18-7-2024
Một nhà báo nhắn cho tôi: “Điểm môn Văn cả nước tăng phi mã, chỉ sau môn GDCD. Do học sinh đột nhiên giỏi môn Văn? Do đề thi môn văn quá dễ? Do thầy cô chấm thi phóng tay? Do chương trình và phương pháp dạy – học Ngữ văn quá đơn giản? Do phạm vi ra đề thi chỉ giới hạn loanh quanh trong mấy bài văn lớp 12?”. Và anh kết luận, “Do tất cả những cái do ấy”.
Và theo tôi, ta có thể nêu thêm những cái “do” khác nữa, nhưng trong bài này tôi muốn đề cập đến một khía cạnh khác, ít nổi bật hơn, đó là nội dung chấm thi.
Cách chấm bài đối với môn Ngữ văn suốt hàng chục năm qua là “đếm ý cho điểm”. Không ngoa đâu, cứ nhìn vào đáp án môn này mà xem, một đề thi thang điểm 10 nhưng ở mỗi câu, cái yêu cầu “Đảm bảo chuẩn chính tả, từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt” chỉ có 0.25 điểm. Trong toàn bộ đáp án, nội dung này chỉ chiếm 0.5/10 điểm. Tóm lại là gì? Là viết sai, viết cẩu thả, viết rối rắm, viết lộn xộn… thế nào đi nữa thì cùng lắm chỉ bị trừ tối đa 0.5 điểm. Nghĩa là cứ đủ ý như trong đáp án là đảm bảo anh đã được 9.5 điểm, dù anh có viết dở đi chăng nữa.
Trong đề thi Ngữ văn có 1 câu có vẻ “tiếng Việt” nhất, đó là câu đọc hiểu (3 điểm). Tuy nhiên, đáp án của nó cũng lại theo hướng áp đặt.
Tôi nói môn Ngữ văn đang không dạy tiếng Việt cho học sinh Việt Nam, có lẽ không phải là vô căn cứ, phải không?
Ta biến môn học này thành một môn nửa Đạo đức, nửa Phê bình văn học. Không có chỗ cho tiếng Việt.
Trong khi cái đáng chấm nhất ở đây là năng lực sử dụng tiếng Việt (dù trong đó có tiếng Việt Văn học), thì nó gần như đã bị ném sang một bên, và lãng quên. Là một người đã chấm hàng vạn bài làm của học sinh đủ thành phần, tôi dám nói rằng, rất hiếm hoi để gặp được một bài mà học sinh viết một thứ tiếng Việt chuẩn, “trơn tru, trôi chảy, mạch lạc”. Sai, ngô nghê, vụng về, rối rắm…, đó là bức tranh chung.
Nếu là “chấm văn” đúng nghĩa, thì theo tôi, không quan trọng về quan điểm mà thí sinh nêu ra. Học sinh có quyền nêu quan điểm riêng, thậm chí là quan điểm ngược lại hoàn toàn với người ra đề, nhưng quan trọng là các em đã VIẾT THẾ NÀO đối với cái quan điểm ấy. Ở đây, cách trình bày, lập luận, dùng từ, đặt câu, cấu trúc bài viết, v.v…, tức là cái cách sử dụng tiếng Việt (để nêu và bảo vệ quan điểm), mới cần đặt thành trọng tâm. Và phải chấm điểm cái trọng tâm này.
Nhưng như đã biết, môn Ngữ văn đang không chấm như thế. Ra một cái đề rồi xây dựng một cái “đáp án chết”, phần “sáng tạo” (nếu có) chỉ được 0.75 điểm cho toàn đề. Tuy nhiên, đọc vào chi tiết của đáp án về cái phần gọi là “sáng tạo” này thì thấy nó lại cũng không hẳn là chấp nhận “quan điểm khác”, mà là “thể hiện suy nghĩ sâu sắc”.
Có lẽ cách chấm văn kiểu này, cộng với các “do” mà người bạn nhà báo của tôi đã nêu ở trên, đã cộng hưởng thành một kết quả “phi thường” như đã thấy.
Chính cái cách chấm văn “đếm ý cho điểm” đã khiến học sinh phải è cổ ra học thuộc văn mẫu và đồng thời gạt bỏ năng lực tiếng Việt. Và ở chiều ngược lại, người học mà không được tự do suy nghĩ, tự do nêu quan điểm và trình bày quan điểm của mình, thì năng lực ngôn ngữ không thể phát triển được. Đó là cái bi kịch do bị dồn lại từ cả hai đầu.
Ngu dân, ru ngủ dân,tự sướng là mục tiêu của nhà cầm quyền mà tác giả lại đi ngược chiều.