Góp ý cho các nhà báo (phóng viên, biên tập viên) và cả những nhà quản lý (Bài 1)

Nguyễn Thông

24-6-2024

Ông hàng xóm nhà tôi có lần bảo, đại loại góp ý cho góp ý, rằng lão ơi, lão tỉ mẩn vạch vòi cho họ làm gì. Thời ni trình độ, kiến thức, hiểu biết của họ chỉ đến thế thôi, nói như nước đổ lá khoai thôi. Ông ấy còn thở dài, chán, chứ người làm báo thời trước, các nhà văn nhà viết thời trước, chỉ cần sai một lỗi chính tả là họ đã không chịu được, chứ đâu có kiểu viết sai, dùng sai tùm lum tà la như bây giờ.

Ổng chốt lại: Đám nhà báo là thủ phạm chính làm hỏng tiếng Việt, và thủ phạm chính của thủ phạm chính, là đám đào tạo họ thành nhà báo, tức học viện báo chí tuyên truyền, tối ngày chỉ lo nhồi nhét lập trường chính trị chứ không rèn về tiếng Việt.

Nói có sách, mách có chứng. Trong bài này, tôi chỉ ra mấy chỗ sai, chỗ hổng của các nhà báo cách mạng (vừa rộn ràng kỷ niệm lễ lớn xong), cả báo in, báo điện tử lẫn tivi, phát thanh.

– Trước hết, là một cụm từ trong lĩnh vực y tế. Trên báo, trên tivi, ta thường thấy họ viết “bác sĩ – chuyên khoa 1 (hoặc chuyên khoa 2), viết tắt thành BS CK1, BS CK2, BS – CK1, BS – CK2. Ai dễ tính thì cho qua, hoặc không để ý. Thực ra viết như thế rất sai, có thể nói là người viết không hiểu gì về điều mình viết.

Trong giới thầy thuốc, tốt nghiệp đại học y thì được gọi là bác sĩ. Trong quá trình hành nghề, nếu bác sĩ tiếp tục học thêm, nâng cao trình độ chuyên môn, được cấp bằng, thì được công nhận là bác sĩ chuyên khoa 1 (BSCK1), tương đương thạc sĩ. Nếu BSCK1 tiếp tục nghiên cứu, nâng trình độ cao hơn, lại được cấp bằng, thì thành bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCK2), tương đương tiến sĩ.

Tại sao không gọi thẳng là thạc sĩ, tiến sĩ? Muốn có học vị đó, người ấy phải làm luận án, bảo vệ thành công trước hội đồng khoa học. Từ thực tiễn trình độ, họ được công nhận mức chuyên môn đã. Đó cũng là thứ “học vị” để cơ quan phân công công việc, bổ nhiệm cán bộ cho phù hợp.

Như vậy, chuyên khoa 1 hoặc 2 (CK1, CK2) không phải là lĩnh vực, đối tượng y học như rất nhiều nhà báo hiểu sai, mà để chỉ về trình độ, đẳng cấp, thang bậc, năng lực chuyên môn của bác sĩ. Không có thứ chuyên khoa nào là chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, như kiểu chuyên khoa tim mạch, chuyên khoa thần kinh… cả. Phải viết liền là BSCK1, BSCK2 thì mới đúng, mới chính xác.

Tôi để ý, đọc bài của 100 nhà báo thời nay, có tới 99 “nhà viết” sai trường hợp này. Có nhẽ chỉ mỗi chị Thanh Hằng chuyên về mảng y lâu nay của báo điện tử VietTimes dùng đúng.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Bổ sung tiếp: Vì thế, bất kỳ kẻ nào trưng học vấn của mình là Tiến sĩ, Sau Tiến sĩ mà không hề tham gia giảng dạy ở các cơ sở đào tạo thì chính nó là TIẾN SĨ GIẤY đó!!!

  2. Thật ra sau 1975, nghành nghề và lãnh vực nào cũng mắc trọng bệnh
    HÌNH THỨC, tức là cần phải có thêm nhiều danh xưng quanh chủ thể
    để cho khác với chế độ cũ là mục đích chính và cũng quan trọng không
    kém là để in vào danh thiếp bằng cấp này chức vụ kia v.v. hòng khoe
    khoang cho thiên hạ ghen tỵ, chứ thực chất là “thùng rỗng kêu to” ?
    Trước 1975, được gọi là bác sĩ là những người tốt nghiệp bằng tiến sĩ y
    khoa và nếu học lên cao là bác sĩ chuyên khoa. Tưởng cũng nên biết là
    trong hệ thống y khoa nước Pháp thì thạc sĩ cao hơn tiến sĩ y khoa.Một
    số bác sĩ VN. trước 1975 ai có bằng thạc sĩ thì mới được bổ nhiệm làm
    viện trường đại học Sài Gòn như gs.bs. Trần Quang Đệ hay khoa trường
    y khoa như gs.bs.Phạm Biểu Tâm.
    lại là

  3. Bổ sung thêm : Nhiều báo , đài TH ” Tiến sĩ, bác sĩ “. Tại sao không viết, nói : Tiến sĩ Y khoa , Tiến sĩ Dược khoa ” như thế đầy đủ và dễ hiểu .

  4. Hề… hề…, Nguyễn Thông này, càng đọc bài của ông thì tôi càng thấy ngán ngẩm vì chính ông tuy vỗ ngực là cử nhân Văn Khoa ĐHTH, đầu tiên là nhà giáo không vượt qua được nghiệp Văn chương để phải chuyển sang nghề làm báo, nhưng, ông luôn luôn chỉ là người viết không hiểu chữ nghĩa cho lắm:
    1. THẠC SĨ hoặc TIẾN SĨ đúng nghĩa là để chỉ những nhà giáo có trình độ lý thuyết cao. Các văn bằng chứng nhận ai đó là THẠC SĨ hoặc TIẾN SĨ thậm chí là SAU TIẾN SĨ cũng là để xác nhận xem người đó đã có đủ tư cách để làm GIẢNG VIÊN CHÍNH hay chỉ là TRỢ GIẢNG hay không mà thôi.
    2. Ngành Y tế, ngoài BÁC SĨ THẠC SĨ Y KHOA và BÁC SĨ TIẾN SĨ Y HỌC (là những những văn bằng chứng nhận ai đó có khả năng giảng dậy) thì vẫn còn cần rất nhiều CÁC BÁC SĨ thực chiến trong các bệnh viện: Ngành y không thể HOẠT ĐỘNG theo kiểu TẦM CHƯƠNG TRÍCH CÚ theo kiểu KHOA CỬ mà phải hội chẩn để xác định PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ. Chính vì thế mà các bài thuốc cổ rất tốt (cổ phương) khi xưa cũng có thể không được đem dùng cho người bệnh ở thời hiện tại chỉ vì thế thời sinh bệnh rất khác nhau. BÁC SĨ CHUYÊN KHOA chính là văn bằng xác định KHẢ NĂNG CHỮA BỆNH của một bác sĩ nào đó (chứ không phải là khả năng giảng dậy) ông Thông ạ!!

    • Bổ sung: Ngành Y còn có một khái niệm nữa là BÁC SĨ NỘI TRÚ đấy ông Thông ạ, và ông nên tìm hiểu kỹ hơn về cái chức danh VỪA HỌC VỪA LÀM này nhé!!?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây