20-11-2024
Nay, người ta nô nức chúc mừng, ăn mừng vào “Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11” mà gần như quên đứt đi lịch sử cũng như nội dung, ý nghĩa của nó. Nhắc đến, có chăng chỉ là một thói quen thuần túy ngôn từ.
20.11 là ngày quốc tế Hiến chương các nhà giáo. Năm 1946, ở Paris người ta thành lập một tổ chức quốc tế các nhà giáo mang tên: “Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục” (Féderation International Syndicale des Enseignants) viết tắt là FISE. Ba năm sau đó – năm 1949, tại Warszawa, thông qua một hội nghị quốc tế, FISE đã xây dựng một bản THE TEACHERS’ CHARTER – Hiến chương các nhà giáo, gồm 15 chương.
Việt Nam tham gia vào tổ chức FISE từ năm 1953. Năm 1957, tại Warszawa, hội nghị FISE gồm 57 nước tham dự, trong đó bao gồm Công đoàn Giáo dục Việt Nam, đã quyết định lấy ngày 20/11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.
Vậy, Hiến chương là gì? Là những nội dung ký kết giữa nhiều nước, trong đó quy định những nguyên tắc và thể lệ chung trong quan hệ quốc tế.
Báo VietNamNet (2017) đăng lời nhận định của một nhà giáo: “Hiến chương các nhà giáo, hiển hiện như một trong những văn bản tinh hoa, được soạn thảo bởi những cá nhân ưu việt, thấm nhuần những tư tưởng giáo dục tiến bộ, những giá trị vĩnh hằng, được sản sinh ra từ các nền giáo dục văn minh và từng trải. Nó không phụ thuộc vào thể chế chính trị, hay tôn giáo, sắc tộc nào cả. Chắc chắn nó như một ngọn hải đăng, soi sáng, hướng đạo cho mọi nền giáo dục, nhất là những nền giáo dục còn đang trưởng thành”.
Tóm lại, ngày 20.11 hay còn gọi là Ngày Hiến chương các nhà giáo, là ngày đánh dấu và kỷ niệm một một văn bản quan trọng bậc nhất của những người làm nghề giáo và giáo dục nói chung. Đọc bản Hiến chương này, chúng ta thấy tính chất đấu tranh của nó, nghĩa là sự ra đời của nó chính xác là sự đòi hỏi của các nhà giáo về các quyền và những giá trị cơ bản để làm nghề và, từ đó, xây dựng xã hội.
Nó không phải là một ngày hội, càng không phải là ngày để chúc tụng, ăn mừng. Nó là ngày để nhắc mỗi người hãy đọc lại bản Hiến chương, xem điều nào trong thực tế chưa được thực hiện và phải tranh đấu để nó trở thành hiện thực; nó nhắc mỗi nhà giáo về trách nhiệm và sứ mạng của mình trong việc giáo dục thế hệ trẻ, nhắc mỗi người về sự tôn nghiêm nhân cách và tự trọng nghề nghiệp. Nó đòi hỏi mỗi người phải lên tiếng để đòi cho bằng được những gì mà chính phủ đã ký kết bên dưới bản Hiến chương ấy.
Xin trích vài điều trong Hiến chương để các nhà giáo so sánh với thực tế hiện nay và suy nghĩ, từ đó xem bản thân có nên ăn mừng hay phải làm gì khác nữa.
Điều 1. Nhiệm vụ thiết yếu của nhà giáo là phải tôn trọng tính cá thể của trẻ, khám phá và phát triển khả năng, chăm lo quá trình giáo dục và đào tạo, luôn hướng tới việc hình thành ý thức đạo đức của con người và công dân tương lai, giáo dục trẻ trong tinh thần dân chủ, hòa bình và hữu nghị giữa con người với nhau.
Điều 2. Quyền của nhà giáo không phụ thuộc vào giới tính, chủng tộc, màu da, không phụ thuộc vào niềm tin và định kiến cá nhân, miễn là họ không áp đặt niềm tin và định kiến của mình cho trẻ.
Nhà giáo không bị phạt nếu việc giáo dục học sinh tuân thủ các quy định ở Điều 1.
Điều 3. Nhà giáo có quyền có các thỏa thuận về các biện pháp bảo vệ họ chống lại quyết định tùy tiện ảnh hưởng đến nhiệm kỳ công việc và nghề nghiệp của họ.
Cụ thể, các biện pháp bảo vệ cần được thực thi để chống lại các quyết định tùy tiện về tuyển dụng, tập sự, bổ nhiệm, đề bạt, hay các biện pháp kỷ luật bãi nhiệm.
Điều 5. Nhà giáo phải có quyền tự do tham gia tổ chức nghề nghiệp và các tổ chức ấy phải có quyền đại diện cho nhà giáo trong mọi hoàn cảnh.
Các bạn muốn đọc đầy đủ thì mời search Google. Còn bây giờ, mang bản Hiến chương này ra đối chiếu với những gì đang diễn ra, thì ngày hôm nay, 20.11, không có gì đáng để ăn mừng với hoa hòe, cờ quạt, cỗ bàn hay chúc tụng cả. Nó là một ngày tranh đấu.
Nếu được phép chúc, tôi chỉ muốn chúc một lời: Chúc cho mỗi thầy cô giáo Việt Nam sẽ dám sống, để được sống như những gì bản Hiến chương đã quy định.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt có 1 nhận định rất khách quan, là “triệu người vui, nhưng cũng có người buồn”
Những người vui, họ đang thể hiện cái tinh thần mà triết gia Paul Ricoeur gọi là “hồn nhiên thứ Nhất” – the first naiveté . Những người không vui là những con người bên ngoài cuộc vui, đã bước ra khỏi cái hồn nhiên thứ Nhất đó – và cảm thấy bơ vơ. Những khái niệm, ý tưởng về chân lý và hạnh phúc trong cõi sống xa quê hương không thỏa mãn chúng tôi. Chúng chỉ vang lên như tiếng gọi đò trên bến sông chiều vắng
Thế nhưng không ít người trong nhóm Hồn nhiên thứ II lại muốn tung thân vào âm thanh duy ý chí của tầng tâm thức thiếu niên trong nét đẹp huy hòang mầu sắc lồng đèn đỏ giữa những căn phố cổ trộn lẫn đầy cái cũ và cái mới
Nên hòa đồng với niềm vui của mọi người, vẫn tốt hơn là cảm giác bơ vơ, lạc lõng . Biết đâu biết đâu đấy những người không (muốn) vui sẽ tìm được những tình cảm đơn sơ nhưng gắn bó của tình dân tộc, nghĩa đồng bào
Cảm ơn tác giả đã nhắc lại mục đích, ý nghĩa của ngày 20/11 – Ngày quốc tế Hiến chương các nhà giáo . Nhưng thiển nghĩ, ngày 20/11 hàng năm, Nhà nước tổ chức tuyên truyền rầm rộ cũng là cách để nhân dịp này cổ vũ động viên đội ngũ giáo viên . Xây dựng hình ảnh nghề giáo cao đẹp trong mắt người dân . Tiếp nối truyền thống văn hóa ” Tôn sư trọng đạo ” của dân tộc Việt Nam .
Các thày cô giáo nên học thuộc lòng Điều 3 để đừng làm con cừu cho người ta chăn dắt, để xứng đáng là một người thày, người cô!!!
Ông Thái Hạo so sánh dẫn chứng làm gì cho thêm buồn, ông có thấy ở đâu mà toàn bộ các thày cô giáo trong cả nước được quản lý và được sinh sát bởi một ông bộ trưởng giáo dục nói ngọng rồi gã ấy và đám đàn em lại định hợp pháp hoá đưa vào sách giáo khoa việc ngọng ngoẹo ấy bằng một mỹ từ “phương ngữ vùng miền”… Hú hồn, suýt nữa con cháu mình suốt ngày và suốt đời cứ “en lờ/N” với “e nờ/L” thì bỏ mẹ…