17-7-2021
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5 — phần 6 — phần 7
Mới sáng sớm, nghe lao xao, mở cửa bước ra nhìn đã thấy con hẻm cách chục thước bị giăng dây cách ly rồi. Đó là một cái ngõ nhỏ, dẫn vô mấy căn nhà toàn người ở trọ. Có vẻ như là dân ở tỉnh vào, thuê để đi làm. Họ ở gần, mà không bao giờ chạm mặt để trò chuyện được: Sáng tờ mờ họ đã đi, khuya mịt mới về. Người ở ngõ đó cũng không thấy chơi karaoke hay sinh hoạt giải trí gì. Dường như về đến nơi trọ, họ chỉ kịp ăn, ngủ vội để mai lại đi làm.
Đóng ngõ đó, không biết họ sống sao. Anh công an khu vực trẻ buổi tối ngồi gác ở trước dây cách ly một mình, có mắc một ngọn đèn nhỏ tù mù, nhìn buồn buồn như ngõ có đám tang.
Thấy tôi đi mua hàng về, anh chào. Sẵn tiện, tôi hỏi thăm là sao thấy anh chỉ có một mình vậy (ngày thường nhân viên trật tự, dân phòng… của vùng này cũng đông đúc lắm). Anh ngần ngừ rồi nói rằng ngoài các nhân viên ăn lương của chính phủ, ai nấy cũng cần chạy về nhà để lo cho gia đình lúc mù mịt này.
À. Có thể hiểu, khó khăn thật sự đang thúc mọi thành phần quay đầu, nhìn về gia đình của mình. Chỉ mới có một tuần đóng cửa, Sài Gòn đã có quá nhiều chuyện khốn khó hiện ra, ai cũng lo ngay ngáy. Việc xiết chặt phong tỏa với các cuộc tuần tra, phạt… khiến các nơi vẫn đang nỗ lực chia sẻ phần ăn của người nghèo cũng không làm được nhiều như trước. Không ở Sài Gòn lúc này, không đứng dưới đáy của cuộc sống, khó có thể nhìn thấy sóng ngầm đang run rẩy mọi nền móng thiết chế.
Mấy người lo phần cơm từ thiện ở Phú Nhuận kể rằng họ mất một ngày không tiếp cận được khách quen của mình, hôm sau mang được cơm đến, có cụ run run bóc ăn ngay vì đói từ qua đến giờ. Người phát cơm cũng muốn khóc. Gánh nặng của lẽ yêu thương cuộc đời chưa bao giờ trĩu như vậy.
Sài gòn lần đầu tiên chứng kiến những người gõ cửa xin giúp. Họ không xin tiền, chỉ xin gạo, xin nước mắm, xin ít quả cà… Một người họ Huỳnh viết trên trang fanpage Sài Gòn Chợ Lạc Xoong rằng anh bị gọi từ đêm trước để xin thức ăn, bồn chồn ngủ không được. Đến sáng chạy ra đưa thì thấy người già nhận và chắp tay lạy anh. Kể lại với giọng như muốn khóc, anh nói rằng cả đời họ Huỳnh của anh không dám nhận lạy của ai, nên đối diện với chuyện đó, đã hoảng kinh lạy trả. Sài Gòn đã run rẩy đến vậy trong hơi thở, đôi chân, tiếng gọi của kẻ khó. Ai nỡ lòng nào tự cho mình là kẻ đứng trên?
Bài viết của anh được share nhiều lắm. Nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ sau thì anh cho ẩn đi. Mấy người quen đi tìm coi lại, không thấy, thở dài và nói rằng cũng dễ hiểu thôi. Bởi đông người vào bình luận xót ruột, nói nặng về chính quyền. Như tất cả mọi người đang làm từ thiện, đang gánh vác sứ mạng đồng bào ở Sài Gòn hay Việt Nam cũng vậy, phải biết chọn cách bày tỏ. Ngay cả nói về người nghèo, phải mô tả với giọng điệu lạc quan, không được quá cùng cực. Nếu không may bị rơi vào ánh nhìn như kiểu “mượn từ thiện để bôi xấu chế độ”, mọi công việc giúp người sớm muộn gì sẽ gặp khó.
Anh họ Huỳnh đó cũng kể một câu chuyện khác.
“Em ơi cho chị xin hai phần cơm với nha, ở nhà chị còn một đứa bạn. Mấy nay tụi chị không có gì ăn, đói lắm.”
“Dạ đây, chị lấy thêm đồ ăn nè để mai có mà ăn, mua hoặc nấu thêm cơm trắng thôi!”
“Cảm ơn em, cảm ơn em nhiều lắm nha!”
“Mà chị có đi làm không, cố lên nha chị, mùa này ai cũng khó khăn!”
“Đi làm không ai dám nhận em ơi, nên chị chỉ nhận đồ gia công về làm thôi à. Mà cũng bữa có bữa không, đói miết.”
“Ủa sao không ai nhận chị, em thấy đi bán hàng cũng đỡ lắm.”
“Tại hồi đó chị làm… gái. Sau này chị có bệnh nên không làm nữa, sợ lây cho người ta mang tội. Nghiệp mình gieo giờ mình lãnh em ơi, trách chị chứ không trách ai. Giờ đi khám sức khoẻ ra giấy tờ vậy rồi ai đâu dám nhận, nên thôi. Chị cũng không biết mình còn bao lâu, bây giờ chỉ ráng sống rồi đi chùa làm công quả. Cũng mong cuối đời nhẹ gánh, kiếp sau chuộc tội…”
Bạn họ Huỳnh kể, nhìn thấy nước mắt chị ứa ra. Trong khốn khó, có khi người ta không ngại mở lại vết thương của đời mình, và trong chân thành, con người đối diện nhau cũng cảm thấy như cùng chung một niềm đau vô danh hoàn hảo. Triệu con người mang triệu tâm trạng không lời đó, đang quay quắt trong ngày tháng này. Đất Sài Gòn vẫn im lặng ôm lấy họ bao lâu nay, nay kiệt sức mới đành để lộ diện vậy.
Mới quay qua quay lại. Anh H., một anh bạn luật sư gửi cho cái tin nhắn về chuyện “đã lâu lắm rồi, Sài Gòn mới nhìn thấy người đi xin gạo qua bữa”. Mà giật mình, lại là những bạn sinh viên trẻ ở tỉnh. Kẹt ở khu cách ly thành phố. Kẹt ở mùa giãn cách mà nhiều vùng chia cắt không giúp được, họ đành phải muối mặt xin chút gạo qua ngày.
Sao chính quyền không làm như ngày xưa nhỉ? Lúc ốm đau, khốn khó, các chính quyền phong kiến Việt Nam vẫn mở kho thóc, phát chẩn cho khắp dân đen. Còn bây giờ, chỉ thấy phải làm đơn để đợi duyệt cho đúng thành phần, mở thêm cửa hàng bán cho dân, lại tăng giá điện, giá xăng…
Miếng ăn thôi mà. Một người làm dân phòng xênh xang đến chị gái lỡ đường, thậm chí đến một quan chức… Có phải cái đói luôn công bằng trong từng sự đay nghiến sao?
Năm Ất Hợi, đời Gia Long năm thứ 14 (1815), đã từng có bệnh dịch, ghi nhận thiệt hại có tới 206.835 người chết. Triều đình Huế đã xuất công quỹ 730.000 quan tiền để phát chẩn, mai táng.
Đại Nam Thực Lục ghi, Vua Gia Long ra dụ, rằng “Gần đây nghe có người đau ốm giữa đường, dân sở tại đã không nhận nuôi lại còn ruồng đuổi, chẳng chút lòng thương xót giúp nhau, phong tục ấy rất là bạc bẽo. Từ nay quân dân đi đường có người đau ốm thì chủ quản ở làng xóm đều phải tùy tiện bảo dưỡng, không được ruồng đuổi, mỗi ngày nuôi dưỡng bao nhiêu, nhà nước trả tiền, chết thì cấp tiền chôn cất, để cho kẻ còn người mất đều được nhờ ơn, không một ai phải bơ vơ thất sở. (Cấp tiền nuôi dân và quân mỗi ngày 30 đồng; cấp tiền chôn quân 3 quan, dân 1 quan)”.
Ngày xưa thì vậy. Giờ thì dân với dân, có lẽ nhanh gọn và không phiền hà phán xét gì nhau. Vậy lại nhanh hơn, và tình người hơn.
Đã là ngày 17-7 rồi. Hai ngày trước, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cam kết chi 26.000 tỷ cho người nghèo với phương thức nhanh, quả quyết táo bạo nhất, chưa từng có. Nhưng giờ thì lại không thấy dư âm gì của cuộc ra quân phát chẩn “táo bạo” ấy của chính quyền.
Cũng có thể ai đó, đã được nhận. Mừng cho họ. Nhưng còn nhiều lắm, nhiều gương mặt mệt ngoài, những đôi mắt buồn rầu chờ một tia sáng san sẻ lúc này. Sao nhà nước không dùng 26.000 tỷ đó để mua thực phẩm, hoặc đổi thành phiếu thực phẩm để phát từng nhà, từng người đang bị vây hãm khó khăn từ cuộc phong tỏa, để người không phải chắp tay lạy người, nhìn nhau, rưng rưng khắc khoải?