Định chế mới: Lãnh đạo chủ chốt

Kim Văn Chính

13-6-2024

Lãnh đạọ chủ chốt ngoài bốn vị trong Bộ Chính trị còn có Thường trực Ban Bí thư Lương Cường (thứ ba từ trái qua) và Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc (thứ nhất từ trái qua). Ảnh: TTXVN

1. Suốt một thời gian dài, định chế Bộ Chính trị như một cơ quan lãnh đạo quyền lực cao nhất đã phát huy tác dụng trong các sinh hoạt chính trị ở Việt Nam, kể cả trong các thời kỳ có các biến chuyển, mâu thuẫn lớn…

Tuy nhiên, do Bộ Chính trị (BCT) bao gồm số lượng ủy viên có xu hướng tăng lên, lại có tính đại diện khá cao (ví dụ mặc định Bí thư Hà Nội, TP.HCM, Bộ trưởng Quốc phòng và Công an phải là ủy viên) nên những năm gần đây có xu hướng quyền lực của Bộ chính trị mở rộng (bao gồm thêm cả các thành viên Ban Bí thư không phải ủy viên BCT)… Suốt một thời kỳ dài sau Đại hội 12 đã phát huy vai trò của định chế này, nhờ đó ra đời nhiều quyết định rất quan trọng, đặc biệt là về cơ chế cán bộ và quyết định về công tác cán bộ.

2. Lịch sử xây dựng đảng và chính quyền nhà nước ở Việt Nam có một giai đoạn đã sử dụng định chế “Thường trực Bộ Chính trị”, học của Trung Quốc dùng được khoảng 10 năm. Thường trực Bộ Chính trị gồm 5 thành viên coi như hạt nhân của Bộ Chính trị 17-18 người, không phải lúc nào cũng sắc bén và thống nhất. Tuy nhiên, do tính chính danh của thường trực Bộ Chính trị không cao nên đã bị phế bỏ.

Hồi TBT Lê Duẩn làm lãnh đạo suốt Đại hội 3-4-5, nổi lên nhóm quyền lực hai người Lê Duẩn – Lê Đức Thọ (Trưởng Ban Tổ chức Trung ương) khuynh loát nền chính trị đất nước, nhiều người oán thán hơn là ca ngợi, do tính độc tài, bè phái lấn át hết các tính chất dân chủ trong cả hàng ngũ lãnh đạo cấp cao.

3. Lần này, sau biến chuyển lãnh đạo chưa từng có giai đoạn vừa qua, định chế “LÃNH ĐẠO CHỦ CHỐT” – một định chế đã được quy định tại Kết luận 35/BCT năm 2022 – có lẽ đã phát huy tác dụng và được dùng bắt đầu có tần suất lớn hơn.

Lãnh đạo chủ chốt thực ra là khái niệm Bộ tứ đã được thừa nhận từ lâu trong nền chính trị Việt Nam. Nếu không có kiêm nhiệm thì bao gồm bốn người trong bốn cơ quan quyền lực truyền thống của Việt Nam. Nếu kiêm nhiệm (chỉ hai trong một là cùng thôi) thì sẽ gồm ba người.

Bộ tứ hay lãnh đạo chủ chốt có tính chính danh khá cao vì có đến ba trong bốn chức danh được thể chế chính thức (Hiến pháp và Luật) thừa nhận. Còn Tổng Bí thư thì ở Việt Nam cũng là chức danh có Điều 4 Hiến Pháp bảo hộ…

Bộ tứ chính là mô hình lãnh đạo tập thể của Việt Nam.

Chưa thấy công bố các quy định cụ thể nhưng đương nhiên Tổng Bí thư là người cầm trịch, là lãnh đạo cao nhất và là người triệu tập, điều hành các phiên họp…

4. Vấn đề phức tạp ở đây lại ở chỗ khác: Các nhân vật được mời chính thức trong các phiên họp là ai? Có cố định không hay tùy tính chất, nội dung phiên họp? Quyền của các thành viên thêm được mời tham dự ra sao? Có quyền phát biểu không? có quyền thảo luận cho ý kiến không? Và cuối cùng, nếu vấn đề thảo luận cần biểu quyết hay phải nói rõ ý kiến cá nhân (một cách biểu quyết có danh) thì nhân vật được mời đó có quyền biểu quyết không?

Qua hai lần định chế cán bộ chủ chốt xuất hiện trên báo chí, ta thấy dường như có sự uyển chuyển, linh hoạt ở đây rất hay (xem ảnh minh họa). Có lẽ đây là đặc thù của giai đoạn này của lãnh đạo Việt Nam?

Phiên họp lãnh đạo chủ chốt mới nhất bao gồm cả người được mời tham dự là Lương Cường (thứ ba từ trái qua) và Nguyễn Duy Ngọc (thứ nhất từ trái qua), chánh Văn phòng Trung ương. Nguồn ảnh: TTXVN
Trong thông báo tháng trước, cán bộ Chủ chốt có thêm Lương Cường và Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng. Nguồn ảnh: TTXVN
Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây