Về bọn buôn bán đất nghĩa trang…

Nguyễn Huy Cường

25-7-2024

Thói thường mỗi ngày tôi viết một bài thôi còn dành tâm lực cho việc khác. Nhưng nhận tin này, chẹp miệng một câu khá dung tục “Mẹ kiếp, đến lượt bọn này rồi!” Và phải viết. Đó là bọn buôn bán đất nghĩa trang.

Ảnh chụp màn hình bài báo Người Lao Động

Từ muôn đời, người ta có cách nghĩ rất “Người”: “Nghĩa tử là nghĩa tận” trong mọi hoạt động xung quanh tang chế.

Ở nông thôn xưa, dù khi người kia còn sống có chút mâu thuẫn nhưng khi ông/ bà ta nằm xuống, nhà có khó khăn thì người bên này vẫn sẵn lòng cho vay cả cỗ quan tài để lo cho người kia.

Tôi có ông bạn là Công an Tp HCM, làm bên bộ phận pháp y, công tác chính của ông là bên Y khoa, nhưng từ lúc còn đương chức cho đến lúc về hưu, ông đã tìm đến những nhà hòm xin được hàng trăm cái quan tài cho những người xấu số nhưng không có thân nhân khi họ ra đi bất ngờ.

Việc chôn cất, khoảng hai ba chục năm về trước ở các địa phương rất dễ dàng, không phải tiền bạc gì cả, cứ đem ra cánh đồng nơi người kia còn sống, đã đổ mồ hôi xuống đó bao năm rồi “Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng/ lòng khoẻ nhẹ anh dân quê sung sướng/ ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành…”

Nhưng rồi, thằng “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” ầm ầm xộc đến, mọi việc thay đổi. Nghĩa trang, một từ ngữ tự nó đã mang nội hàm tốt đẹp, nhân văn mà chữ “Nghĩa” gắn với chữ “Trang” rất tốt đẹp. Nay lập tức biến thành BẤT NGHĨA TRANG. Thành hàng hoá cho cánh hẩu! Nó biến bổn phận của thân nhân người mới chết thành con tin của dự án kinh doanh.

Ở Long an, ngay khu Gò Đen rẽ vào, có những khu vực một phần mộ giá hơn hai trăm triệu, theo thời giá từ 2007, khi tôi và chị Chiêu Nguyên đến thăm (ảnh 1,2,3), một phần đất chừng bốn năm mét vuông giá bốn mươi triệu (ngang giá sáu bảy lượng vàng) hồi đó.

Mỗi gian 3 x 5 mét này giá hơn 250 triệu, thời giá 2007.
Mỗi ô này bốn chục triệu
Một nhà mồ giá 450-500 triệu đồng. Nguồn: Báo Người Lao Động

Mà bọn quản trang còn cướp thêm một khoản tiền xây sau này nữa, không cho người mua tự xây dựng. Bọn nó xây với giá đắt kinh khủng, hơn cả giá biệt thự cho người sống.

Tình hình trên không phải là cá biệt. Bọn “Cá mập nghĩa địa” ở khắp nơi, Bình Dương, Sài Gòn, Sơn Tây, Ninh Bình, Hà Nội, Phú Thọ v.v… đã nhanh chóng hình thành một thị trường chôn người rất … sinh động và đắt khủng khiếp.

Chúng sáng tác ra những phom “hàng” với đủ ý nghĩa huyền hoặc như hàm rồng đít phượng với giá trên trời dưới đất.

Ngành “hàng” này khá đặc thù và dính đến tâm linh… tinh, hầu như tránh được đòn roi của thanh tra, kiểm soát, thuế vụ, nên tha hồ múa tay trong bị tiền, vơ cho bằng thích. Nó cũng kích hoạt được cái tham, sân, si cho cả người đã chết sau khi kiếm bộn tiền của thiên hạ khi chưa tắt thở.

Tôi theo dõi đề tài này 18 năm nay và một rút đúc rất nặng ký là, bọn buôn đất chôn người này không có hậu, kiếm được bộn tiền đấy nhưng rồi đều lần lượt gánh những cái “Quả” không ra gì, gọi là “quan tha ma bắt” từng tên một.

Nay thì cánh quân của bác Tô Lâm lành với bụt chứ không lành với ma… sống, đã có cú khởi phát ở mảnh đất lắm người nhiều ma trơi là tỉnh Đồng Nai.

Hy vọng, giống như Đăng Kiểm, chứng khoán đểu, BOT gian, Y tế láo … dần dần các bác ấy bóc tách bọn như thế này ở nhiều địa phương khác, quăng vào lò chứ để cao trào này phát triển thì coi chừng, có khi người ta sợ quá, mộ phần mà giá đắt hơn cả nhà ở nữa thì khối người không dám chết!

Chết mày chưa!? Tưởng cứ thoải mái bán mộ làm giàu hả bưởi?

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “cánh quân của bác Tô Lâm lành với bụt chứ không lành với ma… sống”

    Tác giả viết thế này không sợ bị ném đá, cũng có thỉa gọi là dũng cảm lém

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây