Trang chủ Bài Trên Mạng Tờ trình của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tới Bộ Ngoại...

Tờ trình của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tới Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia trước cuộc Đối thoại Nhân quyền Australia – Việt Nam

Human Rights Watch

29-7-2024

Khái quát

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đánh giá cao cơ hội được đóng góp vào tiến trình chuẩn bị cho Cuộc Đối thoại Nhân quyền Australia – Việt Nam lần thứ 19, dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng Bảy năm 2024.

Quan hệ chính thức giữa Australia và Việt Nam tiếp tục phát triển rõ rệt. Tháng Sáu năm 2023, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã đến thăm Việt Nam để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tháng Ba năm 2024, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đến thăm Australia để nâng cấp quan hệ song phương thành Đối tác Chiến lược Toàn diện. Việc nâng cấp đã đưa Australia trở thành đối tác lớn thứ bảy của Việt Nam, sau Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Tháng Bảy năm 2023, Australia đã đạt được thỏa thuận về việc phóng thích công dân Australia Châu Văn Khảm, một nhà hoạt động dân chủ, sau khi ông phải thụ án hơn bốn năm tù ở Việt Nam vì niềm tin chính trị của mình. Hơn 160 người Việt hiện đang phải thi hành các bản án tù nhiều năm ở Việt Nam vì ôn hòa thực hành các quyền dân sự và chính trị cơ bản của mình.

Chính quyền Việt Nam hạn chế gắt gao các quyền dân sự và chính trị cơ bản, vi phạm Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1982, bao gồm quyền tự do biểu đạt, lập hội, nhóm họp ôn hòa, quyền tự do đi lại, và quyền tự do thực hành tín ngưỡng và tôn giáo. Bất kể một tổ chức hay nhóm nào bị coi là có nguy cơ đối với sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản đều bị chính quyền cấm thành lập và hoạt động. Nhà cầm quyền chặn đường truy cập tới các trang mạng và yêu cầu các công ty viễn thông và mạng xã hội phải gỡ bỏ các nội dung bị coi là nhạy cảm về chính trị. Những người lên tiếng phê phán chế độ độc đảng, bao gồm cả việc phê phán trên mạng xã hội, phải đối mặt với nguy cơ bị công an sách nhiễu, cản trở việc đi lại, bị hành hung thân thể, câu lưu, bắt giữ tùy tiện, tạm giam, và truy tố. Công an giam giữ các nhà hoạt động chính trị hàng tháng trời mà không cho tiếp xúc với luật sư, thẩm vấn họ thô bạo, và trong một số trường hợp, tra tấn họ. Các tòa án do đảng kiểm soát kết tội các nhà hoạt động và blogger dựa trên các cáo buộc ngụy tạo về an ninh quốc gia, và tuyên những án tù dài hạn.

Về các lĩnh vực quan ngại thiết yếu trong cuộc đối thoại, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khuyến nghị chính phủ Australia tập trung vào năm lĩnh vực ưu tiên liên quan tới tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam: 1) những người đang bị tù hoặc tạm giam vì lý do chính trị; 2) các nhà hoạt động về môi trường; 3) tình trạng đàn áp quyền của người lao động; 4) tố tụng không công bằng đối với các bị can, bị cáo hình sự; và 5) tình trạng đàn áp quyền tự do thực hành tôn giáo và tín ngưỡng.

Không rõ về các vấn đề nhân quyền cụ thể phía Australia đã nêu trong các cuộc đối thoại trước đây, cũng như liệu chính phủ Australia có đặt ra các mốc có thể kiểm chứng được với phía Việt nam trong cuộc đối thoại nhân quyền thường niên lần trước không.

Chúng tôi kêu gọi chính phủ Australia gây sức ép để có các mốc cụ thể rõ ràng, cụ thể và dễ đánh giá về tiến bộ trong năm lĩnh vực ưu tiên nói trên, và đặt ra các hậu quả đối với quan hệ song phương nếu các vi phạm nêu trên vẫn không được giải quyết.

Nếu phía Australia không làm được như vậy thì cuộc đối thoại năm nay cũng sẽ có kết quả như một lần diễn tập lấy lệ, trong đó Australia tiếp tục đóng vai một người đứng ngoài quan sát tình trạng vi phạm nhân quyền đang trầm trọng hơn ở Việt Nam.

1. Những người đang bị tù hoặc tạm giam vì lý do chính trị

Chính quyền Việt Nam thường sử dụng các điều khoản có ngôn ngữ mơ hồ và có thể diễn giải tùy tiện trong bộ luật hình sự và các luật khác để truy tố và xử tù các nhà hoạt động chính trị và tôn giáo ôn hòa. Các điều khoản đó bao gồm “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (điều 117), và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (điều 331).

Việt Nam hiện đang giam giữ hơn 160 người vì đã ôn hòa thực hành các quyền dân sự và chính trị của mình. Tính từ sau cuộc đối thoại nhân quyền lần trước giữa Australia và Việt Nam vào tháng Tư năm 2023, nhà cầm quyền Việt Nam đã kết luận có tội và xử ít nhất là 11 người vì đã lên tiếng phê phán chính quyền, bao gồm các nhà vận động cho dân chủ Đặng Đăng Phước, Bùi Tuấn Lâm, Trần Văn Bang, Phan Tất Thành, Dương Tuấn Ngọc, Nguyễn Văn Lâm, Phan Văn Lộc, Đỗ Minh Hiền, Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Minh Sơn và Phan Sơn Tùng, với các mức tù giam từ 5 năm rưỡi đến 8 năm theo điều 117 của bộ luật hình sự. Từ tháng Tư năm 2023 đến tháng Năm năm 2024, công an cũng bắt ít nhất là 8 nhà hoạt động khác với cùng tội danh, trong đó có các blogger nổi tiếng Nguyễn Vũ BìnhNguyễn Chí Tuyến, và Phan Vân Bách, các nhà vận động cho dân chủ Lê Quốc Hùng, Phan Đình Sang, Hoàng Việt Khánh, Trần Văn Khanh, và Phạm Văn Chờ.

Nhiều người lên tiếng khiếu nại các chính quyền địa phương về những vấn đề như thu hồi đất đai, tham nhũng, và công an bạo hành cũng bị bắt giữ và bỏ tù. Từ tháng Tư năm 2023 đến tháng Năm năm 2024, nhà cầm quyền ở nhiều địa phương đã kết án và bỏ tù ít nhất là 25 người theo điều 331 của bộ luật hình sự, bao gồm nhà hoạt động vận động cho cải cách Nguyễn Sơn Lộ, và cựu tù nhân chính trị Lê Minh Thể. Cùng trong khoảng thời gian này, công an cũng bắt giữ ít nhất là 14 người khác theo điều 331, trong đó có nhà báo nổi tiếng Huy Đức và luật sư Trần Đình Triển.

Australia cần, cả khi họp riêng và công khai, kêu gọi chính quyền Việt Nam:

– Ngay lập tức phóng thích tất cả các tù nhân và nghi can chính trị chỉ vì họ đã thực thi các quyền dân sự và chính trị cơ bản của mình.

– Hủy bỏ hoặc sửa đổi các điều 117 và 331 của Bộ luật Hình sự cho phù hợp với các nghĩa vụ của Việt Nam theo ICCPR.

2. Các nhà hoạt động vì môi trường

Bất chấp những cam kết của chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam vẫn bắt giữ và truy tố một cách có hệ thống các nhà hoạt động môi trường tham gia vào việc chống sản xuất và sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá. Công an bắt giữ các nhà hoạt động vì môi trường nổi tiếng trên toàn quốc Hoàng Thị Minh Hồng vào tháng Năm và Ngô Thị Tố Nhiên cùng cộng sự Dương Đức Việt vào tháng Chín năm 2023.

Nhà vận động bảo vệ môi trường Đặng Đình Bách, người bị xử án tù từ tháng Giêng năm 2022 với các cáo buộc mang động cơ chính trị về tội trốn thuế vẫn đang ở sau song sắt. Tháng Tám năm 2023, có tin ông Đặng Đình Bách bị đánh vào đầu từ phía sau vì cố thông báo với gia đình trong một cuộc điện đàm về điều kiện giam giữ. Đặng Đình Bách cống hiến cả cuộc đời mình để bảo vệ cộng đồng khỏi ô nhiễm, loại bỏ rác thải nhựa và ủng hộ chính phủ Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Vào tháng 5 năm 2023, Nhóm Công tác về Giam giữ Tùy tiện (WGAD) của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã đưa ra quan điểm rằng việc bắt giữ và bỏ tù Đặng Đình Bách là tùy tiện, và chính phủ Việt Nam nên “trả tự do cho ông Bách ngay lập tức và trao cho ông quyền được bồi thường mang tính khả thi, cùng các khoản bồi thường khác.”

Australia cần, cả khi họp riêng và công khai, kêu gọi chính quyền Việt Nam:

– Trả tự do ngay lập tức cho các nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng, Đặng Đình Bách, Ngô Thị Tố Nhiên và Dương Đức Việt, và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với họ.

– Chấm dứt việc áp đặt các hạn chế mang tính vi phạm công pháp quốc tế đối với các tổ chức bảo vệ môi trường.

3. Đàn áp quyền của người lao động

Việt Nam không cho phép các công đoàn độc lập được đại diện cho người lao động. Chính quyền Việt Nam vẫn gọi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ) là một “liên đoàn lao động” của các “công đoàn lao động” cấp cơ sở. Nhưng lãnh đạo TLĐLĐ là những người được chính quyền Việt Nam bổ nhiệm. Các “công đoàn” và “nghiệp đoàn” thuộc TLĐLĐ hầu hết có lãnh đạo là những người được bên sử dụng lao động ở cấp cơ sở chỉ định. Người lao động hay thủ lĩnh nhóm người lao động không được chọn ra người lãnh đạo hay đại diện cho quyền lợi của họ để thương lượng nhằm đạt được mức lương thỏa thuận. Mỗi khi TLĐLĐ thương lượng với người sử dụng lao động ở cấp cơ sở hay ở quy mô toàn quốc, tổ chức này chỉ bảo vệ lợi ích của chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam chứ không đại diện cho người lao động hay với tư cách đại diện cho người lao động. Nghịch cảnh TLĐLĐ do nhà nước quản lý càng được sáng tỏ hơn với những thông tin mới về một chỉ thị của Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành gần đây, “Chỉ thị 24” nhằm tăng cường giám sát các nhóm lao động, xã hội dân sự và tổ chức nước ngoài, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai các hiệp định thương mại mới với nước ngoài và với Tổ chức Lao động Quốc tế ILO.

Vào tháng Tư, công an Việt Nam đã bắt giữ hai ông Nguyễn Văn Bình và Vũ Minh Tiến, quan chức của Bộ Lao động Việt Nam và TLĐLĐVN, những người từng vận động cho các cải cách hữu hiệu hơn về lao động và tạo một mức độ độc lập cho công đoàn.

Nhiều bài báo trên báo chí nhà nước thể hiện quan điểm thù địch của chính quyền Việt Nam đối với các tổ chức của người lao động hay công đoàn độc lập, gọi đó là “thế lực thù địch” dùng “âm mưu thủ đoạn” đối đầu với “Đảng và Nhà nước…gây mất trật tự xã hội và cản trở cuộc sống của người lao động ở nước ta,” hay lập luận rằng mục đích của “cái gọi là công đoàn độc lập” là nhằm “hình thành lực lượng chính trị đối lập trong nội địa, tiến tới thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” lật đổ Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ chính trị tại Việt Nam.”

Australia cần, cả khi họp riêng và công khai, kêu gọi chính quyền Việt Nam:

– Ngay lập tức cho phép các công đoàn độc lập được hình thành và bảo đảm không trả thù các nhà hoạt động công đoàn nằm ngoài cơ chế do chính quyền kiểm soát.

– Phê chuẩn Công ước ILO 87 (quyền tự do lập hội); Đối với ILO 98 (quyền tự do tổ chức) mà Việt Nam đã phê chuẩn, cần hợp tác với ILO để bảo đảm rằng công ước này được thực thi với các quy tắc và luật pháp phù hợp với mục tiêu và các tiêu chuẩn quốc tế mà công ước vốn phải tuân thủ.

