Trân Văn
28-8-2024
Tiếp theo phần 1 — phần 2 và phần 3
Tháng 3/2024, ông Võ Văn Thưởng bị loại ra khỏi Bộ Chính trị, thôi làm Chủ tịch Nhà nước (CTNN). Tháng 4/2024, tới lượt ông Vương Đình Huệ bị loại ra khỏi Bộ Chính trị, thôi làm Chủ tịch Quốc hội. Sáu tuần sau (16/5/2024), bà Trương Thị Mai chia sẻ số phận của ông Thưởng, ông Huệ và thôi làm Thường trực Ban Bí thư. Đến thời điểm đó, nhân số Bộ Chính trị chỉ còn 12/18 vì trước đó đã có ba người khác bị loại khỏi Bộ Chính trị (Phạm Bình Minh, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc).
Tuy Bộ Chính trị còn 12 thành viên nhưng theo Qui định 214-QĐ/TW thì chỉ còn ba cá nhân đủ “tiêu chuẩn” đảm nhận vai trò Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng là các ông Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính và Tô Lâm vì “tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên” mà không cần Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN quyết định là “trường hợp đặc biệt” [1]. Cũng vì vậy, sau khi bà Mai bị tước sạch mọi thứ, ông Tô Lâm mới có thể trở thành ứng viên duy nhất cho vai trò CTNN.
Nếu ngày 19/5/2024, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội còn hồn nhiên trả lời báo giới: “Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 chưa giới thiệu Bộ trưởng Bộ Công an vì thế Quốc hội chưa phê chuẩn hoặc miễn nhiệm chức danh này” [2] thì ba ngày sau (21/5/2024), trước phản ứng gay gắt từ nhiều giới về việc tại sao CTNN còn muốn kiêm nhiệm vai trò Bộ trưởng Công an, “đạo diễn” đã phải điều chỉnh “kịch bản”, ông Cường xin “bổ sung nội dung miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an” vào nghị trình [3].
Song chuyện chưa ngừng ở đó! ông Trần Quốc Tỏ (Thượng tướng, Thứ trưởng Thường trực của Bộ Công an) nhân vật được phân công làm Quyền Bộ trưởng Công an thay thế ông Tô Lâm [4] chỉ tại vị được… hai tuần. Ngày 6/6/2024, đột nhiên ông Lương Tam Quang (một Thượng tướng cũng là Thứ trưởng Công an, người trước nay vẫn được xem là tâm phúc của ông Tô Lâm) được Thủ tướng giới thiệu, Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Công an [5]. Từ khi có Cộng hòa XHCN Việt Nam, ông Quang là trường hợp đầu tiên được chọn làm Bộ trưởng Công an khi chưa phải là Ủy viên Bộ Chính trị. Hai tháng sau (16/8/2024), ông Quang tiếp tục được “bầu bổ sung” vào Bộ Chính trị [6] cho dù Qui định 214-QĐ/TW đã xác định, chỉ lựa chọn – đưa vào Bộ Chính trị những cá nhân đã có ít nhất một nhiệm kỷ làm Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN và ông Quang không đạt điều kiện này. Tại sao ông Quang trở thành “trường hợp đặc biệt”? Đến đó, kịch vẫn chưa đến cao trào.
Trong tháng 6/2024, còn một Thượng tướng, Thứ trưởng Công an là ông Nguyễn Duy Ngọc vốn cũng được xem là tâm phúc của ông Tô Lâm được điều động làm Chánh Văn phòng BCH TƯ đảng và hai tháng sau được bầu vào Ban Bí thư BCH TƯ đảng. Thêm một lần nữa, Qui định 214-QĐ/TW bị vô hiệu hóa. Nếu quy định này thật sự hữu dụng trong việc lựa chọn, sắp đặt nhân sự của BCH TƯ đảng, Ban Bí thư, Bộ Chính trị thì ông Ngọc không đủ “tiêu chuẩn” (Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư phải là Ủy viên BCH TƯ đảng trọn một nhiệm kỳ trở lên). “Chỉnh đốn” khiến các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên BCH TƯ đảng rụng như sung, kể cả những người đủ “tiêu chuẩn” để trở thành Tổng Bí thư, CTNN, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, thành viên Ban Bí thư,… Mặt khác, cũng chính “chỉnh đốn” tạo ra những cơ hội vừa nằm ngoài qui định, vừa nằm ngoài khả năng tưởng tượng của nhiều người về khả năng vươn cao bất thường của một số cá nhân vừa là tướng công an, vừa có nguyên quán là… Hưng Yên!
***
Nếu đặt việc ông Trần Đình Triển bị tống giam bên cạnh các diễn biến về nhân sự trong vài tháng gần đây, sẽ rất khó có thể tìm cách lý giải khác, hợp lý hơn khả năng đó là một cuộc “trao đổi” nhằm đạt được sự… “thống nhất cao” về… “công tác nhân sự” chứa đựng hàng loạt yếu tố thuộc loại chưa từng có. Tương tự, việc dùng “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” để “cất” ông Trương Huy San vào “kho” dường như hết sức… “hợp cảnh”. Trong bối cảnh “công tác nhân sự” hỗn loạn khó lường như vừa lược thuật, để một cá nhân dám công khai bảo rằng: Việt Nam nên học Trung Quốc ở những điều họ đúng: Bộ trưởng công an không phải là Ủy viên Bộ chính trị. Có lẽ Đảng Cộng sản Trung Quốc coi công an là công cụ của Bộ Chính trị chứ không để Bộ Chính trị trở thành con tin của công an… đồng thời còn lưu ý: Không có quốc gia nào có thể phát triển bền vững dựa trên sự sợ hãi… tiếp tục tự do, rõ ràng là hết sức nguy hiểm cho… “đại cục”.
Nếu… “công tác nhân sự” không phức tạp tới mức không cần phải tỏ ra tôn trọng các qui định mang tính nền tảng về lựa chọn, sắp đặt nhân sự như Qui định 214-QĐ/TW, nếu những cá nhân mới được lựa chọn, sắp đặt thực sự “là hạt nhân quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị,” được toàn đảng, toàn dân “tin tưởng, tín nhiệm cao”, hẳn sẽ không có những sự kiện làm thiên hạ ngỡ ngàng, kiểu như, chỉ trong ba ngày từ 15/8/2024 đến 17/8/2024, thiên hạ thấy ông Nguyễn Tấn Dũng xuất hiện bên cạnh ông Tô Lâm hai lần. Lần thứ nhất là tại “Hội nghị với các đồng chí nguyên lãnh đạo đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm thông tin về tình hình những tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024” tại trụ sở BCH TƯ đảng CSVN ở Hà Nội [7]. Lần thứ hai là tại “Chương trình kỷ niệm 55 năm Công an nhân dân thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Công an TP.HCM” ở TP.HCM [8].
Ở lần thứ nhất, không ai biết vì sao khá nhiều “các đồng chí nguyên lãnh đạo đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” vắng mặt. Họ không được mời hay không muốn tham dự? Tương tự như vậy là lần thứ hai và lần này, hình ảnh ông Dũng ngồi bên cạnh đồng chí Tô Lâm (Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước) như nhân vật thứ hai của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đã khơi dậy nhiều đồn đoán. Đáng lưu ý là ngay sau đó bắt đầu có một số cá nhân sử dụng mạng xã hội để “giải oan” cho ông Nguyễn Tấn Dũng. Thậm chí khẳng định ông Dũng có “nhân cách lớn”!
Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam có thật sự “đoàn kết, thống nhất”? Vì lẽ gì chỉ “đoàn kết, thống nhất” với những điều có lợi cho ông Tô Lâm?
(Còn tiếp)
________
Chú thích
Có khi nào ngài tân Tổng – Chủ lại rủ rê “người tử tế” ra chấp chính tiếp không bác ? Tất nhiên là trái luật, nhưng cả đống thứ trái luật, người ta vẫn bất chấp đấy thôi .
Mười năm, người ấy đã làm tan nát đất nước rồi . Giờ, người lại thèm khát làm cho nó nát tan thêm sao ?!
Nhân cách của người lớn cỡ nào không biết . Nhưng, ta thử so sánh ,một nữ nghệ sĩ đã từ chối nhận giải thưởng của người vì lý do “Tôi không muốn nhận giải thưởng của người đã làm nghèo đất nước” . Ô hô, ai tai !
Tại cuộc họp của tiểu ban văn kiện, Tô Lâm đọc diễn văn: ” … Thứ nhất, thống nhất nhận thức về khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam … “.
Xem ra rất có “tương lai tốt”.
Vừa rồi, bộ Y Tế ướm giọng phạt người ở một mình, bộ giáo dục gụn ghè hợp thức hóa dạy thêm … hình thức, cách làm … chưa “cụ thể”. Đấy hẳn là phép thử, nói cách khác là “nắn gân” của lãnh đạo mới. Việc xem qua thì có vẻ nhỏ, thực ra là việc to. Để xem khả năng bao quát công việc, bộ sậu giúp việc của Tô Lâm như thế nào.
Để xem quyền lực trong tay ai và làm trò trống gì.