21-6-2021
Hiến pháp 2013 (từ Điều 58 tới Điều 60) quy định một loại chủ thể của pháp luật gây choáng vì không thể xác định được. Chủ thể đó là “xã hội”.
Tôi xin trích dẫn nguyên văn một đoạn trong các qui định đó làm ví dụ:
Điều 58, khoản 2 của Hiến pháp 2013 qui định: “Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình”.
Với qui định này, vợ thằng học trò tôi mới đi đẻ hôm qua khởi kiện “xã hội” đòi “xã hội” phải có trách nhiệm trong việc chăm sóc sức khỏe cô ta và đòi “xã hội” phải cấp dưỡng nuôi con vì “xã hội” không triển khai thực hiện kế hoạch hóa gia đình khiến cô ta vỡ kế hoạch sinh sản.
Nếu có một vụ kiện như vậy thật thì vui phải biết, và chắc là cơ quan tài phán “đứng hình luôn” vì không biết thằng “xã hội “ là thằng nào để giải quyết.
Các luật gia tư sản, khi phân loại hiến pháp, thường rêu rao rằng hiến pháp của các nước xã hội chủ nghĩa không phải là luật mà chỉ là một “tuyên ngôn cách mạng” bởi thiếu một cơ chế kiểm hiến và thiếu chế tài đối với vi phạm hiến pháp, có nghĩa là khi hiến pháp bị vi phạm thì không có một cơ chế giải quyết hiệu quả và không có chế tài để áp dụng.
Để bảo đảm cho Hiến pháp 2013 có giá trị như một đạo luật tối cao, Điều 119 của Hiến pháp 2013 tuyên bố: “Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý” (khoản 1, đoạn 3), và “Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định” (khoản 2, đoạn 2).
Dù luật chưa qui định về cơ chế bảo vệ Hiến pháp, nhưng với ý tưởng đúng đắn xem Hiến pháp là một đạo luật tối cao như vậy, nhẽ ra các GS. TS và GS. TSKH (xin lỗi một vài PGS. TS và TS điếu đóm) giúp Quốc hội soạn thảo Hiến pháp 2013 cũng phải hiểu chủ thể của pháp luật là gì để viết Hiến pháp đến nơi đến chốn chứ?
Các “giáo trình lý luận chung về nhà nước và pháp luật” của ta thường nói có hai loại chủ thể chủ yếu của pháp luật là “cá nhân” và “tổ chức” hoặc “thể nhân” và “pháp nhân”, còn “Nhà nước” là một loại chủ thể đặc biệt, thế nhưng không nói rõ bản chất chủ thể của pháp luật là gì, chỉ chép của nhau một câu đại ý là “do pháp luật qui định” hay “do ý chí của Nhà nước” mà không thấy tính chất tự nhiên của chúng. Có lẽ vì vậy mà các GS luật học không biết.
Chủ thể của pháp luật chính là chủ thể của các quyền. Trong thế giới tự nhiên, con người là chúa tể, tự cho mình các quyền và biến thế giới còn lại thành đối tượng của các quyền. Vì vậy con người luôn nói “tôi có quyền sở hữu đất đai, biển, núi, rừng, con sư tử hay con chó…), nhưng tuyệt đối không có ai nói “con chó sở hữu tôi”. Con người có một tập tính đánh giá các vật hay sự vật, hiện tượng xung quanh từ phẩm chất của con người.
Do đó nhiều trường hợp đã nhân cách hóa vật, sự vật, hiện tượng nào đó để tặng cho chúng có một phẩm chất gần giống con người, cho chúng một đời sống pháp lý, có nghĩa là cho chúng có khả năng hưởng quyền và gánh vác các nghĩa vụ pháp lý. Pháp nhân là một điển hình. Nhà nước cũng là một điển hình đặc biệt. Cho nên có một học thuyết nổi tiếng xem pháp nhân là một chủ thể giả tưởng của pháp luật. Cũng như vậy, người ta xem tầu bay, tầu biển có quốc tịch. Hiện nay người ta còn tranh cãi, robot thông minh có thể là chủ thể của pháp luật được không.
Tuy nhiên chủ thể của các quyền dẫn đến một hệ quả là chủ thể phải có tính xác định. “Xã hội” hay “thiên hạ” không thể trở thành chủ thể của pháp luật. Hoạt động giải quyết tranh chấp cho thấy rõ điều đó.
Hiến pháp 2013 viết phóng túng tới mức gây ảnh hưởng lớn tới dạy luật. Xem “Giáo trình luật hiến pháp Việt Nam” của một cơ sở đào tạo luật mà trong đó PGS. TS. Vũ Hồng Anh viết chương I, tôi thấy buồn. Thống kê các qui định liên quan tới chủ thể của Hiến pháp 2013, giáo trình này chia “chủ thể quan hệ pháp luật hiến pháp” thành 02 nhóm như sau: Nhóm 1 bao gồm: “nhân dân Việt Nam, các dân tộc, mọi người (công dân Việt Nam, công dân nước ngoài, người không quốc tịch), cử tri, tập thể cử tri, đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, những người giữ trọng trách trong cơ quan nhà nước”; Nhóm 2 bao gồm: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các cơ quan nhà nước, Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội”. Nếu liệt kê như vậy thì còn thiếu nhiều.
Lại nói thêm, trong giáo trình này, có vị GS. TS tham gia soạn thảo Hiến pháp viết một đoạn văn lý giải về cái gọi là “chính sách kinh tế” trong Hiến pháp 2013 bằng cách tra từ điển “phổ thông” hai từ tách rời nhau là “chính sách” và “kinh tế” rồi ghép nghĩa của hai từ đó lại để định nghĩa “chính sách kinh tế”. Tôi xin đưa hình ảnh trang sách đó dưới đây.
Rút kinh nghiệm: Dạy luật ở bậc đại học là dạy khoa học pháp lý, chứ không phải là dạy các quy định trong các đạo luật đang cần sửa đổi; và hãy để cho giáo trình sống lâu hơn các đạo luật!
Nếu Việt Nam biết mình, biết người, – có nghĩa là người đi sau, phải học tập, tiếp thu tinh túy của Thế giới, hay nói cách khác như Isaac Newton: „đứng trên vai những người khổng lồ“, thì riêng lĩnh vực làm Hiến pháp tại thời điểm 2013 đã có thể cho ra bản Hiến pháp chuẩn mực nhất Thế giới! Tuy vậy các vị có quyền lực chỉ vì muốn bảo vệ quyền lực của mình, không muốn bị sứt mẻ như có thể, nên đã tìm cách làm Hiến pháp theo tư duy riêng Việt Nam, nên Hiến pháp tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng vẫn lạc hậu, kém xa HP các nước khác thì cũng không có gì lạ!
““Xã hội” hay “thiên hạ” không thể trở thành chủ thể của pháp luật”
Không đơn giản là vậy . Trong những high-profile murder cases ở bên này, khi nạn nhân, rõ ràng, không còn tồn tại thì những cases đó có tên The People vs … Tòa án nhân dân hay nhân dân xử … Rồi những vụ khủng bố thuộc thẩm quyền của liên bang cũng dùng The People. Riêng Nguyễn Thái Bình #20, Jose Padilla, hình như State of NY vs … i could be wrong, nhưng lâu lâu có những vụ án mang danh tiểu bang ra xử .
Nói chớ ô Ngô Huy Cương đã trích ra “Các luật gia tư sản, khi phân loại hiến pháp, thường rêu rao rằng hiến pháp của các nước xã hội chủ nghĩa không phải là luật mà chỉ là một “tuyên ngôn cách mạng” thì tại sao tới bây giờ vẫn còn thắc mắc ? Đúng, từ “Đổi Mới” Đảng đã phản bội con đường xã hội chủ nghĩa, nhưng giấy rách phải giữ lấy lề . Có còn hơn không, có còn hơn không .