Tô Lâm toàn thắng

DĐ VOA

Mẹ Nấm/ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

30-6-2024

Chủ trương kết nạp thêm “cánh tay nối dài” chính là nhằm gia tăng thêm sức mạnh của gọng kềm “thanh bảo kiếm sắc bén, lá chắn thép vững chắc” để bảo vệ đế chế công an trị và chủ soái của đế chế mới này ở Việt Nam chính là Chủ tịch nước Tô Lâm.

Ngày 1/7 sắp tới, Bộ Công an sẽ cho ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở. Đây chính là đội ngũ được xem như cánh tay nối dài của công an, được xây dựng dựa trên ba đội ngũ có sẵn là công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và dân phòng. Việc ra mắt của lực lượng này được xem như là một thành quả thắng lợi khác của tân Chủ tịch nước Tô Lâm. Và cũng là chỉ dấu cho thấy Tô Lâm đã thành công trong việc xây dựng đế chế riêng dựa trên việc quản lý xã hội bằng mô hình công an trị.

Tại sao là chiến thắng của Tô Lâm?

Tháng 5/2018, khi cả xã hội lo ngại trước tình trạng công an xã đánh người, hành xử thiếu kinh nghiệm, không hiểu biết về luật pháp, Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm đã đưa ra chính sách sẽ điều động 25.000 công an chính quy về xã. Trước quyết định này, dư luận cũng đã lo sợ rằng việc điều động này có tăng thêm nhân lực và biên chế ngành sẽ phình to ra hay không? Tại thời điểm tháng 6/2018, ông Tô Lâm trả lời VnExpress rằng: “Việc bổ sung thêm 25.000 công an về xã sẽ không làm phình thêm lực lượng. Mà ở đây công an chỉ điều chỉnh trong ngành thôi vẫn theo tinh thần tinh gọn. Việc đưa công an chính quy về xã sẽ không thêm người mà chỉ là huy động tổ chức chặt chẽ hơn” (1).

Lúc này, ông Tô Lâm đã ấp ủ việc sẽ điều chỉnh làm sao để dân phòng, bảo vệ dân phố, công an xã cùng tham gia quản lý xã hội chứ không loại bỏ đội ngũ này. Vì thế cam kết của Tô Lâm về việc điều động nhân sự sẽ chỉ khiến công an xã chuyên nghiệp hơn, không vấp phải sự phản đối, đồng thời cũng không khiến lực lượng này bất mãn vì bị “vắt chanh, bỏ vỏ”.

Năm 2020, với quyết tâm trao danh phận chính thức cho lực lượng đã từng bị gọi là “thiếu chuyên nghiệp, gây ảnh hưởng đến hình ảnh công an chính quy”, Bộ trưởng Tô Lâm trình Quốc hội Dự luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh cơ sở. Hành động dùng luật kết nạp thêm người của Bộ Công an đã vấp phải sự phản đối từ cánh quân đội.

Trong buổi họp quốc hội ngày 17/1/2020, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2 – ĐBQH tỉnh Hà Giang đặt câu hỏi: Liệu có cần thêm một lực lượng nữa không khi lực lượng công an quá đông? “Bây giờ một tỉnh ít nhất phải từ 3.000 công an, tỉnh to tới 4.000, hơn 4.000 công an chính quy. Lực lượng đông như thế, giờ lại thêm nhiều lực lượng nữa, chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ để nắm được tình hình, xử lý tình hình hay sao”.

Ông Sùng Thìn Còn còn so sánh mô hình quản lý giữa Việt Nam và Trung Quốc: “Trung Quốc lớn như thế nhưng họ chỉ có lực lượng vũ trang quân đội. Công an chỉ là lực lượng bán vũ trang… Chúng ta phải đánh giá, tổng kết lại, dân chưa chắc đã ủng hộ. Nếu chúng ta xác định lực lượng này là lực lượng rất quan trọng thì sao không sử dụng ngay từ đầu để lực lượng đó đủ sức làm nhiệm vụ ở cơ sở mà phải đưa công an chính quy xuống rồi bây giờ lại thành lập lực lượng này. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cân nhắc, đại biểu trước khi bấm nút thay mặt cho cử tri của mình, cho dân, nên phải cân nhắc” (2).

