29-7-2024
Ở nước ta, lâu nay nông dân được bộ máy tuyên truyền nhà nước tôn vinh, gọi là “đội quân chủ lực của cách mạng”. Những ông to bà nhớn khi đề cập tới nông dân đều dùng mấy chữ ấy. Cho sang mồm.
Tháng 7 tây (chứ không phải tháng 7 cô hồn) năm nay, đối với tôi sự kiện đáng nhớ nhất và ý nghĩa nhất là việc tăng lương, thực hiện ngay từ ngày đầu tháng. Cụ thể, nhà nước điều chỉnh tăng lương cơ sở, người đang làm việc mà hưởng lương (cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, nhân viên) được thêm 30%, còn người về hưu tăng 15%, so với tháng 6. Đó mới là điều thực sự có ý nghĩa trong tháng 7, chứ những chuyện khác cũng thường thôi, chả đáng ồn ào.
Tất nhiên, trong vụ tăng lương này vẫn còn thứ cần bàn, chẳng hạn cách đối xử với người về hưu, nhưng phải nói, đó là tin vui, niềm vui, của cả dân lẫn chính phủ. Bà Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà còn hăng hái giải thích về niềm vui ấy cơ mà. Được ít cũng mừng, nhiều lại càng mừng. Ai chẳng thích tiền, nhất là lúc cuộc sống đầy khó khăn. Quá khó là đằng khác, chứ không phải như ai nói “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hiện nay”. Lý luận bao giờ chẳng hay, nhưng giữa lý luận và thực tế vẫn khoảng xa vời. Thực tế thế nào, dân chúng cần lao đều rõ, bởi nó ngay trước mắt, nó [diễn ra] hằng ngày, xung quanh mình.
Nói có sách, mách có chứng. Gần cuối năm 2023, báo Thanh Niên có bài về về cuộc khảo sát đời sống, tiền lương của người lao động, do Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức. Báo rút tít “Đa số người lao động lương không đủ sống”, trong bài nói rõ 75% số người lao động được phỏng vấn và khảo sát khẳng định, thu nhập của họ không đủ để bảo đảm mức chi tiêu tối thiểu. Không ít người phải thường xuyên vay nợ, bị khủng bố, đe dọa và sống trong tâm trạng bất an.
Còn báo điện tử VOV của đài Tiếng nói Việt Nam đăng bài “75% người lao động có lương và thu nhập không đủ đáp ứng được sinh hoạt”, cho biết rất nhiều người phải vay tiền để trang trải các chi phí tối thiểu, cần thiết, ví dụ chữa bệnh, học phí cho con, tiền điện nước…
Đó là những người hưởng lương, có khoản thu nhập hằng tháng, thỉnh thoảng lại được tăng lương, được nhà nước ban cho chút niềm vui, dù “ngày vui ngắn chẳng tày gang” do sự mất giá của đồng tiền, do giá cả hàng hóa, dịch vụ sinh hoạt ngày càng đắt đỏ.
Đừng ai đó cãi lại tôi rằng, thế sao vẫn có người đi chơi, du lịch, “trăm nghìn đổ một trận cười như không”. Vâng, có, nhưng số ấy liệu đáng là bao trong gần trăm triệu người, so với hàng mấy chục triệu cần lao ngày đêm vất vả “hai tay vày lỗ miệng” chỉ cầu giời khấn phật đừng bệnh tật gì bởi vào bệnh viện mà không tiền khác chi bị tòa tuyên án tử.
Trong số cần lao đại chúng ấy, thương nhất nông dân. Xứ này mặc dù đã công nghiệp hóa, hiện đại hóa mấy chục năm, đã “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” nhưng nông dân vẫn đông nhất, gần 63 triệu người, chiếm tỷ lệ 62% (theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2023). Nghĩa là nông dân chiếm hơn 2/3 dân số. Trong cái niềm vui mà tôi vừa nhắc, số 2/3 ấy hoàn toàn không được nhà nước quan tâm, họ bị gạt ra trong sự thờ ơ, lạnh lùng của hệ thống chính trị, cái hệ thống mà chính họ là đội quân chủ lực, là lực lượng nuôi dưỡng, bảo vệ nó.
(Còn tiếp)