Giáo sư Tương Lai từ bỏ Đảng Cộng sản

BBC

2-9-2017

Giáo sư Tương Lai: ‘Những gì đã cũ kỹ, hư hỏng trong bộ máy quyền lực duy trì chế độ toàn trị phản dân chủ sẽ bị lật nhào’. FB Tương Lai

Nhà trí thức bất đồng hàng đầu của Việt Nam chọn ngày Quốc khánh để từ bỏ Đảng Cộng sản và muốn đi tìm một “phương thức đấu tranh mới”.

Quyết định này được Giáo sư Tương Lai mô tả là “giọt nước tràn ly” khi có động thái khai trừ tư cách đảng viên của ông sau sự kiện ông tổ chức tưởng niệm nhà dân chủ hàng đầu của Trung Quốc là ông Lưu Hiểu Ba tại nhà riêng.

Ông mô tả ‎”người ta định vu khống” và “bằng mọi cách khai trừ nhưng chưa khai trừ được vì đảng viên trong chi bộ chưa đồng ý”.

Tuy nhiên nguyên Viện trưởng Xã hội học Việt Nam nhận định rằng đằng nào người ta cũng sẽ có một cuộc họp vào ngày 23/9 để xét khai trừ vì ông đã “động đến Trung Quốc”.

Trong tuyên bố được chia sẻ trên mạng xã hội ngày 02/09, Giáo sư Tương Lai viết:

“Chọn hôm nay, ngày Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố trước thế giới và với quốc dân đồng bào lý tưởng và mục tiêu chiến đấu nhằm xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thể hiện trong Hiến Pháp 1946 để đưa ra tuyên bố này là nhằm khẳng định lý tưởng và mục tiêu nhất quán của tôi, không hề là một quyết định nhất thời bởi những nhân tố ngẫu nhiên”.

Giáo sư Tương Lai mô tả trong khi ông “kiên trì dấn thân” vào cuộc đấu tranh làm thay đổi thực trạng của hệ tư tưởng giáo điều, bảo thủ đang dìm đất nước trong trì trệ lạc hậu, và “nhẫn nhục tiếp tục ở lại trong Đảng” thì sự hậu thuẫn trực tiếp của nhà cầm quyền Bắc Kinh đang thao túng Đảng khiến Đảng này “không còn gì là Đảng của Hồ Chí Minh nữa”.

Ông nói hiện nay chưa có một lực lượng chính trị nào đủ mạnh để có thể thay thế được đảng đang nắm quyền bằng hệ thống “chuyên chính vô sản” được cài cắm đến tận cơ sở”.

Tuy nhiên nhà bất đồng này lạc quan rằng sự đấu tranh của “từng đảng viên có lương tri, sự quyết liệt của của cuộc đấu tranh đòi dân chủ, đòi quyền sống trong các tầng lớp nhân dân đang dâng lên ngày càng mạnh mẽ.

“Những gì đã cũ kỹ, hư hỏng trong bộ máy quyền lực duy trì chế độ toàn trị phản dân chủ sẽ bị lật nhào” và rằng “vấn đề chỉ còn là thời gian,” Giáo sư Tương Lai viết.

Gs Tương Lai mô tả ông “không hề đơn độc” bởi trong Đảng còn nhiều người mà ông gọi là “đảng viên giữ được lý tưởng và phẩm cách đảng viên Đảng của Hồ Chí Minh”.

“Họ đã và đang thầm lặng nung nấu ý chí chiến đấu và bằng những cách riêng của mỗi người đã, đang và sẽ đấu tranh làm cho Đảng trong sạch trở lại, xứng đáng với vai trò lịch sử mà Đảng của Hồ Chí Minh từng có để cùng dân tộc đi tới trong bối cảnh mới. Đương nhiên, trong bối cảnh mới ấy, mục tiêu và phương thức đấu tranh phải thích ứng với đòi hỏi mới của cuộc sống đang thay đổi từng giây từng phút để dẫn tới những đột phá.

“Tôi phải tìm một phương thức đấu tranh mới. Tôi sẽ chiến đấu trong tư thế, và chỉ bằng tư thế đó của một đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam của Hồ Chí Minh suốt mấy chục năm qua kể từ lúc vào Đảng cho đến những thời kỳ tha hóa ngày càng trầm trọng của một bộ phận chóp bu thao túng, làm băng hoại uy tín và tính chất trong sáng của Đảng, đặc biệt là từ đại hội X,” nhà trí thức bất đồng hàng đầu của Việt Nam viết trong tuyên bố.

Trong cuộc phỏng vấn với Quốc Phương của BBC về cuộc tưởng niệm ông Lưu Hiểu Ba ở Sài Gòn hôm 16/7/2017, Giáo sư Tương Lai nói cho biết sự kiện này có sự tham gia của một số thành viên trong nhóm nhân sỹ, trí thức ở Sài Gòn, nhóm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, cùng một số nhân vật khác, trong đó có các ông Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu v.v…

“‘Ở Việt Nam hiện nay, ngọn lửa Lưu Hiểu Ba cũng âm ỷ cháy và bừng sáng trong những con người Việt Nam quả cảm, đang đấu tranh cho khát vọng dân chủ và tự do và cho quyền con người.

