4-10-2024
Từ đầu năm học tới giờ, tôi liên tục nhận được các tin nhắn của phụ huynh khắp nơi, chia sẻ những bất bình về các khoản thu trên trời dưới đất tại các nhà trường. Trên báo tất nhiên là cũng đang tràn ngập thông tin loại này. Như một đại dịch chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại.
Về đại nạn này, trước mắt khi nhà nước chưa có một hành động gì dứt khoát để giải quyết thì chỉ còn biết trông cậy vào phụ huynh. Nếu phụ huynh không tự mình lên tiếng thì chịu, nạn dịch cứ thế lan tràn và ngày càng tàn phá kinh hoàng, làm băng hoại hoàn toàn môi trường giáo dục.
Phụ huynh cần nhớ, nhà trường chỉ được thu và phụ huynh chỉ phải bắt buộc nộp hai khoản tiền, là HỌC PHÍ và Bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh.
Tất cả các khoản khác chỉ nộp khi có sử dụng dịch vụ hoặc TỰ NGUYỆN ủng hộ. Ví dụ, nếu con bạn không đi học thêm thì không phải nộp, nếu bạn không sử dụng dịch nhận tin nhắn thì không phải đóng tiền, v.v… Các khoản ủng hộ cũng thế, đó là tự nguyện, không ai có quyền chia đầu người và bắt các bạn nộp được.
Tóm lại là thế này, bạn chỉ nộp học phí và bảo hiểm y tế; từ chối tất cả các khoản tiền khác nếu bạn không dùng dịch vụ hoặc không ủng hộ. Ngoài hai khoản tiền trên, bất cứ trường nào có dấu hiệu ép buộc thì đều đang vi phạm pháp luật.
Bạn phải lên tiếng và đấu tranh. Một mình không được thì kêu nhau cùng đấu tranh. Xin xem thêm chi tiết các khoản được và không được thu ở văn bản luật đính kèm: https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/ho-tro-phap-luat/cac-khoan-nha-truong-duoc-thu-va-khong-duoc-thu-cua-hoc-sinh-nam-20232024-la-nhung-khoan-nao-104593.html
Để làm trong sạch trở lại môi trường giáo dục, cần giải tán Ban đại diện cha mẹ học sinh, vì tổ chức này đã bị biến tướng nặng nề, dưới danh nghĩa các loại quỹ và xã hội hóa, ngoài làm cánh tay nối dài để thu hộ nhà trường ra, Ban này hầu như không có tác dụng gì khác.
Tiền đang làm băng hoại môi trường giáo dục, phá nát quan hệ thầy trò, hủy hoại quan hệ nhà trường – phụ huynh, bóp méo và làm hỏng chương trình giáo dục quốc gia… Một cách căn bản, cần phải “trục xuất” tiền ra khỏi nhà trường, chỉ dùng thuế của người dân đã đóng góp để vận hành nền giáo dục.
Các bài viết của TH rất hay. Cái đáng trách là chính phụ huynh tự chui vào rọ rồi kêu oai oái. Thấy sai phải phản đối, không đồng ý đóng tiền là cách phản đối hiệu quả nhất nhưng họ đã không làm, nhiều người không làm lại hại cho thiểu số, đó là cái vòng luẩn quẩn. Tệ hơn nữa là người hội trưởng luôn được nhà trường ưu ái chọn chính là người dùng tiền để mua chuộc GV!!! Cách hay nhất là bãi bỏ hội PHHS!
NĐK
(“Hội phụ huynh” là cách gọi trước đây, còn tên chính thức trên văn bản giấy tờ bây giờ là “Ban đại diện cha mẹ học sinh”, giống kiểu như “thu phí” với “thu giá” vậy).
Với kinh nghiệm 3 năm liền làm Trưởng ban đại diện CMHS lớp, Phó trưởng ban đại diện CMHS trường (ở một trường tiểu học tại TP.HCM) tôi cho rằng Bộ Giáo dục & Đào tạo nên cân nhắc bỏ hẳn cơ cấu “Ban đại diện CMHS” hiện nay tại tất cả các trường công.
Theo dõi câu chuyện lạm thu hơn 15 năm nay ở các trường (kể từ khi mới bước chân vào nghề báo, cho đến khi thực tham gia trực tiếp vào hoạt động của ban đại diện CMHS mới đây) tôi thấy hoạt động chủ yếu, tích cực và xuyên suốt của hầu như tất cả các ban đại diện chỉ có một, đó là: THU TIỀN QUỸ.
Thực ra cũng không cần trải nghiệm thực tế, chỉ để ý quan sát một chút cũng thấy ngay, đầu mối của tất cả các khoản lạm thu được phản ánh trên báo chí những năm trước và thời gian gần đây đều ở một chỗ đó là: BAN ĐẠI DIỆN CMHS (HỘI PHỤ HUYNH). Vậy mà, thật đáng ngạc nhiên, bấy lâu nay chưa thấy ai đặt câu hỏi về việc có nên hay không để tồn tại một cơ cấu ban đại diện CMHS này trong các trường công?
Qua trải nghiệm ba năm trong ban đại diện của mình quả thực tôi thấy vai trò của ban đại diện CMHS trong việc phối hợp, hỗ trợ nhà trường trong việc nuôi – dạy các con là vô cùng hạn chế. Hạn chế đến mức, tôi có thể nói chắc rằng có hay không ban đại diện CMHS cũng không ảnh hưởng gì đến chất lượng dạy – học và hoạt động của học sinh tại trường. Vậy tại sao các Ban đại diện CMHS vẫn được lập ra? Và ai sẽ là người sốt sắng lập nên Ban đại diện CMHS này nhất? – Xin thưa, tất cả những ai từng có con học trong hệ thống trường công đều có thể dễ dàng trả lời ngay đó là: BAN GIÁM HIỆU.
Như đã nói ở trên, nếu không có cơ cấu gọi là ban đại diện CMHS các ban giám hiệu các trường chắc chắn sẽ gặp khó khăn với các khoản tiền cần “xã hội hóa” hàng năm để: mua máy chiếu, mua tivi, mua rèm cửa… vân vân và vân vân. (Một điều kỳ lạ là năm nào cũng có những khoản kiểu như thế này, như thể sau mỗi năm học, qua một kỳ nghỉ hè, ngôi trường lại rơi vào thế giới của Kafka, trang thiết bị năm cũ đột nhiên biến mất hết không một dấu tích vậy).
Mỗi lần nghe các vị lãnh đạo các trường lên báo chí giải thích về các khoản thu của cha mẹ học sinh đều là “tự nguyện”, “đồng thuận”… nói thật tôi thấy buồn nôn kinh khủng (“mắc ói dễ sợ” – nói theo kiểu miền Nam).
Cái gọi là “tự nguyện”, là “đồng thuận” của quý vị là gì?
– Là bóng gió gợi ý (nhiều khi là thẳng tuột luôn), là giả đò lấy ý kiến, rồi phổ biến cho ban đại diện trường, rồi đưa xuống cho giáo viên chủ nhiệm, đưa xuống cho ban đại diện lớp, rồi lấy biểu quyết ở lớp theo cùng một mô-típ như sau: Sẽ có vài vị phụ huynh có điều kiện đứng lên ủng hộ nhiệt thành, thậm chí còn đòi tăng thêm các khoản đóng góp. Sẽ một vài ý kiến yếu ớt chất vấn, hay phản đối. Sẽ nói qua nói lại một hồi, rồi hết thời gian họp phụ huynh. Biểu quyết. Đa số đồng ý. Xong.
Khốn thay, trong một trường, hay một lớp học bao giờ cũng thế, những gia đình, những phụ huynh có điều kiện nhất là những người mạnh miệng (lớn tiếng) nhất. Ở chiều ngược lại, những gia đình, những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn nhất lại chính là những người ít có tiếng nói nhất. Họ là những người yếu thế. Họ không dám lên tiếng. Hoặc có thể tệ hơn, vừa nghe đến những khoản thu kiểu như vậy thì họ đã ngay lập tức xây xẩm mặt mày, vội nghĩ cách xoay xở cho ra cái khoản đó để kịp đóng góp cho con, chứ làm gì đã nghĩ đến chuyện lên tiếng phản đối hay chất vấn.
Như thế, cái gọi là “tự nguyện”, là “đồng thuận” của quý vị thực ra chỉ là “ném đá giấu tay”, mượn tay ban đại diện thực hiện các mục tiêu của mình, và lấy đa số (to tiếng) áp đặt thiểu số (yếu thế) không có tiếng nói.
Nói đến đây tôi chắc phải dừng lại một chút, để có vài lời thanh minh. Thứ nhất, tôi không nói tất cả các trường, các ban giám hiệu đều như thế (bản thân tôi cũng đã có may mắn gặp được những thầy, cô giám hiệu thực sự hết lòng vì các con), nhưng hầu như chắc chắn các trường có chuyện lạm thu phụ huynh đều như thế. Thứ hai, có lẽ mọi phụ huynh đều nghĩ những khoản quỹ đóng góp cho ban đại diện CMHS là để lễ tết thầy cô, để tỏ lòng biết ơn. Nhưng thực tế, như cá nhân tôi nhìn nhận, quả tình thầy cô cũng không có mặn mà gì với các món quà của phụ huynh đâu, họ thường cảm thấy miễn cưỡng, khó xử khi nhận được các món quà này hơn là thích thú. Trong đa số trường hợp, thầy cô, nhất là thầy cô chủ nhiệm cũng là nạn nhân của nạn lạm thu này (vừa chịu o ép từ trên ban giám hiệu, vừa phải chịu tiếng oan o ép phụ huynh)
Nói tiếp về chuyện lạm thu. Việc lạm thu của Ban đại diện CMHS diễn ra ở tất cả các cấp học, nhưng nó đặc biệt tệ hại với cấp tiểu học và trung học cơ sở. Nhà nước đã chủ trương miễn học phí để mọi trẻ em đều có thể đến trường, phổ cập tiểu học (tiến tới phổ cập trung học cơ sở), thế nên, việc lạm thu đầu năm ở các trường không gì khác là phá hoại chính sách đúng đắn, nhân văn này.
Điều cuối cùng, nếu cần có tiếng nói, có sự tham gia của cha mẹ học sinh trong việc giáo dục con cái tại trường, chúng ta có thể cân nhắc thiết lập một mô hình khác hiệu quả hơn đó là thiết lập các học khu (có thể phân theo phường, xã), mội học khu sẽ có một Ban giám học là đại biểu nhân dân, giáo chức về hưu hoặc những nhà chuyên môn khác có quan tâm đến giáo dục, để hỗ trợ, theo dõi, giám sát hoạt động giáo dục tại tất cả các trường công trong phạm vi học khu của mình. Tôi tin, “Ban giám học” này sẽ có nhiều chuyên môn, trách nhiệm và sẽ có khả năng mang lại hiệu quả hỗ trợ, giám sát, nâng cao chất lượng giáo dục các trường công tốt hơn nhiều các “Ban đại diện CMHS” hiện nay.
Nguồn mạng.
Chẳng qua là ngành giáo dục không muốn mạnh tay giải quyết vấn đề lạm thu của các trường thôi. Chứ xử lý kỉ luật, cách chức anh HT nào chủ trương thu tiền trái quy định, rồi thông báo toàn ngành , sẽ có hiệu quả thôi .
Còn PHHS thì chẳng có ích gì, chính quyền cần chấm dứt hoạt động . Đó chỉ là nơi BGH núp bóng để thu tiền, ngoài ra chẳng có tiếng nói nào trong hoạt động chuyên môn của trường .