Cần tách môn Văn học ra khỏi môn Tiếng Việt

Thái Hạo

16-7-2024

Từ nhiều năm nay, tôi luôn lặp lại điều này: Môn Ngữ văn phải là một môn dạy tiếng Việt. Và khi đó, cái tên của nó có thể là (môn) Việt ngữ, Quốc ngữ.

Môn học này trong nhà trường mấy chục năm qua chỉ có cấp Tiểu học là mang tên Tiếng Việt, còn từ THCS đến THPT đều gọi là Ngữ văn, với phần văn học/ văn chương chiếm vị trí và vai trò áp đảo. Là một người dạy học, tôi nhận thấy phần tiếng Việt ở 2 cấp học sau cùng này gần như chỉ gá vào “cho đủ thành phần”, còn trên thực tế, cả trong dạy, học và thi cử, nó đã bị xem thường và bỏ qua. Đây là một tai họa. Nó dẫn đến thực tế rằng đa số học sinh (và cả giáo viên) không biết (nói và) viết tiếng Việt một cách thông thạo và hiệu quả.

Dù ai cũng biết rằng “văn chương là một loại hình nghệ thuật ngôn từ”, nhưng không phải vì thế mà đồng nhất nó với ngôn ngữ của một quốc gia. Văn chương chỉ là một loại “phong cách ngôn ngữ” bên cạnh các phong cách khác như ngôn ngữ hành chính, ngôn ngữ sinh hoạt, ngôn ngữ khoa học, ngôn ngữ chính luận, ngôn ngữ báo chí… Trong khi đó, nó chưa hẳn đã là thứ “phong cách ngôn ngữ” mà người dân sử dụng thường xuyên, liên tục và gắn chặt với cuộc sinh tồn của họ mỗi ngày, nếu so với các dạng phong cách và các loại hình văn bản khác.

Bằng việc đặt trọng tâm vào nội dung văn học/ văn chương, chúng ta đã biến môn học quan trọng này thành một môn nghiên cứu/ phê bình văn học trong nhà trường phổ thông. Tất nhiên, nó cũng chẳng tới đâu, vì lớt phớt, cưỡi ngựa xem hoa.

Văn học/ văn chương là một môn nghệ thuật, cũng như hội họa, điêu khắc, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh… Tất nhiên, do tính lịch sử của mình, văn học/ văn chương có thể quen thuộc hoặc có vị trí nhất định của nó trong toàn bộ tiến trình văn hóa của một cộng đồng; tuy nhiên không phải vì thế mà dành cho nó một đặc ân bất thường như cái cách mà nó đang được dạy trong nhà trường.

Cũng như các môn nghệ thuật khác, văn học/ văn chương chỉ phù hợp với người có năng khiếu. Chúng ta đã đối xử với môn Âm nhạc và Mỹ thuật một cách xứng đáng và hợp lý, là cho chúng một vị trí trong chương trình học. Vậy, tại sao lại không cư xử với văn chương theo cùng một cách như thế?

Môn tiếng Việt (Việt ngữ/ Quốc ngữ) cần được dạy xuyên suốt chương trình phổ thông và đánh giá năng lực tiếng Việt trên phương diện quốc gia (ví dụ như đưa vào đề thi tốt nghiệp THPT). Còn Văn học/ Văn chương thì nên đối xử như đang đối xử với Âm nhạc, Mỹ thuật… Tách môn Văn học ra khỏi Ngữ văn, lúc này, nó sẽ được những học sinh có năng khiếu hoặc có đam mê hoặc có nhu cầu chọn học để thỏa chí hoặc để theo đuổi nghề nghiệp.

Bắt cả triệu học sinh phải học văn chương suốt bậc Phổ thông với tư cách là một loại hình nghệ thuật, điều đó rất phản khoa học. Nó chẳng khác gì việc bắt tất cả đều phải học Âm nhạc hay Mỹ thuật. Có bao nhiêu em thích văn chương, có bao nhiêu em muốn chọn văn chương làm nghề nghiệp tương lai, mà quý vị lại bắt cả nước phải học như thế? Và cái quan trọng là nó có ích gì, hay chỉ gây hại khi ép buộc những ai không thích nhưng phải è cổ ra học thuộc văn mẫu?

Tiếng Việt là thứ ta sử dụng hàng ngày, nó là một phương tiện, một công cụ trọng yếu của mỗi người trong biểu đạt, chia sẻ, học hỏi, và thực hiện các quyền công dân của mình. Nhưng, do không được dạy dỗ một cách đến nơi đến chốn, ngày nay dù học suốt 12 năm ròng rã nhưng đa số không viết nổi một bài luận với chủ đề quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, không trình bày nổi một sự việc khi gặp rắc rối, không biểu lộ được quan điểm của mình trước các vấn đề xã hội hàng ngày. Cả một cộng đồng như ngô như ngọng.

Môn Ngữ văn trong nhà trường thất bại, theo tôi, là vì thiếu khoa học ngay từ đầu khi xác định mục tiêu và xây dựng nội dung, cấu trúc; tiếp theo là đặt ra tham vọng quá lớn và phi lý khi đã cào bằng văn chương, bắt cả xã hội phải học và thi.

Đã đến lúc nên tách nó (văn chương) ra thành một môn riêng như Âm nhạc, Mỹ thuật, và ai thích thì lựa chọn, như tất cả các môn tự chọn khác trong chương trình. Từ đây, tập trung dạy tiếng Việt cho tử tế. Đó là cách cứu vãn tiếng Việt trước tình thế quá bi thảm hiện nay.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Hề… hề… tôi rất tán thành với ý kiến của thầy Thái Hạo rằng thì là bộ phận LÀM VĂN chỉ nên áp dụng cho các học sinh nào THỰC SỰ CÓ NĂNG KHIẾU. Nhân đây tôi đề nghị thầy hãy THOÁT LY khỏi MÔN VĂN để đề cập tới vài môn khác xem sao. Ví dụ: THỨ NHẤT, là môn NGOẠI NGỮ chẳng hạn, có nên dạy cho học sinh ĐẠT TỚI MỨC ĐỘ THÔNG NGÔN CAO (công cụ giao tiếp ngôn ngữ là chính) chứ không học theo kiểu loằng ngoằng như hiện nay. HOẶC THỨ HAI, là môn VẬT LÝ chẳng hạn, trong ngành có rất nhiều Thạc sĩ, Tiến sĩ VẬT LÝ CHẤT RẮN nhưng học sinh ta khi ra đời làm việc VẪN PHẢI NHẬP KHẨU từ nước ngoài TỪNG CON ỐC VÍT, TỪNG KHỐI BLOG MÁY MÓC về chỉ để làm công việc lắp ráp rồi hênh hoang khoác lác đây là SẢN PHẨM Made In Việt Nam, thầy Thái Hạo ạ!!!

  2. Viết một bài văn thì mỗi người mỗi ý, không ai trình bày ý tưởng và viết giống nhau. Nếu chấm điểm thì quá thiên vị, đem đến không công bằng.
    Theo tôi, lớp học sinh mầm non nên cho học những bài văn mẫu, vì tuổi đó chưa ý thức được. Họ cần cung cấp thu nhập ý tưởng và thông tin.
    Đến trung cấp thì cho họ viết những bài thuộc mô tả, tả chân, bài so sánh, bài thuyết phục, phân tích …, thầy cô chỉ chấm điểm những bài viết đó có trình bày và đạt được những điểm nhấn cần thiết đó hay không.
    Đến lớp cao hơn thì có nhu cầu thêm những bài như đơn xin việc, đơn ý kiến, đơn phản hồi ý kiến v. v vì họ sẽ trưởng thành, ra trường, hòa nhập vào xã hội.
    Hãy để tuổi trẻ có tâm hồn rộng mở, có tư duy để trưởng thành chọn con đường phát triển cho riêng mình. Chứ gò ép đi theo khuôn khổ thì chẳng thể nào phát triển theo ý muốn và khả năng của họ.

  3. Dùng tiếng mẹ đẻ để thể hiện chính xác suy nghĩ, tình cảm và thái độ của mình là mục tiêu của môn Tiếng Việt.
    Mục tiêu này bị coi nhẹ từ khi có nền giáo dục XHCN.
    Môn Văn trở thành môn “mượn Văn” để giáo dục lập trường.

    Còn môn Văn là môn về nghệ thuật ngôn từ. Cũng như môn Nhạc là môn về nghệ thuật âm thanh. Bậc phổ thông chỉ học nó ở mức “đủ biết”. Đi sâu, dành cho những cá nhân ham thích và năng khiếu.

  4. Tôi đồng ý với nhận định của Anh Thái Hạo.
    Theo tôi hướng Tách văn học ra thành môn riêng lợi và tốt cho học sinh phổ thông.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây