5-7-2024
Vào khoảng năm 1992 – 1993, từ lời kể của nhóm phụ huynh Hải Phòng, trong đó có cả người quen, tôi viết một bài báo về tiêu cực trong tuyển sinh của trường Đại học Luật, bấy giờ có tên trường Đại học Pháp lý. Đầu đề bài báo của tôi: “Hành trình tự hoại”, đăng trên báo Nông Nghiệp Việt Nam của ông Bá Ninh Trịnh.
Báo ra được một thời gian, thì ông Thân, công an văn hóa, theo dõi khối trường học của Bộ Văn hóa lúc bấy giờ, vốn là chỗ quen biết, xuống Trường Viết Văn Nguyễn Du (nơi tôi công tác) gặp tôi, truyền đạt ý kiến rằng một cán bộ của Văn phòng Trung ương đảng muốn làm việc với tôi về nội dung bài báo.
Tôi đồng ý.
Ông Thân hỏi nhỏ: Gặp ở Phòng giáo vụ hay ta chọn một cái quán nào đó cho kín đáo?
Tôi đáp: Cứ bảo ông ấy xuống Phòng giáo vụ, giữa thanh thiên bạch nhật và muốn hỏi gì thì hỏi.
Đúng hẹn, một người đàn ông dong dỏng cao, về mặt khắc khổ thì chỉ kém tôi một bậc, có ông Thân đi cùng, đến gặp tôi. Ông tự giới thiệu tên là Báu kèm theo chức vụ. Lý do ông cần gặp tôi vì trong bài báo của tôi, có nhắc đến ông Hiến, hiệu trưởng, trong khi ông Hiến là thứ trưởng Bộ Tư pháp, thuộc diện Trung ương quản lý, nên họ cần xác minh xem việc ông Hiến nhận “hối lộ” như tôi viết có đúng không?
Sau khoảng 2 tiếng làm việc, nghe tôi trình bày, ông Báu thân mật bảo tôi:
– Chúng tôi sẽ còn trở lại gặp anh, để thông tin về vụ việc, sau khi có kết luận.
Mấy tháng sau, vẫn dáng khắc khổ, ông Báu ôm theo chiếc cặp nhỏ đến gặp tôi. Ông Báu nói, đại ý những gì tôi viết không sai, nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, nên tổ chức đã nhắc ông Hiến rút kinh nghiệm và mong vụ việc dừng lại ở đây.
Ông Báu nói lời cảm ơn tôi.
Lúc chào tạm biệt, ông Báu cầm tay tôi tha thiết như cầm tay một người bạn, bảo:
– Bọn mình thực ra là cùng một chiến tuyến bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự thật, anh giữ sức khỏe nhé.
Sau đó ông Báu và tôi không gặp lại nhau, còn ông Thân thì chuyển sang theo dõi địa bàn khác trước khi về hưu.
Và cả hai ông gặp tôi trong vẻ trang nghiêm hôm đó của hơn 30 năm trước, chắc không bao giờ biết rằng, sau vài năm, khi chứng kiến cảnh mua bán bằng cấp, chức tước nhộn nhịp như giữa chợ trời, đọc lại bài báo, tôi bỗng cứ thấy ân hận với ông Hiến! Bởi vì thứ mà tôi tố cáo ông ta “ăn hối lộ” trong bài báo, đến mức ông bị cơ quan quản lý nhắc nhở – như lời ông Báu truyền đạt lại – chỉ là mấy cân cua bể!
Tội nghiệp ông.
Giờ thì phải mấy cân cua bể đúc bằng vàng ròng, mới mong không bị suỵt chó đuổi chạy hộc cơm từ ngoài cổng.
Tiền có thể biến một kẻ lưu manh, vô học, vô liêm sỉ thành tiến sĩ, thành “hiền tài quốc gia”. Ngại mang vác thì dùng xe mà chở!
Ngày xưa, chỉ chục trứng gà là người ta có thể xin không phải làm nghĩa vụ quân sự mà đi học tổng hợp văn. Mấy cân cua bể là to chuyện rồi.
Ngày nay, người ta đúc cả tượng người bằng vàng để lại quả, chứ cua bể bằng vàng có lẽ cũng thuòng thôi.
Con đường tiến lên CNXH của xứ Đông Lào ta với những nhân văn, nhân tình, nhân ái, danh dự, đậm đà bản sắc dân tộc này nọ nó là như thế.
Cái thằng ấy sắp toi rồi ông ạ, không có mớ trứng và mấy con gà thì nó toi từ lâu rồi và đất nước không phải oành mình như bây giờ.