Nền văn minh bốn mét ăn đòn

Nguyễn Huy Cường

2-9-2024

Một lần khoảng năm 1998, trước khi chia tay ở một hội thảo, tôi tâm sự với một nhà khoa học quen biết cùng có mặt nhưng không về được vì đường đang ngập sâu. Tôi nói: “Sớm hay muộn thì quá trình đô thị hóa kiểu hiện nay sẽ ăn đòn. Không tin, bác về bảo thằng Thiêm (con rể bác) làm một cái hộp vuông, diện tích đúng một mét vuông, cao một mét cũng được, nếu không thì cao nửa mét cũng được, đem ra căn vườn sau (giáp công viên Gia Định bây giờ) cắm chân nó xuống, rồi bơm vào đó 30 phân (300 milimet) đo đếm cẩn thận xong tính thời gian nó tự tiêu hết xem hết bao nhiêu phút”.

Tưởng gợi ý vui vậy, ai ngờ ông bạn làm thật. Tối hôm đó trời có cơn mưa rất to, chưa phải bơm mà trong đó có 70 milimét nước nhưng khi ông vào nhà lấy được cái máy ảnh và cái đèn pin, chờ mươi phút đỡ sấm sét, chạy ra đo đếm thì nước trong khuôn tôn kia đã ngấm xuống nước gần hết, chỉ con chừng một đốt ngón tay. Sau đó ông làm theo gợi ý của tôi, lấy máy bơm mini trong nhà bơm vào ô đúng nửa mét nước theo chiều cao và vào nhà tắm rửa, pha bình trà, xem TV ngồi đợi.

TV hôm đó chiếu bộ phim “Cô thư ký xinh đẹp” khoảng 45 phút, ông ra xem thì mực nước đã rút gần hết, chỉ còn chừng một hai đốt ngón tay! Ông bấm máy gọi tôi sáng sau gặp để “hội thảo” tiếp!

Sáng hôm sau ông mời ăn sáng, café chỗ cái quán giờ là rạp xiếc và hỏi tôi, sao tôi có phát hiện này? Tôi kể ông nghe, năm 1997 nhà tôi ở gần chợ Tân Hương, phường 15 Tân Bình, tôi quan sát thấy có nhiều trận mưa dữ lắm nhưng sau trận mưa chỉ nửa giờ là đường phố hết nước, đi lại bình thường.

Năm 2004, tôi đã sinh sống nơi khác, quay lại đó thăm ông thầy bị bệnh, gặp một trận mưa lớn, gần bằng những trận mưa hồi tôi ở đây nhưng hôm đó phải ngủ lại vì nước ngập nặng nề, vài giờ sau vẫn chưa rút.

Sáng hôm sau, tôi lượn một vòng qua ba bốn phường xung quanh thì thấy đã bê tông hóa 100% diện tích trước đây, không còn một trăm mét vuông nào không bị xây cất. Những cái hồ lớn trong bán kính 800 mét quanh nhà thờ Tân Hương bị lấp hết!

Đó là nơi xuất xứ của câu chuyện chiều qua. Kiểu gì chả “chết”.

2024: HAI CHỤC NĂM SAU

Trong ba tháng vừa qua những dòng tin thời sự cho ta thấy, Đà Lạt, Sơn La, Hà Nội, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hạ Long, Cao Bằng cao lệch đều ngấm đòn mưa lũ ở mức kinh hoàng. Sau mỗi trận mưa là dăm bảy giờ, thậm chí cả đêm đường phố chìm trong nước bẩn, tắc nghẽn.

Phần lớn anh em có nhìn nhận một cách đại thể là do … biến đổi khí hậu, do phá rừng hoặc gì gì khác.

Những ý kiến trên đây không sai nhưng nó chỉ là một phần của sự thể. Mà, nguyên nhân chính, nói bằng ngôn ngữ (có bản quyền) của tôi là “Nền văn minh bốn mét” đã tạo nên những mức lũ nội thị kinh khủng như ta đã thấy.

Thành phố rộng 100 km vuông, nước tập trung vào lối 1/30 diện tích là những con đường thì một phép toán tiểu học xuất hiện: Mưa 100 milimet sẽ cho dòng nước trên đường ngập nửa mét hoặc hơn thế.

Ta hay nói “thời tiết cực đoan” mà không ai nói “ta đã quy hoạch, đã xây dựng cực đoan” cả.

Để chứng minh cho quan điểm này không khó, khỏi tranh cãi, tôi xin dẫn một hình ảnh hầu như đang diễn ra:

Trận mưa ở Thủ Dầu Một, Sài Gòn hôm qua, ngày 1/9/2024 chỉ trên dưới 60 milimet nhưng ngập, thì xin mời các bạn xem báo Dân Trí có đường link dưới đây, ngập lối trên nửa mét: https://dantri.com.vn/xa-hoi/vit-boi-vao-nha-duong-bien-thanh-song-sau-mua-lon-o-tphcm-20240522133334032.htm

Ảnh: Đường biến thành “sông” sau mưa lớn ở TPHCM. Nguồn: Báo Dân Trí

Năm 2018, tôi gặp lại ông tiến sĩ nêu trên đầu bài. Ông đến nhà tôi chơi và hỏi: “Ông có sáng kiến hay biện pháp gì cho vụ này không?”

Tôi mở máy tính chiếu đoạn phim tôi quay từ sân thượng, Khách sạn Mường Thanh, xoay một vòng xung quanh.

Cái vùng của “nền văn minh bốn mét” xúm xít vào một diện tích có bán kính ra khỏi Khách sạn Mường Thanh chừng gần ba km, còn bên ngoài là cánh đồng xanh ngắt!

Tôi lại mở cho ông xem một khu dân cư cách trung tâm Moscow nước Nga, mỗi cái nhà cách nhà kia 20 mét. Chỗ đó để trồng hoa, để ngồi thư giãn đọc sách hoặc ăn tiệc, nhưng công năng chính của nó để làm cái việc chính là để thoát nước qua làn cỏ tự nhiên.

Để khỏi bình luận thêm, tôi xin dẫn một hình ảnh 100% thật, hàng triệu người biết là thành phố mới Bình Dương, cách thành phố Thủ Dầu Một, nơi sủi sùng sục những ngày qua. Thành phố mới cách thành phố cũ 4 km đường chim bay, không bao giờ ngập dù chịu chung lượng mưa với Thủ Dầu Một.

Tại sao vậy? Thì tại Thành phố mới không bị “nền văn minh bốn mét tràn ngập”, thế thôi! Còn biện pháp thế nào, thì lại phải dùng trí tưởng tượng làm một giả định, ở một thành phố giả định, vào thời gian giả định, ví dụ như:

“UBND Thành phố Tam kỳ ban hành quyết định số 0000 /UBND 1996 về quy hoạch sau khi tái lập tỉnh Quảng Nam: Quy hoạch Thành phố rộng 300 km vuông (gấp ba bây giờ), mỗi hộ dân phải có trên 600 mét vuông, diện tích xây dựng không quá 50%. Thành phố phải có 50/300 km vuông là đất tự nhiên không bê tông hoá…”

Tưởng tượng thôi, nhưng muốn làm, không khó.

Đừng ai ngạc nhiên khi nay mai những đô thị cấp… huyện cũng hưởng nền văn minh giao thông thuỷ, bộ như Sài Gòn, Sơn La, Cao Bằng hôm nay…

Nền văn minh bốn mét đang tiến về tận thôn làng.

Biết trách ai đây!?

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tôi nhớ mang máng khi Saigon, Hà Nội lát vỉa hè rất nhiều chuyên gia góp ý nên dùng loại như gạch tàu, gạch con sâu có nhiều kẽ thoát nước….nước thẩm thấu tốt hơn nhiều các loại đá…thế nhưng cứ phải làm bất cứ loại nào mà có thể đớp nhiều, thật nhiều tiền thì cứ thế mà làm chả phải nghe bọn nào…thế là dân đen lãnh đủ, cứ bì bõm lội nước sình dơ bẩn, kế sinh nhai teo tóp còn bọn nhà giàu chúng đi ô tô một bước tới cửa nhà, tiền bạc thoải mái sống chết mặc bay!!!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây