29-4-2021
Đây là thắc mắc của rất nhiều người gửi đến tôi, một câu hỏi mới nghe thì quá hợp lý phải không? Đối với các vụ án ma tuý lớn, giết người man rợ, giết trẻ em… thì không cần phải luật sư cũng có thể nhận định nghi can sẽ chịu mức án cao nhất “Tử hình”. Luật sư đương nhiên phải hiểu, vậy tại sao vẫn nhận lời bào chữa vì có tài năng cỡ nào cũng không thay đổi được? Rồi sao luật sư đi bảo vệ cho cái ác? Chắc là vì tiền đây…
Có vài điểm chia sẻ ngắn đến tất cả mọi người, hi vọng ai đọc sẽ hiểu thêm đặc thù của nghề luật sư.
1) Về nguyên tắc và quy định pháp luật thì “không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực của toà án”. Có những thứ đằng sau và ẩn sâu bên trong mắt thường chúng ta không thể nhận ra sự thật là ở đâu. Ví dụ ta tận mắt chứng kiến một người dùng dao đâm nhiều nhát vào người khác thì ai cũng nghĩ đó là hành vi phạm tội giết người nhưng không phải vậy. Nếu người cầm dao đâm bị tâm thần thì không bị xem là có tội. Hay nói cách khác họ vô tội.
Đó cũng là lý do vì sao để kết tội một con người buộc phải trải qua quá trình điều tra rất chặt chẽ theo quy định pháp luật tố tụng hình sự mới có thể nhận định một người có tội hoặc không? Tội nặng hay nhẹ; tội bị điều tra truy tố có đúng không…vv. Do đó, pháp luật bắt buộc phải có luật sư bào chữa (chỉ định) đối với các nghi can đang bị điều tra ở khung hình phạt chung thân hay tử hình.
Đó cũng là lý do Luật Luật sư và đạo đức nghề nghiệp cấm luật sư hứa kết quả với Khách hàng hay thân chủ dù Thân chủ hỏi nhận định kết quả trước (sự thắc mắc của Thân chủ rất hợp lý) thì luật sư cũng không bao giờ được hứa. Nếu hứa là bị tước thẻ ngay lập tức. Hành trình bào chữa/bảo vệ một vụ án là cả quá trình, công sức luật sư bỏ ra là nằm ở quá trình ấy, có thể nhiều tình tiết phát sinh nhưng nếu luật sư có kinh nghiệm có thể qua thông tin tiếp nhận ban đầu ít nhiều dự đoán được từ đó có phương hướng bảo vệ cũng như đường đi sau đó sao có lợi nhất cho Thân chủ dựa trên pháp luật và sự thật.
2) Về kinh nghiệm và trải nghiệm thực tiễn qua năm tháng hành nghề. Nếu một luật sư nhận bào chữa cho Thân chủ mà biết 99% hoặc thậm chí 100% bị tử hình thì việc có luật sư cũng vô cùng đặc biệt quan trọng. Đó là, trong giai đoạn điều tra chỉ có luật sư mới được gặp Thân chủ của mình, người nhà không bao giờ gặp được (trừ khi Công an cho phép nhưng với các án như vậy hầu như không được gặp). Việc gặp của luật sư là cầu nối với gia đình, có thể trao đổi và nhắn gửi những điều quan trọng để gia đình không lo lắng quá mức rồi thực hiện những hành vi tiền mất, tật mang.
Đối với vụ án thế này, đặc biệt là ma tuý. Khi gặp Thân chủ, luật sư có thể trao đổi, trấn an… và trong một số trường hợp có thể cứu được cái chết cho Thân chủ. Đó là vào thời khắc quyết định, chính Thân chủ nói với luật sư về một nguồn tin tội phạm đặc biệt nguy hiểm hoặc giúp công an phá được vụ án nào đó lớn thì Thân chủ từ việc chắc chắn “Tử” qua “Sống” vẫn xảy ra. Nhưng nếu không có luật sư, nghi can có thể sẽ không bao giờ thực hiện vì nhiều lý do: không tin; sợ…
Mặt khác, khi vụ án nào đó Thân chủ và qua tường thuật của dư luận, báo chí ai cũng nghĩ bị Tử hình nhưng chính sự tham gia của luật sư đã mổ xẻ và cùng cơ quan tiến hành tố tụng phân tích chứng minh với vai trò của Thân chủ thì không thể tử hình…
Thêm chi tiết, những nghi can bị bắt có những trường hợp họ biết không thể thoát án tử nhưng rất tha thiết có luật sư. Trong giai đoạn điều tra hoặc khi kết thúc điều tra được gặp và tâm sự với luật sư với họ là một Đặc ân và ân Huệ lớn lao. Chúng tôi có khoảng mấy thân chủ như vậy, có thời gian rảnh là sắp xếp vào trại để gặp, dù không phải vì công việc nhưng vẫn vào để Thân chủ được ra ngoài ngồi, được “thở”, được “nhìn bầu trời…”, được nói chuyện “trên trời dưới đất” với luật sư. Rồi được luật sư lau những giọt nước mắt cho sự ân hận quá muộn màng. Với họ, những giây phút ấy là vô cùng tuyệt vời thiêng liêng… Nếu cuối cùng vẫn bị tử thì không quá day dứt và thanh thản ra đi cho một kiếp sau tốt hơn.
Giá trị nhân văn của nghề/người luật sư nằm ở điểm này. Không thể đong, đo, đếm được bằng tiền. Tiền nào có thể mua được khoảnh khắc ấy?
Đặc biệt, có những trường hợp khi mới nghe qua ai cũng nhận định Tử hình bao nhiêu lần cũng không hết tội vì mô tả của báo chí và dư luận quá sức man rợ mất hết nhân tính nhưng thực tế họ bị oan. Minh chứng có nhiều bị cáo rất nhiều lần điều tra, truy tố và xét xử tuyên “phải chết” nhưng cuối cùng được minh oan.
Vài dòng chia sẻ ngắn coi như là giải đáp thắc mắc chung cho những ý kiến đã hỏi. Bài viết này chỉ là quan điểm cá nhân dựa trên trải nghiệm nghề nghiệp, có thể đúng với người này hoặc người khác thì chưa đúng.
P/S: Nụ hôn tiễn biệt của Văn Kính Dương – người bị y án tử hình. Tôi không bình luận về tấm hình này, chỉ muốn chia sẻ rằng, trong mỗi con người ai cũng có một tình yêu và chỉ người trong cuộc mới biết và hiểu rõ nhất! Thôi thì nụ hôn ấy có thế nào, sai hay đúng, uy nghiêm chốn công đường hay không, nhưng nếu được, hãy mỉm cười Từ Bi cho một kiếp người vậy!
Nụ hôn củ tử thần.
Cảm ơn lời trần tình của tác giả.
Nhìn bức ảnh ” nụ hôn ly biệt, gặp lại kiếp sau” , họ cũng là con người nhưng chế độ không đáp ứng được những điều tử tế tối thiểu cho con người dẫn đến họ hành động cực đoan và họ sẵn sàng chấp nhận quả báo xấu. Họ còn hơn vạn kẻ xưng danh ” nhân sĩ trí thức… gờ sờ, tờ sờ”