2-8-2024
Mỹ từ chối cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam
Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 2/8 rằng Việt Nam sẽ tiếp tục được phân loại là quốc gia có nền kinh tế phi thị trường, sau khi trì hoãn đưa ra quyết định này trong thời gian Việt Nam tổ chức quốc tang cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Kết luận này có nghĩa là phương pháp tính thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn giữ nguyên,” bộ này cho biết trong một tuyên bố.
Bộ Thương mại Mỹ ban đầu dự kiến đưa ra quyết định này vào ngày 26/7 nhưng thông báo lùi thời hạn này thêm 1 tuần với lý do mà họ đưa ra là gián đoạn về công nghệ thông tin. Ngày 26/7 cũng là ngày Việt Nam tổ chức quốc tang cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã cùng Tổng thống Joe Biden nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện hồi tháng 9 năm ngoái.
Việt Nam đã mong đợi được Mỹ đưa ra khỏi danh sách 12 nền kinh tế phi thị trường do có sự can thiệp sâu rộng của nhà nước vào nền kinh tế theo định danh của Mỹ. Các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam trong năm qua đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách này và cho rằng điều này sẽ có lợi hơn cho quan hệ hai nước.
Tuy nhiên, hàng chục nhà lập pháp Mỹ trong những lần khác nhau đã gửi thư lên Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo để yêu cầu bộ này không cấp quy chế thị trường cho Việt Nam với các lý do rằng Việt Nam vẫn vận hành như một nền kinh tế kế hoạch được điều chỉnh bởi các nghị quyết của Đảng Cộng sản. Các thượng nghị sỹ và dân biểu Mỹ cũng đã nêu ra những quan ngại về quyền lao động hay mối liên hệ chặt chẽ giữa Việt Nam và Trung Quốc về nguyên liệu sản xuất.
Một người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ nói với VOA vào tháng trước, khi trả lời yêu cầu bình luận về những phản đối và quan ngại của các nhà lập pháp Mỹ cũng như các nhà sản xuất thép ở Hoa Kỳ, rằng bộ sẽ xem xét tất cả những điều đó khi đưa ra quyết định.
Trong khi các nhà sản xuất của Mỹ phản đối việc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam thì những nhà bán lẻ ở Mỹ lại ủng hộ việc này. Ông Ted Osius, người đứng đầu Hội đồng kinh doanh Mỹ-ASEAN, nơi ủng hộ việc nâng cấp cho Việt Nam, nói tại một buổi điều trần của Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 5 rằng “Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường.”
Bộ Công Thương Việt Nam, khi đệ trình yêu cầu việc rà soát quy chế kinh tế phi thị trường lên Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 9/2023, nói rằng Việt Nam đã có những cải cách trong hơn 20 năm qua, kể từ khi Mỹ xác định Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường, và cho rằng họ cần được đưa ra khỏi danh sách vốn áp dụng cho các vụ kiện chống bán phá giá ở Hoa Kỳ.
Bộ Công Thương hôm 2/8 nói rằng họ “lấy làm tiếc” về quyết định của Bộ Thương mại Mỹ.
“Điều này có nghĩa rằng doanh nghiệp xuất khẩu của Việt nam vào thị trường Mỹ sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ,” Bộ Công thương được Tuổi Trẻ trích dẫn khi phản ứng về quyết định của Hoa Kỳ. “Chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng ‘giá trị thay thế’ của một nước thứ ba để tính toán biên độ phá giá.”
Bộ Công Thương cho rằng nếu Bộ Thương mại Mỹ xem xét hồ sơ và thực tiễn tại Việt nam “một cách khách quan, công bằng thì đã có thể thừa nhận thực tế rằng Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường như 71 nền kinh tế khác đã công nhận,” trong đó bao gồm Anh, Canada, Australia và Nhật Bản, theo Tuổi Trẻ.
Tuy nhiên, Bộ này nói rằng trong thời gian tới, họ sẽ “nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt nam của Bộ Thương mại Mỹ.” Mục tiêu, mà theo Bộ này cho biết, là để “bổ sung, hoàn thiện lập luận để gửi hồ sơ yêu cầu Bộ thương mại Mỹ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị thương mại hai chiều lên đến hơn 120 tỷ USD vào năm ngoái. Hoa Kỳ đã khởi xướng nhiều vụ kiện chống bán phá giá của một số mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, như tôm và thép, trong những năm qua. Tuy nhiên, với việc Mỹ đang tìm cách đưa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia được Hoa Kỳ chọn cho việc hợp tác ở các nước bằng hữu nhằm giảm phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Bộ Công Thương được Tuổi Trẻ trích dẫn khẳng định rằng họ sẽ “đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trườgn Mỹ trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp để đảm bảo lợi ích cao nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.”
Đừng lo gì cả vì Mỹ không đủ kiên nhẫn gây khó cho VN. nhất là Mỹ rất
muốn “kết bạn” với VN. trong sách lược chống lại Tàu cộng với ý muốn
VN.đứng ngoài hay đứng trung lập nếu cuộc chiến Mỹ Trung xảy ra trong
tương lai, dù điều đó chứng minh Mỹ không hiểu là TC. và VC. có mối
ràng buộc ý thức hệ hay “nghĩa vụ quốc tế vô sản” hay nói cách khác,
đó là quan hệ cha (nuôi) – con, thầy – trò, là chổ dựa vững chắc trước
đây và hiện thời của chế độ CsVN. !
Mỹ chỉ “làm mình làm mẩy” cho phải phép vậy thôi, chứ không lâu nữa
đâu Mỹ sẽ “lấy lòng” VC. = củ “cà rốt” là công nhận kinh tế thị trường ?
Đế quốc Mỹ chỉ là đối tác béo bở để VC. tiếp tục lợi dụng ?
Các “chuyên gia” kinh tế hay chém gió những chuyện đâu đâu, ngoài chuyên môn kinh tế trên cõi mạng, còn chuyện liên quan đến chuyên môn như này thì im thin thít, hổng thấy động tĩnh gì.
Nguyễn Quang A, Kim Văn Chính, Khương Hữu Lộc … trình bày, phân tích các lý do mà phía Hoa Kỳ không thừa nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, cho phần đông bà con xứ Chiều Nay được biết, vì phần đông lơ mơ về món này, nghe bên nào cũng nói phải cả. Đại khái như:
-Tại sao có nước công nhận, có nước không công nhận, trong khi quy định của WTO chỉ có 1. Ngoài quy định của WTO, phải thực hiện cam kết song phương với các nước khi ra nhập WTO, những cam kết đó như thế nào. Có phải thực sự Chiều Nay không thực hiện đúng các quy chế, các cam kết, hay vì những lý do chính trị khác.
-Các cáo buộc: can thiệp tỷ giá hối đoái tiền tệ, vai trò lớn của doanh nghiệp nhà nước, các hạn chế về xuất khẩu nguyên liệu, lách luật để tuồn hàng Tàu mang mác Chiều Nay, và nhiều hạn chế thương mại tự do khác.
-Xứ Chiều Nay nếu thực hiện đúng kinh tế thị trường, cắt cái đuôi xã nghĩa, có thể: làm giảm quyền lực của nhà đương cục, dần dần dẫn đến “mất chế độ”; đám “sân sau” không thể làm mưa làm gió, o ép, bần cùng hóa “giai cấp công nông” ….
Rất mong được nghe cao kiến của các quý vị.