4. Tố tụng không công bằng đối với các bị can, bị cáo hình sự

Chính quyền Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn kép trong cách đối xử với những người dân bị nghi là phạm tội hình sự, tùy theo tội chính trị hoặc phi chính trị. Trong các vụ án liên quan tới các hành vi mà nhà cầm quyền cho là có động cơ chính trị, chính quyền hạn chế quyền của các nghi can bằng cách chặn không cho họ tiếp cận nguồn trợ giúp pháp lý trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm; không cho gặp gia đình trong thời gian tạm giam chờ xử án; và cản trở gia đình, bạn bè và các nhà hoạt động không tới dự phiên tòa xử họ.

Ở thái cực ngược lại, đối với một số vụ án phi chính trị mà nhà cầm quyền muốn chuyển một thông điệp tới cộng đồng, các kiểm sát viên và tòa án dựng lên các phiên tòa công cộng để bêu danh các bị cáo (và gián tiếp là gia đình họ) đồng thời “giáo dục” công chúng. Trong nhiều vụ, các tòa án đã định trước là bị cáo có tội ngay trước khi các hoạt cảnh phiên tòa công khai được diễn. Trong cả hai trường hợp nói trên, đối với cả các phiên tòa chính trị cũng như phi chính trị, công an, viện kiểm sát và tòa án đều vi phạm nguyên tắc pháp lý cốt lõi nhất: mọi người được coi là vô tội trước một phiên tòa công bằng do một tòa án độc lập xét xử.

Các vụ án có động cơ chính trị:

Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định rằng Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có thể quyết định tạm giam một người bị nghi là đã phạm các tội về an ninh quốc gia cho đến khi kết thúc điều tra (điều 173 (khoản 5)), và có thể không cho bị can tiếp cận nguồn trợ giúp pháp lý đến khi quá trình điều tra đã kết thúc (điều 74). Trên thực tế, điều này có nghĩa là những người bị tình nghi phạm các tội về an ninh quốc gia thường xuyên bị công an giam, giữ mà không được tiếp xúc với luật sư trong thời gian dài bao lâu tùy ý cán bộ điều tra.

Các vụ án phi chính trị:

Việt Nam thường xuyên tổ chức cái mà họ gọi là “phiên tòa xét xử lưu động” tại các không gian công cộng được chuyển đổi tạm thời thành nơi xử án, như các sân vận động, không gian cộng đồng cơ sở, nhà trường hay trụ sở phường để xử các vụ án hình sự. Nhà cầm quyền tuyên bố rằng các “phiên tòa lưu động” đó có mục đích “giáo dục” người dân về luật pháp và làm gương cho công chúng. Những phiên xử lưu động kiểu đó thường được tổ chức ở khu vực cư trú của các bị cáo, khiến bản thân họ và gia đình bị xấu hổ và nhục nhã với cộng đồng.

Từ năm 2019 đến năm 2023, Việt Nam đã tổ chức các phiên tòa “xét xử lưu động” kiểu đó ở ít nhất 55 tỉnh (95 phần trăm số tỉnh trên cả nước) và cả năm thành phố chính (Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng).

Australia cần, cả khi họp riêng và công khai, kêu gọi chính quyền Việt Nam:

– Hủy bỏ điều 74 và điều 173 của Bộ luật Tố tụng Hình sự và cho phép tất cả mọi người bị bắt giữ vì tình nghi phạm bất cứ tội danh nào, kể cả tội về an ninh quốc gia, được tiếp xúc ngay lập tức và thường xuyên với nguồn trợ giúp pháp lý ngay khi bị bắt và trong suốt thời gian tạm giam trước khi xét xử.

– Ngay lập tức chấm dứt hình thức tổ chức phiên tòa “xét xử lưu động.”

– Sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự để cho phép mọi bị can được tiếp xúc riêng tư với luật sư mà không bị can thiệp, với thời lượng và tần suất theo yêu cầu của luật sư và thân chủ, và tôn trọng tính bảo mật giữa luật sư-thân chủ.

5. Đàn áp quyền tự do thực hành tôn giáo và tín ngưỡng

Chính quyền Việt Nam hạn chế các hoạt động thực hành tôn giáo bằng các quy phạm pháp luật, các quy định về đăng ký, sách nhiễu và theo dõi. Các tổ chức tôn giáo bị quy định phải được sự phê chuẩn và đăng ký với chính quyền, đồng thời phải hoạt động dưới các ban trị sự do nhà nước kiểm soát. Dù nhà cầm quyền cho phép nhiều nhà thờ, chùa chiền trong hệ thống kiểm soát của nhà nước được tổ chức thờ phượng, cúng lễ nhưng vẫn thường cấm các hoạt động tôn giáo bị họ tùy tiện cho là đi ngược với “lợi ích quốc gia,” “trật tự xã hội,” hay “khối đoàn kết dân tộc.” Chính quyền dán nhãn “tà đạo” đối với Tin lành Đề Ga, Công giáo Hà Mòn, Pháp Luân Công và vài nhóm tôn giáo khác, và sách nhiễu những người thực hành các tín ngưỡng này.

Công an giám sát, và đôi khi dùng vũ lực đàn áp đối với các nhóm tôn giáo hoạt động bên ngoài hệ thống do nhà nước kiểm soát. Các nhóm tôn giáo không được công nhận phải liên tục đối mặt với việc bị theo dõi, bị sách nhiễu và đe dọa, và các tín đồ của họ có thể bị đấu tố trước đông người, bị buộc từ bỏ đạo, bị giam giữ, thẩm vấn, tra tấn và bỏ tù.

Việt Nam thừa nhận rằng, tính đến tháng Chín năm 2021, chính quyền đã không công nhận khoảng 140 nhóm tôn giáo với xấp xỉ một triệu tín đồ.

Từ tháng Tư năm 2023 đến tháng Năm năm 2024, nhà cầm quyền đã kết án Y Krếc Byả, Thạch Cương, Tô Hoàng Chương, Danh Minh Quang, Nay Y Blang, và Rlan Thih nhiều năm tù giam vì có liên quan đến các nhóm tôn giáo độc lập không được chính quyền chuẩn thuận.

Vào tháng 5 năm 2024, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ đã công bố báo cáo năm 2024, trong đó khuyến nghị chính phủ Hoa Kỳ “chỉ định Việt Nam là một “quốc gia cần đặc biệt quan tâm” (CPC) vì đã có các hành vi vi phạm một cách có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng đối với quyền tự do tôn giáo, như được định nghĩa trong Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA).

Tháng Sáu năm 2024, Bộ Công an Việt Nam thông báo triển khai phần mềm “quản lý tăng ni phật tử.” Công an sẽ thí điểm chương trình này tại các tỉnh Thái Nguyên và Bắc Ninh trước khi áp dụng trên toàn quốc.

Australia cần, cả khi họp riêng và công khai, kêu gọi chính quyền Việt Nam:

– Cho phép tất cả các tổ chức tôn giáo độc lập được tự do tiến hành các hoạt động tôn giáo và tự quản lý. Các cơ sở thờ tự và dòng tu không muốn gia nhập một tổ chức tôn giáo được chính thức công nhận với các ban trị sự do chính quyền phê chuẩn cần được cho phép hoạt động độc lập.

– Chấm dứt việc chính quyền sách nhiễu, bắt buộc từ bỏ tín ngưỡng, bắt bớ, truy tố, bỏ tù và ngược đãi người dân vì họ là tín đồ của các tôn giáo không vừa ý nhà nước, và phóng thích tất cả những người đang bị giam giữ vì đã ôn hòa thực thi quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, biểu đạt, nhóm họp và lập hội.

– Cho phép những quan sát viên bên ngoài, bao gồm các cơ quan của Liên hiệp quốc, các tổ chức phi chính phủ, và các nhà ngoại giao nước ngoài, được đi lại không bị cản trở hay kèm cặp tới Tây Nguyên, bao gồm cụ thể việc được tới các thôn xã nơi người Thượng và các nhóm dân bản lề khác cư trú. Bảo đảm rằng những người nói chuyện hoặc tiếp xúc với những quan sát viên bên ngoài đó không bị trả đũa hay trừng phạt dưới bất kỳ hình thức nào.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây