15-9-2024
Đầu tháng 10.1972, tôi nhận được giấy báo nhập học. Khoa văn sơ tán tuốt tận ven sông Cầu, nằm rải rác ở hai huyện Yên Phong và Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc; muốn từ huyện này qua huyện kia phải lụy phà Đông Xuyên (nghe đâu giờ đã có cầu Đông Xuyên đẹp lắm). Cái tên tỉnh thực ra chẳng gắn gì với tên hai tỉnh cũ Bắc Ninh, Bắc Giang nhập lại. Đơn giản nó ở phía bắc Hà Nội nên gọi là Hà Bắc thôi, nghe người nhớn bảo vậy.
Lúc này chiến tranh phá hoại lần hai của Mỹ ở miền Bắc rất ác liệt. Đường số 5, con đường duy nhất từ Hải Phòng lên Hà Nội (và ngược lại, từ Hà Nội xuống Phòng) bị bom đánh tan nát. Ngày nào cũng bom rơi đạn nổ, nhất là trên ba cây cầu chiến lược trọng yếu Long Biên, Phú Lương, Lai Vu. Cầu Long Biên được tên lửa và súng cao xạ bảo vệ kỹ lưỡng nên còn, chứ Phú Lương và Lai Vu đã bị đánh sập, phải thay tạm bằng cầu phao. Ở Hải Phòng, mấy cầu Niệm, Rào, Thượng Lý sập hết. Tới đợt 12 ngày đêm tháng 12 thì cả cầu Long Biên cũng bị bom laser cắt đứt luôn.
Biết không chen mua nổi vé xe ô tô khách, ông anh họ tôi, Nguyễn Đức Thắng, giáo viên dạy địa trường cấp 3 huyện, xin nghỉ hai ngày, dùng xe đạp chở tôi lên Hà Nội, kể từ nhà tới nơi gần 130 cây số. Hai anh em ngự chiếc xe tòng tọc cứ mải miết đạp. Đi từ nửa đêm về sáng, trời lạnh mà mồ hôi ra đầm đìa, tối tăm mù mịt, đường không có đèn, cứ áng chừng mà đi. Đường số 5 nhiều chỗ lồi lõm, nham nhở không khác gì mặt trăng, may xe không bị sụp lần nào.
Ông Thắng cứ gò lưng đạp, tôi đeo chiếc ba lô đựng quần áo chăn màn sách vở ngồi ba ga sau, tay ôm chặt lưng anh, cảm giác rõ rệt chỉ có xương xẩu gầy gò, thương vô cùng. Những đoạn đường còn tốt và khi trời sáng rõ, thỉnh thoảng tôi đổi tài cho anh ấy.
Tới gần cầu Phú Lương trên đất Hải Dương, tỉnh Hải Hưng thì trưa. Đúng lúc máy bay Mỹ lao tới bỏ bom. Hai anh em nhảy xuống hố cá nhân ven đường, xe đạp bỏ trên, chỉ lo nhỡ nó bỏ bom lạc gần thì toi cả xe lẫn người. May nhất là nó đánh cầu phao nhưng không trúng. Báo yên, hai anh em vội vàng chen chúc qua cầu, lên tới bờ vội đạp thật lực tránh xa cái túi bom đó.
Sau này tôi còn có nhiều lần qua cầu Phú Lương ấy, kể cả lúc còn cầu phao lẫn khi đã có cầu mới xây, cứ tới đó là rùng mình. Cũng ở cầu này, tai nạn giao thông đã cướp mất vợ chồng nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh tháng 8.1988, tính tới ngày 29.8.2024 vừa qua đã tròn 36 năm.
Tranh thủ lúc nghỉ mươi phút, ăn cơm nắm muối vừng xong, hai anh em lại lên đường. Kiểm tra xe, lốp hơi non nhưng cả chục cây số không có chỗ nào bơm. May đường 5, kể cả phần đã đi trên đất Hải Phòng, Hải Dương, lẫn phần trên đất Hưng Yên, hai bên đường là những gốc xà cừ cổ thụ, xanh ngăn ngắt, che nắng suốt ngày. Phải công nhận người Pháp đã tạo nên con đường tuyệt vời, nhất là hàng vạn cây xà cừ đều tăm tắp. Đó là thứ di sản mà hậu sinh không biết quý, đã chặt hạ gần như sạch sẽ.
Giữa chiều tới Quán Gỏi, anh Thắng gật đầu cười mệt mỏi, ta đã đi được gần 2/3 đường rồi, qua Quán Gỏi là sang đất Hưng Yên cũ, khi nào tới Phố Nối thì nghỉ một lần nữa rồi làm một lèo về nhà ông Giễ (ở phố Triệu Việt Vương). Đi trên đất Hưng Yên, cũng vẫn đường 5 nhưng không hiểu sao bình yên hơn nhiều so với Hải Dương. Chẳng biết có phải do tỉnh cũ này tên có chữ “Yên”.
Qua một đoạn đường như khu phố nhỏ, nhà xây một-hai tầng, cửa màu xanh, vài ngôi kiểu Pháp, ông Thắng bảo đây là phố Bần, Bần Yên Nhân. Nơi này nổi tiếng món tương Bần mà ở quê Phòng mình hay nhắc. Tôi chưa được ăn tương Bần bao giờ, có ai cho, ai bán mà ăn, chỉ tinh ăn mắm cáy bu tôi ủ, cứ hết vại này lại ủ vại khác.
Cả phố Bần tương nhưng không thấy nhà nào trưng biển hiệu bán tương, có nhẽ họ chạy giặc, sơ tán tránh bom cả rồi. Phố Bần này, sau với tôi có những kỷ niệm đẹp đẽ khó quên. Có lẽ đó là ấn tượng đầu tiên của đứa trai mới lớn về đất phố Hiến xưa trong buổi gian nan chập chững vào đời.
Mấy chục năm sau, tôi ghi lại chút kỷ niệm dễ thương về Bần, có đoạn: “Bần Yên Nhân lâu ngày xa cách/ Bao giờ mới gặp lại phố xưa/ Cái tên gọi gợi nhiều thương nhớ/ Kỷ niệm của một thời đã xa/ Có còn không mái nhà ngói cổ/ Phố như làng xanh ngắt màu cây/ Xe cuốn bụi phủ mờ cửa sổ/ Mẹ lom khom dọn lá mỗi ngày”…
(Còn tiếp)
Thực ra cầu LB đã bị máy bay Mỹ đánh sập một nhịp vào trưa ngày 11.8.1967. Chính mắt tôi đã chứng kiến trận oanh tạc này của máy bay Mỹ. Sau khi khói tan cây cầu trống mất một đoạn.
Để kiểm chứng có thể xem: Long Biên – Cây cầu đi vào kí ức – vacne