Nhà thơ Hoàng Cát, tác giả “Cây táo ông Lành”, qua đời

Thái Hạo

2-7-2024

Nghe tin nhà thơ Hoàng Cát vừa qua đời, tôi nhớ đến một kỷ niệm về việc viết lách thuở thiếu thời của mình. Hồi ấy, tôi học lớp 7 (hay lớp 8 ), và có một cái đài (radio) chạy bằng pin, chỉ lớn hơn bao thuốc lá một chút, chỉ trừ khi đi học, còn lại tôi luôn mang theo nó bên mình. Ở quê, ngoài sách giáo khoa và sách văn mẫu ra, không có sách vở gì cả, cái đài trở thành bạn thân. Tôi nghe đủ thứ phát ra từ trong cái hộp màu đen nho nhỏ ấy.

Hồi ấy có một chương trình tên là “Trang viết đầu tay của những cây bút nhỏ” trên Đài tiếng nói Việt Nam, do nhà thơ Hoàng Cát phụ trách. Nó được tổ chức như một cuộc thi sáng tác văn học dành cho học sinh phổ thông/ thiếu nhi, mỗi tháng tổng kết và trao giải một lần. Những tác phẩm đoạt giải sẽ được nhà thơ Hoàng Cát viết lời bình và đọc trên sóng.

Tôi đã nghe chương trình ấy rất lâu và thích lắm. Đến một hôm, vì không kìm chế được nữa, tôi đã viết một cái truyện ngắn, tên là “Những bông hoa dại” và gửi đi. Cái truyện ấy của tôi kể về một thằng bé rất thích nuôi chim. Nó có một con chim sẻ rất cưng và chăm chút như con ngộ hay như một người bạn thân thiết. Nó không cho bất cứ ai động vào. Nhưng một hôm đi chăn trâu về, nó không còn thấy cái lồng chim đâu nữa. Trực giác mách bảo rằng, chỉ có thằng em phá phách của nó thôi.

Thế là nó đi tìm với một sự tức tối sùng sục trong lòng. Nó quyết là hôm nay sẽ nện cho thằng em một trận. Và nó bắt gặp thằng em đang trong nhà một đứa bạn, nó xông vào, hét toáng lên với cái nắm đấm đã sẵn trên tay. Nhưng nó chợt nhìn thấy đứa bạn của em nó là một thằng bé bị tàn tật, chân không đi được. Thì ra thằng em nó vì thương đứa bạn bị liệt nhưng rất thích được chơi với những con chim nên đã đánh liều lấy cắp chiếc lồng của thằng anh mang sang cho bạn chơi một buổi, khi anh vắng nhà… Hai anh em dắt tay nhau trở về lúc trời đã tối mịt, trong lòng bao nhiêu là xúc động… Đấy, cái truyện của tôi thuở con nít, nó chỉ có thế thôi.

Truyện gửi đi rồi thì chờ, và chờ mãi nhưng không thấy hồi âm, rồi tôi quên, tôi không còn nhớ gì đến nó nữa. Nhưng bỗng một hôm đang chăn trâu trên đồng với chiếc đài trong tay, tôi chợt nghe thấy tên mình. Cái giây phút ấy với tôi thật quá đặc biệt. Tôi được giải nhất về truyện ngắn trong số đó.

Tôi không nhớ nhà thơ Hoàng Cát đã bình luận những gì, cũng không nhớ mình đã được nhận tiền nhuận bút hoặc tiền thưởng là bao nhiêu, chỉ nhớ cái khoảnh khắc một mình với con trâu giữa đồng mênh mông và bỗng nghe thấy cái truyện ghi tên mình. Niềm vui ấy của tôi kéo dài rất lâu, như một kỷ niệm đầu đời về việc viết văn.

Hôm nay nghe tin nhà thơ Hoàng Cát qua đời, cái kỷ niệm ấy bỗng trở lại. Nhớ những ngày tuổi thơ, nhớ những nghĩ suy và ham muốn non nớt, nhớ những khát khao thật ngây thơ và trong sáng.

Chân dung nhà thơ Hoàng Cát. Ảnh trên mạng

Nhà thơ Hoàng Cát, tôi không biết gì về ông trước cái chương trình “Trang viết đầu tay” kia. Mãi sau này lớn lên rồi, đi học đại học và vớ được sách để đọc, tôi mới biết rằng ông và Xuân Diệu có mối quan hệ rất đặc biệt. Nhiều bài thơ, câu thơ của Xuân Diệu là viết cho Hoàng Cát hoặc được gợi cảm hứng từ ông (hình như những chuyện này tôi đọc thấy lần đầu trong Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa thì phải). Nhưng Hoàng Cát là một nhà thơ, một người đàn ông, cái “tình” mà Xuân Diệu dành cho ông, đó là “tình riêng”.

Hoàng Cát cũng từng được biết đến với truyện ngắn nổi tiếng “Cây táo ông Lành” đăng trên Báo Văn nghệ năm 1974, nổi tiếng vì nó bị “đánh” tơi bời, bởi giới phê bình cho rằng ông ám chỉ Tố Hữu và chống lại CNXH!

Vĩnh biệt ông, nhà thơ Hoàng Cát, một cái tên và là một kỷ niệm đầu đời của tôi trên những trang viết vụng về. Xin chúc ông được nghỉ ngơi trong bình an.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Thái Hạo vừa chứng minh đúng đoạn văn của Nguyễn Gia Thiều được lấy ra làm đề thi

    Ổng chết đuối trong cái dòng sông í cũng vui lòng, nhưng cứ phải ngoạc mồm ra phản biện cho đỏm dáng cái đã

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây