1-10-2024
Các vị lãnh đạo ở Việt Nam thiếu nhiều phẩm chất cần có để đất nước này có được những “thung lũng Silicon”. Tôi viết bài này mà tay tôi run run vì sợ lực lượng dư thừa hung hăng nhưng thiếu não trầm trọng mang tên BODO vào nhục mạ. Chưa kể lại bị triệu tập, kiến nghị khởi tố, cấm xuất cảnh, làm việc cả 10 tiếng ròng rã với nguy cơ bóc lịch rất cao…
Đấy chính là một hạn chế khiến đất nước không phát triển được. Các vị nắm quyền sinh quyền sát ở Việt Nam cần phân biệt giữa những người cầm bút với tâm thế đóng góp để đất nước phát triển và những thế lực chống phá, muốn lật đổ chính quyền. Nếu không, sẽ vô tình đẩy họ ra xa, và điều ấy thật không tốt cho đất nước về lâu dài.
Giờ quay trở lại với Thung lũng Silicon. Các vị lãnh đạo ở Việt Nam nên bớt chém gió, tỏ ra hiểu biết và hay hô hào khẩu hiệu, và cần nói ra những điều có giá trị thực sự. Để làm được điều ấy, các vị thực sự phải biết nâng tâm, nâng tầm của mình lên bằng cách học hỏi không ngừng nghỉ. Đất nước này phát triển hay không chính là nhờ vào những bộ não và con tim của các vị.
Các vị hiểu “Thung lũng Silicon” là những trung tâm về công nghiệp cấp cao, nhưng vấn đề làm thế nào để có được điều ấy mới là quan trọng, chứ hô khẩu hiệu thì dễ quá. Tôi nhớ mỗi vị lãnh đạo đều có những đặc điểm riêng về phát ngôn; vị thì “trồng cây gì, nuôi con gì?” nghe có vẻ rất trăn trở nhưng mãi mà sự trăn trở ấy chẳng đưa ra kết quả gì.
Có vị thì nổi tiếng với “hình mẫu”, “vùng đất khởi nghiệp thu hút nhân tài”, “là cực tăng trưởng mới”, “thủ phủ”, “cô gái đẹp đang ngủ quên”, “giàu có toàn diện”, “trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế” và đặc biệt là rất nhiều “đầu tàu kinh tế”. Một cơ thể mà có quá nhiều đầu thì nó là cái gì?
Thay vì nặn óc nghĩ ra những khẩu hiệu hoa mỹ, thì tại sao không dành năng lượng ấy để thực sự tìm hiểu mấu chốt của vấn đề là gì, đang vướng mắc thực sự ở đâu mà tìm cách khắc phục?
Nhớ nhé, hãy tránh đại ngôn rỗng tuếch mà thực sự cho con tim, khối óc của mình vào từng việc cụ thể. Lãnh đạo trước hết phải có con tim chân thành, có khối óc biết suy nghĩ sâu sắc.
Có nhiều lý do tại sao Việt Nam chưa thể phát triển những “Thung lũng Silicon” như ở Mỹ, và các yếu tố này có thể chia thành một số nhóm chính:
Việt Nam thiếu hạ tầng và công nghệ. Điều đặc biệt thiếu là các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Để có được những trung tâm R&D này, Việt Nam thực sự phải biết săn nhân tài, trọng dụng, nâng niu và ưu đãi để họ tạo ra sản phẩm có giá trị chất xám cao.
Việt Nam thiếu các nền tảng công nghệ cơ bản và tiên tiến, như khả năng sản xuất chip bán dẫn, hệ thống sản xuất tự động hiện đại, và các phòng thí nghiệm công nghệ lớn. Nhưng để có được những thứ ấy thì cần bớt những khoản chi phí chưa cần thiết như tượng đài kém chất lượng.
Silicon Valley ở Mỹ có lợi thế với lực lượng lao động chất lượng cao từ các trường đại học hàng đầu thế giới. Trong khi đó, hệ thống giáo dục của Việt Nam còn hạn chế trong việc đào tạo chuyên sâu về các ngành công nghệ cao, mà điều cơ bản là không rèn luyện tư duy sâu sắc, tư duy phản biện. Không có tư duy sâu sắc, tư duy phản biện thì con người sẽ hời hợt trong mọi lĩnh vực. Trong khi ấy, sinh viên học ở nước ngoài, chỉ nhăm nhăm làm sao ở lại làm việc mà không muốn về nước? Đấy thực sự là một nỗi buồn rất lớn.
Môi trường giáo dục của Việt Nam chưa thực sự khuyến khích tư duy sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Khả năng thu hút và giữ chân nhân tài cũng gặp khó khăn. Chính sách ở Việt Nam chưa đủ mạnh mẽ để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ toàn diện. Silicon Valley thành công nhờ sự hỗ trợ từ chính sách thuế ưu đãi, đầu tư công nghệ, và các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Lĩnh vực AI, trí tuệ nhân tạo đang nóng bỏng nhưng Việt Nam còn rất mờ nhạt, trong khi ấy thì ông bạn cùng lý tưởng lại ở vị thế nhất nhì về lĩnh vực này.
Thủ tục hành chính và các rào cản pháp lý tại Việt Nam còn phức tạp, gây khó khăn cho các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp. Chi phí “bôi trơn” ở Việt Nam lớn, khiến doanh nghiệp oằn mình ra lo lót, sức đâu để sáng tạo, quản lý, sản xuất hiệu quả?
Một trong những yếu tố làm nên thành công của Silicon Valley là sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ từ các nhà đầu tư mạo hiểm. Ở Việt Nam, hệ thống tài chính cho các dự án khởi nghiệp công nghệ còn chưa phát triển mạnh, dẫn đến việc thiếu nguồn vốn để phát triển các công ty công nghệ. Mặc dù Việt Nam đang nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ, song vẫn còn nhiều thách thức về mặt pháp lý và hạ tầng để các nhà đầu tư lớn có thể yên tâm rót vốn.
Ở Việt Nam, các doanh nghiệp thường chọn mô hình kinh doanh an toàn hơn là những lĩnh vực công nghệ đầy rủi ro. Điều này làm hạn chế sự phát triển của các công ty công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các công trình nghiên cứu trong các trường đại học và viện nghiên cứu tại Việt Nam chưa có sự kết nối mạnh mẽ với thị trường, điều này cản trở sự ứng dụng thực tiễn của các sáng kiến công nghệ.
Để Việt Nam có thể phát triển các “thung lũng Silicon,” cần có sự cải thiện đồng bộ về hạ tầng, giáo dục, chính sách hỗ trợ, đầu tư tài chính và thay đổi trong tư duy kinh doanh. Tức là đây là một việc rất phức tạp, nhiều khâu, dài hơi, thực sự cần tư duy có hệ thống, tỉ mỉ và khoa học, thay vì hô khẩu hiệu ầm ầm, vỗ tay rào rào, chụp ảnh lách tách, đèn flash nhấp nháy nhưng đa phần chỉ là rỗng tuếch và vô nghĩa.
Cho phép tớ ké cái tựa “Điều cần có từ lãnh đạo của Việt Nam” để nói lên những hy vọng của bản thân muốn nhìn thấy những tố chất cần có trong lãnh đạo của Việt Nam
– Như Mỹ có người thích Tổng thống Trump vì tính cách mạnh mẽ, nhưng cũng có người bầu cho bác Bảy Đờn vì ngược lại . Tức là có hổng ít người muốn Tổng thống mình phải có những đặc tính như Tổng thống Trump, & ngược lại . Là 1 người, dù (hoàn toàn) hổng đủ tiêu chuẩn làm dân Việt, cũng chả muốn, nhưng đôi khi có lóe lên 1 tia hy vọng . Đây là những lúc như vậy
– Tớ (rất) đồng ý với ý kiến nhân sĩ trí thức nên nhận lãnh nhiệm vụ khai dân trí, ngoài độc giả BTD ra đã có chính ủy riêng của mình . Vì vậy, tớ trích ý của Tiến Sĩ Mạc Văn Trang . Trích có nghĩa tớ rất hoan nghênh
Tiến Sĩ Mạc Văn Trang xem những người Cộng Sản thời xưa là những mẫu mực đáng kính trọng cho TẤT CẢ mọi người . Ông lập ra 1 bảng phong thần mì ăn liền
“Nguyễn trọng Vĩnh, Nguyễn Trung, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khắc Mai, Chu Hảo, Nguyễn Đình Cống, Nguyễn Đăng Quang, Hoàng Quốc Hải, Tương Lai, Nguyễn Hữu Vinh, Phạm Chi Lan, Nguyên Bình, Nguyễn Đình Bin, Trần Nhương, Tư Thân, Phan Đắc Lữ, Võ Văn Thôn, Phạm Đình Trọng, Phạm Nguyên Trường, Kha Lương Ngãi, Nguyễn Kim Chi…”
Và đây là những đặc tính Tiến Sĩ Mạc Văn Trang nêu ra
1. Những “người cộng sản ngày xưa” có lý tưởng
Lý tưởng đó là đánh đuổi đế quốc, giành độc lập cho Tổ quốc; đánh đổ giai cấp bóc lột, giải phóng người dân khỏi bị áp bức, bóc lột, bất công. Tiến tới xây dựng chủ nghĩa cộng sản không còn người bóc lột người; con người được tự do, bình đẳng, người với người là bạn; tiến tới làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Liên Xô được tuyên truyền là hình mẫu ước mơ
2. Những “người cộng sản ngày xưa” có niềm tin vào chủ thuyết
Họ được giáo dục, tin tưởng tuyệt đối vào cơ sở lý luận chủ nghĩa Marx- Lenin, coi đó là chủ nghĩa “vô địch”, “bách chiến, bách thắng muôn năm”! Dẫu phần lớn đảng viên CS Việt Nam chỉ được nghe trích dẫn, bình luận những câu trong “kinh điển” như Kinh thánh, nhưng đầy lòng sùng kính, tin tưởng, chẳng dám nghĩ, dám nói khác đi.
3. Những “người cộng sản ngày xưa” rất có ý chí
Họ từng được giáo dục noi theo những tấm gương đảng viên “tiền bối” kiên cường; họ có quyết tâm phấn đấu cho lý tưởng; họ được rèn luyện thực tế bằng việc thực hiện các nhiệm vụ đề ra (hay trên giao) để đạt mục tiêu đã xác định. Nhiều người từng qua thử thách trong những điều kiện ác liệt của chiến tranh, tù đày; từng phải quên mình quyết tâm thực hiện “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”…
“Chất ý chí” đó đã được ngấm vào máu thịt
4. Những “người cộng sản ngày xưa” có ý thức tu dưỡng đạo đức
Họ đã từng cố gắng tu dưỡng đạo đức cách mạng: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; sống gắn bó với nhân dân; không muốn sống xa lạ với cuộc sống của nhân dân lao động; lối sống “Tiểu tư sản” đã bị phê phán, còn lối sống như tư sản, quan lại, vua chúa bị coi là sa đọa.
Có thể nói khá đầy đủ & dễ hiểu . Nếu lãnh đạo Việt Nam mà có được những đức tính trên, tớ nghĩ sẽ không quá khó để mọi người ủng hộ . Cũng theo Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, “Họ tự tin là những người yêu nước, thương dân, có trách nhiệm xã hội khao khát đóng góp cho đất nước phát triển lành mạnh”. Vâng, họ chính là những người Cộng Sản chân chính, nếu xem Cộng Sản là “tự tin là những người yêu nước, thương dân, có trách nhiệm xã hội khao khát đóng góp cho đất nước phát triển lành mạnh” & là tội thì … Ai có tội trong số những người Tiến Sĩ Mạc Văn Trang đem ra làm ví dụ “Nguyễn trọng Vĩnh, Nguyễn Trung, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khắc Mai, Chu Hảo, Nguyễn Đình Cống, Nguyễn Đăng Quang, Hoàng Quốc Hải, Tương Lai, Nguyễn Hữu Vinh, Phạm Chi Lan, Nguyên Bình, Nguyễn Đình Bin, Trần Nhương, Tư Thân, Phan Đắc Lữ, Võ Văn Thôn, Phạm Đình Trọng, Phạm Nguyên Trường, Kha Lương Ngãi, Nguyễn Kim Chi…”, hãy nói đi
Nếu lãnh đạo mình được những tiêu chuẩn Tiến Sĩ Mạc Văn Trang đề ra, dân Việt Nam chả thể thốt ra 1 câu chua xót & tiếc nuối kiểu xét về tính Cộng Sản, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không bằng 1 góc Trường Chinh
Không lẽ bây giờ muốn có được những lãnh đạo như thế này phải qua tận Trung Quốc mời về ? Thế thì còn chần chờ gì nữa, nên nghe theo học giả Trương Nhân Tuấn mong muốn nhất thể hòa về chế độ
Tiến Sĩ Mạc Văn Trang cũng mong muốn để tránh ảnh hưởng của nước ngoài, phương Tây & các thế lực thù địch khác, 2 đảng cùng Mác-Lê nên ra tranh cử để chọn người tài .
Mong lắm thay! Cách tốt nhứt là phối hợp cả 2, nhứt thể hóa chế độ, sau đó 2 đảng Cộng Sản sẽ cạnh tranh nhau trong bầu cử
Nhắc lại, rất mong các nhân sĩ trí thức nhận lãnh nhiệm vụ khai dân trí .
Hề… hề…
1. Các lãnh tụ Việt cần phải bỏ đi những lời sáo rỗng mà có khi chính họ không thể hiểu nổi nội hàm của nó là gì. Ví như, “trồng cây gì, nuôi con gì” ở thời ông Nông Đức Mạnh, hoặc ví như “đầu tầu”, “thủ phủ, cực tăng trưởng mới, hình mẫu, khởi nghiệp…” loạn xà ngầu ở thời ông Nguyễn Xuân Phúc.
2. Nay, ông Tô Lâm bắt đầu sự nghiệp lãnh tụ của mình bằng cách đưa ra cụm từ “kỷ nguyên mới” không rõ các nhà văn hóa đã phân tích nội hàm trong cụm từ của ông Tô Lâm chưa, còn tôi thì tôi ĐÃ DỊCH cụm từ đó thành ra là: TÂN QUAN TÂN CHÍNH SÁCH. Vậy thôi!!!
Nhà đầu tư sợ nhất là luật pháp không nghiêm chỉnh,chế độ chính sách hay thay đổi, áp dụng tùy tiện.Tiền đổ vào đầu tư dễ mất như chơi.