Ngày Quốc khánh Hoa Kỳ nhớ về Huy Đức

Phạm Xuân Nguyên

4-7-2024

Hôm nay (4/7) là ngày quốc khánh Hợp Chúng quốc (“chúng” không phải “chủng”) Hoa Kỳ mà ta quen gọi nôm na là Mỹ. Ngẫu nhiên hôm nay tôi nhận được một chai rượu từ một người em ở Mỹ nhờ người mang về. Nhìn chai rượu tự nhiên tôi nhớ Huy Đức.

Đã một tháng ba ngày Huy Đức không còn được uống rượu uống trà cùng bạn bè sau khi anh bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt tạm giam ngày 1/6/2024 về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân, theo điều 331 Bộ luật Hình sự.

Tôi nhớ, hơn mười năm trước Huy Đức đã chọn đúng ngày Quốc khánh Mỹ để trở về Việt Nam. Đó là khi anh học xong một lớp học báo chí của Quỹ Nieman tổ chức tại đại học Harvard. Trong thời gian học anh đã hoàn chỉnh và cho xuất bản bộ sách “Bên thắng cuộc” (2 tập), viết về lịch sử đất nước sau 1975 dưới góc nhìn của một ký giả có tư duy phân tích, nghiên cứu khoa học của một nhà sử học.

Sách ra, nhiều người ở Mỹ lo cho anh khi về nước. Họ khuyên anh ở lại. Nhưng Huy Đức quyết tâm về, dù hoàn cảnh khi xuống sân bay có thế nào thì cũng phải về, như sau này anh đã có lần kể với bạn bè. Và anh đã chọn ngày 4/7 để bay về nước. Quyết định đó của anh là đúng: Hơn mười năm qua Huy Đức vẫn là người tự do trên đất nước mình.

Người em gửi chai rượu cũng đã đưa lên Facebook của mình bức ảnh Huy Đức chụp cùng lớp học báo chí Nieman. Nguồn ảnh ở đây. Mọi người có thể vào xem phần giới thiệu Huy Đức tại lớp học (*).

Ảnh chụp sinh viên khóa 2013 của Nieman Foundation for Journalism at Harvard. Nhà báo Huy Đức đứng hàng cuối (thứ năm từ trái sang). Nguồn: Neiman Foundation

Chai rượu này dành để khi gặp lại Huy Đức. Mong cho ngày đó chóng đến. Trong lúc chờ đợi, chỉ biết mong cho Huy Đức trong nhà giam giữ tốt sức khoẻ thân tâm trí.

________

(*) Tiếng Dân dịch phần giới thiệu của Nieman Foundation về nhà báo Huy Đức: San Trương (hay còn gọi là Huy Đức) là một nhà báo tự do, có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, là người đưa tin về chính trị Việt Nam. Sau tám năm phục vụ trong quân đội Việt Nam, mang hàm trung úy, ông đã chiến đấu chống Trung Quốc hồi năm 1979 và chống Khmer Đỏ hồi thập niên 1980.

Ông đã viết cho các tờ báo hàng đầu ở Việt Nam, gồm báo Tuổi Trẻ và Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Là một nhà báo làm việc trong một hệ thống truyền thông do nhà nước kiểm soát, nguyên tắc chỉ đạo của ông là “thúc đẩy ranh giới, nhưng không vượt qua ranh giới“, lên án tham nhũng và thúc đẩy cải cách chính trị tại quê nhà. Cho đến năm 2010, ông đã đăng các bài viết trên blogosin.org, được xếp hạng là blog phổ biến nhất ở Việt Nam.

Ông Trương sẽ nghiên cứu về chính sách công, văn học Mỹ và lịch sử Việt Nam, với mục tiêu mài giũa công việc và tác động của mình với tư cách là một nhà phân tích chính trị. Ông thuộc khóa Atsuko Chiba Nieman Fellow năm 2013. Học bổng Chiba fellowship nhằm tưởng nhớ Atsuko Chiba, một Học giả của Nieman năm 1968.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “ông đã chiến đấu chống Trung Quốc hồi năm 1979 và chống Khmer Đỏ hồi thập niên 1980”

    Làm vấy bẩn bộ quân phục của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, làm đục ngầu cái tên “Bộ đội Cụ Hồ”. Cũng tại Lê Duẩn mới ra nông nỗi

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây