Phẩm chất quan trọng nhất mà các chính trị gia cần có

Vũ Hoàng Linh

7-12-2024

Đọc kỹ hơn về tiểu sử Yoon Suk-yeol (trước kia khi ông này lên làm Tổng thống, mình chỉ đọc lướt qua) thì thấy hoàn toàn có thể làm một bộ phim về ông này, một con người có quá nhiều mâu thuẫn khó lý giải. Xuất thân từ một gia đình trí thức có bố mẹ là giáo sư Đại học, ông cũng học hành bài bản, tốt nghiệp thạc sĩ Luật Đại học Quốc gia Seoul, tức là mọi thứ tưởng như quá bằng phẳng. 

Nhưng không phải như vậy, thời sinh viên khi phong trào Dân chủ Gwangju xảy ra nhằm phản đối lệnh thiết quân luật và tướng Chun Doo Hwan thẳng tay đàn áp, gây ra cuộc thảm sát ô nhục nhất trong lịch sử Hàn Quốc thì ông cùng các bạn học ngành Luật của mình tổ chức phiên toà giả định, kết án Chun tội tử hình, và vì thế phải trốn tránh một thời gian dài trước khi tình hình lắng xuống.

Hãy hình dung cảnh một người sinh viên ở Đại học Seoul ngay giữa thủ đô, dám làm việc đấy công khai, kết án kẻ có quyền lực nhất nước tội tử hình trong khi kẻ đó mang xe tăng đến để nghiền nát những con đường Gwangju, giết chết có lẽ tới 2.000 người, mà hầu hết là các sinh viên ở lứa tuổi anh ấy.

Sau này, khi Hàn Quốc có chế độ dân chủ thì Chun quả thực đã bị kết án tử hình vì vai trò của ông ta trong vụ việc này (sau được giảm tội do tuổi già), đúng như Yoon từng đưa ra. Nhưng cũng mỉa mai thay khi chính Yoon khi lên làm Tổng thống, lại thiết lập thiết quân luật y như Chun từng làm với các lý do gần như tương tự Chun đưa ra (technically thì lệnh đó không phải do Chun đưa ra mà do Thủ tướng đương nhiệm nhưng Thủ tướng lúc đó chỉ là bù nhìn do Chun và nhóm tướng lĩnh ra lệnh).

Yoon cũng không phải may mắn trong con đường công danh lúc đầu. Ông ta phải thi 9 lần mới đỗ chứng chỉ hành nghề Tư pháp (mà có thể lý do do phiên tòa giả định kia). Trở thành công tố viên Seoul và sau này thành Tổng trưởng công tố Hàn Quốc, ông nổi danh bởi tính độc lập, cứng rắn và kiên quyết chống tham nhũng khi truy tố và đưa vào tù hai Tổng thống Hàn Quốc (một đương, một cựu), Thái tử Hyundai, các lãnh đạo cấp cao Samsung và hàng trăm doanh nhân nổi tiếng khác.

Ông cũng không sợ cả NIS (Cơ quan tình báo Hàn quốc, từng có quyền lực kinh khủng thời độc tài quân sự) khi truy tố hàng loạt các quan chức cao cấp nhất của tổ chức này.

Cho tới 2021, ông vẫn là người chưa đảng phái. Nhưng với những thành tích chưa từng có trong lịch sử tư pháp Hàn Quốc (và có lẽ của cả thế giới) thì việc một người còn khá trẻ, khoẻ và sung sức như thế nghỉ hưu là điều khó có thể xảy ra. Và ông chọn tham gia chính trường ở tuổi 61, gia nhập đảng Quyền lực Quốc dân PPP (chính là đảng của cựu Tổng thống Park mà ông từng tống vào tù) và tranh cử Tổng thống như một tiếng nói của công lý và trật tự xã hội.

Nếu không có sự tham gia của ông thì đảng PPP hẳn sẽ thất cử trong cuộc bầu cử này sau những bê bối tham nhũng và lạm quyền của bà Park nhưng với tên tuổi của mình, Yoon đã thắng cử trong một cuộc bầu cử sít sao nhất từng có trước đối thủ của đảng Dân chủ (chính là người lãnh đạo hiện nay của đảng này ở Quốc hội) vào năm 2022.

Thế nhưng, khi trở thành Tổng thống thì những ưu điểm từng giúp ông thành công trên cương vị Công tố viên như quyết đoán, cứng rắn, kiên trì… lại thành nhược điểm.

Yoon dường như không biết hay không có khả năng thoả hiệp, một trong vài phẩm chất quan trọng nhất mà các chính trị gia cần có. Ông ta liên tục đưa ra những chính sách độc đoán, đột ngột không quan tâm tới phản ứng của người dân như tăng giờ làm việc tối đa hàng tuần từ 52 giờ lên 69 giờ, bị phản ứng dữ dội và phải huỷ bỏ, tăng kiểm soát cảnh sát (dẫn tới các cuộc biểu tình của cảnh sát) hay cách ứng phó kiểu độc đoán, mệnh lệnh với việc các bác sĩ đình công (khiến ngành y tế Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng).

Kết quả là, ông càng ngày càng bị cô lập trong vị thế của mình và với mức tín nhiệm thấp thứ nhì trong lịch sử (trước Thiết quân luật chỉ là 17% và thăm dò hôm qua thì chỉ còn 13%), chỉ cao hơn nữ Tổng thống Park khi bà ta bị luận tội và truất phế.

Thêm vào đó, điểm yếu của ông còn là người vợ xinh đẹp, luôn mặc đồ hiệu từ đầu tới chân, có bằng tiến sĩ và kém ông 12 tuổi. Trong khi các phu nhân Tổng thống trước kia thường đóng vai trò người vợ, nội trợ toàn thời gian và là người hỗ trợ chồng – các vai trò được coi là chuẩn mực trong các gia đình Hàn Quốc trung và thượng lưu, thì bà Kim, có bằng TS nghệ thuật, rất tích cực tham gia kinh doanh và hoạt động xã hội, làm chủ tịch quỹ này, quỹ kia…

Và bà liên tục có scandal: Từ gian lận, thao túng cổ phiếu (chính là thứ mà phe đối lập lấy làm lý do để đề nghị luận tội bà ba lần ở Quốc hội) cho tới trốn thuế, cho tới nhận hối lộ khi tổ chức chương trình nghệ thuật, cho tới những scandal liên quan tới học thuật như đạo văn ở bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ, nguỵ tạo CV… Nói tóm lại là có vẻ như bà sống một lối sống theo phông bạt như rất nhiều cháu trên thread hiện nay.

Phe đối lập tích cực khai thác điểm yếu này, tấn công bà này trên mọi mặt trận, từ truyền thông cho tới diễn đàn Quốc hội. Và họ gài bẫy bà khi cho một mục sư mà bà có quen biết đến tặng bà chiếc túi Dior 2.200 đô-la. Theo quy định thì bà không được nhận quà này hoặc nếu nhận thì sẽ phải khai báo và nộp lại cho Nhà nước để xung công quỹ, nhưng chắc do tính đãng trí mà nhiều bà vợ các quan chức hay mắc phải, bà đã không làm điều đó. Viên mục sư tất nhiên có mang theo máy ghi âm và thế là tén tèn ten, tên bà Kim nổi nhất trên báo mạng Hàn Quốc.

Và thế là mọi sự cứ cuốn theo đà mất kiểm soát. Có lẽ Yoon cảm thấy rằng dường như đấy là cuộc tấn công vào cá nhân của ông ta. Hay nói như lời nghịch đảo của Michael Corleone: It’s not business. It’s personal. Ông ta ghim lại tất cả những ai chống đối ông ta nhiều nhất và bàn bạc với hai người bạn và đàn em cánh hẩu: Bộ trưởng Quốc phòng và Giám đốc Phản gián Quân đội, để tiến hành Thiết quân luật và nhân dịp đó bắt bớ hết cái bọn vẫn hay chửi vợ chồng ông và chống đối những gì mà ông làm, dù đó là Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo đảng phái hay nhà báo, nhà hoạt động xã hội.

Hẳn lúc đó ông vẫn nghĩ mình như một Tổng trưởng Công tố, tôi chỉ cần ký lệnh bắt và chuẩn bị một tập hồ sơ thật dày, là mọi sự sẽ xong. Nhân dân sẽ hiểu tấm lòng của tôi là muốn làm trong sạch bộ máy… Nhưng đời đâu phải dễ thế. Những nước đi của ông khi tiến hành Thiết quân luật thật sự khiến những ai quan sát chính trị, hay chỉ cần hay xem phim về chính trị, sẽ phải ngạc nhiên vì sự phi lý, thiếu chuẩn bị và ngớ ngẩn của nó.

Một công tố viên xuất sắc hoàn toàn có thể là một Tổng thống tệ nhất. Và câu thành ngữ “tốt mái, hại trống” có lẽ cũng đúng trong trường hợp này.

Lại nhớ tới một bà cũng từng là Đệ nhất Phu nhân ở một nước, cũng xinh đẹp và ăn mặc sành điệu, có ông chồng cũng đang ngày đêm nơm nớp không biết vận mệnh pháp lý của mình sẽ ra sao.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. A di đà Phật! “Trông người lại ngẫm đến ta”, nhân dân nói không sai! Tổng bí thư Tô Đại tướng và các “đầy tớ của nhân dân” hãy nghiền ngẫm cho kỹ hai sư kiện Syria và Hàn Quốc để thức tỉnh/có Tâm Phật trước khi “tình hình trở nên quá muộn”: “Nước xa không cứu được lửa gần (nước Nga của Putin) và “thanh kiếm và lá chắn” (của tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol). A di đà Phật! Thiền sư Thích Nhất Đảng

  2. A di đà Phật! “Trông người lại ngẫm đến ta”, nhân dân nói không sai! Tổng bí thư Tô Đại tướng và các “đầy tớ của nhân dân” hãy nghiền ngẫm cho kỹ hai sư kiện Syria và Hàn Quốc để thức tỉnh/có Tâm Phật trước khi “tình hình trở nên quá muộn”: “Nước xa không cứu được lửa gần (nước Nga của Putin) và “thanh kiếm và lá chắn” (của tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol). A di đà Phật! Thiền sư Thích Nhất Đảng

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây