BTV Tiếng Dân
14-6-2021
Ổ dịch mới ở bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM đang thu hút sự chú ý của mọi người. Bắt đầu từ 3 trường hợp dương tính với Covid-19 được ghi nhận vào chiều 12/6, số người liên quan đến chuỗi lây nhiễm này đã lên thành 22 vào buổi tối cùng ngày. Đến chiều ngày 13/6, Bộ Y tế cập nhật, có 53 nhân viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM dương tính với Covid-19. Ngay cả ổ dịch ở BV Bệnh nhiệt đới TƯ ngoài Hà Nội cũng chưa từng ghi nhận mức tăng số ca nhiễm nhanh như vậy, chỉ trong 24 tiếng.
Sáng nay, Bộ Y tế cập nhật: Đã có 55 nhân viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới nhiễm Covid-19, báo Thanh Niên đưa tin. Chuỗi lây nhiễm ở BV Bệnh nhiệt đới TP HCM đã lan sang một BV khác: Hai nhân viên y tế Bệnh viện Gia Định mắc Covid-19, theo VnExpress. Hai ca nhiễm này đều là nhân viên khoa Vi sinh, trong đó có người thân của F0 trong chuỗi lây nhiễm ở BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM.
Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Vì sao nhân viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM mắc COVID-19? TS Lê Quốc Hùng, trưởng khoa bệnh nhiệt đới của BV Chợ Rẫy giải thích, người đã chích ngừa Covid-19 vẫn có thể bị nhiễm loại virus này, nhưng sẽ không có triệu chứng, không phát bệnh như cả 55 trường hợp F0 của ổ dịch BV Bệnh nhiệt đới TP HCM. Vaccine đã phát huy được vai trò quan trọng nhất là ngăn không cho triệu chứng bệnh trở nặng, gây nguy hiểm đến bệnh nhân.
Nhưng 2 chuỗi lây nhiễm ở BV Bệnh nhiệt đới TP HCM và BV Gia Định vẫn cho thấy “lỗ hổng” của chính sách chích ngừa ở VN: Chích lắt nhắt, nhỏ giọt, vaccine về đến đâu thì chích đến đấy, do VN không duy trì được chuỗi cung ứng vaccine. Một số người được chích ngừa nghĩ rằng mình được miễn nhiễm, mà không thực hiện các biện pháp ngăn ngừa khác, nên họ lây cho người chưa được chích, trong khi số người chưa được chích ngừa quá lớn.
Chương trình chích ngừa Covid-19 cần được tiến hành đồng loạt trên diện rộng, vì vaccine có thời hạn hiệu lực chứ không có tác dụng vĩnh viễn. Nhà nghiên cứu Deborah Fuller của ĐH Washington, GĐ điều hành Albert Bourla của Pfizer và TS Kathleen Neuzil của ĐH Maryland, ở Mỹ, không thống nhất về thời hạn hiệu lực của vaccine Covid-19, nhưng đưa ra giới hạn gần tương tự nhau: Từ sáu tháng đến một năm.
Điều đó có nghĩa là, tới tháng 4/2022 mà VN vẫn chưa thực hiện chích ngừa cho người dân ở mức tạo miễn dịch cộng đồng, có khả năng những người đã được chích ngừa trước đó, phải chích lại, khi vaccine được chích quá lâu, không còn hiệu nghiệm. BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc xác nhận, việc tiêm vaccine chủ yếu để bảo vệ người được tiêm không phát bệnh nặng khi nhiễm Covid-19, chứ không chắc chắn miễn nhiễm.
Zing có bài dẫn lời Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong: ‘Thủng ngay từ nhân viên BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM chứ không ở đâu cả’. Ông Phong nói về “lỗ thủng” ở ngay “thành trì” kiên cố nhất trong toàn bộ hệ thống phòng dịch của miền Nam: “Nó ‘thủng’ ngay từ nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chứ không ở đâu cả. Xem lại công tác kiểm soát thế nào. Nếu không chặt chẽ, xuất hiện dịch từ cán bộ, nhân viên của sở, ngành, quận, huyện thì ảnh hưởng thế nào đến chỉ đạo và sự điều hành chung của thành phố”.
Trưa nay, toàn bộ các quận, huyện ở Sài Gòn đều có ca nhiễm Covid-19: TP HCM thêm 26 người mắc Covid-19, Cần Giờ xuất hiện ca bệnh đầu tiên, báo Người Lao Động đưa tin. “Vành đai” của dịch bệnh xung quanh thủ phủ miền Nam chính thức khép chặt lại, khi Covid-19 đã lan đến cả góc đông nam giáp biển.
Đến tối nay, Bộ Y tế thông báo, Sài Gòn có thêm 82 ca nhiễm Covid-19 mới, TP.HCM có thêm 10 ca Covid-19 chưa rõ nguồn lây trong ngày 14/6, theo Zing. Bất chấp các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, vẫn có thêm ca nhiễm được phát hiện chỉ qua khám sàng lọc. Có nghĩa là, dịch đã có mặt khắp nơi ở Sài Gòn, các biện pháp khoanh vùng, cách ly, truy vết… không có dụng ngăn chặn dịch bệnh.
***
Trong tình hình dịch Covid-19 tiếp tục lây lan, xuất hiện cả những nơi không ngờ đến nhất, Sở Y tế đề xuất TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội 14 ngày, VietNamNet đưa tin. Đó là đề xuất của Sở Y tế thành Hồ trong cuộc họp về dịch Covid-19 sáng nay, có sự tham gia của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên. GĐ Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cảnh báo, “mầm bệnh vẫn đang âm thầm trong cộng đồng, nếu gỡ bỏ giãn cách sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh tiếp tục có cơ hội lớn để phát tán và lây lan”.
Đề xuất của Sở Y tế được chấp nhận, TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội thêm 2 tuần, VTC đưa tin. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong quyết định, tiếp tục giãn cách xã hội toàn địa bàn Sài Gòn theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng thêm 2 tuần, tính từ 0h sáng mai 15/6 tới 0h ngày 30/6. Ông Phong nói: “Trong tuần tới, tùy tình hình dịch bệnh thành phố có thể áp dụng Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 19 ở một số nơi”.
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi về vụ TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội thêm 14 ngày: Người trẻ nói gì? Một độc giả bày tỏ lý do ủng hộ quyết định giãn cách: “Bởi lẽ đến thời điểm hiện tại, tất cả quận huyện và TP.Thủ Đức đều đã có ca nhiễm Covid-19. Trong khi dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến khó lường khi mỗi ngày lại xuất hiện thêm những ca nhiễm, nghi nhiễm mới. Dịch len lỏi khắp các khu dân cư, có nhiều điểm dịch mới”.
Về việc giãn cách theo chỉ thị 15 quy định, các địa phương không được phép tổ chức hoạt động, sự kiện tập trung từ 20 người trở lên trong một phòng, đối với các khu vực bên ngoài công sở, trường học, bệnh viện, không tập trung từ 10 người trở lên, người dân được yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét. Toàn bộ các hoạt động giao thông công cộng, trừ hoạt động vận chuyển hàng hóa, đều bị tạm dừng. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ bị tạm đình chỉ, trừ các cơ sở dịch vụ thiết yếu.
Do quy định chống dịch này, ngày 3/6, các hãng kinh doanh rạp chiếu phim ở Sài Gòn gồm CGV, Lotte, BHD, Galaxy đồng loạt kêu cứu: Gần như kiệt quệ, có thể phá sản. Bởi rạp chiếu phim một khi hoạt động thì chắc chắn tập trung đông người, lại là dịch vụ bị xếp vào loại “không thiết yếu”, nên bị ảnh hưởng mọi mặt từ chỉ thị 15. Các hàng quán cũng bị ảnh hưởng nặng, hiện chỉ hoạt động cầm chừng, vì khách chỉ được phép mua món ăn, thức uống mang về.
***
Vụ gây quỹ vaccine Covid-19, RFA dẫn lời Tổng Trọng khen: “chúng ta cũng khá nhạy bén” dẫn hình ảnh cụ già, em bé đi ủng hộ quỹ vắc-xin. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về thủ thuật tuyên truyền, lợi dụng “hình ảnh những cụ già, em bé đi ủng hộ, các đơn vị đóng góp, Mặt trận Tổ quốc đứng ra tổ chức kêu gọi toàn dân hưởng ứng”. Tổng Trọng cũng là người già nhưng được cơm bưng, nước rót, không thể hiểu được tâm sự của những người già phải trích cả một phần lương hưu để góp vào màn kịch tuyên truyền.
RFI có bài về vụ Việt Nam phê duyệt vac-xin Trung Quốc: Động tác ngoại giao hơn là nhu cầu thật sự. Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp phân tích: “Trong thời gian qua, sau khi Việt Nam có ban lãnh đạo mới thì quan hệ Việt Nam -Trung Quốc có vẻ có một mức độ cải thiện nhất định, đã có các cuộc trao đổi song phương giữa các cấp lãnh đạo như chủ tịch nước, tổng bí thư, thủ tướng…
Tất cả những dấu hiệu này cho thấy có vẻ như Trung Quốc muốn cải thiện quan hệ với Việt Nam và Việt Nam cũng muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Trong bối cảnh ấy, nếu Việt Nam đón nhận vac-xin của Trung Quốc, điều này sẽ giúp củng cố thêm quan hệ song phương trong thời gian tới”.
_______
Mời đọc thêm: Sáng 14/6: Thêm 92 ca mắc COVID-19, TPHCM vẫn nhiều nhất với 30 trường hợp — Trưa 14/6: Thêm 100 ca mắc COVID-19 tại 4 tỉnh, thành phố; Việt Nam đã có 10.730 bệnh nhân — Tối 14/6: Có 80 ca mắc COVID-19 (SKĐS). – TP HCM ghi nhận 82 ca Covid-19 trong 24 giờ — ‘TP HCM còn nhiều F0 lẩn khuất trong cộng đồng’ (VNE). – TPHCM: Còn những mầm bệnh len lỏi âm thầm trong cộng đồng (TP).
– Chủ tịch TPHCM: Giãn cách xã hội toàn thành phố thêm 2 tuần (DT). – Sài Gòn ‘tiến thoái lưỡng nan’ nới lỏng ‘giãn cách xã hội’ (NV). – Cả nhà một nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM nhiễm SARS-CoV-2 — Những bệnh viện nào tại TP HCM có nhân viên mắc Covid-19? (NLĐ). – ‘Biến chủng nCoV mới nhẹ hơn, lơ lửng trong không khí rất lâu’ (Zing). – Nghiên cứu của CDC cho thấy, vaccine giúp bệnh nhẹ hơn trong một số trường hợp ít gặp vẫn bị nhiễm Covid-19 sau khi tiêm vaccine (CNN).
Học Giả Nguyễn Duy
Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân
(ca dao)
1.
Thời Mắc Dịch phải chăng Thời Siêu Thực
âm dương lập lờ ảo ảo hư hư
không có giấc mơ
chỉ toàn ác mộng
mập mờ như ngủ như thức
người và ma lẫn lộn tù mù
ta thu bóng ngồi uống trà với gió
chén rượu suông cụng với chính hồn mình.
2.
Nghe rầm trời tiếng dân đen kêu than
đứt ruột.
tiếng thở dồn người chống dịch xả thân
thắt ruột.
tiếng chim lồng trơn lưỡi véo von
sốt ruột.
tiếng mặt lì lảm nhảm ti-vi
lộn ruột.
3.
Gói hàng mã mùa này gửi cho người âm
thêm hộp khẩu trang bộ áo choàng y tế
mâm cúng cô hồn ngoài ngõ còn nguyên
cô hồn năm nay không được phép lang thang lêu lổng
hồn vía quay quay cuồng cuồng
đột quị con đường chen chúc sống
chen chúc chợ đời chen chúc hồi hương
chen chúc tiêm phòng chen chúc nhà thương
chen chúc thở
chen chúc lò thiêu xác.
4.
Có cái chết trống không như chết lậu
không trống không kèn không đèn không nhang
mùi tử khí ám ươn nhà ổ chuột
đau kiếp người sống chui chết chui.
ta thành kính vấn an linh hồn lạc
chỉ về Trời mới thật có tự do
tự do nhẹ như gió
tự do bềnh bồng như mây
tự do trong như giọt mưa trong
tự do nặng trĩu như lòng.
5.
Ta lăn lê gần hết đời người
nỗi buồn khổ nuốt tươi niềm vui sướng
ta thèm khát vô tư như cỏ
mong thảnh thơi chấm mút phút nhẹ lòng
ta đã liều mình lao vào đạn bom
trẻ liều chết nay về già liều sống.
6.
Gió sục sạo khắp trần gian dài rộng
biết chăng con người sống để làm gì?
giết chóc triền miên suốt nhiều nghìn năm
tích tụ máu có thể làm thuỷ điện?
bức tử nước bức tử rừng bức tử bầu khí quyển
bức tử trời xanh hay bức tử chính mình?
dịch bệnh bung toang không hề hư vô
là kiếp nạn hay đòn trừng phạt?
lời sấm truyền ngày tận thế tự thân
hay điềm báo Trời thay nhân loại khác?
con người hiền lương con người nhân đức
gian ác vừa thôi kẻo hết đất làm người!
7.
Thời mắc dịch ngồi uống trà với gió
lời ruột gan ta tự vấn hồn mình…
Nguồn Mạng