‘Những người ấy cũng đã bị nhà nước… này bắt giam như đang giam cầm Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – mẹ Nấm… và bao nhiêu người khác nữa. Chúng tôi nói rằng họ đang ở tù thay cho chúng tôi, vì chúng tôi cũng đang đấu tranh cho mục tiêu của họ đang đeo đuổi.

‘Tưởng niệm Lưu Hiểu Ba cũng là để làm nóng lên ý trí quật cường bất khuất của người trí thức Việt Nam, của người đấu tranh cho nhân quyền, cho khát vọng dân chủ và tự do,” nguyên thành viên tổ tư vấn chính phủ Việt Nam thời các thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nói với Quốc Phương của BBC.

 

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Ông này làm giáo sư, mái đầu đã bạc trắng mà còn hoang tưởng một ngày chủ nghĩa cs được sửa chữa theo lý tưởng Hồ Chí Minh ? Ông là ai? Hay ông muốn bỏ đảng cs Nguyễn Phú Trọng để đầu quân đảng cs Nguyễn Tấn Dũng làm “người tử tế”???

  2. Những ông những bà có bằng cấp (bất kể thật hay giả) dĩ nhiên là phải hành xử khôn ngoan hơn người; họ có 1001 lý do để giải thích những gì họ đã làm, đang làm, chưa làm và không làm.

    Đòi hỏi họ dấn thân đã khó, đòi hòi họ phải minh xác lập trường càng khó hơn, và nếu đòi hỏi họ thẳng thắn thừa nhận “đã sai lầm” thì hầu như bất khả.
    Thứ nhất vì họ rất “khôn ngoan”, họ phải giảm thiểu tối đa sự “nguy hiểm” cho bản thân họ. Thứ hai, nếu nhận là “đã hoàn toàn sai lầm” trong một giai đoạn nào đó thì …. “khó lòng” cho “cái tôi” của họ quá. Nhất là, họ đã mất cả một thời gian dài đăng đẳng đứng về phía đảng và nhà nước để “ngậm miệng ăn tiền”, hoặc chỉ lên tiếng ấm ớ, kiểu “vô thưởng vô phạt” (hiểu sao cũng đúng!!!).

    Có nhiều người đã ra khỏi đảng ngay sau khi miền Nam bi nhuộm đỏ vài năm, có những người phải mất hơn mười năm một tí (như hai ông Huỳnh Nhật Hải và Huỳnh Nhật Tấn*), cũng có những người đợi đến lúc gần chết như ông Lê Hiếu Đằng mới chịu hát bài “giã từ” ĐCSVN.

    Nếu nhìn “toàn diện” sự việc, thì hình như các ông, các bà càng có bằng cấp cao (Tiến sĩ, hàm GS, phó GS gì đó) càng tốn nhiều thời gian cân nhắc (ngu như tôi thì cho là “để ngậm miệng ăn tiền” và an toàn bản thân, thì có lẽ thỏa đáng hơn).

    Nếu bản chất không thay đổi, thì cái tên gọi có cần đặt thành vấn đề không?
    Người Bắc gọi “cây roi”, người Nam gọi “cây mận” cũng chỉ là cái cây cho cùng một loại quả thôi mà.

    Lý tưởng ư? Đảng chính trị nào chẳng mang lý tưởng vì dân vì nước, vì công bằng xã hôi để kêu gọi ủng hộ. Có đảng chính trị nào dại dột thừa nhận đảng trưởng của họ được “nước lạ” đào tạo, tranh đấu để “lợi quyền đều vào tay họ” (khi họ thành công, đâu cần phải giả nhân giả nghĩa nữa)? Có đảng chính trị nào thừa nhận đảng trưởng của họ phải xin chỉ thị của ông X lãnh đạo của nước W, ông Y lãnh đạo của nước C không?

    Yêu nước ư? Khó thể tìm một công dân nào không yêu quê hương, đất nước nợi họ sinh ra và lớn lên cả!!!

    Vậy thì đừng lạm dụng “lý tưởng và yêu nước” chỉ nằm trên lý thuyết nữa;

    Xin hãy nhìn thẳng vào những chuyện mà lãnh đạo đảng và đảng chính trị đó đã và đang làm để đánh giá một cách trung thực hơn.

    Cũng xin nhắc lại: lời nói, lời hứa hẹn của một/những người cầm đầu một đảng chính trị, khi chưa cầm quyền chẳng có giá trị bao nhiêu cả (vì có thể họ phải che đậy cái mục đích thật sự của họ), lý tưởng chỉ có giá trị sau khi họ đã cầm quyền – được thực hiện đến đâu và bằng cách nào thôi.

Comments are closed.