Thiên tai và năng lực phản ứng: Từ chuyện cầu Phong Châu (Phần 1)

Blog VOA

Trân Văn

5-10-2024

Chiếc cầu sập do lũ gây ra bởi bão Yagi ở tỉnh Phú Thọ, ngày 9-9-2024. Nguồn: AP

Bão Yagi và những đợt mưa, lũ, sạt lở kéo dài suốt từ đầu tháng 9 đến nay tiếp tục tô đậm những thắc mắc về viễn kiến, năng lực của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam. Nếu không hành động, chắc chắn giá phải trả sẽ càng ngày càng lớn…

Chưa đầy 48 giờ sau khi hoàn tất cầu phao nối hai huyện Lâm Thao và Tam Nông thuộc tỉnh Phú Thọ, Lữ đoàn Công binh 249 đã cắt cầu vì “mưa lớn, lũ trên sông Hồng lên nhanh, không thể bảo đảm an toàn[1].

Cầu phao vừa đề cập được lắp đặt nhằm tạm thay cầu Phong Châu đã bị sập hai nhịp vào sáng 9/9/2024 khiến hàng chục người thiệt mạng. Bởi cầu Phong Châu giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối Hà Nội với khu vực Đông Bắc và ngược lại, nên ngay sau khi cầu bị sập, giới hữu trách đã yêu cầu Bộ Quốc phòng khảo sát, lắp đặt cầu phao [2]. Tuy nhiên đến 30/9/2024 việc lắp đặt cầu phao mới hoàn tất. Lý do chậm trễ là vì “thời tiết và lưu lượng nước trên sông” chưa… “cho phép”.

Theo Quyết định 05/2020/QĐ-TTg, mực nước trên hệ thống sông ngòi tại Việt Nam được chia thành ba cấp (từ một đến ba) khi cần báo động về lũ [3]. Bởi “nước trên sông Hồng tại khu vực cầu Phong Châu đã rút xuống dưới mức báo động 1”, năm ngày sau khi cầu Phong Châu sập, UBND tỉnh Phú Thọ gửi công văn thúc giục lực lượng vũ trang “triển khai phương tiện để tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích và xe cộ bị rơi xuống sông” nhưng quân đội vẫn không thể lắp đặt cầu phao với lý do như đã dẫn [4].

Những tình tiết liên quan đến việc lắp đặt cầu phao tạm thay cầu Phong Châu cho thấy, quân đội Việt Nam “có vấn đề” cả về năng lực lẫn phương tiện. Cứ vào Google, dùng các từ khóa như “ponton bridge” hay “floating bridge” ắt sẽ tìm được rất nhiều video clip ghi lại cảnh quân đội nhiều quốc gia trên thế giới có thể dễ dàng lắp đặt những cầu phao dài hơn, rộng hơn, trong hoàn cảnh khắc nghiệt hơn,… nhưng hiệu quả sử dụng với tăng, thiết giáp, đại bác tự hành, vận tải quân sự,… cao hơn nhiều.

Vì sao quân đội Việt Nam phải mất đến ba tuần mới có thể lắp đặt cầu phao tạm thay cầu Phong Châu với chiều dài chưa tới 190 mét và dù đã cấm các loại xe vận tải lưu thông nhưng cuối cùng vẫn phải chủ động cắt cầu do không an toàn?

***

Cầu phao tạm thay cầu Phong Châu chỉ là một trong nhiều ví dụ liên quan đến sự hạn chế cả về năng lực điều động, phối hợp lẫn phương tiện của lực lượng vũ trang Việt Nam nhằm ứng phó hiệu quả trong trường hợp khẩn cấp.

Mưa bão, lũ lụt kéo dài từ đầu tháng trước đến nay cho thấy, lực lượng vũ trang Việt Nam thiếu cả trang bị tối thiểu để bảo vệ cá nhân tham gia cứu nạn lẫn phương tiện thiết yếu để trợ giúp nạn dân. Bởi các cá nhân hữu trách chỉ quan tâm đến “biểu diễn” nên mới có những chuyện như thuộc cấp của tướng Phạm Hoàng Chương – Tư lệnh Quân khu 2 – hồn nhiên ghi lại và gửi lên mạng xã hội khoe việc ông đứng bên ngoài khu vực xảy ra thảm họa, dõng dạc chỉ đạo “sơ tán nhân dân ra khỏi vùng lũ” qua điện thoại di động.

Không may cho ông trung tướng nói riêng và quân đội nói chung là nhiều người sử dụng mạng xã hội phát giác ông tướng mũ mão chỉnh tề, bệ vệ chỉ đạo thuộc cấp mang “300 người vào đâu cũng phải hiệu quả” ấy vung vẩy cánh tay mang đồng hồ Rolex trị giá khoảng 300 ngàn Mỹ kim [5]. Sở dĩ phải lưu ý đến… “tiểu tiết” này bởi nếu đặt nó bên cạnh một video clip khác cũng được đưa lên mạng xã hội vào thời điểm đó, hẳn sẽ thấy nhiều điều phải ngẫm nghĩ.

Hãy xem video clip ghi lại cảnh một nhóm quân nhân thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lào Cai chạy tới, chạy lui tìm cách cứu đồng đội đang ngăn sà lan không người điều khiển đâm vào trụ cầu Cốc Lếu thì bị hất văng xuống sông… Qua video clip dài 2 phút 17 giây, ai cũng thấy, sở dĩ người lính lâm nạn sống sót, không bị nước lũ cuốn xuống hạ lưu là nhờ đồng đội ngẫu nhiên nhặt được một cái… “que” trên bờ (0:30), may mắn là cái… “que” đủ dài và đủ chắc chắn để anh níu nên mới được kéo lên bờ [6].

Không rõ ngân sách đã chi bao nhiêu cho các cuộc “diễn tập thực binh”, hàng năm được tổ chức rầm rộ từ xã, huyện, tỉnh/thành phố đến quân khu để tạo ra những cái được quảng cáo là… “khu vực phòng thủ”? Vì sao sau vô số đợt “diễn tập thực binh”, các “khu vực phòng thủ” từ địa phương đến trung ương cùng tê liệt, không biết phải làm thế nào để đối phó với những sà lan sau bão Yagi trôi từ Trung Quốc sang Việt Nam hết va vào cầu này thì đâm vào cầu khác?

Công văn số 3290/UBND-NLN của chính quyền tỉnh Yên Bái gửi Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vào ngày 9/9/2024, cấp báo có hai sà lan đứt neo đã vượt biên giới Việt – Trung, trôi qua tỉnh Lào Cai và sẽ vào Yên Bái trong khi ở tỉnh này có tám cây cầu bắc qua sông Thao, riêng cầu Yên Bái được xây dựng như cầu Phong Châu ở Phú Thọ nên “đề nghị giúp đỡ lực lượng, trang thiết bị để xử lý” chính là câu trả lời cả về năng lực quản trị lẫn điều hành cho phòng thủ theo đúng nghĩa của từ này [7]!

Chú thích

[1] https://tuoitre.vn/tam-dung-giao-thong-qua-cau-phao-phong-chau-2024100119032031.htm

[2] https://thanhnien.vn/quan-doi-se-lap-cau-phao-gan-cau-phong-chau-185240910130217323.htm

[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Quyet-dinh-05-2020-QD-TTg-muc-nuoc-tuong-ung-voi-cac-cap-bao-dong-lu-tren-song-pham-vi-ca-nuoc-433671.aspx

[4] https://vtv.vn/xa-hoi/lap-dat-cau-phao-thay-the-cau-phong-chau-trong-thoi-gian-ngan-nhat-20240915105621213.htm

[5] https://xamvn.tech/r/nong-nhat-trung-tuong-pham-hong-chuong-tu-lenh-quan-khu-2-deo-dong-ho-rolex-gan-300-000-usd-khoe-khoang-voi-ba-con-ngheo-vung-lu-lut-roi-cuoi-ha-he.1162650/

[6] https://www.facebook.com/SamNgocLinh/videos/3803634746579521/

[7] https://www.facebook.com/groups/nhabaocongdan/posts/2572060029850419/

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây