Mấy lời bàn thêm về đề thi Tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn

Thái Hạo

28-6-2024

(Trao đổi với cô giáo Ngữ văn Tố Uyên ở Thanh Hóa)

Về đề thi Tốt nghiệp THPT 2024 môn Ngữ văn, hôm qua khi vừa nhìn thấy đề, tôi có viết nhanh mấy dòng nêu quan điểm của mình về vấn đề được trình bày trong ngữ liệu đọc hiểu (xin xem bài viết ở chân trang). Anh Hoàng Tuấn Công đã chia sẻ status ấy về trang cá nhân và gắn thẻ tôi, với lời bình: “Bài phản biện nhanh, rất thuyết phục và cơ bản của Thái Hạo”.

Đến trưa nay tôi đọc thấy một bình luận của nick Tố Uyên (đang là một giáo viên Văn ở Thanh Hóa) bên dưới bài chia sẻ ấy (xem hình). Tôi ngạc nhiên và bấm vào trang cá nhân của nick này và thấy ngay một bài khác, cũng về cùng vấn đề. Xem bài viết của cô giáo Tố Uyên ở đây: https://www.facebook.com/vanh.loc.79/posts/1535686267015435

Nick Tố Uyên cũng là bạn Facebook của tôi, nhưng thú thực lâu rồi tôi cũng không để ý và không đọc nên không thấy những bài viết kiểu này xuất hiện trên tường. Nếu là một người bình thường, có lẽ tôi sẽ không trao đổi, nhưng vì cô Tố Uyên hiện đang là giáo viên dạy Văn trường THPT Tô Hiến Thành TP Thanh Hoá, đang dạy hàng trăm học trò mỗi năm, và được xem là “giáo viên giỏi”, tức có ảnh hưởng đến kiến thức và nhận thức của lớp trẻ, nên tôi thấy việc trao đổi này là cần thiết. Và không chỉ với riêng cô giáo này.

1. Tạm gác sang bên chuyện viết lách và văn bản tùy tiện, lủng củng, gác sang cả giọng điệu công kích và bất lịch sự, thiếu văn hóa trong trao đổi. Ở bình luận của mình, cô Tố Uyên viết “Cứ hung hăng khoe chữ mà không cần biết đoạn văn bản này người ta sử dụng làm ngữ liệu cho đề thi ở phần Đọc hiểu. Kiểm tra kiến thức chỉ ở mức độ nhận thức và thông hiểu”.

Trước hết không ai không biết rằng “đoạn văn bản này người ta sử dụng ngữ liệu cho đề thi ở phần đọc hiểu” cả, vì đề đã ghi rõ ràng, và là một giáo viên đã gắn bó với thi cử dạng đề này cả chục năm, tôi không những không xa lạ mà còn làm việc với nó hàng ngày. Trong phần đời đi dạy của mình, tôi đã từng làm hàng trăm đề dạng này, tôi cũng từng tham gia làm đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh, đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, nên lại càng biết và hiểu nó hơn ai hết.

Cô Tố Uyên nói câu đọc hiểu này “Kiểm tra kiến thức chỉ ở mức độ nhận thức và thông hiểu” là không chính xác, nếu không nói là sai hoàn toàn. Chữ “nhận thức” phải được thay bằng “nhận biết”, hai từ này hoàn toàn khác nhau về nghĩa và nếu hiểu lầm hoặc dùng sai thì tai hại vô cùng, vì nó chi phối và ảnh hưởng trực tiếp đến việc dạy và học Văn.

Thêm nữa, câu “Kiểm tra kiến thức chỉ ở mức độ nhận thức và thông hiểu” là một câu tối nghĩa và sai hẳn về nội dung: “kiến thức” và “nhận thức” là hai lĩnh vực khác nhau, và vì thế càng không thể có cái chuyện “kiểm tra kiến thức ở mức độ nhận thức” được. Câu nhận định này chứng tỏ cô giáo Tố Uyên nói mà không hiểu mình đang nói gì.

Những ai đã từng đi dạy thì đều biết, một đề thi Ngữ văn có ma trận gồm 4 mức độ: Mức 1: Nhận biết, nhắc lại được kiến thức, kỹ năng đã học; Mức 2: Hiểu kiến thức, kỹ năng đã học, trình bày, giải thích được kiến thức theo cách hiểu của cá nhân; Mức 3 (vận dụng thấp): Biết vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết những vấn dề quen thuộc, tương tự trong học tập, cuộc sống; Mức 4 (vận dụng cao): Vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập, cuộc sống một cách linh hoạt.

Vì thế, một lần nữa, cô Tố Uyên cần nhớ rằng, không phải là “nhận thức” mà là nhận biết/ nhận diện. Và đọc hiểu cũng không phải chỉ dừng lại ở 2 mức độ ban đầu.

Trong câu đọc hiểu, ngoài yêu cầu nhận biết/ nhận diện và phải lý giải được (hiểu) thì tùy vào từng đề cụ thể cho các kỳ thi cụ thể mà yêu cầu vận dụng sẽ ở các mức độ khác nhau. Trong phần đọc hiểu của đề thi Tốt nghiệp năm nay, câu 4 là một câu vận dụng (yêu cầu rút ra bài học từ ngữ liệu). Ở đây, nó không chỉ nhận biết, thông hiểu mà còn yêu cầu vận dụng. Như thế, chỉ trong một câu bình luận của mình, cô Tố Uyên đã cho bộc lộ hai cái sai cơ bản về kiến thức chuyên môn cùng với một sự nhầm lẫn bản chất hết sức cơ bản về mặt khái niệm. Đây là điều đáng lo ngại.

2. Như chúng ta đã biết, chương trình và sách giáo khoa 2006 môn Ngữ Văn là một bước thay đổi lớn trong nội dung và phương pháp dạy học bộ môn. Nó nêu 4 Mục tiêu phải đạt được, như sau:

1. Bồi dưỡng nâng cao năng lực đọc cho học sinh; trong đó ngoài việc đọc để tích lũy kiến thức, lý giải kiến thức, thì còn phải biết đánh giá và sáng tạo nội dung; 2. Cung cấp hệ thống kiến thức văn học; 3. Bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cho học sinh; 4. Rèn luyện kỹ năng nghe – nói – đọc – viết cho học sinh.

Ở mục tiêu thứ 4 này, sách Giáo viên viết “Qua những văn bản văn học MẪU MỰC về nhiều thể loại, học sinh rèn luyện kỹ năng diễn đạt mạch lạc, có hệ thống, rèn luyện kỹ năng suy lý, biết cách lập luận làm sáng tỏ vấn đề. Học sinh biết vận dụng những tri thức văn học để giải quyết các vấn đề đặt ra trong đời sống cá nhân và xã hội”.

Nghĩa là gì? Là việc cung cấp văn bản nào cho học sinh đọc phải là một lựa chọn hết sức nghiêm túc, cẩn trọng, phải chọn được văn bản có chất lượng cao (mà sách gọi là “mẫu mực”) để qua đó hình thành, bồi dưỡng và rèn luyện cho các em những năng lực như mục tiêu môn học đã đã đề ra. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc không được tùy tiện, cẩu thả trong lựa chọn ngữ liệu, vì nó sẽ có ảnh hưởng trực tiếp, mạnh mẽ đến kết quả giáo dục.

Cũng chính vì thế, trong status của mình, tôi đã nêu lên những điểm bất hợp lý, bảo thủ, lạc hậu của nội dung ngữ liệu. Đó là còn chưa đề cập đến phần “văn” khi học sinh phải đọc một đoạn văn thiếu hẳn sự mạch lạc và trong sáng.

Tuy nhiên, trong bài viết đánh giá về đề thi năm nay, cô giáo Tố Uyên đã viết: “Và quan trọng hơn người ra đề đã tính đến độ an toàn cao với đề thi này. Và khá hiểu nhân tình thế thái, tâm lý đám đông, a dua, bầy đàn và thói quen của đám đông mạng xã hội nước Nam. Phần: Đọc hiểu. Đề thi sử dụng ngữ liệu trích “Dòng sông và những thế hệ của nước” của Ng Quang Thiều – Người có quyền lực cao nhất ở đền thiêng văn chương hiện nay. Với ngữ liệu này sẽ hạn chế được đa số các bác nhà thơ, văn, hay tỏ ra thông thái và nguy hiểm. Vuốt mặt nể mũi nhẽ ngu gì đi chê đứa con tinh thần của chủ tịch đền thiêng văn chương xấu xí. méo mó, dị tật…”.

Thật khó hiểu với cái tiêu chí lựa chọn ngữ liệu này! Tại sao việc đưa một văn bản vào một kỳ thi quốc gia lại dựa trên tiêu chí “an toàn” mà không phải là đúng, là hay, là đẹp, là tiến bộ? Và kỳ lạ hơn nữa, để đạt được sự “an toàn” ấy, theo cô giáo Tố Uyên, việc chọn văn bản của đương kim Chủ tịch Hội Nhà văn, “Người có quyền lực cao nhất ở đền thiêng văn chương hiện nay” là một sự khôn ngoan và lý tưởng? Tôi hy vọng, đây chỉ là suy nghĩ cá nhân của cô giáo Tố Uyên và những người như cô, chứ không phản ánh cách làm việc của hội đồng ra đề thi. Bởi nếu có thế, đó thật sự là một thảm họa.

Vẫn biết rằng, cô Tố Uyên cũng đang thông qua những trình bày này để chửi tất cả những ai có ý phản biện đề văn này là “a dua, bầy đàn”, tuy nhiên thông qua cái cách lập luận của mình, cô lại vô tình cho thấy một nhận thức hết sức què quặt về chuyên môn. Một bài viết đánh giá về đề thi (và thông qua đó để chửi tất cả những ai bàn luận, phản biện về nó) nhưng lại không đưa ra được bất kỳ cơ sở thực tế lẫn khoa học nào, trong khi chỉ một cái còm của cô (trên trang Hoàng Tuấn Công) đã cho thấy những lổ hổng nghiêm trọng về kiến thức chuyên môn.

3. “Ngày mai em đi coi thi Tốt nghiệp THPT cả ngày.

Trưa mai và tối mai em về hóng các cao nhân chê đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn.

Kiểu gì thi môn Ngữ Văn tốt nghiệp THPT QG xong các thánh cũng chửi đề thi.

Ngang dọc gì rồi các thánh cũng sẽ chê và chửi đề thi tốt nghiệp THPT QG

Đến hẹn lại lên.

Thế nó mới sang và giống người có chữ”. Vừa rồi là lời của cô giáo dạy Văn Tố Uyên trong một status khác. Xem bài viết và những bình luận: https://www.facebook.com/vanh.loc.79/posts/1535361790381216?__

Bỏ qua sự nhục mạ của cô Tố Uyên khi coi mục đích của những người phản biện, thảo luận đề thi là để cho “sang” và “giống người có chữ”. Tôi chỉ muốn nói rằng, việc bàn luận, thảo luận, phản biện… về các vấn đề xã hội, giáo dục, chuyên môn là một không khí lành mạnh và cần được khuyến khích. Ở các xã hội văn minh và phát triển, điều này còn luôn được đẩy lên thành tranh luận, bút chiến, thậm chí biểu tình (với các vấn đề quốc kế dân sinh…). Đó là những “sinh hoạt” bình thường của một xã hội bình thường, nếu ở đâu vắng bóng những ngôn luận như thế, ở đó mới là điều đáng phải lo lắng.

Tôi cũng thắc mắc rằng, tại sao một cô giáo dạy Văn, trước một đề thi Văn và những thảo luận hết sức ôn hòa, tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng, lại tỏ thái độ công kích, mỉa mai, nhục mạ và hung hăng đến thế? Cô hoàn toàn có thể tranh luận bằng lý lẽ, nhưng không, luôn sa vào lối ngụy biện tấn công cá nhân bằng những lời lẽ rất thiếu văn hóa.

Hình như cô Tố Uyên cũng là người dạy học sinh 12 và các em vừa tham gia thi kỳ thi tốt nghiệp này, nhưng với một cách viết lộn xộn, câu cú lủng củng, chấm phẩy tùm lum và kiến thức lỗ chỗ như thế, cùng cái tâm thế, thái độ, và lối ứng xử ấy, tôi không biết cô sẽ dạy dỗ các em những gì và ra sao? Các em học sinh và đồng nghiệp của cô sẽ nghĩ gì? Rồi các em sẽ học được gì từ cô? Một văn hóa chửi bới nhào trộn với mớ kiến thức méo mó, diễn đạt bằng một thứ tiếng Việt được viết tùy tiện, cẩu thả như thế ư?

Rồi, sau khi coi thi về, với lối viết lách luộm thuộm như đã thấy cùng những kiến thức sai lạc và thái độ văn hóa này, nếu tiếp tục tham gia chấm thi, cô sẽ chấm bài thế nào đây…?

***

Bài tôi bình luận về đề thi Tốt nghiệp THPT năm nay:

– Có những dòng sông đã chết vì ô nhiễm, nghĩa vụ của người nghệ sĩ là thoát ra khỏi nó.

– Có những dòng sông đang cuộn chảy, nghĩa vụ của người nghệ sĩ là đi một lối riêng, để không tan biến, và làm thành trăm sông, ngàn sông.

– Có những “thế hệ nước” trước là nỗi xấu hổ cho thế hệ nước sau; có những thế hệ nước sau là nỗi nhục nhã cho thế nước trước, việc ly thân hoặc khước từ là cần thiết.

– Trên trái đất không chỉ có một dòng sông, trong mỗi đất nước cũng đã có vạn con sông. Không thể và không được nhập tất cả thành một, mà phải làm sao để “tất cả các dòng sông đều chảy”, về biển. Đó là biển lớn của chân – thiện – mỹ.

– Dòng sông của nghệ sĩ là con đường độc hành, cô đơn vòi vọi. Hội hè đình đám là nỗi sợ hãi của người nghệ sĩ đích thực.

– Cội nguồn của sáng tạo là chiều sâu văn hóa, tri thức và nỗi khắc khoải về thân phận con người, chứ không phải là chủ nghĩa tập thể. Tập thể là nấm mồ của nghệ sĩ và sáng tạo…

***

Bài của cô Tố Uyên châm biếm những người phản biện, phê bình đề thi Tốt nghiệp PTTH, đăng ngày 27-6-2024:

Pv: Xin chào chị Tố Uyên. Em là phóng viên tờ báo Tàu Ngầm – Cơ quan ngôn luận của hội Những người đã ngu còn tỏ ra nguy hiểm và những người giả ngu, ác lạnh, bẩn …

– À ra vậy. Thành phần đó chị vẫn hay gặp vì có số lượng rất đông chốn chợ face.

Cô giáo Tố Uyên. Nguồn: FB nhân vật

Pv: Xin chị nhận xét đôi lời về đề thi tốt nghiệp THPT QG môn Ngữ Văn năm 2024.

– Cá nhân mình thấy đây là 1 đề thi hay ho mọi nhẽ.

Theo như mình quan sát các thí sinh ở điểm thi mình xem thi đều cặm cụi, say sưa làm bài. Đa số làm bài với dung lượng khoảng trên dưới 3 tờ giấy thi.

Trước hết về mặt khoa học: Đúng trọng tâm chương trình và cấu trúc đề thi của bộ trong việc kiểm tra, đánh giá quá trình dạy học hiện nay.

Và quan trọng hơn người ra đề đã tính đến độ an toàn cao với đề thi này.

Và khá hiểu nhân tình thế thái, tâm lý đám đông, a dua, bầy đàn và thói quen của đám đông mạng xã hội nước Nam.

Phần: Đọc hiểu. Đề thi sử dụng ngữ liệu trích “Dòng sông và những thế hệ của nước” của Ng Quang Thiều – Người có quyền lực cao nhất ở đền thiêng văn chương hiện nay.

Với ngữ liệu này sẽ hạn chế được đa số các bác nhà thơ, văn, hay tỏ ra thông thái và nguy hiểm. Vuốt mặt nể mũi nhẽ ngu gì đi chê đứa con tinh thần của chủ tịch đền thiêng văn chương xấu xí. méo mó, dị tật. ..

Về phần NLVH. Về đoạn thơ trong đoạn trích Đất Nước ( trích Trường ca mặt đường khát vọng ) của Ng Khoa Điềm.

Đề tài đất nước là đề tài xuyên suốt lịch sử văn học dân tộc và mọi nền VH của các dân tộc trên thế giới.

Nên miễn bàn.

Đây là cảm nhận và suy nghĩ của cá nhân tôi về đề thi TNTHPT môn Ngữ Văn năm nay.

Và bằng tinh thần cầu thị tôi sẽ lắng nghe sự nhận xét đánh giá của các bác: Tài cao phận thấp, chí khí uất, mang trong mình nỗi bi phẫn với cuộc đời và ôm nỗi đau đời cao cả luôn lo lắng cho số phận của dân tộc và nền giáo dục của đất nước sẽ trôi về đâu .

Hiện họ đang nhàn hạ, uống rượu và suy ngẫm về sự đời.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Tôi thấy tội nghiệp cho học sinh VN khi bị chấm điểm về phát biểu của họ qua bình luận văn chương.
    Thầy cô chấm điểm không thể nào công bằng như chấm thi toán có kết quá̉ đúng sai.
    Người thí sinh thấy nhận định này đúng, người chấm thấy khác suy nghĩ khác với mình cho là sai.
    Với những thí sinh có tầm nhìn xa, suy luận sâu sắt, khác với tầm nhìn thời đại của người thầy chấm thi với tầm nhìn lùn tịt thì sẽ bị chấm … thiếu hiểu biết. Điều đó ảnh hưởng đến tương lai của học sinh một cách oan uổng.
    Buồn thay với kiểu thi đậu rớt như thế này ở thế kỷ 21.

  2. Hà hà, khi ca ngợi bác Thiều đến mức độ thần thánh hóa , cô em Tố Uyên này lại rơi vào chủ nghia sùng bái cá nhân . Mà đó là cái đống rác , người ta đã dọn dẹp nó sạch sẽ từ đời tám hoánh nào rồi , sao cô em lại bới ra để chui vào đó mà không sợ người thiên hạ chê là thối hoắc hay sao ??!!
    Khuyên cô nên nhờ thợ mộc đóng cho một cái chuồng , rồi cô tự chui vào đó để lúc nào cũng cảm thấy hoan hỉ trong lòng vì đã có một thành trì bảo vệ vô cùng vững chắc, cô em Tố Uyên nhá .

  3. Với những kẻ bảo thủ, ngoan cố như cô giáo Tố Uyên thì những lời ngay lẽ thẳng của tác giả chỉ như nước đổ lá khoai.
    Không biết những thành phần như cô Uyên chiếm khoảng bao nhiêu % giới giáo viên.
    Liệu có phải lên tiếng báo động về tri thức của một thế hệ học sinh ?

  4. – Tầm phóng viên và cô giáo, tôi nói thật không bao giờ giám tiếp và cho con cháu theo học- vì chúng sẽ trở nên hỗn và ngu !
    – Nguồn gốc nền giáo dục như ngày nay – NÓI CHUNG – nó bắt nguồn từ chủ trương: “trí Phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ để bần cố nông là nòng cốt “.
    – đội ngủ giáo viên các cấp liệu có được 10% đạt tiêu chuẩn ngang bằng trong khu vực chớ chưa nói Quốc tế? Từ giáo viên cấp 3 đến đại học , được bao nhiêu % thông thạo ngoại ngữ thông dụng và có thể giảng dạy bộ môn của mình bằng ngoại ngữ đó?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây