Chuyện một người lính phản chiến

Nguyễn Tuấn Khoa

13-8-2024

Đồn tiền tiêu của Trung Đoàn 16, Sư Đoàn 9 Bộ Binh ở Cầu Kè xây dựng xong trong 6 tháng. Từ ngày đó, xóm làng quanh đồn không một ngày im tiếng súng. Đã hai năm lính nhưng trung úy Nguyễn Văn Hồng vẫn còn băn khoăn về nghiệp lính mà anh đang mang. Lệnh đôn quân đã đưa anh vào trường Bộ Binh Thủ Đức, để rồi giờ đây, nơi tiền đồn này, hàng ngày anh phải chứng kiến cảnh máu đổ thịt rơi của những người anh em từ cả hai phía.

Khu vực Cầu Kè là vùng “xôi đậu”, ngày là Quốc Gia, đêm là Việt Cộng. Thật khó phân định đâu là dân, đâu là du kích. Người Cộng Sản thật khôn ngoan khi lôi kéo người dân vào cuộc chiến với nhiệm vụ của một người lính thực sự. Họ là nông dân, là học sinh nhưng phải nhận lệnh đi gài mìn, bắn vào đối phương rồi sau đó trở lại đi học, làm ruộng. Chiến Tranh Nhân Dân mà thực chất là chiến tranh không quy ước này tuy không nhiều vũ khí giết người nhưng lại đưa cuộc chiến lên đỉnh điểm của sự phi nhân tính.

Một buổi tối bình yên trôi qua. Gần sáng, một tiếng nổ lớn trong làng làm rung động đồn gác. Sáng ra trung úy Hồng cùng đồng đội đến vị trí nổ đêm qua. Kinh hoàng! Một đứa bé trạc 14 tuổi, mặc áo sơ-mi trắng đã bị mìn phá nát nửa người bên dưới. Thật thương tâm.

Chuyện này cứ xảy ra hoài. Lính đạp phải mìn thì ít, thường dân nhiều hơn. Không biết thằng bé đạp phải mìn do du kích cài hay nó nhận nhiệm vụ đi cài mìn rồi sơ ý làm nổ? Hồng thất thần trở về đồn, rít một hơi thuốc thật sâu như để xóa mùi tanh. Giọng Khánh Ly từ chiếc máy cassette cũ bình thản như đang kể về một cái chết oan nghiệt vừa xảy ra.

Một buổi sáng mùa xuân,

Một đứa bé ra đồng,

Đạp trái mìn nổ chậm,

Xác không còn đôi chân.

(Một Buổi Sáng Mùa Xuân – Trịnh Công Sơn)

Những cuộc tuần tra và bố ráp những ngày sau đó, lính bắt được nhiều người tình nghi. Sau thẩm vấn nhóm điều tra chỉ giữ lại hai người có quả tang: Một ông già khoảng 70 tuổi và một đứa bé 15 tuổi gầy trơ xương. Tờ trình về nhân thân của hai Việt Cộng (VC) này được đặt trên bàn của trung úy Hồng.

Đêm hôm đó, sau nhiều giờ thẩm vấn trực tiếp, trung úy Hồng thấy rằng hai VC này chỉ là thường dân, không làm theo mệnh lệnh của VC thì gia đình họ phải trả giá bằng tính mạng. Họ là nạn nhân của chiến tranh không quy ước đang bị cả thế giới văn minh lên án.

Nhìn thân hình tiều tụy của hai VC sau nhiều ngày tra tấn, người trung úy phản chiến đã âm thầm làm chuyện động trời. Dàn xếp cho hai VC bỏ trốn! Anh đã dặn dò họ thật kỹ rằng: Khi rời khỏi đồn phải trốn về thành, mai danh ẩn tích, làm việc nhân nghĩa để mưu sinh. Không được trở về với VC vì sẽ bị nghi là tình báo do lính Quốc Gia cài trở lại. Họ đi xuyên đêm đen vô tận. Đi đâu, về đâu?

Những ngày sau đó anh sống với tâm trạng dằn vặt. Vừa làm nhiệm vụ của người sĩ quan ở tiền tuyến, vừa phải tránh cảnh máu đổ thịt rơi, vừa mơ về một đất nước thanh bình. Những lần hành quân, trong tai anh luôn văng vẳng giọng Khánh Ly với Phụ Khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn.

