Chính trị sẽ… ổn định? (Phần 1)

Blog RFA

Đồng Phụng Việt

19-5-2024

Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN vừa loan báo kết quả hội nghị lần thứ chín của BCH TƯ đảng CSVN nhiệm kỳ 13. Theo đó, các thành viên trong BCH TƯ đảng nhiệm kỳ này “thống nhất rất cao” về việc “giới thiệu” để các đại biểu Quốc hội khóa 15 “bầu”  ông Tô Lâm (Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Bộ trưởng Công an) làm Chủ tịch chính thức thứ 12 của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (1).

Từ 1976 (thời điểm đảng CSVN quyết định đổi quốc hiệu Việt Nam thành Cộng hòa XHCN Việt Nam), có 14 cá nhân đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhà nước (CTNN), trong đó có ba người chỉ giữ vai trò này theo kiểu… tạm điền vào chỗ trống: Người thứ nhất là  ông Nguyễn Hữu Thọ – làm Quyền CTNN một năm và 96 ngày sau khi ông Tôn Đức Thắng (CTNN đầu tiên) qua đời và bị thay thế bởi ông Trường Chinh (CTNN thứ hai).

Người thứ hai giữ vai trò CTNN theo kiểu tạm điền vào chỗ trống là bà Đặng Thị Ngọc Thịnh – làm Quyền CTNN 32… ngày sau khi ông Trần Đại Quang (CTNN thứ tám qua đời) và bị thay thế bởi ông Nguyễn Phú Trọng (CTNN thứ chín). Người thứ ba giữ vai trò CTNN theo kiểu tạm điền vào chỗ trống là bà Võ Thị Ánh Xuân. Bà Xuân có tới hai lần  phải “thế thân”. Lần đầu bà Xuân làm Quyền CTNN trong 43… ngày sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc (CTNN thứ mười “từ chức”) và trong vòng chưa đầy sáu tuần bị thay thế bởi ông Võ Văn Thưởng (CTNN thứ 11). Lần sau, bà Xuân làm Quyền CTNN trong 58 ngày và sẽ bị thay thế bởi ông Tô Lâm (CTNN thứ 12). Giới lãnh đạo Việt Nam vẫn thường vỗ ngực tự hào vì chính trị… “ổn định” nhưng cứ nhìn vào vị trí CTNN trong tám năm vừa qua thì tự nhiên sẽ thấy chính trị Việt Nam “ổn định” tới mức nào…

Bốn mươi năm sau khi Cộng hòa XHCN Việt Nam trình làng, từ 2016 tới nay, việc thay đổi CTNN diễn ra như thiên hạ thay áo. Ông Quang – CTNN thứ tám – chỉ tại nhiệm hai năm 172 ngày rồi đột tử. Bà Thịnh làm Quyền CTNN chỉ 43… ngày và được thay thế bởi ông Trọng. Tuy nhiên ông Trọng – CTNN thứ chín chỉ tại nhiệm hai năm 164 ngày rồi thôi. Thời gian tại nhiệm của ông Phúc – CTNN thứ mười – còn ngắn hơn (chỉ một năm 288 ngày). Giống như bà Thịnh, khi đảm nhiệm vai trò Quyền CTNN thay ông Phúc “từ chức”, bà Xuân chỉ tại vị 43… ngày. Thời gian tại vị của ông Võ Văn Thưởng – CTNN thứ 11 – còn ngắn hơn nữa (một năm 18 ngày) nên bà Xuân mới bị đẩy ra “thế thân” lần hai. Chẳng ai dám chắc sau khi Việt Nam có CTNN thứ 12, bà Xuân có bị đẩy đến chỗ phải “thế thân” lần ba hay không!

***

Ai cũng thấy chính quyền Việt Nam phải đổi CTNN xòanh xoạch bởi “dường như” các CTNN đã bảo kê cho một số doanh nghiệp thuộc loại thân hữu. Nếu ông Trần Đại Quang không đột tử, có lẽ ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm”) vẫn còn “chọc Trời, khuấy nước”. Việc điều tra – xét xử hàng loạt vụ án liên quan tới ông Phan Văn Anh Vũ cho thấy, may mà CTNN thứ tám đột tử chứ không thì ít nhất ông cũng phải “từ chức” như ông Nguyễn Xuân Phúc (CTNN thứ mười), ông Võ Văn Thưởng (CTNN thứ 11). Dẫu nguyên nhân dẫn đến viêc ông Phúc, ông Thưởng “tự nguyện” xin “thôi giữ tất cả các chức vụ trong đảng và chính quyền” không được thông báo cụ thể nhưng việc họ “tự nguyện” thoái lui đã xác nhận tất cả “tin đồn” về việc họ đỡ cả… đầu lẫn… đuôi cho một số doanh nghiệp, khiến những doanh nghiệp này lớn nhanh như… thổi là hoàn toàn chính xác. Đó cũng là lý do không thể đoan chắc chính trị sẽ “ổn định”…

Khác với ông Quang, ông Phúc và ông Thưởng – trở thành CTNN giữa làn sóng về “tin đồn”, sau đó “sự nghiệp chính trị” mới tan tành, phải tự kết liệu “sinh mạng chính trị” vì “dường như” tin đồn hoàn toàn chính xác – ít nhất có một “tin chính thức” về trách nhiệm của ông Tô Lâm trong việc thổi doanh nghiệp thành “Thánh Gióng” nhưng ông vẫn được BCH TƯ đảng khóa 13 “thống nhất rất cao” để giới thiệu làm CTNN thứ 12…

Năm 2018, theo đề nghị của Thanh tra chính phủ (TTCP), công an Việt Nam khởi tố vụ án “đưa hối lộ, nhận hối lộ, vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra khi Mobifone (một doanh nghiệp nhà nước) mua 95% cổ phần của An Viên Group (AVG – doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin, truyền thông do ông Phạm Nhật Vũ, em ông Phạm Nhật Vượng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị). Thương vụ ấy trở thành “đại án” vì giá trị 95% cổ phần của AVG chỉ chừng 1.900 tỉ nhưng được thổi lên thành… 8.900 tỉ, khiến công quỹ thiệt hại khoảng… 7.000 tỉ. Vụ án vừa đề cập có nhiều điểm ly kỳ, chẳng hạn, hai năm sau khi thương vụ hoàn tất, AVG đột nhiên “tự nguyện” hoàn trả 8.900 tỉ đã nhận của Mobifone. Chẳng hạn TTCP chỉ công bố Kết luận thanh tra (KLTT) sau khi hai bên (Mobifone và AVG) hoàn tất việc hủy “thỏa thuận chuyện nhượng cổ phần” một… ngày, nhờ vậy, ông Vũ người “đưa hối lộ” chỉ bị phạt ba năm tù, còn ông Nguyễn Bắc Son (cựu Ủy viên BCH TƯ đảng, cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông – TTTT) bị phạt tù chung thân, Ông Lê Nam Trà (Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone bị phạt 23 năm tù), ông Trương Minh Tuấn (Ủy viên BCH TƯ đảng, Bộ trưởng TTTT tại nhiệm) bị phạt 14 năm tù…

Song đáng chú ý nhất là Mobifone không thể trả hớ cho AVG khoản tiền lên tới… 7.000 tỉ nếu như Bộ Công an không nhân danh “an ninh quốc gia”, khuyến cáo Bộ TTTT  nên chỉ đạo Mobifone mua lại 95% cổ phần của AVG, không đề nghị Bộ TTTT chỉ đạo các bên có liên quan và báo chí xếp thương vụ này vào loại “Mật” để cấm thông tin và bình luận, thậm chí Bộ Công an còn khẳng định, khoản tiền 8.900 tỉ mà Mobifone bỏ ra để mua 95% cổ phần của AVG là… “thấp hơn so với định giá của các đơn vị định giá”, bởi vậy, bất chấp đơn tố cáo bay như bươm bướm đến các cá nhân, cơ quan hữu trách, thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG vẫn hoàn tất. Cũng vì vậy, trong KLTT, TTCP mới xác định, ba công văn của Bộ Công an (Công văn số 4352/BCA-A81 ngày 08/12/2014, Công văn số 418/BCA-TCAN ngày 9/3/2015, Công văn số 2889/BCA-A61 ngày 21/12/2015) “không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định” và đề nghị “Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Công an trong việc tham mưu ban hành ba văn bản tham gia ý kiến với Bộ TTTT mà TTCP đã nêu tại Điểm 6, Mục 2 của KLTT” (2).

Cả ba công văn mà TTCP đề cập đều do ông Tô Lâm – khi ấy là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an ký. Có thể xem cả ba công văn này trên website của tờ Tiếng Dân (3) và nếu chịu khó tham khảo sẽ thấy ông Tô Lâm hết sức nhiệt tình trong việc thúc đẩy  thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG sớm hoàn tất. Liệu CTNN thứ 12 có tiếp tục “bình an vô sự” hay sẽ phải ngậm ngùi giã biệt chính trường như CTNN thứ 11?

(Còn tiếp)

_________

Tham khảo

(1) https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/trung-uong-gioi-thieu-dong-chi-to-lam-lam-chu-tich-nuoc-dong-chi-tran-thanh-man-lam-chu-tich-quoc-hoi-665380.html

(2) https://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/Thanh-tra-Chinh-phu-cong-bo-ket-luan-thuong-vu-MobiFone-mua-AVG-131455.html

(3) https://baotiengdan.com/2022/12/27/su-nghiep-cua-hai-pho-thu-tuong-pham-binh-minh-va-vu-duc-dam-cham-dut-phan-2/

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tướng Công Trần Độ

    Tôi vào bộ đội, năm mười sáu tuổi
    Chia tay gia đình, bố mẹ, các em
    Đôi chân cứng, rong ruổi mọi miền
    Lửa chiến tranh, cháy tuổi xuân năm tháng

    Nhớ mãi ngày, khi tôi vào Đảng
    Nắm tay thề: “Với Tổ Quốc, Non Sông”.
    Bên cây súng đi đến ngày chiến thắng.
    Mái tóc xanh, đã chuyển màu bạc trắng.

    Thân già nua, cùng gối mỏi, chân chùng
    Nhưng lương tâm, trí tuệ cứ bồn chồn
    Lòng trăn trở, vấn vương, day dứt
    Cao hơn hết, tôi ngẫm suy về Đảng
    Như người cha, chỗ dựa của lòng tin.

    Đi theo Đảng, đâu phải Mác – Lê nin?
    Mà chính là Tình yêu Tổ Quốc
    Đến với Đảng để làm điều nhân đức
    Cùng lương tâm, cống hiến cho đời.

    Nhưng, hôm nay, đầy méo mó, cạn vơi
    Thì ắt hẳn, ngày mai tràn cay đắng.
    Thời gian trôi, như bóng câu qua cửa
    Đảng cứ tàn dần chân lý trong tôi.

    Đau thắt lòng! Tôi cất tiếng Đảng ơi!
    Sao lại thế: “Mùa thu Tháng Tám”
    Vinh dự, tự hào: “Đảng viên Cách mạng”
    Ngày qua ngày! Nhục nhã thế này ư?

    Sách mấy ngàn trang, chữ mấy triệu từ
    Rao giảng rất hay, việc làm thì nháo
    Khi trích Lê nin, “xúc phạm lời Bác”
    Nên thực thi, không thuyết phục được nhân tâm.

    Nhớ ngày xưa, Đảng phải gắn với dân!
    Như cá phải rúc, chui vào nước!
    Đảng đề cao Nhân dân là trên hết
    Nói hộ dân và nghĩ cũng hộ dân.

    Mọi người dân, tìm chỗ để đặt chân
    Đều phải bước theo chân của Đảng!
    Còn hôm nay, vẫn “vì Dân trong sáng”!
    “Quyền lợi nhóm”, giọng lưỡi “Lý Thông”

    Nhớ tuyên ngôn, buổi đầu Cách mạng
    Đảng không tham quyền chức nghênh ngang
    Cách mạng thành công, cáo lão về làng
    Vui thú điền viên, thung dung câu cá.

    Hãy nhìn trông, không có ai về cả
    Cố bám quyền, giành mũ áo cao sang
    Bày đặt ăn chia, tài lộc khang trang
    Chẳng dại gì về quê cha đất tổ.

    Từ huyện, xã, quận, phường, thành phố
    Đảng chiếm một bên, Nhà nước một bên
    Bí thư thành ủy, Chủ tịch ủy ban
    Hai guồng máy, đè đầu dân đau khổ.

    Đây Sở Ngoại thương, kia Ban Kinh tế
    Nội chính bên này, bên nọ Công an
    Sống đàng hoàng, bao dinh sở khang trang
    Một cổ hai tròng, người dân tội nghiệp

    Đảng dậy răn: Giữ tấm lòng liêm khiết
    Sao đút túi liền những triệu đô la
    Tiền nước ngoài họ tranh thủ chúng ta
    Người “ăn mảnh” là Tổng bí thư của Đảng!

    Để mị dân, Đảng tăng cường lao động
    Chức vu vơ, trừu tượng “chủ nhân ông”
    Làm chủ ngu ngơ, nhà máy ruộng đồng
    Đảng nắm chặt tiền và quyền sinh sát.

    Thân “ngọc ngà” phải về với đất
    Đảng chiếm giữ riêng Mai Dịch cho mình.
    Rồi cho xây Hoàn Vũ rất môi sinh
    Riêng với Đảng, không ai thiêu cả

    Nơi đô thành, chạy dọc ngang đường phố
    Đặt tên đường, Đảng giành giật phần mình.
    Đây đường Lê Duẩn, kia đường Trường Chinh
    Đường to đẹp Đảng giành phần dự trữ

    Các tỉnh huyện, ổn định cùng lịch sử
    Đảng hội vài ba điểm vào nhau
    Cuộc “đoàn viên” chưa “ân ái” bao lâu
    Rồi vẫn Đảng truyền ra lệnh tách.

    Quá tùy tiện, Đảng làm theo sở thích
    “Khắc khắc, nhập nhập” như trò chơi
    Cuối cùng chỉ khổ sở Dân thôi
    Còn ý Đảng, vẫn luôn luôn là đúng.

    Ghế Đảng trị, quyết giữ cho bằng được
    Đảng khóa xiềng vào Dân chủ, Tự do
    Từ miền quê cho tới thành đô
    Cấm ngôn luận, cấm tự do báo chí.

    Đảng chúa ghét các nhà nghệ sĩ
    Nhàn cư ngồi thóc mách lăng nhăng
    Ai dũng cảm, đòi hỏi lẽ công bằng
    Đảng biến tướng, “chính chuyên” bằng nhiều cách.

    Về bàu cử Đảng tạo khuôn bằng sắt
    Rất “tự do”, rất “dân chủ, khách quan”
    Nhân danh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
    Duyệt danh sách, đưa người ra ứng cử.

    Thế là “nguyên khí hiền tài” xứ sở
    Đảng loại bỏ đi, rất “khéo”, rất “tình”.
    Các đại biểu đều đồng chí của mình
    Chẳng ai dám chỉ danh, xung khắc.

    Quốc hội diễn trò, điều trần vấn đáp
    Như chuyện xưa “Bài thơ Con cóc”
    “Con cóc nhảy ra, con cóc nhảy vô”
    Bầy cơ hội, cùng ra sức điểm tô!

    Sáng đúng chiều sai, mai lại đúng!
    Chống chân lý bằng lưỡi lê họng súng.
    Đảng trượt theo vết xe đổ ngày xưa
    Chuyện nghĩa tình chỉ “sớm nắng chiều mưa”.

    Từ “Đồng chí” là mỹ từ vô nghĩa!
    Đảng thấu không, dòng đời đang mai mỉa
    Đảng lộng hành, đạp Dân Chủ dưới chân.

    Nhớ một thời Đảng chiến đấu vì Dân.
    Dân tộc đã nghiêng mình kính trọng.
    Rồi gặp được khi như diều bay bổng
    Đảng ngất ngây trong tiếng ngợi ca.

    Hàng trăm tờ báo, vài triệu cái loa
    Điệp khúc, điệp ca: Công ơn của Đảng.

    Đảng say mê, dối lừa không nhàm chán
    Xóa sao được, những tội lỗi gây nên!
    Đạo lý Việt Nam “máu chảy ruột mềm”
    Cải cách địa điền, người, cửa nhà tan tác

    Dù Đảng đã chia vài ba miếng đất
    Suốt mấy năm nghèo vẫn hoàn nghèo.

    Nhóm “Nhân Văn” hỏi tội đáng bao nhiêu?
    Đảng đày đọa bao cuộc đời chí sỹ.
    Bao trí thức bắt giam thời chống Mỹ
    Gán ghép “chống Đảng” tội tày trời

    Lửa chiến tranh dẫu đã tắt lâu rồi
    Sao ác tâm, cảnh nồi da nấu thịt!!!

    Hai đảng bạn, đồng hành bao thân thiết
    Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ Việt Nam
    Vai sát kề vai, suốt mấy chục năm
    Gắn bó thế! Hà cớ chi loại bỏ?!

    “Chanh kiệt nước rồi, vứt luôn cái vỏ”
    Bạn bè thủy chung, sao nỡ phản thùng!?
    Nỗi đoạn trường càng lộn xộn lung tung
    Sợ hậu họa, Đảng xuống tay, chấm hết….

    Đêm đã khuya, trước khi dừng bút
    Xin dùng câu của Gớt tặng cho đời
    “Lý luận nào, rồi cũng xám bạn ơi,
    Còn cây đời, vẫn xanh tươi mãi mãi”.

    Xin được xếp vần thơ, dừng lại
    Vài dòng chân, tôi gửi tặng cho đời
    Thơ của tôi như tia nắng ban mai
    Cộm mắt ai, nhưng không hề độc hại.

    Ta biết ơn, khi Đảng còn vĩ đại
    Còn hôm nay, cuộc đổi chác bán mua
    Đừng biến mình thành những chúa những vua
    Mà thống trị dân đen, như thuở trước.

    Đảng ngụy ngôn: “Có công giành Độc Lập”
    Chức, Quyền, Tiền dân đã trả Đảng rồi
    Nơi cung đình, đâu phải chợ trời
    Dân hết nợ, Đảng cứ ngồi, cứ hưởng

    Để trần gian, lại công hầu khanh tướng
    Đảng một bên, Dân chịu nhục một bên.

    Những luận cứu: Các Mác và Lê nin
    Giờ xa lạ với Con Hồng Cháu Lạc!

    So với Đảng, có súng bom bạo lực
    Vần thơ tôi là vẫn điệu lương tâm
    Tố Như ơi! Tôi sẽ đợi trăm năm
    Rồi chân lý sáng ngời vào lịch sử!

    Đảng của ngày xưa, Đảng là bất tử
    Còn tương lai!? Phút mặc niệm, bắt đầu!

    Nguồn Mạng.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây