Từ lá phiếu đến thảm họa: Khi dân chủ lạc hướng và mạng người trở thành cái giá

Hoai Linh Ngoc Duong

9-7-2025

Ngày 5/11/2024, một lần nữa nước Mỹ chứng kiến Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. Những lá phiếu đổ dồn về cho ông không chỉ phản ánh một nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc, mà còn mở ra một thời kỳ mới đầy bất ổn, nơi mà những giá trị về khoa học, an sinh xã hội và cảnh báo thiên tai bị xem nhẹ trước khẩu hiệu “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” – lần thứ hai.

Ngay sau khi nắm quyền, Trump thúc đẩy thành lập DOGE – viết tắt của Department of Government Efficiency (tạm dịch: Bộ Hiệu Quả Chính Phủ). Nghe có vẻ hiện đại và hợp lý, nhưng thực chất đây là một cơ chế kiểm soát, cắt giảm nhân sự và ngân sách hàng loạt với danh nghĩa “chống lãng phí” và “tối ưu hóa bộ máy”. Một trong những nạn nhân đầu tiên chính là Cơ quan Dự báo Khí tượng tại Kerrville, Texas – khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của các trận mưa lớn, lũ quét và biến đổi khí hậu cực đoan.

DOGE vung “lưỡi hái tử thần cải cách”: Cắt giảm nhân sự từ 26 người xuống chỉ còn 11, khiến hệ thống cảnh báo sớm bị tê liệt. Các radar vùng đồi Texas hoạt động kém hiệu quả, dữ liệu không được phân tích kịp thời, cảnh báo không được phát đi đủ sớm. Và rồi, vào một đêm mưa tháng 7/2025, nước tràn về như thác đổ – nhưng người dân không hề biết. Kết quả: Hơn 100 người thiệt mạng, trong đó có cả trẻ em, người già, phụ nữ mang thai – những người không có thời gian để chạy trốn.

Một số nạn nhân trong số cả trăm người bỏ mạng vì trận lũ đầu tháng 7/2025. Nguồn: Daily Mail

Khi ấy, Tổng thống Trump vẫn tiếp tục đẩy mạnh đạo luật được ông quảng bá là “Big & Beautiful” – một nỗ lực cắt giảm mạnh tay các chi tiêu công, trong đó có phúc lợi xã hội, hỗ trợ thiên tai và y tế cộng đồng. Một quốc gia không thể chỉ mạnh nhờ những khẩu hiệu, cũng như không thể “tiết kiệm” bằng cách hy sinh an toàn và mạng sống của người dân.

Thảm họa ở Texas không chỉ là do mưa lớn hay biến đổi khí hậu. Đó là hệ quả trực tiếp từ một chuỗi sai lầm chính trị, được hợp pháp hóa qua lá phiếu cử tri. Chính người dân – trong cơn giận dữ, mỏi mệt hay ảo tưởng – đã dâng quyền lực vào tay một người vốn xem nhẹ khoa học, chống lại thể chế chuyên gia, và biến nhà nước thành sân khấu của những màn trình diễn mang tính cá nhân, chứ không phải một thiết chế phục vụ cộng đồng.

Dân nào – chính quyền đó

Từ vụ lũ quét đẫm máu, một bài học đau đớn hiện ra rõ ràng: Quyền lực của dân chủ không nằm ở biểu tượng, mà nằm trong trách nhiệm gắn liền với lá phiếu. Một quyết định sai trong phòng phiếu có thể mở ra cánh cửa cho những chính sách tàn bạo, duy ý chí, vô trách nhiệm. Khi người dân chọn nhà lãnh đạo không dựa trên lý trí, sự thật và đạo đức, mà dựa vào cảm xúc, thù hận hoặc ảo tưởng – thì chính họ đang rút ngắn khoảng cách giữa mình và vực thẳm.

Có thể nói, tội ác không chỉ nằm ở kẻ ra lệnh, mà còn ở tập thể đã lựa chọn sai người ra lệnh. Không phải ngẫu nhiên mà dân gian từng đúc kết: “Dân nào – chính quyền đó”. Không có chế độ nào tự nhiên sinh ra – nó là hình ảnh phản chiếu của cộng đồng đã chọn nó, dù bằng niềm tin mù quáng hay sự thờ ơ.

Thảm họa tại Texas năm 2025 là một tấm gương đau đớn cho nền dân chủ Mỹ – và cả thế giới. Nó cho thấy sự thật đơn giản nhưng nghiệt ngã: Một lá phiếu sai không chỉ khiến chính trị đi lùi, mà còn có thể khiến sinh mạng con người bị chôn vùi trong bùn đất.

Lá phiếu không chỉ là quyền – đó là trách nhiệm. Và trách nhiệm ấy, nếu buông bỏ hay sử dụng sai, sẽ để lại hậu quả không thể sửa chữa.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây