Việt ở nước ngoài hiện đang có rất nhiều các hoạt động kết nối chuyên gia và tư vấn cho Việt Nam”. Và chị ấy cho mình biết là buổi tọa đàm tập trung vào việc “chuyên gia nói cho người dân hiểu, đại chúng như các post” của mình hay viết phân tích trên Facebook. Tin tức từ các báo mấy ngày qua thì mình thấy rằng chính phủ VN đang rất cần những tiếng nói của chuyên gia để định hướng chiến lược chống dịch COVID-19 cho hiệu quả nên mình nhận lời.

Vì thời lượng chương trình có hạn nên mỗi diễn giả chỉ có khoảng 10 phút để nói về đề tài mình muốn truyền tải thông tin. Là một nhà khoa học đang làm trực tiếp về vaccine COVID-19 nên đây cũng là vấn đề mình quan tâm hàng ngày, mình đề nghị là mình sẽ nói về “Tại sao chúng ta cần các “vắc xin tốt” để vượt qua đại dịch COVID-19?”. Do chỉ có 10 phút nên mình soạn 1 bài nói chỉ có 11 trang (slides) một cách dễ hiểu và súc tích nhất có thể để nói về:

– Cơ bản khoa học về vaccine.

– Các phương pháp làm ra vaccine.

– Quy trình thử nghiệm vaccine để đảm bảo an toàn & hiệu quả.

– Đánh giá các vaccine hiện nay VN đang cho phép sử dụng khẩn cấp.

– Đưa ra “khuyến cáo” dựa trên các dữ liệu khoa học và kết quả thực tế.

Mọi người nhất trí là các chuyên gia phải đồng thuận với các thông điệp mà ban tổ chức sẽ đưa ra trong chương trình, nên trước khi chương trình diễn ra các chuyên gia phải họp, thảo luận với nhau trước để tìm điểm đồng thuận giữa những chuyên gia với nhau. Mình tham gia vào ngày họp nội bộ vào sáng sớm ngày 15, tức 2 ngày trước khi chương trình diễn ra. Khi mình cho họ xem nội dung mình sẽ trình bày thì họ tỏ ra “lo ngại” trong phần mình phân tích đánh giá các vaccine dựa vào bằng chứng khoa học và kết quả thực tế.

Họ lấy lý do là dân thường dễ hoang mang và muốn mình nói theo kiểu có vaccine nào thì chích vaccine ấy, tin vào chính phủ. Mình không chịu, thì họ đưa ra đề nghị chỉ phân tích vaccine “tốt” thôi, không nói tới vaccine “kém”. Mình cũng từ chối vì nói như thế sẽ không đem lại lợi ích gì cho bà con khi chỉ cho biết “màu hồng” mà không biết xung quanh còn những “mảng tối”.

Sau buổi họp nội bộ ấy, mình thấy rằng không tìm được điểm “đồng thuận” đối với vấn đề “đánh giá vaccine” mà mình đưa ra nên mình có chủ động viết email để phân tích cách nhìn của mình tại sao phải “nói thật” và nếu muốn mình nói chuyện trong chương trình thì phải để mình nói với tư cách là một nhà khoa học phân tích vấn đề một cách khách quan, nếu không mình sẵn sàng rút nếu họ không chấp nhận được chuyện này.

Trong các email mình cũng nói thẳng là mình không đồng ý với lý do đưa ra là người dân với “nền tảng trình độ hiểu biết khác nhau” nên dễ hoang mang, mà thật sự bất cứ ai cũng sẽ có “tâm lý hoang mang lo ngại tiêm bất cứ một loại vaccine nào đó” khi chưa hiểu về chúng -> do vậy việc của những người làm khoa học là giải thích rõ cho họ hiểu những vaccine nào đáng lo ngại và những vaccine nào an toàn hơn dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học và bằng chứng thực tế.

Mình cũng đặt luôn câu hỏi cho những chuyên gia ấy rằng “thực sự mà nói nếu ai trong chúng ta ngày mai sẽ chích vaccine của Sinopharm thì có hoang mang lo ngại không khi những thông tin khoa học về chúng không rõ ràng còn các thông tin thực tế ở các nước thì rất xấu?”

Trong phần comment của bài viết trước của mình, nhiều bạn đề nghị mình làm một buổi nói chuyện khác để nói lại những gì mình chưa có dịp nói trong buổi tọa đàm “hụt” vừa qua. Dĩ nhiên là mình không ngại gì cả, nếu bạn nào quan tâm thì có thể tham gia buổi nói chuyện online khác vào Chủ Nhật sắp tới, ngày 25 tháng 7 năm 2021. Đây là buổi nói chuyện thuộc một chương trình với tên gọi là “Học với chuyên gia, trao quà người khó, lần 3” mà mình nhận được lời mời tham gia từ đầu tuần trước của anh Nguyễn Tập, làm bên báo Thanh Niên.

Mình tham gia vì thấy đây là một chương trình khá hay, phi lợi nhuận nhằm “tạo một nơi chia sẻ kiến thức từ các chuyên gia đến cộng đồng” và “gây quỹ chia sẻ với đồng bào khốn khó”. Phí tham dự là miễn phí, tuy nhiên nếu bạn nào có nhã ý thì có thể đóng góp tùy hỷ cho “Quán Cơm Nụ Cười” để ủng hộ bữa cơm 2000 đồng cho người nghèo khó. Bạn có thể xem thêm chi tiết đăng ký tham gia chương trình theo đường link của anh Tập.

Mình sẽ có khoảng 90 phút cho chương trình này, mình dự kiến sẽ nói trong khoảng 30-45 phút về vấn đề vaccine COVID-19 với những nội dung bao gồm như trên nhưng sâu hơn và rộng hơn (vì có nhiều thời gian hơn) và dành thời gian còn lại để trả lời câu hỏi của các bạn xoay quanh vấn đề về vaccine.

Tóm lại, mình hoàn toàn không đồng ý với lối suy nghĩ là làm an tâm người dân bằng cách né tránh những vấn đề mà họ cần được biết, đặc biệt những vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe của họ. Họ có thể không có quyền lựa chọn loại vaccine nhưng họ có quyền được biết vaccine nào sẽ chích cho họ và được đánh giá an toàn/hiệu quả tới đâu vì chung quy lại việc chích vaccine là tự nguyện và người được chích phải ký vào cam kết “tự chịu rủi ro”.

Bảo trọng nhe bà con.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Rõ ràng, qua bác sĩ BS Nguyễn Văn Tuấn, ngay cả hoạt động trong 1 môi trường khá là phi chính trị, ta cũng biết rõ cá nhân cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những chính kiến khá là cực đoan, phi, thậm chí phản, khoa học . Và ta cũng biết luôn qua bác sĩ BS Nguyễn Văn Tuấn, nếu không giữ cho mình 1 thái độ hoàn toàn khách quan, mọi thứ mình làm sẽ bị làm sai lệch . Từ bác sĩ BS Nguyễn Văn Tuấn tới Josef Mengele là 1 khoảng cách dài khoảng nửa đốt ngón tay .

    Chừng nào “nhà khoa học” giữ được cho mình 1 thái độ hoàn toàn khách quan, thật sự, không phải là thứ “khách quan” được làm cho duyên dáng bằng những thủ pháp ngôn ngữ gian lận & lươn lẹo, chừng đó khoa học mới không nên có “định hướng”. Thế giới chưa & chắc chả bao giờ tuyệt hảo hay toàn vẹn, in the mean time, để giữ 1 thái độ khách quan cần thiết cho khoa học, cần có những lãnh đạo đủ tâm & tầm . Ở Việt Nam thì vô vọng . Lấy ví dụ

    “Mình cũng đặt luôn câu hỏi cho những chuyên gia ấy rằng “thực sự mà nói nếu ai trong chúng ta ngày mai sẽ chích vaccine của Sinopharm thì có hoang mang lo ngại không khi những thông tin khoa học về chúng không rõ ràng còn các thông tin thực tế ở các nước thì rất xấu?”

    Data presented 1 lần, được “trí thức” Việt đưa lại, tớ lấy ví dụ nhá . Đại ý “Những y tá, bác sĩ đã được tiêm chủng, có nhiều người vẫn nhiễm virus Covid, trong đó có 4 người được tiêm vaccines của Trung Quốc”. Làm người ta tự hỏi, ngoài 4 người đã được tiêm vaccines Trung Quốc đã bị nhiễm lại, những người bị nhiễm lại -rõ ràng nhiều hơn 4 người- đã được tiêm chủng bằng cái gì ? Có nghĩa muốn chứng minh sự kém hiệu nghiệm tới độ không nên xử dụng phải trình bày data của vaccines Trung Quốc bên cạnh các data của các loại vaccines khác . i got that example từ viet-studies, 1 thứ ba, lộn, beacon of hope cho tính “khoa học” trong cộng đồng người Việt yêu Đảng . “khoa học” hahahahaha, cho cười cái!

    Đọc lại “Mình cũng đặt luôn câu hỏi cho những chuyên gia ấy rằng “thực sự mà nói nếu ai trong chúng ta ngày mai sẽ chích vaccine của Sinopharm thì có hoang mang lo ngại không khi những thông tin khoa học về chúng không rõ ràng còn các thông tin thực tế ở các nước thì rất xấu?” sau cái thí dụ đó để thấy khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phò Mỹ bài Trung của 1 người mang-danh là “khoa học”. Loại khoa học này chỉ nên được mời tới các cuộc hội thảo khoa học về tinh thần cách mạng của đồng chí Tôn Đức Thắng

    “Hội chuyên gia người Việt ở nước ngoài hiện đang có rất nhiều các hoạt động kết nối chuyên gia và tư vấn cho Việt Nam”

    Ah, hội khoa học gia yêu Đảng cũng là yêu nước . Chắc có đủ mặt anh hào từng làm cho bộ ngoại giao Việt … ok thì … Nam như Lê Hồng Hiệp

Comments are closed.