16-7-2024
Tiếp theo kỳ 1
Cuộc sơ tán dân từ thành thị về nông thôn cuối năm 1964 đầu năm 1965 đã làm thay đổi khá nhiều cuộc sống nông thôn miền Bắc. Điều được nhà thơ Tố Hữu gọi là “dập dìu hợp tác”, “sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn”, “nông thôn có máy làm trâu thay người” chỉ có trong thơ ca, trong sự tưởng tượng của thi sĩ thôi, chứ nông thôn miền Bắc từ ngày giải phóng thật nghèo nàn buồn bã ảm đạm, sau chút náo nức ban đầu.
Cứ tầm gà lên chuồng là tất cả chìm vào yên ắng, màn đêm. Dầu hỏa là mặt hàng phân phối, mỗi hộ chỉ được mua 1 lít/tháng, thậm chí cả bao diêm vài chục que cũng phân phối nên thường có chuyện sang hàng xóm “xin lửa”. Độ 9 – 10 giờ tối là tắt đèn để tiết kiệm dầu. Gần như người ta rút hết vào nhà, đường làng vắng tanh, ít tiếng nói cười. Điều này tôi biết chắc chắn và chính xác hơn các nhà thơ, hơn Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên vốn chỉ “khép cửa phòng văn hì hục viết”.
Có dân phố về, vui hẳn. Ít ra họ cũng là “tầng lớp trên” hiểu biết rộng, nhiều, thông thạo sự đời, có văn hóa cao, kinh tế khá hơn, tiền bạc “rủng rỉnh” hơn người bản địa. Quần áo sặc sỡ nhiều màu hơn, nhiều kiểu hơn chứ không như đại chúng nâu sồng hoặc đen. Khi ấy tôi đã gần lên 10, từng tặc lưỡi, sao các anh chị ấy nhiều kiểu quần tây sơ mi đẹp thế. Lần đầu tiên tôi biết vải kaki trong khi mình chỉ xanh chéo Nam Định là hết mức. Nhiều chị mặc phin nõn, valide. Các anh để tóc đít vịt, áo chim cò. Nhiều bác nhiều chị tóc phi dê. Ai cũng guốc dép đi hằng ngày, nhiều người còn diện giày. Vài anh có cả dép nhựa Tiền Phong trắng quai hậu, chí ít cũng dép nhựa Tái sinh. Hầu hết họ đều biết đàn hát, bọn trẻ con thì thạo nhiều trò chơi, nhất là chơi bi, súng bắn diêm, nuôi cá cảnh, đánh tú lơ khơ. Chúng khác hẳn đám tôi chỉ chơi khăng chơi đáo, bật tường ăn diêm, đánh trận giả. Chúng văn minh hiện đại hơn hẳn, phục lăn.
Tối tối, các bác anh chị và đám cùng tuổi tôi thắp đèn ngồi trò chuyện râm ran, các bà các chị đan len, nhào bột mì rán ăn tối. Hình như người thành phố đã quen ăn kiểu công nghiệp, có đủ bữa sáng, bữa trưa, bữa chiều, bữa tối (lót dạ trước khi đi ngủ), không như nông dân chỉ 2 bữa chính là sáng (6 giờ) và chiều (2 giờ), tối nhịn, ôm bụng đói đi ngủ. Người phố, dù phải đi sơ tán, vẫn có cuộc sống mà nông dân mơ ước. Thày tôi bảo, nhưng bà con phải bỏ nhà bỏ cửa đi sơ tán thế này là tội lắm rồi, nên chả đứa nào tị nạnh.
Đoàn dân phố sơ tán đầu tiên về làng Trà Phương tôi đông nhất khoảng tháng 9.1964. Khi ấy tôi bắt đầu vào lớp 4, lớp cuối cùng của cấp 1. Nhà tôi đón người chị họ và các cháu con chị cùng về, có cả cặp sinh đôi chưa đầy năm, vui lắm. Hôm sau, tôi vào trong làng coi HTX tổ chức đón một đoàn được sắp xếp cư ngụ xóm trong, tập trung ở sân HTX Thụy Sơn. Trong số ấy, có nhiều bạn sẽ học với lứa chúng tôi suốt mấy năm ròng, từ lớp 4 tới hết lớp 7.
Vẫn còn nhớ cả khuôn mặt, dáng vẻ, nụ cười của các bạn phố, những Nguyễn Ngọc Châm, Hoàng Liên Hợp, Hoàng Liên Thái (2 Hoàng này là chị em ruột), Nguyễn Thanh Thủy, Hồ Văn Sử, Trần Đức Hậu, Phạm Ngọc Linh, Nguyễn Văn Bình, Trần Hùng, Dương Thế Hùng… Họ đều xinh đẹp, trắng trẻo, hoạt bát hơn bọn trẻ nông dân chúng tôi nhiều. Chị Hợp còn khoác theo cây đàn ghi ta, rất điệu.
(Còn tiếp)
Hôm nọ, nhà văn TDA có viết “Chuyện bi hài trong văn chương”, nay, đọc bài của NT mới biết thêm chuyện bi hài khác nữa ( mà có lẽ , chuyện bì hài trong văn chương mB XHCN nói hoài không hết ! ) .
Trong khi, học sinh mN học thơ TH, giáo viên văn giảng thơ TH ca ngợi sự ấm no , giàu đẹp của chế độ xhcn mB, nhất là khi nông thôn ầm ầm vào hợp tác xã :
Dân có ruộng dập dìu hớp tác
Lúa mượt đồng ấm áp làng quê
Chiêm mùa cờ đỏ ven đê
Sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn .
Còn cuộc sống nông thôn nào thanh bình, hạnh phúc cho bằng !
Hóa ra, thầy trò ở mN đã ăn một quả lừa vĩ đại qua tài nghệ nói láo của nhà thơ hàng đầu của nền thơ cách mạng .
Quả thật rất hài mà cũng rất bi .