Tội của nhà làm luật?

Ngô Huy Cương

25-3-2021

Cách đây khá nhiều năm, anh Hải tôi (PGS. TS. Luật sư Phạm Hồng Hải) và ông CT (lúc đó là Chánh Tòa Hình sự TANDTC) cùng một vài người nữa tới nhà tôi chơi bóng bàn và nhậu.

Ông CT nói “Hôm nay tao quyết 05 trường hợp tử hình”. Tôi hỏi “Vậy anh có tâm trạng gì không?”. “Tao chẳng có tâm trạng gì vì thằng làm luật nó bảo tao là phải tử hình”, ông CT trả lời.

Tôi suy nghĩ mãi về điều đó cho tới giờ vẫn chưa thôi.

Phản biện cho một luận văn thạc sĩ luật học viết về hòa giải trong tố tụng dân sự, tôi hỏi một câu hỏi đơn giản là “Bản chất pháp lý của hòa giải thành trong tố tụng dân sự là gì?”.

Tôi được học viên (thẩm phán) trả lời bằng cách đọc nguyên văn một đoạn văn trích từ khoản 1, Điều 212 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 rằng: “Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự”. Tôi lại hỏi tiếp qui định đó đúng hay sai. Tôi lại nhận được câu trả lời bằng việc nghe đọc lại qui định đó nguyên văn một lần nữa. Tôi hơi bực và nói rằng nếu bạn không biết bản chất pháp lý của hòa giải thành thì làm sao bạn biết được qui định đó đúng hay sai và mục đích qui định thời hạn như vậy để làm gì và giải quyết được vấn đề gì.

Những ví dụ như vậy quá nhiều trong đào tạo luật ở các cơ sở đào tạo luật ở nước ta. Nhưng tôi luôn luôn nhận được một câu biện bạch từ các học viên đại khái rằng: bọn em làm thực tiễn nên không nắm vững hay quên lý thuyết rồi, hoặc bọn em chỉ thi hành, áp dụng luật thôi chứ có làm luật đâu.

Đối với luật, lý thuyết (lý luận) và thực tiễn là một, không thể tách rời. Bất kỳ kiến thức nào trong chương trình cử nhân luật học mà người học không sử dụng được trong hoạt động thực tiễn sau này thì lỗi trước hết là của cơ sở đào tạo luật.

Việc để cho nhà làm luật viết luật văng mạng, thậm chí viết xong không giải thích nổi tại sao mình viết thế, thì cũng là lỗi tại các cơ sở đào tạo luật.

Đáng tiếc rằng các cơ sở đào tạo luật lại lấy ba cái qui định trong các văn bản qui phạm pháp luật cần sửa như vậy làm tiêu chuẩn.

Tôi cũng lấy làm lạ: Nếu học viên đi học mà chỉ nghe diễn giải lại bằng lời lẽ thông thường ba cái điều luật ở trong ba cái văn bản cần chỉnh sửa thì đi học để làm gì cho tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc.

Nên nhớ tới giả định lớn nhất là “Không ai được xem là không biết luật”!.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Pháp luật Việt Nam không chỉ luật kém (phải sửa, thay đổi xoành xoạch), mà cao hơn Hiến pháp cũng đã có những điểm yếu kém không nên có – vì Thế giới họ làm chuẩn, thì lí do gì VN yếu kém, nếu không nói do chủ ý. Còn sau này phát hiện luật (từ hình) sai, thì chả riêng luật, mà cả ai áp dụng máy móc – dù phát hiện nó sai, – hay trình độ dốt nát không hiểu luật đó sai – thì cũng coi như „đồng phạm“!

Comments are closed.