21-12-2024
Năm 2017, lãnh đạo TP Hà Nội (anh Chung ‘con’) cho rằng, loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, do vậy cần đánh giá, rà soát, nếu thấy không hiệu quả thì mạnh dạn đề xuất bỏ đi.
Dân chúng hân hoan, kể từ nay mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng là không phải nghe loa phường.
Cũng năm đó theo chỉ thị của anh Chung con, Sở Thông tin và Truyền thông đã lấy ý kiến người dân, có 3.149 bình chọn và trong đó có tới 89,65% cho rằng không cần thiết phải duy trì hoạt động của loa phường. Trong khi đó, số bình chọn cho rằng có cần thiết, nên duy trì chỉ là 3,68%; có cần thiết nhưng phải đổi mới là 6,67%.
Dẫu dư luận như vậy, Hà Nội quyết định giữ nguyên loa phường và năm 2022 còn có Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn thành phố. Theo đó, trong vòng ba năm, Thủ đô phấn đấu 579 xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư.
Thiết kế loa phường là một chiều nên dư luận phản đối thì kệ mẹ dư luận.
Không hiểu quận Tây Hồ có thuộc loại ưu tiên nhưng làng Trích Sài của tôi sáng/chiều nào cũng ông ổng loa phường, đọc toàn những tin thời sự có trên mạng, đầy rẫy trên smartphone, chả hiểu ai cần nghe thời sự qua loa phường.
Mỗi phường chi hàng trăm triệu cho lắp đặt ban đầu, rồi hàng năm cũng tốn hàng trăm triệu cho phát thanh viên, duy tu, bảo dưỡng. Riêng Hà Nội có gần 600 phường/xã/thị trấn, ước tính tới 60 tỷ đồng/năm cho mục đích tuyên truyền không ai nghe, mà khán giả cho rằng vừa phí vừa thô lỗ.
Tới đây, cùng với việc tinh giảm bộ máy thì Sở Thông tin và Truyền thông sẽ không còn. Thiết nghĩ, các vị đang có việc làm dựa vào loa ông ổng thì hãy ngồi viết CV mà đi tìm việc.
Dân tây có câu “Small action big change – cú hích nhỏ nhưng thay đổi lớn”, và tinh giản ngon ăn nhất là hãy bắt đầu từ… loa phường.