Sáng suốt lựa chọn (Kỳ 2)

Nguyễn Thông

23-7-2024

Tiếp theo kỳ 1

Như nhà cháu đã biên ở tút kỳ trước, ngày 17.7 báo chí đăng tin trung ương đã chọn được bí thư cho thủ đô, bà Bùi Thị Minh Hoài, để thay ông Đinh Tiến Dũng, có “tiền án tiền sự” vừa bị dọn dẹp, truất chức. Ông Dũng là ủy viên Bộ Chính trị thứ 7 của khóa 13 văng, không (hoặc chưa) phải vào lò là còn may lắm, phúc ấm tổ tiên phù hộ độ trì lớn lắm.

Còn nhớ hồi năm 2018, tôi và các bạn kéo nhau về nhà người bạn ở Hoa Lư (Ninh Bình) chơi, cũng một dạng tung tẩy dối già. Đứng ngoài hiên, bạn tôi chỉ hướng chêch chếch trái cách vài trăm mét một khu dinh thự hoành tráng cao to nổi bật, kín cổng cao tường, bảo cơ ngơi của Đinh Tiến Dũng đó. Một tay trầm trồ, khiếp thật, khiếp thật, tay khác thì bảo, a, mày có hàng xóm xịn nha nha.

Những năm ấy, của nổi của đương sự bộ trưởng tài chính (đứa cháu tôi gọi là bộ tiền) đã lồ lộ ra như thế, nhưng chả hiểu cái quy trình tuyển chọn cán bộ, sáng suốt lựa chọn kiểu gì, công tác tổ chức thế nào mà y cứ lọt tuốt, leo lên gần đỉnh, ít nhất cũng ủy viên Bộ Chính trị (thứ bộ không bộ, quyền lực nhất nước) và Bí thư Thành ủy Hà Nội (ghế ni để rèn luyện tổng bí thư về sau). Dũng mất chức, hầu như không có ai phải chịu trách nhiệm, kể cả những người đã o bế, nâng đỡ, đưa ông ta lên.

Bà Hoài nhận lãnh công vụ mới. Báo chí được phen ca ngợi lần đầu tiên thủ đô có nữ bí thư. Nhiều báo lục lọi ngược thời gian, kể lể thành tựu và công lao của bà, ca ngợi bà. Cũng chả lạ. Xưa nay người đời thường “phù thịnh chứ không phù suy”. Giờ người ta chỉ nhắc tên bà Hoài chứ nhắc tên các ông Phạm Quang Nghị (về an toàn), Hoàng Trung Hải, Vương Đình Huệ, Đinh Tiến Dũng làm gì.

Bà Hoài ngồi vào ghế trọng ghế nóng, tất nhiên đã có sự lựa chọn kỹ lưỡng, nâng lên đặt xuống của trung ương, cấp trên, ban bí thư, bộ chính trị, tức là đã “sáng suốt lựa chọn người xứng đáng”.

Thú thực, tôi không biết bà Hoài là người thế nào, cũng như rất nhiều người không biết bà là ai, đảng chọn là chuyện của đảng, quan tâm làm gì. Nhưng ai cũng hiểu, bà nằm trong cái quy trình chọn đã từng chọn Hoàng Trung Hải, Vương Đình Huệ, Đinh Tiến Dũng, Nguyễn Đức Chung, Chu Ngọc Anh… cho thủ đô; Lê Thanh Hải, Nguyễn Thành Tài, Tất Thành Cang, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Thành Phong… cho TP.HCM. Vậy thôi.

Tôi mất lòng tin vào bộ máy chọn người (tổ chức, nhân sự) xứ này tới mức cứ mỗi lần có cán bộ mới được chỉ định/ bổ nhiệm/ phân công/ luân chuyển/ bầu giữ chức này chức nọ là lại liên tưởng đến những ông bà cũ, những người từng được ngợi ca nức nở, khen thế này thế nọ, từng học đèn đom đóm, mặc áo vá, ở nhà chật, biết đi xe đạp, v.v… và thành củi.

Bất chợ nhớ đến đám Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh, Trần Tuấn Anh, Võ Văn Thưởng, Trương Thị Mai, Nguyễn Xuân Phúc… đều từng được nâng chót vót mây xanh, rồi té cái rầm. Đều sản phẩm của “sáng suốt lựa chọn”. Chỉ có điều, dân không chọn họ.

Thiên hạ thầm thắc mắc trùm cuối chịu trách nhiệm chính của sự lựa chọn ấy là ai. Không ai cả. Đó là thằng vô hình có tên “tập thể”. Hòa cả làng.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Hầu như toàn thể những cán bộ kể trên được dạy dỗ và đào tạo dưới thời
    NPT. rồi theo quy trình được ông đảng trưởng phân công, chứ đâu phải tự
    nhiên mà leo lên những vị trí đó . Tóm lại, đó là tội thiếu trách nhiệm với
    việc kểm cặp và uốn nắn quan chức của NPT. !

  2. Lú như Trọng
    Lật lọng như Nghiên
    Tiêu tiền như Triệu
    Người dân Hà Nội đâu nói sai, dù ở bất cứ cương vị nào thì lú vẫn hoàn lú. Trưởng ban nhân sự kiểu trồng rừng lấy củi đưa vào lò và cho dù lò có cháy suốt ngày đêm thì cũng không hết củi. Đó là di sản của ông Nguyễn Phú Trọng.

  3. Nói vè di sản của một người, nhà cháu trộm nghĩ, đó phải là những gì có tính cách lâu dài, bền bỉ với thời gian ( vật chất lẫn tinh thần ) để lại cho con cháu hoặc người đời sau, mà khi nhắc đến người đã mất, người ta lại nghĩ đến ngay như một biểu tượng của người đó và rất được những người thừa hưởng trân quý, giữ gìn như của báu .
    Di sản của ngài cố TBT, người thì bảo là “cái lò”, là “chính sách ngoại giao cây tre”, có khi còn cả những đầu sách đang làm đẹp các thư viện …
    Sách thì không thay đổi được rồi, tất nhiên, nhưng liệu cái lò ấy , cái kiểu ngoại giao cây tre ấy . . .có được những người kế nhiệm duy trì , gìn giữ để tiếp tục hay không , việc này vẫn chưa biết được, còn phải chờ .
    Thế, cái sự “Sáng suốt lựa chọn” ấy ( nó là một động thái rất vật chất mà cũng rất tinh thần ) vẫn cứ tiếp tục dài dài cho đến khi nào đảng cs còn tiếp tục cầm quyền . Hẳn nhiên là, phải có “trùm cuối” gật đầu, ưng thuận thì mới được thông qua.
    Liệu, nó có phải là một di sản hay không ?! Hay, cứ bảo sự lựa chọn là của tập thể thì không ai chịu nhiệm cả . Dù là “vua tập thể ( như kiểu ông Nguyễn Văn An nói ) thì, vua vẫn phải chịu trách nhiệm trước toàn dân chứ .

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây