Sự thật và dối trá qua chuyến thăm Hà Nội của Putin

Blog VOA

Trần Đông A

22-6-2024

Ông Tô Lâm (phía trái trên thảm đỏ), và ông Putin, duyệt hàng quân danh dự tại Phủ Chủ Tịch tại Hà Nội, ngày 20-6-2024.

‘Lời nói dối hào nhoáng

Hãy xem xét Tuyên bố chung (TBC) đạt được giữa tổng thống Nga, Vladimir Putin, và lãnh đạo Ba Đình! Theo đó, Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước (CTN) Tô Lâm và Putin nhất trí làm sâu sắc hơn nữa quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện”, tăng cường tương tác, tạo ra các hình thức và cơ chế hợp tác mới.

Trong TBC có hai điểm giới quan sát cho là quan trọng trong tình hình địa-chính trị thế giới và khu vực hiện nay.

Điểm thứ nhất, hai bên thỏa thuận tăng cường quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện”, đồng thời nhất trí không “gia nhập liên minh hay hiệp ước với bên thứ ba để gây tổn hại cho độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”. Điểm quan trọng tiếp theo, Tổng thống Nga nhận định rằng Liên bang Nga và Việt Nam có quan điểm giống nhau về tình hình khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Và khu vực này đang là “điểm nóng thứ hai” trong quan hệ quốc tế sau “điểm nóng thứ nhất” ở Châu Âu (1).

Nếu công nhận Châu Á – Thái Bình Dương là “điểm nóng thứ hai” có nghĩa TT Putin gián tiếp thừa nhận tình hình căng thẳng lâu nay trên Biển Đông là một trong những nguồn gốc gây ra “điểm nóng” ấy và đó cũng là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam hiện thời. Dõi theo các diễn biến gần đây nhất có thể thấy, tình hình căng thẳng ấy chính là do Trung Quốc triển khai “chiến lược vùng xám”. Theo đó, lệnh cấm đánh bắt cá từ ngày 1/5 đến 16/9/2024 trên các khu vực biển, trong đó có Biển Đông, không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, mà còn vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 (2). Tiếc rằng, TBC giữa hai nước đã không có lấy một lời nào đề cập đến biến cố ngang ngược này từ phía nhà cầm quyền Trung Quốc.

Trong khi đó, dư luận chưa quên một phát ngôn trước đây của Putin từng gây chấn động xã hội Việt Nam. Theo đó, trong một phát biểu tại Quảng Châu, Putin ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh rằng, phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague là không hợp lý… Việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông chỉ làm phức tạp thêm tình hình (3). Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn một mực phủ nhận phán quyết của PCA, một phán quyết bác bỏ các yêu sách vô thiên, vô pháp của Bắc Kinh về các vùng biển chủ quyền của Việt Nam và một số nước ASEAN khác. Cho nên TBC với Việt Nam ngày 20/6, nói rằng, Nga khẳng định tính phổ quát và toàn vẹn của Công ước liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) – là nền tảng pháp lý cho tất cả hoạt động trên biển và đại dương và có vai trò chủ đạo trong phát triển hợp tác ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, nhấn mạnh cần duy trì tính toàn vẹn của Công ước (4) – hoàn toàn là những lời nói dối hào nhoáng.

TBC cũng đề cập tới việc “thúc đẩy tiến trình khách quan hình thành trật tự thế giới đa cực… dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc… bao gồm tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền dân tộc tự quyết, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực…” Căn cứ những cơ sở pháp lý tại TBC này, rõ ràng, TT Putin đang đối mặt với lệnh bắt giữ ông, với tư cách là TT Nga, liên quan đến tội ác chiến tranh gây ra cho trẻ em Ukraine. Lệnh này do Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành ngày 17/3/2023, sau cuộc điều tra về tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng… (5) Không ai được phép lãng quên, cuộc xâm lược của Putin tiến hành chống lại dân thường Ukraine đã và đang ảnh hưởng đến hàng ngàn gia đình Việt Nam sinh sống tại đó, mang đến đau khổ, gây ra đổ nát, tuyệt vọng và tiếp tục đe dọa các công trình văn hóa Việt Nam trên xứ sở Hoa Hướng Dương, cũng như tính mạng của những người dân Việt vẫn còn đang cư trú trong mái nhà của họ ở Ukraine (6). Vậy điều mà TBC gọi là “không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình tranh chấp”, có phải là những lời nói dối đáng hổ thẹn?

Hệ lụy từ các chuyến thăm của Putin

TT Putin vừa làm được điều báo giới gọi là “động thái chiến lược” nhằm củng cố liên minh và chống lại ảnh hưởng của phương Tây khi đi thăm Triều Tiên và Việt Nam. Còn quá sớm để đánh giá hiệu ứng từ các chuyến thăm của TT Putin vừa rời các thủ đô của “hai nước anh em”. Báo chí chính thống của Đảng những ngày này được bật đèn xanh để tung hô lên tận “thiên đình” tình hữu nghị vĩ đại và cảm động Việt – Trung – Nga (như Việt – Trung – Xô ngày nào?) nhưng không một tờ báo nào có trí nhớ để nhắc lại nguồn gốc của quan hệ tay ba – tay tư đáng ngờ trong cái “cấu trúc an ninh đáng tin cậy” mà Putin muốn áp đặt lên hai đàn em cộng sản. Không rõ Tập Cận Bình có ủy thác cho Putin mở rộng “sự hợp tác không giới hạn” lên hai nước đàn em Việt Nam và Triều Tiên từng được Tố Hữu “đúc thành tượng” bằng thi pháp? “Ta thành hai đồng chí, Ta thành hai anh hùng/ Ta thành hai chiến lũy/ Cùng bảo vệ hòa bình/ Kim Nhật Thành – Hồ Chí Minh/ Hai chúng ta là một/ Qua Trung Hoa ta như liền khúc ruột/ Với Liên xô ta chung một mái nhà…” (7).

Giờ này, Đảng CSVN không hề muốn quân và dân nhắc lại cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc tiến công đồng loạt vào các tỉnh biên giới phía Bắc năm 1979. Đảng cũng không muốn nhắc lại quan hệ của CHDCND Triều Tiên với Pol Pot trong giai đoạn chiến tranh biên giới Tây Nam (8). TT Putin thực lòng muốn cả Việt Nam lẫn Triều Tiên hãy quên đi bài học đau thương còn tươi roi rói! Thay vào đó, hãy “ăn mày dĩ vãng” cái lịch sử xa xưa hơn, thời ông Hồ Chí Minh từ Pháp sang Moscow, với ước mơ được gặp lãnh tụ Lê Nin những năm 20 đầu thế kỷ trước… Tham vọng thiết kế một trục mới cho địa-chính trị thời kỳ này, ông Putin muốn cả Kim Jong-un lẫn Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm hãy thực hành bài học: Tất cả chúng ta là một, qua Trung Hoa như liền khúc ruột, với nước Nga ta chung một mái nhà (!)

Hệ lụy này, nếu xảy ra trên thực tế, sẽ là một cơn ác mộng đối với toàn thể dân tộc Việt Nam, một sự đe dọa trực tiếp đến hòa bình và an ninh trong khu vực cũng như trên toàn cầu. Hiệp ước mới giữa Nga và Triều Tiên cho phép hỗ trợ quân sự lập tức đã bị nhiều nước phản ứng. Hàn Quốc triệu tập ngay một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia và cho biết họ sẽ xem xét việc gửi vũ khí tới Ukraine, điều mà trước đây họ đã loại trừ. Sau cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia, Seoul cho biết sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác an ninh với Mỹ và Nhật Bản. Cố vấn An ninh Quốc gia Chang Ho-jin cho biết Seoul sẽ bổ sung 243 mặt hàng mới vào danh sách hàng hóa bị cấm xuất khẩu sang Nga, nâng tổng số lên 1.402 mặt hàng, đồng thời sẽ xem xét lại lập trường của mình trong việc trang bị vũ khí cho Ukraine. Không phải ngẫu nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cảnh báo, Hiệp ước mới Nga – Triều cho thấy các cường quốc độc tài đang liên kết với nhau (9).

Chuyên cơ của Putin vừa rời phi trường Nội Bài đã có tin nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Kritenbrink (cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam) thăm Hà Nội hai ngày cuối tuần. Ông Kritenbrink gặp các quan chức cấp cao của chính phủ Việt Nam “để nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong việc thực hiện Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam và hợp tác với Việt Nam để hỗ trợ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP)” (10).

Đằng sau sự mượt mà của ngôn ngữ ngoại giao này, các doanh nghiệp và nhà sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ nóng lòng muốn biết, tháng 7 tới, liệu Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ bóc nhãn “kinh tế phi thị trường” (NME) cho các sản phẩm của Việt Nam? Thương mại với Hoa Kỳ có thể đạt tới 145 tỷ USD, với EU có thể tới 75 tỷ USD trong năm nay. Còn với Nga, phấn đấu lên 2.5 tỷ USD. Sau hồi “cờ – đèn – kèn – trống” đón rước một tội phạm quốc tế, liệu bát cơm sắp đưa lên miệng người dân rồi đây có bị hất khỏi tay?

Tham khảo:

(1) https://kevevn.vn/20240620/hai-dieu-quan-trong-bac-nhat-trong-thoa-thuat-dat-duoc-giua-putin-vv-va-to-lam-30447105.html

(2) https://www.voatiengviet.com/a/7584773.html

(3) https://vneconomy.vn/putin-ung-ho-trung-quoc-van-de-bien-dong.htm

(4) https://baotintuc.vn/thoi-su/toan-van-tuyen-bo-chung-viet-nam-lien-bang-nga-20240620194530522.htm

(5) https://www.voatiengviet.com/a/toa-an-quoc-te-ra-trat-bat-tong-thong-putin-vi-pham-toi-ac-chien-tranh-/7010236.html

(6) https://www.voatiengviet.com/a/dai-su-ukraine-hanoi-putin-lam-giam-hop-tac-kinh-te-ukraine-viet-nam-ky-thoa-thuan-voi-putin-vo-ich/7660638.html

(7) https://trieuxuan.vn/en/De-hieu-them-tho-To-Huu/

(8) https://chientruongvietnam.com/2018/11/19/cac-quoc-gia-tung-ho-tro-che-do-khmer-do-pol-pot/

(9) https://www.voatiengviet.com/a/7663477.html

(10) https://www.voatiengviet.com/a/7663671.html

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Chúng ta đã lạc lối, lạc lối trong tư duy dẫn tới lạc đường trong hành động. Có lẽ vậy nên mấy chục năm sau ngày đất nước thống nhất, người Việt ta vẫn phải lần mò tìm lối đi cho mình, cũng chẳng hiểu đích tới là gì và cho đến lúc nào ta mới đi tới đích.
    Thời trước, tư duy người nghèo là cao quý, người giàu, người có chữ là tầng lớp bóc lột, tầng lớp tiểu tư sản dễ dao động trước gian khổ khó khăn. Tư duy lệch lạc đó đã dẫn tới cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh mà có thời ta gọi đó là cuộc “cách mạng long trời lở đất”. Biết bao nhiêu người có chút ruộng đất, có chút của cải đã bị cướp trắng chia cho người nghèo để rồi đất nước tất cả đều nghèo. Người có năng lực, có trí thức không dám sử dụng khả năng lẫn kinh nghiệm của mình để làm ra của cải vì sợ một lần nữa bị quy kết là tầng lớp bóc lột. Còn những người nghèo những bần cố nông ở nông thôn hay dân nghèo thành thị ở thành phố, được chia ruộng đất, quả thực của địa chủ của tư sản lại không biết cách làm ăn, chỉ sau một hai năm, của thiên trả địa nghèo lại hoàn nghèo. Thế là, cả nước cùng nghèo, chẳng ai hơn ai đó là bộ mặt của xã hội miền Bắc một thời cũng là bộ mặt của xã hội Việt Nam trước thời đổi mới. Cũng may, trong tầng lớp thượng tầng đã có những người tỉnh ngộ, họ nhận thấy mình tự trói mình, tự trói dân về tư duy nên đã tìm cách cởi trói cho dân, nếu không có cuộc cách mạng tự cởi trói thì có lẽ chúng ta sẽ có cuộc sống giống người Bắc Hàn hay người Cu Ba.
    Sau thời đổi mới, tư duy của nhiều người Việt trong đó có một bộ phận không nhỏ trong tầng lớp lãnh đạo lại quay ngoắt 180 độ. Từ ghét giàu trọng nghèo tới thích giàu khinh nghèo là bước thay đổi lớn kể từ khi tiến hành đổi mới. Làm giàu bằng năng lực và trí thức của mình là chính đáng, đây là điều mà các thể chế văn minh tôn trọng. Nhưng làm giàu bất chấp luật pháp, làm giàu bằng quyền lực là điều đáng lên án. Hãy quan sát nơi ở cách tiêu pha của gia đình nhiều quan chức cấp huyện, cấp sở, cấp tỉnh, cấp bộ thuộc tầng lớp trên của xã hội ta thời nay ta sẽ thấy bao nhiêu người trong số họ giàu có bằng năng lực và sức lao động của mình! Hãy quan sát những đại gia hiện nay xem có bao nhiêu phần trăm làm giàu từ đất. Thời cải cách, lấy đất của người giàu chia cho người nghèo là sai nhưng không đáng trách như thời nay, bằng các dự án này nọ có sự liên kết giữa tư nhân và quan chức, đất của người nghèo được chuyển cho người giàu và các quan tham. Những vụ khiếu kiện đông người ở Thủ Thiêm, Dương Nội, Văn Giang… là minh chứng cho việc chuyển tài sản của nông dân nghèo cho tầng lớp giàu có.
    Thời nào cũng vậy, không phải mọi thứ đều sai, thay đổi tư duy để hành động là một việc nên làm, có vậy đất nước mới tiến lên. Nhưng phủ định hoàn toàn cái cũ kể cả những điều tốt đẹp là một sai lầm trong việc thay đổi tư duy. Trước thời đổi mới học sinh từ bậc phổ thông tới bậc đại học không phải đóng học phí. Thời nay thì sao, Thái Lan là nước theo thể chế tư bản ở gần ta nhưng học trò phổ thông ở các trường công không phải đóng học phí, Philippines cũng gần ta, sinh viên tại các trường đại học công cũng không phải đóng học phí. Thể chế ta tự cho là thể chế của dân, do dân và vì dân sao ta không học người Thái, người Phi trong cách điều hành nền giáo dục. Lẽ nào cứ phải thu học phí cao nền giáo dục mới đủ sức sánh vai cùng với bè bạn.
    Có tư duy đúng để định hướng đúng lối đi là việc cần làm không chỉ đúng với mỗi người dân bình thường mà rất cần với những người thuộc tầng lớp lãnh đạo. Có người cho rằng “người Việt ta, kể cả tầng lớp tinh hoa, lúc thì quá tả, lúc thì quá hữu trong tư duy” xem ra không sai. Muốn đưa đất nước đi lên, cần có tư duy đúng, đấy là việc cần làm, nhưng thế nào là tư duy đúng, xin nhường cho các bạn!

    Nguồn mạng.

  2. Sau chuyện viếng tham cua Putin, các nước phương Tay, Mỹ, Dai Loan, vv…se xem xét lai việc đâu tu vào Việt Nam.

    Cung co the ho se doi cong xuong, co so kinh doanh san xuất sang các nước khác.

    Blackstone vua rút toan bo von ra khoi Viet Nam.

    Ke tiep lan song rut bo Viet Nam se day song va…

    Kinh te Viet Nam se di ve dau????

  3. Nếu bát cơm của người Việt bị hất đổ, ĐCSVN cũng không mảy may bận tâm. Với nó, sự tồn tại của chế độ độc tài CS là tối quan trọng, quan trọng hơn rất nhiều đời sống của người dân hay tiến bộ xã hội. Quy luật “mã tầm mã ngưu tầm ngưu” chưa bao giờ sai!
    Sở dĩ ĐCSVN coi thường phương Tây và Mỹ vì nó nhận được quá nhiều carrot và tin rằng bọn phương Tây đang cần nó hơn là nó cần phương Tây.
    Một khi ta chạy theo cái bóng thì cài bõng sẽ rời ta. Hãy thử quay đi, xem cái bóng nó thế nào.
    Các ông Tây mũi lõ mắt xanh ngây thơ lắm! Tất cả các chỉ dấu đã quá rõ: ĐCSVN chọn Nga-Tầu- Bắc Triều, … chứ không chọn dân chủ đâu!

  4. Hề.. hề…, bổ sung: Bạn ngồi ở quán nước vỉa hè (nơi đây chính là kênh thông tin “báo nói” của cư dân xung quanh quán trà đó) thì bạn đã được từng nghe câu răn đe với nhau, rằng thì là: “Nói vừa thôi, kẻo lại bị VỀ ĐỒN (tức là bị bắt) đấy!!” chưa!!?

  5. Hề… hề…, chuyến đi này qua BẮC HÀN và VIỆT NAM của Putin với lý “gio” lý “trấu” này nọ nhưng thực ra là là nó muốn tham khảo kỹ năng HÌNH SỰ HÓA các vấn đề DÂN SỰ trước tình cảnh DÂN NGA TỬ TẾ đã bắt đầu lờ mờ cảm thấy nó chính là CON LỢN HÌNH NGƯỜI. Cho nên, sau chuyến đi này của nó, bạn sẽ thấy MỨC ĐỘ ĐÀN ÁP CÀNG NGÀY CÀNG GIA TĂNG của nó đối với dân Nga hoặc đối với các phe phái đối lập SẼ CÀNG KHỐC LIỆT TỚI MỨC NÀO!!!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây