Chia buồn sâu sắc nhất

Nguyễn Thông

17-10-2024

Hồi xưa ở miền Bắc, báo Văn nghệ có mục “Dọn vườn”, ví nơi chữ nghĩa như mảnh vườn, lúc này lúc khác bị cỏ dại, lá khô, rác rưởi… thì dọn dẹp cho nó sạch sẽ. Nhưng cũng chỉ chủ yếu dọn vườn văn nghệ văn gừng, chứ không mấy khi dám thò liềm ra vườn ngoài (báo Nhân Dân chả hạn).

Giang sơn nào, anh hùng ấy, đất đai có chủ, dọn vườn người ta, được khen chả nói làm gì, có khi lại mất lòng, nát đám cỏ gà với nhau. Âu cũng cái thói “văn mình vợ người” chỉ thích được khen, đó là chưa kể “miệng nhà quan có gang có thép”, càng làm to càng khó nhận mình đã sai.

Tuy nhiên phải thừa nhận, ngày trước báo chí khá chỉn chu, ít lỗi, ít sai lắm. Nhà văn cũng vậy, chữ nghĩa rất thận trọng, dùng một từ một chữ cũng cân nhắc, nâng lên đặt xuống. Nghề dọn vườn hồi ấy khá nhàn, mục “Dọn vườn” của báo Văn nghệ nhiều khi phải vài ba số mới ra một lần.

Thôi, chả kể lể ăn mày quá khứ nữa. Giờ nói chuyện nay.

Mỗi khi xảy ra những vụ việc tai nạn, thiên tai địch họa gây hậu quả nghiêm trọng, ta thường thấy những vị lãnh đạo cấp cao mau mắn quan tâm đến thực trạng. Từ ông tổng bí thư, ông chủ tịch nước, ông thủ tướng… người thì chuyển lời hỏi thăm, người về tận nơi chỉ đạo. Cứ như báo chí đăng, tivi tường thuật, cả từ miệng các vị ấy nói, thì đều “gửi lời chia buồn sâu sắc nhất”.

Cụm từ này ta nghe rất nhiều lần, hoặc đọc từ lâu rồi, chả mấy ai để ý cái sai của nó. Bản thân những người “gửi lời” đều có trình độ giáo sư tiến sĩ cũng không nghĩ họ đang nói một điều hết sức vô lý.

Trước nỗi đau của người khác, gửi lời chia buồn là chuyện đạo lý bình thường. Nếu để đối tượng nhận cảm được sự quan tâm chia sẻ đặc biệt của người gửi thì “chia buồn sâu sắc”. Thế là quá đủ.

Tại sao lại phải chia buồn sâu sắc nhất? Chia buồn mà cũng phân ra thứ hạng, phân biệt đối xử, đòi lên hàng đầu. Có nhất thì đương nhiên phải có nhì, có ba, tư… Vậy lúc nào, với ai thì gửi lời “chia buồn sâu sắc nhì, ba, tư…”.

Đừng có bảo đó chỉ là cách nói nhằm diễn tả hết mức. Thế “sâu sắc” mà chưa hết mức à, vậy trường hợp nào thì sẽ chia buồn chưa hết mức. Đừng tự làm khó mình nhưng vậy. Càng làm to, càng phải ăn nói cẩn trọng. Tiếc rằng nhiều ông to bà nhớn bây giờ cứ nói văng thiên địa, chả kỹ lưỡng như các cụ hồi xưa.

Chính vì thế, cũng dễ hiểu vì sao các ông bà ấy đi “chỉ đạo đại hội” các nơi cứ cắm mặt đọc như con robot, bởi chỉ cần ngẩng lên nói vo vài câu là sai tè le ngay.

Còn báo chí thì, thôi, chán chẳng bàn nữa, dọn vườn nó có mà dọn cả ngày.

Bình Luận từ Facebook

7 BÌNH LUẬN

  1. Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện có nghĩa là, Đảng muốn nói và muốn làm điều gì đều được cả! Chỉ mỗi một điều Đảng chưa có là tâm Phật (thức tỉnh và tỉnh thức).
    Gần đây “Me sừ sòng phẳng-mẹ nó-sợ gì” (Thủ tướng Phạm Minh Chính) ca ngợi,
    “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc!” Đảng nói cho sướng cái miệng và cho sướng cái tai,
    còn “nhân răng” ôm miệng, cười mũi! Rất mong các vị “đầy tớ nhân dân” có bằng tiến sĩ “rởm” và “trình độ chính trị cao cấp” hãy học ăn, học nói, học làm người sao cho xứng đáng với nhân dân Việt Nam anh hùng, nghìn năm văn hiến!
    Nam mô A di đà Phật,
    Thiền sư Thích Nhất Đảng

  2. Tớ phải khen và bái phục cái nhà bác Nguyển Thông, người hàng xóm của tớ, vì hay để ý hơi kỹ đến cái văn phong, văn phạm, văn tục… trong giới báo chí quốc-doanh và các vị quan chức gsts của cái thời buổi “đỉnh-cao-trí-tuệ-loài-người” này mà không/chưa bị điên hay mắc phải căn bệnh rối-loạn-tiền-đình! Thế là nhất rồi đấy nhé! Cứ kiên trì thế bác NT nhé!

  3. Hề… hề…, bổ sung, ngày trước Đội Tảo đến THÀNH KÍNH PHÂN ƯU với Lý Cường khi bố ông ta là Bá Kiến bị Chí Phèo đâm chết, nhưng ngay sau khi ra ngoài, thì Đội Tảo oang oang thế nào thì mọi bàn dân thiên hạ đều biết rõ, cho nên, tôi thấy rằng “sâu sắc” được dùng thay cho “thành kính” là không hợp vị và rất sai, vì, hai chữ này ở mọi góc độ đều ít nhiều mang nội hàm của tính GIẢ DỐI. Cho nên, tôi đề nghị hãy nên dùng từ CHÂN THÀNH khi dùng nó trong các hành vi CHIA BUỒN. Vậy thôi!!!

  4. Xin phép được “dọn vườn” bài này

    “Hồi xưa ở miền Bắc”

    Hồi xưa là đủ rồi, thưa bác Thông . “miền Bắc” đv tất cả mọi người, RFA (chỉ) là 1, là cả Việt Nam . Tiến Sĩ Mạc Văn Trang nói về “giáo dục Việt Nam”, Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Chu “khoa/toán học Việt Nam” với giáo sư Hoàng Tụy, rùi “nhân sĩ-trí thức” Việt Nam toàn các bác mí nhao, chớ có ai nói “giáo dục miền Bắc” hay “khoa/toán học miền Bắc” đâu . Ngụy hổng có tính là Việt Nam được bác ui . RFA cũng hổng (thèm) tính luôn

    “ngày trước báo chí khá chỉn chu, ít lỗi, ít sai lắm”

    Rất chính xác . Tiến Sĩ Mạc Văn Trang kính trọng “những người Cộng Sản ngày xưa”, họ (cũng) là những người làm nên nền báo chí Cách Mạng thời xưa . Chả bù bây giờ, Đổi Mới làm cho tanh bành hết rồi, bây giờ chỉ toàn báo phản Cách Mạng thôi, nên mọi thứ đều tầm bậy tầm bạ hết

    ‘Nhà văn cũng vậy, chữ nghĩa rất thận trọng, dùng một từ một chữ cũng cân nhắc, nâng lên đặt xuống”

    Rất chính xác . Nhà văn-thơ Cách Mạng tuyệt vời thì thôi luôn . Với Tố Hữu là con chim đầu đàn của văn hóa/nghệ Việt Nam -đọc ở trên- chỉ có thể nói “trên cả tuyệt vời”, nói chung là chỉ cần ghế, miễn bàn

    “Thôi, chả kể lể ăn mày quá khứ nữa”

    Không nên xem là “ăn mày quá khứ”, mà hãy xem là học hỏi cha ông . Pháp đã thiêu rụi cái cầu về những quá khứ xa sôi, Tốt! Vì coi như mình xóa sổ phong kiến . Thì cha ông của Việt Nam chính là những thế hệ đi qua 2 cuộc kháng chiến oai hùng oanh liệt . Học hỏi cha ông không thể/nên được gọi là ăn mày quá khứ, dựa vào Trung Quốc không phải là ăn mày họ, nhưng nhận tiền của Mỹ & tây phương mới là đích thị ăn mày bác ợ .

    “Bản thân những người “gửi lời” đều có trình độ giáo sư tiến sĩ cũng không nghĩ họ đang nói một điều hết sức vô lý”

    Vì là giáo sư tiến sĩ, họ tin mình không bao giờ nói ra những điều vô lý . Và dân ta chỉ có thể từ kính trọng đến tôn thờ họ thôi . Vì nếu không kính trọng họ, các chuyên gia chích đùi dữ còn hơn chó ngao sẽ chửi cho tới khi bạn phải thấy xấu hổ mới thôi .

    “Trước nỗi đau của người khác, gửi lời chia buồn là chuyện đạo lý bình thường”

    Còn tùy bác ợ . Nỗi đau của người khác nhưng lại là thành tích của mình thì nên viết sách để ca tụng . “mênh mông lòng dân” của người này nhưng lại là “lênh láng máu dân” của người khác, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng nói có triệu người vui nhưng cũng có người buồn . Tương tự ở đây, chia buồn không phải là chuyện đạo lý bình thường mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác lắm . Ở những chuyện này, ta nên gửi đi những nhận định của Thủ tướng Võ Văn Kiệt để đảm bảo tính khách quan .

    “Tại sao lại phải chia buồn sâu sắc nhất?”

    Rất đúng . Tiếng “Việt” của Ta, -đọc ở trên- aka không phải “Nó” rất trong sáng & trong sạch, xứng đáng với danh hiệu “Tiết Hạnh Khả Phong”, cũng được nhiều cá nhân & tổ chức đang tự mình gánh vác nhiệm vụ bảo vệ nó với những thành công nhất định . “nhứt” ở đây là dịch từ tiếng tây Deepest, mà dịch cũng sai . Tiếng u đúng là deep xít . Để bảo vệ văn hóa “Việt” khỏi những thứ lai căng như vậy, các giáo sư tiến sĩ cần cẩn thận hơn, không thì Kaka Kaka nhục nhã như ai đó chả biết .

    Đề -kiến chỉ dành cho Đảng- nghị của tớ là nên trích Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thôi thì chuyện thế này làm nhiều người vui cũng hổng ít người buồn . Chia buồn sâu sắc & chia vui hoan hỉ . Bây giờ thì nên khép lại quá khứ, & tôn trọng những giá trị của “Việt Nam” -thay vì miền Bắc- mà hoan hỉ lên .

    “Còn báo chí thì, thôi, chán chẳng bàn nữa”

    Rất đúng . Ôi, bao giờ mới tới ngày xưa!

  5. Anh Nguyễn Thông lai “thò mặt” ra tâm tình với bà con chứng tỏ anh ấy vẫn an mạnh sau loạt bài viết về Hưng Yên. Vậy chúc anh chân cứng đá mềm và viết về Nghệ An, Hà Tĩnh nhé.

  6. Hề… hề…
    1. Trong quá trình Việt hóa, có những cụm từ mới được hình thành, và, thông qua quá trình sử dụng mà cụm từ đó có thể được chỉnh sửa cho đúng, thông dụng và phù hợp hơn. Vì thế, tôi tán thành với ông Thông khi ông phân tích từ “nhất”.
    2. Nhưng, tôi lại rất không thích từ “sâu sắc” trong ngữ cảnh đám tang hoặc trong tình cảnh phải “chia buồn”. Vì thế tôi đề nghi nên bỏ cả cụm từ “sâu sắc nhất” mà nên tìm từ khác hay hơn, phù hợp hơn.

  7. Hầy, bác không “dọn vườn” nhưng “nhổ cỏ” cũng hay thật đấy .
    Có đứa trẻ đi học về, khóc sướt mướt với mẹ . Mẹ hỏi lý do, cháu bảo hôm nay, con chỉ được loại giỏi thôi . Mẹ bảo, được giỏi là mừng, sao lại khóc ? Nó nói, các bạn con đều xuất sắc hết, chỉ có con là giỏi thôi !
    Hóa ra, cách đánh giá, xếp loại của nền giáo dục xứ ta là vậy . Phải là giỏi nhất, xuất sắc nhất, tốt nhất, hay nhất và…”sâu sắc nhất”.
    Nhưng, có người lại dùng “rất xuất sắc”. Thế là…bỏ mẹ !

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây