2-6-2021
Tôi là người duy nhất trong giới đại học lên tiếng phản biện về đào tạo chứng chỉ chức danh nghề nghiệp bên cạnh tiếng kêu thống thiết của giáo viên phổ thông. Nay đã có kết quả ban đầu: Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Nội vụ đã thống nhất trình Chính phủ cắt giảm số lượng chứng chỉ áp đặt theo các thông tư trước đó.
Cảm ơn và hoan hô các bộ đã lắng nghe và sửa đổi. Trong đó có vai trò rất quan trọng của Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, hai lần gửi báo cáo về những bất cập, bất hợp lý của loại hình đào tạo, bồi dưỡng có tính buôn chữ bán giấy này.
May mà các lãnh đạo đã lắng nghe chứ không nói cái giọng độc tài: chỉ là ý kiến cá nhân của anh!
Vì sao giới đại học không ai lên tiếng và các giáo viên phổ thông chỉ kêu rên công khai sau khi có tôi vạch ra những bất cập, bất hợp lý sau một thời gian đào tạo, bồi dưỡng tưởng chừng khá suôn sẻ?
Là bởi trong lịch sử giáo dục, lần đầu tiên nồi cơm của các trường đại học, cao đẳng đầy lên như niêu cơm Thạch Sanh. Các trường thi nhau gom hồ sơ, thi nhau mở lớp và thi nhau thu học phí với một số lượng khổng lồ. Chỉ trong vòng một tháng, có trường đại học và cao đẳng thu hàng chục tỷ đồng từ tiền của giáo viên phổ thông. Nhiều giảng viên chen chân vào dạy các học phần, bất luận các học phần đó có thuộc hiểu biết chuyên môn của mình không. Và thế là ai mạnh chân chạy đua các cửa, người đó ấm túi!
Nghề dạy học bây giờ đã thành nghề đào mỏ. Lớn đào lớn, nhỏ đào nhỏ. Đào đến cày xới cho hết chỗ để đào.
Trong khi giáo viên phổ thông thì méo mặt nộp hồ sơ, học phí cho bất cứ trường nào, trung tâm nào, thậm chí cho dân chợ đen, để có được chứng chỉ đưa vào hồ sơ xếp hạng ngạch, xếp lương. Khi đi dạy các lớp này, thấy nhiều giáo viên tâm sự trong nước mắt về việc buộc phải vay nợ nần đóng cho các loại bằng cấp, chứng chỉ để được nhồi nhét những thứ tri thức nhảm nhí và vô bổ, tôi bảo vì sao các bạn không lên tiếng?
Các bạn đều nói: phòng, sở không chỉ bắt ép mà còn đe doạ không được lên tiếng. Có người nói: “em vừa học xong chứng chỉ nâng hạng thì phòng, sở bảo phải học giữ hạng nữa mới chấp nhận. Vậy là phải học hai lần với số học phí nhân đôi. Vô lý là học nâng hạng trước, học giữ hạng sau”.
Áp lực vì cái gọi là hạng ngạch, nhiều giáo viên bạc hết tóc rồi mà phải đóng học phí học một lúc 3 lớp: lớp đại học liên thông, lớp nâng hạng, lớp giữ hạng, chưa tính các loại chứng chỉ lặt vặt khác.
Lòng tham làm cho con người, dù là nhà giáo dục, không việc ác gì họ không dám làm!
Vừa rồi đi dạy hệ liên thông, gặp một số giảng viên dạy lớp hạng ngạch than phiền ngay trước mặt tôi: “Này ông. Tôi đang dạy lớp hạng ngạch cho giáo viên tiểu học và mầm non. Đã không thấy học viên mời ăn uống, quà cáp, họ còn cho nhịn khát cả buổi. Một cử chỉ hay tiếng chào cũng không. Các ông đào tạo ra loại giáo viên gì không biết chút lễ nghĩa vậy?”
Tôi phải bật cười: “Có đến gần một nửa học viên đang học lớp liên thông tôi đang dạy, sáng nay năn nỉ xin tôi sang học lớp hạng ngạch bên đó. Dạng háng học một lúc hai lớp đấy. Bớt đòi hỏi đi. Họ chưa cho uống nước bẩn là may!”
*Ghi chú: Tôi còn ba bài nữa để nói cho hết thực trạng đào tạo, bồi dưỡng chứng chỉ hạng ngạch. Ở trong còn lắm điều hay!
Bẩn thỉu thay cho ngành giáo dục xhcn : giáo viên cấp trên bóc lột trắng trợn tâng lớp Giáo viên cấp thấp
Trong các loại công chức thì đông đảo nhất là thầy cô tiểu học và trung học.
Trên 1 triệu người.
Được quản lý cả triệu người, điều thích thú nhất là nghĩ ra những cách hành hạ các thầy cô.