Bản tin ngày 27-5-2021

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Trong cuộc họp báo chiều nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng về thông tin Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông, báo Người Lao Động đưa tin. Ngày 24/5, Hải quân TQ thông báo về cuộc tập trận bắn đạn thật gần đây ở Biển Đông, trong đó các máy bay chiến đấu TQ dội đạn dược vào các mục tiêu trên biển.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng trả lời một cách vô thưởng vô phạt: “Duy trì hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia trên Biển Đông là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm và nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế”. Bà Hằng kêu gọi, “các bên nỗ lực đóng góp có trách nhiệm vào vấn đề này”

VTC có clip: Việt Nam lên tiếng việc Trung Quốc tập trận ở Biển Đông.

VTC đưa tin: Philippines tính xây dựng trái phép ở đảo Thị Tứ, VN yêu cầu tôn trọng chủ quyền. Khi được đề nghị cho biết phản ứng của VN trước thông tin Philippines chuẩn bị tiến hành dự án sửa chữa, nâng cấp đường băng và cơ sở hạ tầng trên đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa, bà Thu Hằng trả lời:

“Như đã nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp và vô giá trị”

Trước đó, vào ngày 4/5, Philippines công bố kế hoạch xây căn cứ hậu cần lớn ở Biển Đông đối phó TQ. Tướng Cirilito Sobejana, người đứng đầu các lực lượng vũ trang Philippines nói về kế hoạch cải tạo đảo Thị Tứ, mà họ gọi là Pagasa: “Chúng tôi đã đưa ra đề xuất biến Pagasa thành một trung tâm hậu cần để các tàu của chúng ta, thay vì quay trở lại thành phố Puerto Princesa để tiếp nhiên liệu, sẽ lấy nguồn tiếp tế ở đó”.

Cũng trong buổi họp báo, người phát ngôn nói về việc Mỹ sắp chuyển giao tàu tuần tra cỡ lớn cho Việt Nam, theo báo Người Lao Động. Bà Hằng cho biết, hai phía Mỹ – VN tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, hợp tác an ninh hàng hải và nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển. 

Trước đó, ngày 19/5, báo My Edmonds News ở Mỹ công bố một số hình ảnh về tàu tuần duyên USCGC John Midgett (WHEC 726). Con tàu đã được sơn mới với cờ VN và dòng chữ “Vietnam Coast Guard” (Cảnh sát biển VN). Bộ Ngoại giao Mỹ cũng xác nhận, tàu John Midgett đang ở Seattle, bang Washington, để có những điều chỉnh và huấn luyện cuối cùng trước khi bàn giao cho VN cuối tháng 5/2021. Việc bàn giao thêm 2 tàu này sẽ hoàn tất kế hoạch của Mỹ dự định bàn giao 3 tàu cảnh sát biển cho VN. 

Báo Thanh Niên đưa tin: Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông. Theo thông báo của Cục Hải sự Quảng Đông, từ 8 giờ đến 15 giờ hôm nay, quân đội TQ tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Vạn San thuộc tỉnh Quảng Đông, ở phía bắc Biển Đông. TQ cấm các tàu thuyền nước ngoài vào khu vực tập trận. Trước đó, ngày 30/4, Cục Hải sự Quảng Đông thông báo về cuộc tập trận ở phía tây bán đảo Lôi Châu, tức khu vực vịnh Bắc Bộ, từ ngày 1 đến ngày 31/5. 

Báo Thanh Niên thống kê, từ đầu năm đến nay, chưa đầy 5 tháng, quân đội TQ (PLA) đã tiến hành ít nhất 18 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có 6 cuộc tập trận ở vịnh Bắc bộ, theo các thông báo của Cục Hải sự TQ. Còn trong năm 2020, PLA đã thực hiện ít nhất 20 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có 9 cuộc tập trận ở vịnh Bắc bộ và 5 cuộc tập trận xung quanh quần đảo Hoàng Sa của VN mà TQ chiếm đóng. 

Báo Tuổi Trẻ có bài: Mỹ và EU gặp riêng thảo luận những lo ngại về Trung Quốc, Biển Đông. Ngày 26/5, các nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã gặp nhau tại Brussels, vương quốc Bỉ, để thảo luận một loạt lo ngại của họ về TQ. Đại diện phía Mỹ là Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman, còn đại diện EU là người đứng đầu Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) Stefano Sannino. Đây là cuộc gặp đánh dấu việc nối lại quá trình đối thoại chiến lược cấp cao Mỹ – EU về TQ.

Tuyên bố chung của 2 bên sau cuộc gặp, lưu ý về “tình trạng vi phạm quyền con người ở Tân Cương và Tây Tạng, sự xói mòn quyền tự trị và các quá trình dân chủ ở Hong Kong, hành vi cưỡng ép kinh tế, các chiến dịch tin tức giả, và các vấn đề an ninh khu vực, cụ thể là tình hình ở Biển Đông”.

Mời đọc thêm: Trung Quốc rầm rộ tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông, Việt Nam lên tiếng (VTC). – Việt Nam lên tiếng về hoạt động của Philippines, Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông (TT). – Yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam (TTXVN). – Mỹ gọi, vì sao Trung Quốc không trả lời? (TG&VN). – Quan chức đặc trách châu Á của Mỹ: Kỷ nguyên can dự với Trung Quốc đã hết (Tin Tức). – Trung Quốc ra mắt mẫu drone tàng hình đủ sức cạnh tranh B-21 Raider của Mỹ (DNVN). – Mỹ toan tính gì khi không để lại tàu sân bay nào ở châu Á? (Zing). 

“Củi” ở thành Hồ

Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Bộ Công an khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với Hồ Văn Ngon, cựu Phó Tổng GĐ, thành viên HĐTV Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI), cùng 2 đồng phạm khác.

Đây là diễn biến mới trong quá trình mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại SAGRI, nơi ông Lê Tấn Hùng từng làm Tổng GĐ. Ông Hùng là em của cựu Bí thư thành Hồ Lê Thanh Hải. Công an đã ra quyết định bổ sung, khởi tố vụ án hình sự “Che giấu tội phạm” xảy ra tại SAGRI.

Mời đọc thêm: Khởi tố thêm 3 bị can liên quan vụ án tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (VOV). – Khởi tố thêm 3 bị can vụ sai phạm tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (VNN). – Nguyên Phó Tổng Giám đốc Sagri cùng hai đồng phạm bị khởi tố (GT). 

Vụ Belarus bắt cóc nhà báo đối lập

Thông Tấn Xã VN đưa tin: NATO ra tuyên bố lên án vụ Belarus ép chuyển hướng máy bay Ryanair. Ngày 26/5, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tuyên bố, “lên án mạnh mẽ” vụ máy bay Ryanair bị ép hạ cánh tại thủ đô Minsk của Belarus hôm 23/5, cũng như vụ bắt giữ nhà báo Roman Protasevich.

Theo NATO, hành động “không thể chấp nhận” này đã “vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn quản lý hàng không dân dụng và gây nguy hiểm đến tính mạng của hành khách và phi hành đoàn”. NATO ủng hộ các lời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập khẩn cấp đối với vụ bắt cóc. 

Hôm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga thông báo, Matxcơva đang nỗ lực bảo hộ một nữ công dân Nga bị giữ ở Minsk, theo An Ninh Thủ Đô. Người phát ngôn Maria Zakharova cho biết, Moscow đang “nỗ lực hết sức” để bảo đảm quyền lợi của cô Sofia Sapega, công dân Nga, là người bị tạm giữ ở thủ đô Belarus, cùng với người bạn trai là nhà báo Roman Protasevich. Bà Zakharova nói: “Chúng tôi đang làm mọi thứ để đảm bảo rằng quyền của công dân Nga được tôn trọng”

Zing đưa tin: Thêm bằng chứng cho thấy Belarus cố tình ép máy bay hạ cánh. Để viện cớ cho hành động không tặc, chính quyền Belarus đưa ra lý do họ nhận được thông báo chiếc máy bay của hãng Ryanair bị “khủng bố”. Nhưng hãng cung cấp nền tảng ProtonMail khẳng định, email “đe dọa đánh bom” chỉ được gửi sau khi đài kiểm soát không lưu tại Minsk thông báo với phi hành đoàn việc trên máy bay có bom.

Reuters dẫn lại thông báo hôm nay của ProtonMail: “Chúng tôi không thấy bằng chứng đáng tin cậy để xác nhận tuyên bố của phía Belarus. Chúng tôi sẽ hỗ trợ nhà chức trách châu Âu điều tra vụ việc nếu được yêu cầu”. Hãng Daily Beast của Mỹ cũng phát hiện, email “đe dọa” được gửi 24 phút sau khi Belarus thông báo máy bay của Ryanair có bom. 

Báo Tiền Phong có bài: Tổng thống Belarus nói nhà báo bị bắt ‘âm mưu tiến hành cuộc nổi loạn đẫm máu’. Trong phát biểu đầu tiên sau vụ không tặc cấp nhà nước, Tổng thống Alexander Lukashenko nói: “Như chúng tôi dự đoán, những đối tượng xấu ở nước ngoài và ở Belarus đã thay đổi phương thức hành động của mình. Họ đã vượt qua nhiều ranh giới đỏ, và từ bỏ lẽ thường cũng như đạo đức con người”. Những lời “gắp lửa bỏ tay người” để cố thanh minh cho hành vi bắt cóc một đôi trai gái trở về sau chuyến du lịch. 

Hậu quả của hành động không tặc: Máy bay khách của Belarus phải quay đầu vì bị Pháp cấm cửa, VietNamNet đưa tin. Chiều 26/5, một máy bay Belarus, số hiệu 2869 của hãng hàng không Belarus Belavia, đang chở 56 hành khách, từ thủ đô Minsk tới TP Barcelona của Tây Ban Nha, buộc phải quay đầu vì bị Pháp không cho bay qua không phận.

Do bị phía Pháp từ chối bay vào không phận nước này, chiếc máy bay Belarus đã phải bay khoảng 2 giờ trên không trước khi quay trở lại Minsk. Kiểm soát không lưu Pháp giải thích, họ làm theo lệnh của Thủ tướng Pháp. Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn viên Cơ quan Dịch vụ Định vị Hàng không Ba Lan Pawel Lukasiewicz xác nhận vụ việc: “Phi công nhận được thông tin từ chúng tôi rằng không phận Pháp đã bị phong tỏa … và ông ấy có thể gặp vấn đề khi tiến vào”.

Phản ứng lại vụ máy bay phải quay đầu vì bị cấm cửa vào Pháp, Belarus nói Paris ‘không tặc’, theo VTC. Anatoly Glaz, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Belarus, lên tiếng: “Thành thật mà nói, đây thực chất là hành vi không tặc… Đây là vụ việc nghiêm trọng và là hành động trái đạo đức”. Máy bay Belarus không hề bị bắt cóc, chỉ bị ép quay lại, nhưng phía Belarus cho rằng đây là vụ “không tặc”. Đó là tư duy ngược của những kẻ phục vụ chế độ độc tài. 

Mời đọc thêm: Belarus khẳng định sẵn sàng mời lãnh đạo Nga, Mỹ cùng đối thoại (TTXVN). – Belarus cáo buộc nước ngoài giật dây biểu tình chống chính phủ (GT). – Bị Pháp “cấm cửa”, máy bay Belarus lòng vòng trên không 2 tiếng trước khi buộc phải quay đầu (TĐ). – Cấm cửa máy bay Belarus, EU bị tố là “không tặc” (NLĐ). – Tin thế giới 27/5: EU tính ‘kế’ trừng phạt Belarus; Nguy cơ Azerbaijan-Armenia kích ngòi nổ; Trung Quốc nổi giận vì mệnh lệnh của ông BidenTổng thống Belarus Alexander Lukashenko và 27 năm cầm quyền đầy tranh cãi (TG&VN). – Những vụ máy bay bị ép hạ cánh gây chấn động (Zing). 

***

Thêm một số tin: Một bà ở Bắc Giang bị phạt tiền vì post Facebook ‘gạch tên Nguyễn Phú Trọng’ (NV). – Vì sao nhiều người theo dõi livestream của bà Phương Hằng, chủ Khu du lịch Đại Nam? (RFA). Trung Quốc không cho quan chức ngoại giao dự phiên xử blogger Australia gốc Hoa (VOA). 

Bình Luận từ Facebook