Cũng trong buổi họp này, chính ông Lưu Bình Nhưỡng trong vai trò là Phó trưởng Ban Dân nguyện, cũng đã nhấn mạnh đến con số 1,500,000 người sẽ được tuyển dụng vào Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự, sẽ là một gánh nặng cho ngân sách nếu bộ ngành nào cũng học theo lối “khắc xuất khắc nhập” của công an.

Sau đó đến tháng 11/2020, Dự luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở do Bộ Công an đề xuất không được thông qua. Có 60,29% tổng số đại biểu Quốc hội cho rằng chưa cần thiết xây dựng Luật này; số đại biểu thấy cần thiết là 96 người (19,96%). Lý do phản đối là vì bộ máy sẽ bị phình ra và ngân sách sẽ phải tiêu tốn một khoảng lớn để nuôi lực lượng “an ninh cơ sở”.

Tình thế nay đã đổi!

Năm 2023, khi vụ bạo loạn tại Tây Nguyên xảy ra, Tô Lâm và thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân đã lấy sự kiện này làm ví dụ rồi từ đó cho rằng, cần phải xây dựng hệ thống lực lượng an ninh cơ sở bởi vì họ “sẽ là “tai mắt” phát hiện nhóm người mua bộ đồ rằn ri, chuẩn bị dụng cụ, phương tiện để tấn công trụ sở hai xã” (3).

Như vậy với lý do bảo vệ an ninh quốc gia bằng cách cài cắm tai mắt trong quần chúng, ông Tô Lâm và Bộ Công an đã vô hiệu hóa tất cả các ý kiến phản đối dự luật trước đó.

Kết quả là ngày 28/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với 386 đại biểu tán thành, chiếm tỷ lệ 78,14%.

Xét về sự cạnh tranh quyền lực giữa công an và quân đội thì ở đây Bộ công an đã thắng thế thông qua chiến lược chống tham nhũng và tạo dựng được ảnh hưởng ngay bên trong Quốc hội.

Thấy gì qua việc công an có thêm Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở?

Theo một thống kê không chính thức từ năm 2017 của giáo sư Carl Thayer, chuyên viên nghiên cứu về các vấn đề Việt Nam và Á châu thuộc Học viện quốc phòng Hoàng gia Úc, cứ 15 người dân là có một công an. Số liệu được dựa trên thống kê cũ bao gồm 6.700.000 người của lực lượng an ninh công an gồm 1.200.000 công an viên và 5.000.000 các thành phần dân phòng.

Hãy thử so sánh các con số sau đây trong lĩnh vực an ninh, y tế, giáo dục: 15 người dân/1 công an, 10.000 người dân/ 1 bác sĩ. Và năm 2024, thống kê cả nước thiếu 118.000 giáo viên, người ta sẽ thấy xã hội Việt Nam đang sống dưới thời công an trị.

Nghịch lý lớn nhất là mặc dù có quá nhiều công an nhưng cả xã hội Việt Nam luôn sống bất an và sợ hãi, Việc gia tăng lực lượng an ninh cơ sở chính là để quản lý người dân, doanh nghiệp và cả chính đảng viên cũng bị lực lượng này theo dõi và có thể ra tay “trừng trị” bất kỳ khi nào.

Chủ trương kết nạp thêm “cánh tay nối dài” chính là nhằm gia tăng thêm sức mạnh của gọng kềm “thanh bảo kiếm sắc bén, lá chắn thép vững chắc” để bảo vệ đế chế công an trị và chủ soái của đế chế mới này ở Việt Nam chính là Chủ tịch nước Tô Lâm.

1. https://vnexpress.net/vi-sao-25-000-cong-an-chinh-quy-duoc-dieu-ve-xa-3760541.html

2. https://tienphong.vn/moi-tinh-co-tu-3000-4000-cong-an-chinh-quy-co-qua-nhieu-post1290738.tpo

3. https://vnexpress.net/dai-tuong-to-lam-vu-dak-lak-cho-thay-khong-the-coi-thuong-an-ninh-co-so-4619672.html

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Lâm bò vàng toàn thắng.
    Lâm bò vàng lập trung đoàn kị binh. Dự án là mua ngựa nước ngoài, nhưng thục ra là mua mấy con ngựa thồ của người vùng cao. Khi diễu hành qua lăng Hồ, mấy chú ngựa được tuyển chọn, chăm bẵm huấn luyện kỹ càng này đã vô lễ phẹt ra hàng đống chất thải, đẹp mặt Lâm. Vụ này Lâm đút túi bao nhiêu ?
    Lâm bò vàng thân chinh chỉ huy chiến dịch bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại một quốc gia có chủ quyền, lừa bạn mượn máy bay chở Thanh về nước trị tội, đẹp mặt Lâm.
    Lâm há mõm đớp bò dát vàng giữa thủ đô Anh quốc, video được trưng ra trước bàn dân thiên hạ. Đẹp mặt Lâm.
    Lâm sang Đức, sang Slovakia, không biết nguyên thủ mấy nước này có tiếp Lâm không nhỉ ?

  2. Tình hình an ninh trật tự XH Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp. Tội phạm ngày càng phát triển phát tác về số lượng, chủng loại và mức độ tinhvi, tàn độc .. đối với người dân và toàn bộ XH. Bộ Công An cần nâng cao trình độ, năng lực công tác , tăng hiệu quả công tác trên cơ sở nhân sự hiện tại. Nhà nước đầu tư rất nhiều nhân sự công an và tiền , thiết bị nhưng hiệu quả đem lại chưa tương xứng. . Đặc biệt tội phạm lừa đảo, vận chuyển, mua bán Ma túy , giết người vì tiền, tình , tranh đoạt lợi quyền ngày càng lan rộng mức độ và phạm vi nguy hiểm .

  3. Lòng người không giống như sợi dây thép gai cứng nhắc mà luôn chuyển biến . Càng buộc chặc thì sức bung càng mạnh . Lúc nào đó thì “Người lên như nước vỡ bờ”(câu thơ của Nguyễn Đình Thi ) , liệu xe tăng, đại bác có dập nổi không ?
    Càng củng cố lực lượng để bảo vệ mình thì chứng tỏ sự lo sợ càng lớn .Mà tại sao lại sợ và sợ cái gì ? Người luôn nôm mớp sợ hãi là chỉ khi nào mình làm việc gì bất chính kia . Còn lo cho sự no ấm của nhân dân thì dân tin, dân yêu, dân kính . Mà dân thì hiền như đất, quanh năm suốt tháng cun cút làm ăn còn thiếu đói , sức đâu mà nghĩ tới chuyện chống đối .
    Có bao giờ các ngài thử tìm hiểu lòng dân không nhỉ ? Từ anh lái xe grab, tới chú chạy xe ba bác đều căm ghét sự đểu giả của thằng xâm lược và cũng thừa hiểu rằng các ngài đang bám vào chúng nó để mà tồn tại .
    Hãy chịu khó nhìn vào lịch sử phong kiến VN, anh bạn LX “vĩ đại” và cả các nước Đông Âu thì sẽ hiểu sự thịnh , suy như thế nào để mà cai trị cho hợp lòng dân .

  4. Tình cảnh dân xứ Đông Lào giống như ếch trong nồi nước. Ngọn lửa hung tàn của Lâm bò vàng đang thúc dần bên dưới.
    Phận ếch rồi sẽ ra sao, có lẽ chảng phải bàn nhiều.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây