Nguyễn Huy Cường
3-7-2024
Cái tên này gọi theo lệ làng, bác tên là Long, mẹ bác là cụ Lý, cả hai đã quy tiên. Tôi dùng cái tên này, hiện có chừng ba chục bạn Facebook sinh sống tại địa phương, tuổi trên bốn chục dễ nhận ra.
Bác Long Lý có một phẩm chất trội, nhất là khéo tay và hài hước. Bác là một trong ba vị thợ may nổi tiếng. Mấy trường sư phạm sơ tán hồi ấy trong Tam Sơn coi bác Long như một “viện thẩm mỹ” thời bây giờ. Câu nói “Quần ông Giáo, áo ông Long”, chính là xác nhận tài may đo áo của ông, đẹp lắm.
Hồi đó, cả khu vực thượng huyện chừng mười xã và cả bên kia sông Hồng, mạn Vũ Yển, Vụ Cầu, chị em cũng sang tận đây may áo. Nói tóm lại, so với mặt bằng hồi đó, nhà ông thuộc hạng giầu có.
Một hôm, ông đang ngồi may áo thì ông trưởng Kiểm lâm huyện cùng ba bốn ông cốt cán đến nhà, hai bên chào nhau rồi đoàn khách ngồi chờ. Ông Long cứ bình tĩnh làm việc, không tiếp.
Dăm phút sau, một ông khách đứng lên nói, giọng khá chắc: “Này anh Long, chúng tôi đến đây để làm việc với anh đấy!”.
Ông Long dừng tay:
– Vậy hả, tôi tưởng các ông đến may quần áo, vậy nên cứ làm việc.
Ông Long đứng lên, đi vào bếp rất lâu. Một ông trong đoàn sốt ruột gọi: “Đề nghị anh ra làm việc với chúng tôi ngay!”
Ông Long gắt lại:
– Chả mấy khi cán bộ đến nhà, tôi đun ấm trà mời các ông đã, cứ từ từ.
Khi ngồi vào bàn, tay trưởng đoàn hỏi: “Anh có biết những ai được phép dùng gỗ quý như giường, bàn, tủ nhà anh đây không?”
Nhà bác Long chơi một bộ đồ gỗ hạng nhất toàn pơ mu, lim, lát. Bác Long điềm tĩnh trả lời:
– Dạ thưa, có 4 loại người được dùng ạ!
Mấy tay cốt cán hơi ngạc nhiên hỏi lại: “Là những người nào?”
Bác Long bình tĩnh “bắn phát một”:
– Loại thứ nhất là những người có quyền thế, dùng tự nhiên, không thằng nào dám hạch hỏi như… (Bác Long kể tên mươi ông lớn trong huyện).
– Loại thứ hai là loại có quyền, bắt của người ta rồi về chia chác cho nhau dùng.
– Loại thứ ba là loại có giấy phép sử dụng gỗ quý đàng hoàng.
Nói thêm là hồi đó, khoảng 1972 – 1974 có bốn loại gỗ gọi là “tứ thiết”, phải có giấy phép của… thủ tướng mới được dùng (ấy là một nguyên tắc truyền khẩu, mơ hồ).
Nói xong ba loại trên, ông Long dừng lại uống trà, mấy tay kia sốt ruột, tò mò hỏi tiếp. Bác Long trừng mằt lên, giọng đầy khí phách:
– Là loại người như tôi!
Tôi có tiền, về Hội chợ đồ gỗ dưới Việt Trì muốn thứ gì [thì] mua thứ ấy về dùng, khi mua có hóa đơn công ty hẳn hoi. Ở đó muốn mua gì cũng được, nhưng không có tiền, sờ vào nó đánh cho gãy tay!
Mấy tay kiểm lâm, thuế vụ đuối lý, nhấp nhổm định chào về thì như sực nhớ ra, ông Long nhấn tiếp:
– À quên, còn một loại nữa. Đó là những người dân ven sông, mùa lũ về ào ra giữa cơn hồng thủy vớt củi, vớt gỗ, vớt được thứ gì thì dùng thứ đó, đ*o cần biết nó là thứ gì, kể cả gỗ lát, vàng tâm, pơ mu, táu v.v…
Ông Quyền, trưởng đoàn đứng dậy: “Thôi, chào anh, chúng tôi lên Tuy Lộc có công việc”, rồi chuồn thẳng.
Câu chuyện về Bác Long lý nhưng nó cũng là một nét mô tả khí phách người quê tôi, người Phương Xá – Minh Tân, là một khí chất được mô tả trong bài sau.
Thì cũng cái đám […] ấy sau này được gởi vào Miền Nam làm khổ dân, chúng hạch sách đủ điều và bây giờ truyền nhân của chúng bắt dân phải trình ra chứng cứ là vàng trong nhà từ đâu mà có, dù là của hồi môn cũng phải có giấy xác nhận, không thì tịch thu. Đặt quyền vào tay những kẻ du thủ du thực, cán bộ cả nước đều là như vậy. Khốn nạn
Hoan nghênh tinh thần sở hữu 1 bộ bàn ghế bằng gỗ quý là thể hiện 1 tính cách oai hùng, khí phách
Cần phát huy ra cho cả nước