Khi đất nước tôi thanh bình

Tôi sẽ đi thăm, nhiều nghĩa địa buồn

Đi xem mộ bia nhiều như nấm.

Khi đất nước tôi không còn chiến tranh

Mẹ già lên núi tìm xương con mình

Khi đất nước tôi không còn chiến tranh

Bạn bè mấy đứa vừa xanh nấm mồ.

Khi đất nước tôi không còn giết nhau

Trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường

(Tôi Sẽ Đi Thăm- Trịnh Công Sơn)

Một ngày định mệnh của tháng 12 năm 1969, Hồng nhận lệnh cùng đại đội đi tiên phong để phối hợp với hai đại đội ở mặt trận phía Đông. Bước chân người lính lướt đi trên con đường mòn quen thuộc. Gần đến nơi, hai tiếng nổ long trời gần như cùng lúc, hất tung trung úy Hồng và những người đi đầu. Thế là xong một kiếp người. Kết thúc một giấc mơ. Trong giây phút ngắn ngủi còn lại, Hồng nghĩ đến người vợ với ba con thơ, một trai hai gái, thương nhất là bé gái chưa đầy tháng.

“Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên” – Trịnh Công Sơn

Anh ra đi là một sự giải thoát khỏi cuộc chiến giữa những người anh em. Anh không oán trách ai đó đã gài mìn dù đó là hai VC một-già-một-trẻ mà anh đã thả. Chiến tranh thật nghiệt ngã. Để ghi nhớ chiến công của người lính can trường, trung tá trung đoàn trưởng Trung Đoàn 9 Huỳnh Văn Chính đã thừa lệnh Sư Đoàn Trưởng vinh thăng ông lên đại úy. Trung đoàn đã xây một trường tiểu học mang tên Nguyễn Văn Hồng tại Cống Đất Méo, cách thị xã Vĩnh Long 20 km rồi đưa bà quả phụ Hồng về dạy tại đây.

Bảy năm sau ngày ông Hồng hy sinh, giấc mơ của ông mới trở thành sự thật. Đất nước hòa bình nhưng không thanh bình. Nét lo lắng hằn trên gương mặt mỗi người.

Khi đất nước tôi không còn giết nhau

Mọi người ra phố mời rao nụ cười”. (Trịnh Công Sơn)

Bà Hồng, có chồng là sĩ quan VNCH, đang dạy ở trường mang tên chồng, bị buộc ngưng dạy ngay khi tựu trường trở lại. Các cô giáo khác có chồng làm lính cũng rời trường sau đó ít lâu.

Một tháng sau, chỉ một mình bà Hồng được gọi đi dạy trở lại trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Bà linh cảm rằng có một bàn tay bí mật nào đó trong quyết định khó hiểu này. Ân huệ này quá lớn vì nó giúp cho những đứa con thơ của bà không rơi vào cảnh chết đói. Bà lúc nào cũng lo sợ tai họa lại ập đến một lần nữa nên luôn chu toàn nghiệp sư phạm.

Thấm thoát, hai đứa đầu đã 17 và 18 tuổi. Nhờ ơn Trời-Phật, cả hai đứa đều đậu vào đại học Tổng Hợp khoa Toán và khoa Sinh. Bà như ngất đi vì sung sướng.

Niềm vui chưa tày một gang, biến cố lại đổ ập xuống nhà bà. Cả hai đứa dù đã vượt qua một ngưỡng điểm đầy bất công nhưng không được đi học. Lý lịch của cha đã chặn lối vào đời của tụi nhỏ. Đứa con gái, suốt một tuần, ngày nào cũng ngồi đồng ở văn phòng Ủy Ban tỉnh Cửu Long để xin gặp ông Chủ Tịch.

Một ngày, có người ra mách nước rằng, hãy đến nhà ông Ba Trà, Trưởng Ban Tuyển Sinh. Suốt một tuần, ngày nào về đến nhà, ông Ba Trà cũng thấy con bé ngồi đó, dù ông đã từ chối tiếp. Cuối cùng, ông buộc ngồi xuống lắng nghe. Con bé nói trong nước mắt:

– Ba con đã chết trận lúc con 2 tuổi. Sao chuyện của người lớn con nít phải gánh chịu? Bây giờ con đậu nhưng chấp nhận rớt. Vậy bác cho anh hai con đi học đi.

Ông bối rối vì lập luận của con bé ngây thơ. Ông nói ngắn rằng chuyện này lớn quá, ông không có quyền làm khác và hứa sẽ trả lời. Ít hôm sau con nhỏ lại đến nhà. Ông nói, kêu anh con lên Ban nhận Giấy Báo Trúng Tuyển. Anh con phải chuyển sang học khoa Toán đại học Sư Phạm.

Con nhỏ khóc nấc, vừa mừng vừa tủi. Bà mẹ thì vừa mừng vừa lo vì không biết còn tai họa gì nữa không? Chuyện này chưa có tiền lệ nên bà lại linh cảm rằng có bàn tay bí mật nào đó trong quyết định khó hiểu này?

***

Tôi lần theo câu chuyện bà nhạc kể rồi tìm ra trường tiểu học Nguyễn Văn Hồng năm xưa. Nơi đây, bây giờ là Trạm Y Tế thị trấn Long Hồ, còn trường dời sang bên kia đường, mang tên Trường Tiểu học Thị trấn Long Hồ.

Làng quê thật yên bình, tôi không cảm nhận sự khốc liệt nơi ông từng tham chiến. Những người đồng đội của ông, những người bên kia chiến tuyến và cả hai Việt-Cộng-một già-một trẻ chắc bây giờ đã trở về với cát bụi hoặc không còn ở đỉnh cao quyền lực nữa.

Hôm nay đám giỗ lần thứ 56 của ông. Tôi thắp một nén nhang lên bàn thờ với lời khấn dành cho tất cả những người đã nằm xuống ở hai bên chiến tuyến, rằng họ sẽ mãi mãi là bạn, là anh em của nhau.

“Quen lạ bạn thù chung giấc ngủ.

Chung lời thương tiếc khóc trên bia”.

(Tô Thùy Yên)

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Chiều tàn trên bến Sông Seine khói sương: Lữ khách tha hương nỗi đoạn trường
    ********************

    Lữ khách tha hương nỗi đoạn trường
    Nửa Thế kỷ lưu vong vấn vương
    Ôi ! Vốn Thời gian đang dần cạn !…
    Quê Mẹ mãi chẳng bao giờ Cố hương…
    Thơ thẩn bờ Sông Seine trên bến
    Chiều tàn trên Cầu Nghệ Thuật khói sương
    Ngỡ tưởng Trường Tiền bên nớ Phượng đỏ
    Hàn Giang nay gác mái về Sông Hương
    Bên ni nhớ mắt xanh tóc vàng mũi lõ
    Chân Cầu Miệc-Bố thì thầm Lời thương
    Mới đấy giờ Cụ đầm hưu Miền Cognac
    Rượu Tiên quên lãng sắc Tình trường
    Việt bao Cố nhân + Pháp bấy Tình cũ !
    Quê Hương mãi chẳng bao giờ Cố hương…
    Chiều tà giục gọi Hồn đâu Quê Mẹ ???
    Lữ khách tha hương luống đoạn trường

    HÀNG CHỤC TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

  2. Phản chiến tức là phản đối chiến tranh nói chung như ông sĩ quan này thì
    đúng là người yêu chuộng hoà bình thực sự, vì xét cho đến cùng thì cũng
    có ít nhất 3 loại phản chiến, ngoài loại ở trên còn có loại nhân danh, thậm
    chí giả danh phản chiến để tránh việc bị người khác đánh giá là tham sống
    sợ chết, kể cả hèn nhát thì mất thể diện qúa nên phải làm ra vẻ đạo đức
    để “chính nghĩa hoá” hành động phản chiến của mình ! Còn loại 3 là những
    kẻ phản chiến có ý thức chính tri hay có thể bị giật dây bởi một thế lực ở
    bên ngoài muốn triệt hạ thế lực đang đối đầu với họ.
    Tôi thiển nghĩ nhạc sĩ TCS. cũng là người yêu chuộng hoà bình thực sự mà
    những ngưòi có tư tưởng phản đối chiến tranh như thế chỉ là vì lòng thương
    người, không còn muốn thấy cảnh máu đổ, thịt rơi của đồng loại. Có điều
    thắc mắc là trong lời nhạc của TCS. “khi đất nước tôi không còn giết nhau,
    mọi người ra phố mời rao nụ cười” thì không biết tại sao ông ta lại viết là
    “mời rao” (nụ cười), thay vì “mời trao” (cũng hiệp vần với “nhau” ở trên) ?
    Phải chăng nụ cuời khó tạo ra niềm vui nên phải vừa “mời” cho lịch sự và
    vừa “rao” như rao một món hàng theo cách thực dụng ?

  3. Bàn làm cái gì cho mất thời giờ, nguyên nhân chính rõ ràng và đơn giản như 1+1=2 : “cộng sản Bắc Việt xâm lăng cộng hoà Nam Việt”.

  4. Rất kính trọng những người dù mặc áo lính Ngụy nhưng vưỡn còn là người Việt Nam của RF Phúc Kđinh A & Đinh Từ Thức .

    Ví dụ như người lính đã trả tự do cho 2 bộ đội Cụ Hồ . Đóng góp của ông hy vọng sẽ được Đảng & nhà nước TA ghi nhận, như 1 đóng góp cho giải phóng miền Nam đến nhanh hơn .

  5. 1) “Đã hai năm lính nhưng trung úy Nguyễn Văn Hồng vẫn còn băn khoăn về nghiệp lính…”

    Đi lính đi tráng mới có hai năm mà đã “đóng” lon trung úy, thiệt hông đó? Nếu thiệt vậy thì đúng là lên lon nhanh vù vù đến chóng mặt, chứ còn gì nữa.

    Lên nhanh vù vù kiểu đó, nói theo kiểu nói đùa hồi xưa hay nói (tuy đùa nhưng không phải là không có phần nào sự thực), đa phần là chỉ có lính… lèo.

    2) “Nhìn thân hình tiều tụy của hai VC sau nhiều ngày tra tấn, người trung úy phản chiến đã âm thầm làm chuyện động trời. Dàn xếp cho hai VC bỏ trốn! Anh đã dặn dò họ thật kỹ rằng: Khi rời khỏi đồn phải trốn về thành, mai danh ẩn tích, làm việc nhân nghĩa để mưu sinh. Không được trở về với VC vì sẽ bị nghi là tình báo do lính Quốc Gia cài trở lại. Họ đi xuyên đêm đen vô tận. Đi đâu, về đâu?”

    Lại có thiệt hông đó? Lính tráng gì mà muốn bắt là bắt, muốn tra khảo là tra khảo; rồi muốn thả ra là thả (qua màn ngó lơ để cho trốn), hay sao đó cũng được, đến phản chiến hay thông đồng với địch cũng OK luôn. Như thế sơ khởi là chẳng có phép tắc hay huấn lệnh điều hành gì ráo, mà chỉ dựa vào suy nghĩ và phán đoán cá nhân của người chỉ huy tại chỗ, tức sẵn sàng đầu hàng trước sở thích và nhận định bản thân, hoặc trước “nghịch cảnh éo le hay ngang trái” này nọ theo kiểu “mấy tuồng cải lương vớt đến không biết bao nhiêu là nước mắt của mấy em Ma-ri sến”, lại nói theo kiểu nói đùa ngày xưa… Lính gì mà uỷ mị, dễ siêu lòng, dễ để cho bị dụ khị đến thế. Nghịch cảnh mới chỉ có thế mà đã đầu hàng rồi là sao? Đã vậy rồi mà lại còn quyền hạn quá lớn, muốn bắt thả, hay muốn sao cũng được, chẳng ai giám sát, chẳng ai dám làm gì, kiểu này thì cỡ Tô Lâm của thời buổi bây giờ chắc cũng chưa được như vậy. Chưa kể là đã thế rồi mà lại cò được lên lon vù vù nữa chứ, như nói trên. Tin nổi không? May là “trung uý Nguyễn Văn Hồng” của chúng ta đây còn chưa bán đồn dâng bót cho địch. Hú vía!

    Chắc lại chỉ có lính… lèo mới thế. Đến đây thì không đùa nữa.

    Thua là phải.

  6. Chiến tranh là chết chóc, là chia lìa đau thương, vì thế chẳng ai muốn chiến tranh ngoại trừ sự bắt buộc nhưng nếu như những tham vọng của những thằng điên được ngăn chặn kịp thì hậu quả sẽ bớt tàn khốc.
    Hy vọng cái đám ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản đã mở mắt ra để nhìn thấy hậu quả việc chúng làm. Mong là mong vậy thôi chứ loài phản trắc thì không thấy tin dùng được.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây