Hoàng Điệp
25/6/2017
TTO – Trong phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt 16,5 tỉ đồng của ông Cao Toàn Mỹ, bị cáo Trương Hồ Phương Nga đã xin được thực hiện quyền im lặng và không khai báo.
Minh họa: DAD
Từ vụ án này, vấn đề pháp lý đặt ra là Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành quy định quyền im lặng như thế nào? Quyền thực hiện quyền im lặng của bị can, bị cáo đến đâu?…
Cần tôn trọng “quyền im lặng”
Ông Bùi Quang Sơn, phó chánh án TAND tỉnh Bến Tre, cho biết trong Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi 2003 tuy quyền im lặng chưa được quy định, nhưng Hiến pháp 2013 và Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (mới được thông qua, nhưng những điều khoản có lợi cho bị can, bị cáo đã được áp dụng) có quy định trong những điều luật cụ thể về việc bị can, bị cáo không khai báo, mà chúng ta hiểu đó là “quyền im lặng”.
“Tại khoản 2 của điều 59, khoản 2 điều 60, khoản 2 điều 61 quy định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.
Giải thích về quyền này, luật gia Nguyễn Tấn Thi (Hội Luật gia TP.HCM) cho rằng quyền im lặng là một quyền được bị can, bị cáo lựa chọn. Khi họ đã yêu cầu áp dụng quyền im lặng đối với mình thì các cơ quan tố tụng cần tôn trọng.
Cũng theo luật gia Thi, khi bị can giữ quyền im lặng thì những lời khai của bị can trước cơ quan điều tra sẽ được sử dụng làm căn cứ để buộc tội bị can trước tòa án mà không thể thay đổi trừ khi có những chứng cứ khách quan khác bác bỏ hoàn toàn lời khai của bị can, bị cáo.
Im lặng cả khi ra tòa
Trong vụ án hoa hậu Phương Nga lừa đảo chiếm đoạt tiền của Cao Toàn Mỹ, tại phiên tòa sơ thẩm lần 2, Nga tiếp tục xin được giữ quyền im lặng với cả phần xét hỏi của HĐXX và đại diện cơ quan công tố. Lý do Nga đưa ra, là mọi lời khai đã được khai trong phiên tòa trước, do đó sẽ không khai thêm nữa.
Nói về vấn đề này, trung tướng Trần Văn Độ – nguyên phó chánh án TAND tối cao – cho rằng tại khoản 4 điều 209 Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi 2003 có quy định về việc bị cáo không khai báo trong phần xét hỏi của phiên tòa.
Hoa hậu Phương Nga trong phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt 16,5 tỉ đồng của ông Cao Toàn Mỹ. Ảnh: TTO
Theo đó, điều luật này quy định tại phiên tòa, trong giai đoạn xét hỏi nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi thì HĐXX, kiểm sát viên, người bào chữa… tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án.
Như vậy, kể cả khi phiên tòa được mở thì bị cáo cũng có quyền từ chối không trả lời về những câu hỏi của tòa. Tất nhiên, với những câu hỏi có lợi cho bị cáo để có thể chứng minh bị cáo không phạm tội thì bị cáo trả lời.
Tuy nhiên, nếu bị cáo không khai báo thì HĐXX có thể sử dụng những lời khai khác phù hợp với bằng chứng khách quan của vụ án để xét xử.
“HĐXX có thể căn cứ vào các lời khai khác và bằng chứng của vụ án, nếu đủ căn cứ buộc tội thì buộc tội, còn không đủ căn cứ buộc tội thì phải trả hồ sơ hoặc tuyên bị cáo không phạm tội” – trung tướng Độ nói thêm.
Sử dụng lời khai nào?
Trong khi đó, luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng việc bị cáo Nga sử dụng quyền im lặng trong phiên tòa công khai, kể cả không khai báo với luật sư bào chữa cho mình, là đã hiểu sai về quyền im lặng.
Vị này cho rằng tại phiên tòa là cơ hội để bào chữa cho mình thì bị cáo lại im lặng, như vậy là tự đánh mất quyền bào chữa.
Tuy nhiên, thạc sĩ Vũ Thị Xuân Nhuệ – kiểm sát viên Viện KSND TP.HCM – cho rằng tất cả lời khai của bị cáo và bằng chứng chứng minh nếu được thu thập hợp pháp đều được sử dụng tại phiên tòa.
Bà Nhuệ còn khẳng định lời khai của bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm được mở trước đó cũng sẽ được sử dụng vì nó là lời khai hợp pháp.
Trách nhiệm của HĐXX là đánh giá những lời khai đó với những chứng cứ, lời khai, vật chứng khác thu thập được trong quá trình điều tra truy tố xét xử để đưa ra phán quyết của mình.
Điều 64 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành quy định: chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định mà cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội.
Luật hiện hành cũng quy định chứng cứ được xác định bằng vật chứng, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo…
“Như vậy, biên bản phiên tòa là một trong những chứng cứ quan trọng để xem xét tiếp vụ án trong trình tự tiếp theo của thủ tục tố tụng. Nếu bị cáo nhất quyết không khai tại phiên tòa thì lời khai của bị cáo đã khai trước phiên tòa sơ thẩm và được ghi vào biên bản của vụ án là một nguồn chứng cứ để xem xét, đánh giá” – một thẩm phán tòa hình sự TAND TP.HCM kết luận.
Theo cáo trạng của Viện KSND TP.HCM cũng như phần trình bày của Phương Nga tại tòa, sau khi bị khởi tố và bắt giam, Phương Nga không có bất cứ lời khai nào với điều tra viên. Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất (tháng 9-2016), bị cáo phủ nhận toàn bộ cáo trạng về việc lừa đảo ông Cao Toàn Mỹ bằng cách mua nhà giá rẻ. Nga giải thích số tiền 16,5 tỉ đồng đó là tiền thực hiện hợp đồng tình cảm chứ không phải bị cáo lừa ông Cao Toàn Mỹ. |
Các nước quy định “quyền im lặng” ra sao? Quyền im lặng là quyền được luật pháp công nhận trực tiếp và gián tiếp ở 108 hệ thống pháp luật trên thế giới. Quyền này cho phép bị can, bị cáo từ chối trả lời, bình luận hay khai báo thông tin bất lợi cho mình và người thân của mình. Ở Đức, tòa án tối cao không có quyền đưa ra bất kỳ kết luận nào trong trường hợp bị cáo chọn im lặng trong giai đoạn điều tra và xét xử. Tuy nhiên, cảnh sát có quyền đưa ra kết luận trong trường hợp bị cáo chọn im lặng đối với một số câu hỏi, ý kiến liên quan đến vụ việc. Ở Mỹ, bất kỳ người nào bị cảnh sát tra hỏi đều được thông báo về quyền im lặng (quyền Miranda), trừ một số trường hợp như chất vấn nhân chứng tại hiện trường, tình nguyện cung cấp thông tin… |