Tiến sĩ, lại tiến sĩ (Bài 4)

Phạm Lưu Vũ

29-6-2024

Tiếp theo bài 1bài 2bài 3

Cái bằng “Tiến sĩ” luật của ma tăng Vương Tấn Việt thì rõ rồi. Việc ấy càng chứng tỏ gã ma tăng này là một con trùng kinh tởm, trong bụng con sư tử Phật Giáo.

Nhưng còn một “tiến sĩ” nữa, tiến sĩ Phật học hẳn hoi, hiện một mình đang trụ trì tới bốn ngôi chùa lớn, từ Nam ra Bắc, và nhiều chức vụ quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố HCM: Phó Trưởng Ban Trị sự, kiêm Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế, Phó Viện trưởng thường trực Học Viện PGVN tại TP.HCM, Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, trụ trì chùa Giác Ngộ (SG), chùa Quan Âm Đông Hải (Sóc Trăng), chùa Tương Sơn (Hà Tĩnh), chùa Linh Xứng (Thanh Hóa).

Đó là Thượng tọa, tiến sĩ Thích Nhật Từ, thế danh Trần Ngọc Thảo, tuổi con gà (1969), tu theo trường phái Bắc tông, tông phái Thiền Lâm Tế đời thứ 41.

Có lần sư này đăng đàn giảng về Duy Thức học, tôi đã chỉ ra rằng anh ta chẳng hiểu gì về Duy Thức, khi nói: “Vật chất do tâm sinh là không thể chấp nhận…”. Với một “tông chỉ” như thế, thì chứng tỏ cái “nhân” của anh ta là bất tín Duy Thức. Không tin Duy Thức, thì sao có thể hiểu nổi Duy Thức? Vậy anh tiến sĩ này giảng dạy cái gì?

Đến khi anh ta giảng về “Hồi hướng”, thì con bò cũng phải lăn ra mà cười. Phật tử mang đến “cúng dường” một nải chuối, để “hồi hướng công đức” cho tất cả mọi chúng sinh. Anh tiến sĩ giảng, đại ý có một nải chuối, mà hồi hướng cho… 8 tỷ người, thì mỗi người hưởng được là bao nhiêu? Một anh tiến sĩ Phật học, mà hiểu “hồi hướng” và “công đức” thô thiển dưới mức tâm thần như vậy, thì có lẽ phải xem lại cái bằng của anh ta.

Đến khi xuất hiện sự kiện Sư Minh Tuệ, anh ta lại đăng đàn “thuyết pháp”, rằng đó là “thực tập khổ hạnh”, không phải “thực tập giới”. Chưa “thực tập giới” thì mới đi được 1/3 quãng đường… Chao ôi, nhà Phật chỉ có “thọ giới”, “trì giới”, “đắc giới”, “phạm giới” hay “xả giới”… mà thôi. Làm gì có khái niệm “thực tập giới”? Đây là nhóm từ do anh tiến sĩ nghĩ ra để lòe người. Tu tập không phải là học nghề, cho nên chữ “tập” có nghĩa là tích tập, huân tập… công đức và trí tuệ để tiến tới giải thoát, giác ngộ thì sao lại “thực tập”?

Chỉ học nghề mới cần phải “thực tập”, vì chữ “tập” trong “thực tập” có nghĩa là tập làm cho quen, cho thành thạo tay nghề, ví dụ nghề móc túi… vậy, khác hoàn toàn chữ “tập” trong “tu tập”. Bịa ra khái niệm tầm thường, bậy bạ để lòe người, để ra vẻ ta đây, chê một người “tập học” phi thường là Sư Minh Tuệ, anh tiến sĩ này đã lòi cái đuôi vừa dốt nát, vừa khoe khoang, lại vừa đố kị…

Nhưng đến chỗ này thì các Ngài Hộ Pháp cần phải tước ngay cái bằng “tiến sĩ Phật học” của anh ta. Trong bụng con bò chứa hàng ổ vi khuẩn, nhưng là những vi khuẩn có ích, giúp con bò phân hủy xenluylo trong rơm, cỏ để biến thành protein nuôi sống con bò. Nhưng những con trùng ấy chui vào bụng con sư tử thì rất nguy, vì chúng sẽ làm hại sư tử.

Một phật tử gửi câu hỏi cho ngài tiến sĩ thượng tọa, đại ý, Phật tại tâm là câu nói thường miệng của nhiều phật tử tại gia… nhiều người cho rằng cần gì phải đến chùa, cần gì phải đi chùa xa, cần gì phải ăn chay, cần gì phải làm việc thiện…? Cứ ngồi ở nhà, nghĩ đến Phật, thì Phật tại tâm là đủ rồi. Xin thầy cho biết quan điểm của thầy về vấn đề này…?

Và “ngài” thượng tọa tiến sĩ đã trả lời, (nguyên văn): “Trên thực tế thì Phật không ở tại tâm được. Vì Đức Phật lịch sử có chiều cao 1,9m nặng trung bình 80 ký… thân tướng với 32 tướng tốt như thế, làm sao có thể tồn tại trong trái tim chúng ta được…”. Hehe, thực là cười không nổi. Câu nói “Phật tại tâm” mà hiểu thô thiển tới… quá cỡ thợ mộc (xin lỗi các bác thợ mộc) như thế, thì kẻ đần độn nhất thế gian cũng không đến nỗi ấy. Đằng này đường đường là một… “tiến sĩ Phật học”.

Nghĩa là Thích Nhật Từ không hiểu nổi câu “Phật tại tâm”, càng không hiểu “Phật tính”, “Tính Giác”, “Như Lai tạng”, “Phật Tỳ Lô Giá Na”… là gì. Chỉ vì quá lo sợ các phật tử sẽ không đến chùa để “cúng dường” hoặc “chuyển khoản”… nữa, nên anh ta đã kịch liệt đả phá chân lý “Phật tại tâm”, đến nỗi anh ta lớn tiếng tuyên bố:

“Học thuyết Phật tại tâm là cực kỳ nguy hại cho sự phát triển của Phật Giáo (!)”. Tuyên bố ấy của đồ đệ có nghe được hay không? hỡi ngài “Đức Pháp chủ”? hỡi các vị lãnh đạo của GHPGVN, và toàn bộ giới tăng ni, trong cả tam thiên, đại thiên thế giới này, bao gồm cả mười phương, ba đời?

Đến đây, thì có thể kết luận Thích Nhật Từ đích thị là một con “trùng” thảm hại và thấp kém, đang nằm trong bụng con Sư Tử Phật Giáo. Tại sao nói như thế? Vì anh ta rõ ràng không có chủng tính Phật, không có chủng tính Thanh Văn, Duyên Giác đã đành, ngay cả bất định chủng tính cũng không, thì chỉ có thể là chủng tính… ngoại đạo.

Tôi xin trả lời vị phật tử đặt câu hỏi ở trên thay anh ta. Rằng vì Phật tại tâm, cho nên hoàn toàn có thể không cần đến chùa, mà vẫn có thể tu thành Phật. Các Kinh Bổn sự nói về vô lượng kiếp trước của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tuyệt không có bóng dáng một ngôi chùa nào, mà Ngài vẫn thành Phật đó thôi? Còn chư vị Độc Giác Phật khắp mười phương, ba đời, nhiều như cát sông Hằng nữa. Chư vị ấy cũng không cần đến bất kỳ một ngôi chùa nào, thậm chí không cần cả giáo lý, không cần nghe ai thuyết pháp…

Và khi thành Phật dưới cội Bồ Đề, Đức Bổn sư đã dùng “Nhất thiết chủng trí” để quán chiếu khắp thế gian, Ngài thấy mọi chúng sinh đều có Phật tính. Hơn thế nữa, cái món “Phật tính” trong mọi chúng sinh ấy, nó bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh và bất tăng bất giảm… Nghĩa là người đầu tiên đưa ra “học thuyết” Phật tại tâm, chính là Đức Thích Ca Mâu Ni.

Chống lại điều đó, tức là chống lại chính Đức Bổn Sư đấy, anh “tiến sĩ Phật học” ạ. Nhưng tôi chắc chắn Đức Đại từ, Đại bi vẫn mong anh sớm thành Phật đạo, để anh không chống lại Ngài nữa.

Bình Luận từ Facebook

7 BÌNH LUẬN

  1. Rỗi rãi xin góp vui bàn về tấm bằng TS của ma tăng Thích Chân Quang.
    Háo danh là một đặc tính xấu của người Việt, tuy nhiên bỏ nghiệp đời, theo nghiệp đạo nhưng không bỏ được Tham, Sân, Si như “thượng tọa” Thích Chân Quang thì quả là buồn cho giáo hội Phật giáo nước nhà. Có cần hay không tấm bằng TS đối với một thày tu? Lẽ nào tư duy trọng bằng cấp hơn trọng tri thức ngoài đời cũng đã lấn sân vào giới tu sĩ, phải chăng Phật giáo nước nhà đang bước vào thời mạt pháp?
    Qua những thông tin lượm lặt được từ các trang mạng chính thống cũng như vỉa hè thì bằng TS của Thích Chân Quang đáng bị tước bỏ vì nó vi phạm luật giáo dục, vi phạm những quy chế mà bộ giáo dục ban hành về việc đào tạo trí thức bậc cao. Nhưng suy cho cùng, bằng TS rởm của tu sĩ Quang không phải là công cụ để tu sĩ này gây hại cho xã hội. Những bài giảng nhố nhăng, đi ngược lại giáo lý của Phật giáo mới gây hại cho xã hội, hủy hoại uy tín của đạo Phật. Điều này đáng bị lên án, cần phải truy xét những bài giảng vi phạm pháp luật, gây rối xã hội của tu sĩ Quang. Tuy nhiên, cũng nhờ tu sĩ Quang mà dư luận mới biết được nhiều thông tin về việc đào tạo trí thức bậc cao của nền giáo dục nước nhà. Không hiểu bằng TS rởm của tu sĩ Quang là dị biệt hay là phổ quát do đại học luật Hà Nội cấp? Theo tôi, những người được cấp bằng TS như tu sĩ Quang không phải là dị biệt tại đại học luật, cũng không phải là dị biệt ở nhiều trường đại học khác trong cả nước. Tư duy trọng bằng cấp, phổ cập TS tới cấp huyện đang tạo ra một lớp trí thức cỏ dại bậc cao ở nhiều nơi, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trong cả nước. Việc có bằng cử nhân ngành A, có bằng thạc sĩ ngành B tréo ngoe với ngành A và có bằng TS ngành C khác xa với hai ngành A và B không phải là hiếm. Nếu không tin, các bạn có thể tự điều tra để xem nhận định trên là đúng hay sai! Nhiều vị chủ tịch, bí thư cấp tỉnh bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn có bằng TS trái với chuyên môn được đào tạo khi nhận bằng cử nhân hay kỹ sư không phải là hiếm. Những lò đào tạo TS được báo chí mổ xẻ trong thời gian gần đây đã và đang gây hại cho nền giáo dục nước nhà. Nhiều vị, có bằng TS rởm như tu sĩ Quang khi được gắn thêm mác PGS, GS đang là cây đa cây đề trong ngành giáo dục mới là những tấm bằng gây hại cho đất nước nhiều hơn tấm bằng TS rởm của tu sĩ Quang. Nghe những lời tâng bốc của vị GS kể chuyện cũng như một vài GS, PGS của trường đại học luật dành cho tu sĩ Quang lại thấy buồn. Lẽ nào trong lớp trí thức được cho là bậc cao của nước nhà lại có nhiều người không phân biệt được thế nào là đúng, thế nào là sai!
    Nhổ cỏ dại, tước bằng TS của Thích Chân Quang là việc nên làm, nhưng việc truy cứu trách nhiệm đối với những người tạo điều kiện cấp bằng TS rởm cho tu sĩ Quang là việc cần làm hơn. Cỏ dại trong giới trí thức Việt không hiếm, cỏ dại trong giới trí thức bậc cao cũng khá nhiều. Không hiểu bộ giáo dục có đủ quyết tâm, đủ bản lĩnh để nhổ sạch đám cỏ dại trong lớp trí thức bậc cao?
    Nguồn Mạng.

  2. Học giả, Thái Bá Tân.

    Giáo sư và tiến sĩ
    Là đối tượng đáng ra
    Được xã hội kính trọng,
    Thế mà giờ, nước ta

    Giáo sư và tiến sĩ
    Lại trở thành trò hề
    Trong con mắt thiên hạ,
    Đàm tiếu và cười chê.

    Lý do thì đã rõ.
    Thật xấu hổ lắm thay.
    Nói thật, chỉ cộng sản
    Mới làm được điều này.

    Nguồn Mạng.

  3. Những kẻ dối trá hoặc tiếp tay cho sự dối trá trong học thuật đều là TỘI ĐỒ CỦA DÂN TỘC! Những kẻ dối trá hoặc tiếp tay cho sự dối trá trong học thuật đều là TỘI ĐỒ CỦA DÂN TỘC!

    Tuyên bố nổi tiếng của Nelson Mandela trong chuyến thăm trường đại học Nam Phi như sau:

    ⦁ “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên.
    ⦁ Bệnh nhân chết dưới bàn tay các bác sĩ của nền giáo dục ấy.
    ⦁ Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay các kỹ sư của nền giáo dục ấy.
    ⦁ Tiền bị mất trong tay các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục ấy.
    ⦁ Nhân loại chết dưới bàn tay các học giả tôn giáo của nền giáo dục ấy.
    ⦁ Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục ấy.
    ⦁ Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia.”

    The famous statement of Nelson Mandela is displayed at the entrance of the University of South Africa thus:
    « Destroying any nation does not require the use of atomic bombs or the use of long range missiles. It only requires lowering the quality of education and allowing cheating in the examinations by the students. »
    « Patients die at the hands of such doctors. »
    « Buildings collapse at the hands of such engineers. »
    « Money is lost in the hands of such economists & accountants. »
    « Humanity dies at the hands of such religious scholars.*
    « Justice is lost at the hands of such judges.»
    « The collapse of education is the collapse of a nation. »

    Nguồn: Fb Son Nguyen

  4. “Trên thực tế thì Phật không ở tại tâm được. Vì Đức Phật lịch sử có chiều cao 1,9m nặng trung bình 80 kí… thân tướng với 32 tướng tốt như thế, làm sao có thể tồn tại trong trái tim chúng ta được…”.
    Mình chép lại câu này để cười thêm một lần nữa . Cười ba tiếng rồi lại khóc ba tiếng mà than rằng sao lại có thằng TS phật học ngu như . . .như con gì nhỉ ?( không dám so sánh y ngu như bò vì sợ bò nó buồn, mà chó thì lại khôn lắm lắm ) .
    Một câu hỏi đơn giản của phật tử mà y trả lời nghe lãng xẹt và thô thiển quá . Vậy cấp bằng TS cho nó làm gì nhỉ ?! Hay là , nó nghe hai chữ “tại tâm” thì hồn vía lên mây . Bởi, thiên hạ cứ tu tại gia thì ai tới chùa để cúng dường nữa , làm sao nó trở thành “thích car money” được ?!

  5. Phật tại tâm.
    Thầy Thích Minh Tuệ thường thưa với các Phật tử rằng, con đang học, con tu chưa xong.
    Nhưng suốt sáu năm ròng, đầu trần chân đất thầy vào nam ra bắc khất thực, luôn an nhiên tự tại, không cáu gắt thù ghét một ai, luôn cầu mong cho mọi người hạnh phúc, thì Phật đã ở trong thầy.
    Chính vì thế, hàng trăm hàng ngàn người theo thầy, đón ruóc thầy, mong được đảnh lễ thầy. Lũ khuyển ưng phải dùng mưu sâu kế hiểm mới tách được thầy ra khỏi đám đông Phật tử ấy.
    Những Thích Trúc Thái Minh, Thích Chân Quang, Thích Nhật Từ, Thích Thanh Quyết có tự soi qua tấm gương của thầy mà sửa mình được chút nào chăng.

  6. Đỗ Hoàng Diệu nên wa đây đọc, để xem Phạm Lưu Vũ có vi phạm nhân quyền của những người ổng nhắc tới hông . Níu không thì … ĐHD nên xem lại cách hiểu của mình về “nhân quyền” khi đụng tới Huy Đức . Hay nói thẳng ra là cách nhìn của Đỗ Hoàng Diệu & hổng ít người khác zìa bất cứ cái gì mang tính thiên vị . Thích người này thì tâng bốc lên tận mây xanh, bất chấp sự thực ngược lại

    Níu mún “đấu tranh” cho “nhân quyền” -theo cách hiểu của mình- của Huy Đức, mọi người trước hết hãy tôn trọng “nhân quyền” -cũng theo cách hiểu trên của mình- của những người hổng có cùng wan điểm với Huy Đức

    me, Read my lips. Trích Tiến Sĩ Phạm Chí Dũng, “Ơn Đảng, ơn Chính phủ!”

    Phạm Lưu Vũ mún chánh quyền xử những người ổng hổng thích, i want the sêm Phúc Kđinh thing

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây