Xin đừng ép quá

Nguyễn Huy Cường

14-6-2024

Không khó để thấy truyền thông nhà nước hạn chế, hay nói cách khác là né tránh đề tài Ngài Thích Minh Tuệ, tránh đến mức tối đa.

Tôi quen biết khoảnbg 15 Tổng biên tập báo chí chính thống, có gửi vài bài viết rất chừng mực, rất “phải phép” không tung hô Thích Minh Tuệ quá đáng, không tiếp tay cho lớp quần chúng tăng động, nếu báo đăng, thiết nghĩ có lợi nhiều cho đại cục.

Ví dụ như bài viết dưới đây, khi Ngài Thích Minh Tuệ tiếp tục hành trình, ngày 12/6/2024, nhưng không báo nào dám đăng vì một lý do “Báo chí đang được phổ biến chủ trương không khuyến khich (cũng có nghĩa là cấm ) đăng đề tài TMT”.

Dưới đây là nội dung tôi viết, như một ví dụ:

CẦN CÓ LẰN RANH ĐỎ CHO NHỮNG NGƯỜI ĐEO BÁM ÔNG THÍCH MINH TUỆ

Ông Thích Minh Tuệ tiếp tục cuộc hành trì đạo pháp mà ông đeo đuổi nhiều năm nay, sau mươi ngày tạm dừng. Tinh thần của ông được minh định bằng nhiều năm tu luyện âm thầm, kiên định, có giá trị nhất định không những vô hại cho xã hội mà còn chứng minh được những khả năng tư duy và thực hành của con người theo hướng thanh tẩy những gì xa hoa, phù phiếm trong đời sống.

Điều đó là bình thường. Nhưng có những điều không bình thường song hành cùng bước chân bình dị của ông là nhiều người muốn đồng hành cùng ông. Nếu nhìn phiến diện thì đây cũng là sự bình thường nhưng nhìn sâu, có những nét không bình thường.

Thứ nhất, nước ta rộng dài, thanh bình. Nếu có những người thấu tỏ tinh thần đạo pháp, có tâm nguyện học tập ông Thích Minh Tuệ thì họ có thể khởi phát bước chân tu tập của mình về bất cứ hướng nào, đường nào, địa phương nào.

Mười ngày nay kể từ khi ông Thich Minh Tuệ dừng bước, chưa thấy bất cứ ai làm điều này như một hạnh nguyện từ tâm họ. Thật đáng tiếc.

Để hướng đạo, đắc đạo Theo tinh thần Hạnh Đầu Đà, không nhất thiết phải đeo bám một con người cụ thể đang học tập, thực hành môn học này. Rõ ràng việc đeo bám ngoài một ý nghĩa khá rõ là để thoả mãn tính hiếu kỳ còn mang một số ý nghĩa tiêu cực.

Bản thân ông Thích Minh Tuệ đã nói rõ điều mà ông cảm thấy phiền luỵ khi xung quanh ông là cả một đoàn người ồn ã, lộn xộn và gây khó chịu cho ông. Nếu ai đó nói việc đeo bám vì tình yêu ông thì hành vi đeo bám đã nói ngược lại điều này. Không ai lại mang sự khó chịu và khó khăn cho người mình yêu mến kính trọng cả.

Với tất cả những điều nêu trên, thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền phải có những động thái thích hợp giải tỏa lực lượng đeo bám này bằng giải thích, bằng những biện pháp nhân văn nhưng quyết đoán giải toả ngay vấn đề này.

Việc này là cần thiết vì căn cứ vào những gì đã diễn ra thì có thể ước đoán tới đây, nếu tình hình “sao y bản chính” giai đoạn tháng 5 năm 2024, sức ép lên đường tu của ông Thích Minh Tuệ sẽ gia tăng mạnh, cùng với những tiềm ẩn về an toàn giao thông cũng rất lớn.

Nếu vì một lý do chính đáng là bảo vệ môi trường tu tập của ông Thích Minh Tuệ tạo ra một giới hạn, như một “lằn ranh đỏ” cấm mọi người (Nhất là những YouTuber, TikToker) đến cách ông Thích Minh Tuệ 300 mét, thì việc giữ bình ổn cho xã hội và cho việc tu tập của ông Thích Minh Tuệ và những người muốn tu theo ông sẽ rất hợp lý, sẽ được nhân dân ủng hộ.

Đương nhiên, là nên có biện pháp cương quyết khi họ vượt giới hạn này.

Huy Cường

(Hết bài đã gửi báo chí)

Bây giờ xem xét cách “ép” của nhà nước.

Trước hết là tính hiệu quả.

Nếu có một công cụ đo lường sự quan tâm của 100.000 người dân với những vấn đề thời sự, với giả định 10 vấn đề trong 48 giờ qua như sau:

– Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra

– Cháy nổ ở Hà Nội và các địa phương

– Quyết định bổ nhiệm cán bộ cấp tỉnh.

– 26 uỷ viên Trung ương bị kỷ luật trong ba năm qua

– Lệ Quyên “Lâm Bảo Châu là bạn đời không cần cưới”

– Nhiệm vụ của bốn Phó thủ tướng

– Cao tốc xuyên sa mạc Trung Quốc cung cấp điện sạch

– Phó thủ tướng yêu cầu siết quy chuẩn an toàn chung cư mini

– UBND TP HCM yêu cầu dẹp xe dù bến cóc

10. Vấn đề Ngài Thích Minh Tuệ

Với kinh nghiệm hơn 40 năm làm truyền thông, tôi cam kết số người quan tâm đến 9 vấn đề nêu trên không thể bằng một phần tư số người quan tâm đến câu chuyện về Thích Minh Tuệ.

Như vậy, thấy hiệu quả của việc “ép” này rất mong manh. Không “ép” được muôn dân tự tìm lấy thông tin có giá trị.

Có người hiểu đây là cách bảo vệ ngầm những “Đại căn cứ Phật giáo đang có vấn đề” như Ba Vàng, Chân Quang…

Ta không xem xét dư luận này đúng hay sai mà ta xem xét đến việc có những ý kiến như vậy (khá nhiều). Trong mảng này, từ Ban Tôn giáo Chính phủ đến báo chí chính thống cũng phải tiếp cận, phải có cách hoá giải để giúp dư luận hiểu đúng hơn (nếu các chức sắc chùa chiền kia đúng) chứ mũ ni che tai, cứ “ép” truyền thông nhà nước im bặt, xem ra không ổn.

Trong vài bài viết của cô Angela Phương Trinh có nêu một ý: Không thể bằng việc tung hô một người (Thích Minh Tuệ) mà phủ nhận sạch trơn những thành quả của Phật Giáo Việt Nam.

Ngoài những lộng ngôn mất dạy của cô này ra thì quan điểm vừa nêu cần hiểu về đại ý là đúng.

Phật Giáo Việt Nam thuần tuý, tồn tại từ khi ông nội Thích Trúc Thái Minh, cụ cố Thích Chân Quang chưa ra đời, đã có công gìn giữ văn hoá Việt, tình đoàn kết dân tộc để đánh đuổi quân xâm lược, gìn giữ những giá trị thanh cao Việt Nam.

Ngài Thích Minh Tuệ với quá trình hành trì một con đường kiên tâm, trong sáng để làm sâu sắc ý nghĩa của cộng đồng Phật giáo (tích cực) chứ không phủ nhận, xoá nhoà tất cả .

Cuộc hành hương của Ngài và những người đồng hành có ý nghĩa cao đẹp ấy.

Nhưng cách thể hiện của Truyền thông xã hội mang tính “phản kháng hồn nhiên” với Hội Phật Giáo khi gói tất cả PGVN vào chung mâm với ông Thích Trúc Thái Minh và ông Thích Chân Quang, Thích Nhuận Đức cùng mươi ông Đại đức đều là không ổn.

Cái đó chính là dư địa, là nhiệm vụ, sứ mệnh của Truyền thông nhà nước, nhưng họ cứ lảng lảng xa khu vực này, khoán trắng cho truyền thông xã hội là không ổn.

Hiện nay, cuộc cọ sát giữa một thực tế sôi động, sinh động, thậm chí là tăng động ngoài xã hội là hình ảnh Thích Minh Tuệ, với những tiêu cực ghê gớm của những thế lực tạm gọi là Phật giáo tiêu cực, đang rất gay gắt.

Việc phải làm sáng tỏ những thùng tiền bất chính, phải chở bằng tàu hoả thu được bởi những doạ nạt, tuyên truyền “phi Phật giáo”, là những biểu hiện thương luân bại lý trong một số nhà chùa là cần thiết và nếu không làm rõ, chỉ dừng lại ở mức “mời lên làm việc” hoặc “kiểm điểm, truất quyền Hoằng pháp một năm”, thì hiệu ứng xã hội sẽ tiềm tàng sự mất sự ổn định.

Nói chung, việc xử lý một khủng hoảng truyền thông hiện nay bằng cách “ép” truyền thông nhà nước lặng lờ, không hay ho gì.

Bài tới tôi sẽ đề cập tới việc biến “hội” thành “cơ may” cho văn hoá, tư tưởng, kinh tế, vị thế, du lịch Việt Nam qua hình tượng Ngài Thích Minh Tuệ. Chỉ cần thay đổi một góc nhận thức thì cuộc xuống đường khá ô hội kia sẽ biến thành một thế mạnh tuyệt vời của Việt Nam.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tôi quen biết khoảnbg 15 Tổng biên tập báo chí chính thống, có gửi vài bài viết rất chừng mực, rất “phải phép” không tung hô Thích Minh Tuệ quá đáng, không tiếp tay cho lớp quần chúng tăng động, nếu báo đăng, thiết nghĩ có lợi nhiều cho đại cục.

    CHỈ TRÍCH DÂN THÌ CÓ KHÁC GÌ CHÍNH QUYỀN ĐỘC TÀI CS

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây