Kỳ tích làng Nủ

Võ Xuân Sơn

15-9-2024

Những ngày qua, tôi nghe nhiều đến từ kỳ tích ở làng Nủ. Ban đầu là 8 người trở về, sau đó là 3 người, và hôm nay là 18 người. Chúng ta hãy thử xem cái gì là kỳ tích ở đây nhé.

Đầu tiên là việc lũ quét. Theo nhiều mô tả, có hai tiếng nổ và lũ tràn về. Tiếng nổ đó ở đâu ra? Chắc chắn phải có một túi nước nào đó, một cái hồ, hay cái gì đó chứa nước, chứa bùn… rất lớn. Giá như có ai đó biết, dự đoán trước, sơ tán người dân đi khỏi nơi bị lũ quét, thì mới có thể gọi là kỳ tích. Chứ đến tận bây giờ vẫn chưa biết tiếng nổ đó từ đâu ra (ít nhất thì phần đông chúng ta không biết), chết không biết bao nhiêu người, mà kỳ tích nỗi gì?

Tiếp theo, việc những người trốn chạy lũ trở về. Đó là họ nhanh chân và may mắn chạy thoát, và sau nhiều ngày đói khổ, họ lần tìm về, dù chỉ trốn cách làng có 1 cây số. Tôi chưa biết 18 người hôm nay trở về như thế nào. Nếu do đội cứu hộ nào đi tìm và cứu được họ, thì còn có thể gọi là kỳ tích. Chứ nếu tự họ tìm về, thì sao gọi là kỳ tích được?

Không biết trong số 14 người mất tích còn lại ở làng Nủ, tất cả đều nằm dưới lớp bùn do lũ quét mang lại, hay có ai đó vẫn còn đâu đó trên rừng? Thậm chí, biết đâu, có người thoát được lũ nhưng lại không thoát được đói, bệnh, thú rừng… Nếu như một nhóm cứu hộ nào tìm thấy họ, cấp cứu họ, rồi đưa họ về, hoặc ai đó dùng drone (một phương tiện hết sức phổ biến và rẻ tiền hiện nay), phát hiện ra họ, cung cấp thức ăn, nước uống cho họ, rồi tìm cách đưa họ về, thì chúng ta mới có thể nói đó là kỳ tích.

Ngay cả khi thực sự có việc đi tìm, phát hiện, cấp cứu và cứu hộ những người sống sót, tức là có thể gọi là kỳ tích, thì cũng nên nho nhỏ cái miệng lại. Hơn 50 người chết. Chẳng có kỳ tích nào mà một ngôi làng có hơn 100 nhân khẩu, lại có tới hơn 50 người chết, và hơn chục người đang mất tích.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Hề… hề…, đã từ rất lâu rồi tôi vẫn có quan niệm rằng thì mà là: Ở bất kỳ một quốc gia nào, nếu các nhà văn nhà báo hoặc các chính trị gia NHÂN VĂN thì họ sẽ sáng tạo ra các từ mới được dân chúng thừa nhận và làm phong phú thêm kho tàng từ vựng trong ngôn ngữ (quá trình SINH NGỮ), còn, như ở một quốc gia nào đó mà bọn nhà văn nhà báo và bọn chính trị gia đều là lũ HỌC PHIỆT (PHI NHÂN) thì từ ngữ mà chúng dùng đều mang tính SÁO RỖNG và MỴ DÂN và đặc điểm rõ nhất là MỌI TỪ NGỮ mà chúng đang và sẽ dùng đều không thoát khỏi TỪ ĐIỂN HÁN VIỆT. Có vậy thôi!!!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây