Cập nhật tình hình dịch bệnh ở VN

BTV Tiếng Dân

17-6-2021

Sáng nay, Bộ Y tế thông báo: Sáng 17-6, 159 ca COVID-19 mới với 45 ca ở TP.HCM. Trưa nay, Bộ Y tế cập nhật: Trưa 17-6: Thêm 220 ca COVID-19, TP.HCM 30 ca, Bắc Giang 178 ca. Tối nay, Bộ Y tế cho biết: Tối 17-6: Thêm 136 ca COVID-19, TP.HCM và Bắc Giang mỗi nơi 62 ca.

Tổng cộng, hôm nay ở VN có thêm 515 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 503 ca lây nhiễm trong nước, là ngày có số ca nhiễm cao kỷ lục kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở VN, phá “kỷ lục” trước đó là 444 ca lây trong nước của ngày 25/5.

Tình hình dịch bệnh ở trung tâm kinh tế của cả nước: TP.HCM có thêm 137 bệnh nhân Covid-19 sau 24 giờ, Zing đưa tin. Đây là số ca nhiễm nhiều nhất trong ngày, kể từ khi đại dịch xuất hiện cho tới nay. Trong số 137 ca nhiễm ở Sài Gòn được ghi nhận từ 18h tối qua đến 18h tối nay, có 7 ca được phát hiện qua khám sàng lọc, không rõ nguồn lây. Suốt 2 tuần qua, ngày nào Sài Gòn cũng có thêm các ca nhiễm không rõ nguồn lây, được phát hiện khi người dân đi khám bệnh khác, phát hiện bị nhiễm Covid-19.

Zing có đồ họa: Các chùm ca bệnh Covid-19 mới không rõ nguồn lây tại TP.HCM.

VTC đưa tin: TP.HCM ghi nhận 2 người mắc COVID-19 ở Hóc Môn chưa rõ nguồn lây. Đó là 2 bệnh nhân 11739 và 11741, được phát hiện qua khám sàng lọc tại các cơ sở y tế, hiện đang được điều tra dịch tễ, cư trú tại thị trấn Hóc Môn. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) đánh giá, hiện nay, mầm bệnh có thể vẫn lây lan trong cộng đồng ở thành Hồ, các chùm ca bệnh mới được phát hiện chủ yếu lây nhiễm qua tiếp xúc gần nơi cư trú, làm việc.

Covid-19 lan đến cả cơ quan công quyền ở thành Hồ: UBND quận 7 dừng hoạt động vì nhân viên dương tính nCoV, VnExpress đưa tin. Hôm nay, HCDC cho biết, đó là nữ nhân viên ở UBND quận 7, nghi nhiễm Covid-19, sống chung gia đình gồm 6 người tại quận 7. Hai người nhà của cô này đi khám tại BV quận 7, phát hiện dương tính với Covid-19. Nữ nhân viên UBND quận 7 cũng bị dương tính.

***

Tình hình dịch Covid-19 liên tục gia tăng và “cơn khát” vaccine để khống chế dịch bệnh, lại xuất hiện thông tin VN nhập gần 300 ngàn liều vaccine về nhưng… chất kho. Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Vì sao lô vắc xin 288.000 liều bị ‘mắc kẹt’ trong kho? Trong khi hàng ngàn người dân bị nhiễm bệnh, hàng triệu người khác đang chờ vaccine, thì vaccine lại chờ… cơ chế!

Lô vaccine này chỉ có hạn sử dụng 6 tháng, được nhập về từ ngày 25/5, nghĩa là đã nằm trong kho gần một tháng. Lý do mắc kẹt: VNVC đã đầu tư mạo hiểm 30 triệu Mỹ kim từ khi loại vaccine này còn trong giai đoạn nghiên cứu, để có quyền mua 30 triệu liều vaccine AstraZeneca đầu tiên cho VN.

Bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Hệ thống cung ứng của VNVC nói về “thương vụ” mạo hiểm: “Chúng tôi xác định, nếu không ngay lập tức đặt cọc, chấp nhận đầu tư mạo hiểm thì không bao giờ Việt Nam có được nguồn vắc xin số lượng lớn với giá ưu đãi”. Do vướng mắc về thủ tục, chưa có cơ chế chuyển giao vaccine giữa VNVC và Bộ Y tế, lô vaccine 288.000 liều đã bị kẹt trong kho trong hơn 3 tuần.

Bộ Y tế cho biết, Chính phủ có thông báo sẽ ban hành nghị quyết về việc mua lại toàn bộ lượng vaccine ngừa Covid-19, do AstraZeneca sản xuất mà Công ty Vacxin VN (VNVC) nhập về theo giá phi lợi nhuận, trong đó có lô 288.000 liều nói trên, đang bị kẹt trong kho.

***

Báo Lao Động có bài: Thất nghiệp vì dịch, lao động tại các khu du lịch xoay đủ nghề để mưu sinh. Kể từ khi đại dịch xuất hiện ở VN đến nay, khách nước ngoài không tới VN du lịch nữa, lượng khách trong nước cũng giảm vì các lệnh hạn chế đi lại. Từ đầu tháng 5/2021 đến nay, tỉnh Ninh Bình đã có thông báo tạm dừng hoạt động đón khách tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh để phòng dịch, khiến 100% lái đò ở đây thất nghiệp. Họ phải xoay sở đủ nghề để mưu sinh.

Một người từng làm lái đò tại Khu du lịch sinh thái Tràng An cho biết, hai vợ chồng ông làm nhân viên lái đò tại đây đã hơn 10 năm nay, thu nhập bình quân mỗi tháng từ 12 đến 16 triệu đồng. Từ khi dịch bùng phát, khu du lịch phải đóng cửa, cả 2 người bị thất nghiệp, họ phải xin đi theo các chủ máy gặt ở làng bên, gặt lúa thuê cho người dân, để có tiền đóng học cho con.

Tâm sự của người dân trong giai đoạn TP.HCM bùng phát dịch Covid-19: Người Sài Gòn mong bình yên để… về quê thăm nhà, chạy xin việc, báo Thanh Niên đưa tin. Một người ở quận Tân Bình, đã nghỉ làm, ở nhà suốt một tháng qua để trốn dịch, chia sẻ: “Trước đây cũng là hành trình như vậy, nhưng tôi còn có việc để làm, còn có thu nhập để sống… Giờ đi đâu cũng vắng vẻ, cảm giác TP buồn lắm, muốn ngồi quán cà phê nghe tiếng nhạc, nói chuyện với đôi ba người bạn cũng không được”.

Một người lao động thất nghiệp ở Sài Gòn kể: “Cả 6 tháng tôi đi tìm việc nhưng không được, ở đâu cũng nói dịch khó khăn đang cắt giảm bớt người chứ không tuyển thêm. Đợt dịch này vừa xong thì đợt khác lại đến, giờ chỉ mong bình yên để mà đi tìm việc”. Người này hiện chỉ còn cách nhặt ve chai để mưu sinh.

Mời đọc thêm: Sáng 17/6: Thêm 159 ca mắc COVID-19, riêng TPHCM là 45 trường hợpTrưa 17/6: Thêm 220 ca mắc COVID-19, Việt Nam đã có hơn 12.000 bệnh nhânTối 17/6: Thêm 136 ca mắc COVID-19, tổng trong ngày Việt Nam ghi nhận 515 ca (SKĐS). – Việt Nam ghi nhận số lượng bệnh nhân Covid-19 mới cao kỷ lụcTrạm Y tế phường An Lạc ngừng hoạt động vì 3 nhân viên nhiễm nCoV (Zing). – Một nhân viên làm việc tại UBND Quận 7 mắc COVID-19, 51 người tiếp xúc gần (Tin Tức). – Dịch Covid-19 và “biến thể virus mới” chống phá cách mạng Việt Nam (QĐND).

Cảnh giác với kit test nhanh COVID-19 không rõ nguồn gốc (Tin Tức). – 14 ca nhiễm ở điểm nhóm hội thánh truyền giáo Phục Hưng xét nghiệm lần 4 mới dương tính SARS-CoV-2 (NLĐ). – Một phụ nữ từ TP.HCM đến sân bay Nội Bài dương tính SARS-CoV-2 (VTC). – Bộ Y tế quyết định phân bổ 288.000 liều vắc xin đang nằm kho (TT). – Covid: Nhật tặng Việt Nam vac-xin, Hà Nội công bố kế hoạch tiêm chủng toàn quốcNga: Dịch bệnh gia tăng, Matxcơva buộc chủng ngừa Covid-19Nhật bãi bỏ tình trạng khẩn cấp tại Tokyo 1 tháng trước Thế Vận Hội (RFI).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. ““Một người lao động thất nghiệp ở Sài Gòn kể: “Cả 6 tháng tôi đi tìm việc nhưng không được, ở đâu cũng nói dịch khó khăn đang cắt giảm bớt người chứ không tuyển thêm. Đợt dịch này vừa xong thì đợt khác lại đến, giờ chỉ mong bình yên để mà đi tìm việc”. Người này hiện chỉ còn cách nhặt ve chai để mưu sinh.”
    -Năm 2020, Chính phủ dồn nguồn lực eo hẹp của quốc gia vào việc đẩy nhanh các dự án đầu tư công với phần lớn là các dự án giao thông. Hiệu quả của các dự án giao thông chỉ thấy được qua nhiều năm vận hành dự án. Trong khi đó, các DN vừa & nhỏ rất cần Chính phủ hổ trợ vốn nhằm thực hiện mục tiêu kép: vừa sản xuất, vừa chung sống với dịch, thì vốn lại rót nhỏ giọt. Biết rằng Chống dịch như chống giặc nhưng trong túi phải có tiền & có tiền phải đẻ ra tiền liền liền, nhưng sao lại chi tiêu cho những dự án hạ tầng dài hơi? Thật lãng phí nguồn lực quốc gia trong tình hình dịch bệnh sẽ khó kiểm soát & ngân sách nhiều năm vay mượn bù chi. Qua năm 2021, dịch bệnh hoành hành mạnh hơn năm 2020 (01 năm 12 tháng, TP.HCM đóng cửa 01 tháng theo CT15, ko biết có đóng cửa tiếp?), các DN vừa & nhỏ thoi thóp trong năm 2020 nay phần nhiều đã buông hẳn, vậy các DN vừa & nhỏ vẫn đang gắng sức cầm cự, trụ lại thì ngân sách còn có để chi ra tiếp sức? Hay chịu phép để họ rụng hết? Hay từ từ rồi tính!!!???

Comments are closed.