Gió Bấc
18-5-2024
Dưới sự lãnh đạo “sáng suốt” của đảng, mấy chục năm qua Phật giáo Nhà Nước đã biến tướng theo mô thức chùa to phật lớn, pháp giới buông lung. Bầy đàn Thích Cúng Dường, Thích Chuyển Khoản, Thích xe sang … nặn ra những cơn mê cúng vong, giải hạn, cầu siêu, biến phật tử thành con nhang cuồng tín, kích hoạt lòng tham điên đảo hối lộ thần linh như một cuộc đầu tư.
Sự kiện sư Minh Tuệ thực hành Hạnh Đầu Đà, đầu trần chân đất suốt 6 năm, 4 lần đi xuyên Việt tu rèn phẩm hạnh, gột bỏ bản ngã, tìm sự an lạc thân tâm như ánh đuốc giữa đêm đen, cơn mưa trong mùa hạn. Hàng trăm, hàng ngàn người kính ngưỡng, hoan hỉ tháp tùng cùng sư trên chặng đường dài hàng trăm cây số từ Cao Bằng về tận Hà Tĩnh, Quảng Bình … là hiện tượng hiếm có.
Nếu biết vận dụng, trân quý giá trị màu nhiệm của Phật pháp thì đây là cơ hội hoằng dương chánh pháp. Phẩm hạnh và con đường thực hiện đại nguyện của nhà sư cần được trân trọng. Thế nhưng, thật bất ngờ, ngày 16-5 vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra văn bản với nội dung lạnh lùng, ác ý như dội cả núi băng vào niềm hy vọng vừa lóe sáng của chư Phật tử và những người dân Việt có tín ngưỡng nói chung.
Trong quá trình giao tiếp với đại chúng đồng hành, sư Minh Tuệ đã chia sẻ ý chí buông xã của mình. Khởi đầu quá trình khổ hạnh ông đã bỏ điện thoại, khóa Facebook, xé bỏ cả giấy tờ tùy thân và không còn nhắc đến thế danh. Đã từng thọ giới, xuất gia, xưng sư với mọi người, khi thực hiện Hạnh Đầu Đà ông buông bỏ những nghi thức vướng mắc ấy, xác định mình chỉ là học trò thực hành theo hạnh nguyện và lời dạy của Như Lai, xưng con với mọi người, đối xử kính trọng, bình đẳng xem tất cả đều là cha mẹ anh em. Khiêm tốn nhưng thẳng thắn ông không ngại khẳng định với báo chí mình “không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. (1)
Ấy vậy mà Giáo hội Phật giáo lại cất công lôi ra tên tuổi, quá khứ của ông để khẳng định: “Qua tìm hiểu xác minh, Ban thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định người đàn ông này không phải tu sĩ Phật giáo, không tu tập và hiện không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở thờ tự nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Điều này cũng đã được người đàn ông này khẳng định trong các clip trên mạng xã hội“.
Văn bản đề nghị “Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố có thông báo tới đông đảo phật tử và nhân dân được biết để không ngộ nhận ông Lê Anh Tú là nhà sư; liên hệ với chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm GHPGVN” (2).
Không hiểu các chức sắc Giáo Hội hiểu thể nào là Tu sĩ Phật Giáo mà kết luận thầy Minh Tuệ không phải là Tu Sĩ?
Ngay trên các trang web của Giáo hội, nhiều bài viết đã trích dẫn định nghĩa từ kinh điển sau đây “Trong sách Kinh Tương ưng bộ II, (tập IV) có viết: ‘Tu sĩ Phật giáo là người từ bỏ nếp sống thế tục, còn gọi là người xuất gia, khép mình trong nếp sống đạo đức và hành trì theo pháp môn đã được Đức Phật thuyết định’.” (3).
Phật giáo căn bản là hệ thống giáo lý giải thoát, chỉ đường cho đại chúng tự giác hành trì. Tu Sĩ chỉ là khái niệm định danh. Nó khác hoàn toàn với 19 điều cấm đảng viên làm hay các phẩm hàm bí thư, chi ủy viên… theo hệ đảng.
Theo định nghĩa của kinh điển Phật học đó, thầy, hay sư Minh Tuệ hoàn toàn xứng đáng là Tu Sĩ. Phải chăng các đồng chí Giáo Hội dựa vào cái gọi là Hiến Chương của Giáo hội Quốc doanh năm 1981, quy định phải đăng ký, được các đồng chí Giáo hội cho phép mới là Tu Sĩ?
Tương tự, căn cứ vào đâu các đồng chí lại kết luận một người nghiêm cẩn hành trì Hạnh Đầu Đà khắc khổ, kiên trì giữ giới luật, thân tâm buông xã, đã đi bộ hàng ngàn cây số và phát nguyện sẽ đi đến khi tịch diệt, là không tu tập?
Văn bản này ngay lập tức được guồng máy tuyên truyền của đảng phát tán với tất cả sức mạnh. Chỉ sau một ngày search từ khóa “Minh Tuệ không phải là Tu Sĩ” trên Google, sẽ có trên 4 triệu lượt tìm kiếm. Ngược lại, văn bản đã gây phản ứng dữ dội trên cộng đồng mạng.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, nguyên Thư Ký Tòa Soạn báo Thanh Niên, đã viết trên Facebook: “Giáo hội Phật Giáo không có quyền nói Ngài Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật Giáo mà chỉ được quyền nói rằng: Không phải là tu sĩ của giáo hội.
Ngài Minh Tuệ chưa bao giờ nói mình là sư mà chỉ nói là đang học tập tu hành theo lời dạy của Phật Thích Ca. Ngài không nhận ngài là sư, nhưng tui là người dân tui muốn xưng tụng ngài là sư đó là quyền của tui.
Cũng tương tự như vậy, những người dân mến mộ khác có quyền tôn Ngài lên là thánh tăng, là Đức Bồ Tát, là bậc chân tu, là Hành Giả … đó là quyền của mỗi người. (Có người vẫn tôn ông Đỗ Mười là Bồ tát đấy thôi).
Độc quyền lời dạy của Đức Phật, độc quyền kinh phật là sự lố bịch. Tất cả mọi người đều có quyền học theo lời dạy của Phật, tu theo kinh Phật và đều có thể là tu sĩ nếu như họ muốn” (4).
Nhà giáo Thái Hạo bức xúc, có hai bài viết về văn bản này, trong đó bài “Giáo hội và tinh thần Bi – Trí – Dũng của nhà Phật” có đoạn cảm thán: “Riêng cá nhân tôi cho rằng, nội dung của văn bản này thiếu hẳn tinh thần Bi – Trí – Dũng của Phật giáo.
Bi, tức từ bi, là lòng thương yêu con người, thương yêu chúng sinh với tâm rộng lớn. Khi thấy có một người dân bất kỳ phát tâm tu hành, nhất lại là tu khổ hạnh theo giáo lý của Phật (đầu trần chân đất, ba y một bát, ngày ăn một bữa, tối ngủ nghĩa địa…), thì đáng ra với tư cách là một cái hội của các tu sĩ Phật giáo, GHPGVN nên thể hiện tâm từ bi, thương yêu và che chở; nhưng không, Giáo hội lại ra một văn bản mà điều đầu tiên là phủ nhận tư cách nhà tu hành của người dân ấy, tiếp theo là chỉ đạo “ngăn chặn” “ảnh hưởng” từ người này…” (5).
Luật sư Luân Lê có nhận xét sắc sảo về phong thái thể hiện, tính chất của văn bản này nặng tính hành chánh mà không có sắc thái tôn giáo: “Một văn bản được thảo lập bởi một Hội đồng cao nhất (xét trên tính chất và việc phân cấp tổ chức) về tôn giáo nhưng điều nổi bật lên trong bản văn đó hoàn toàn là một điển hình của lối biểu văn hành chính, và ngay cả nội dung của nó cũng không mang dấu tích gì của các yếu tố tôn giáo mà chủ yếu đề cập đến các vấn đề vốn nằm ngoài các phận sự của chính nó, không những thế chúng còn phản ánh một thứ tâm lý bất an và tự ti và thiếu tôn trọng về chính địa vị của tôn giáo (không cho thấy sự chánh ngữ, chánh tư duy thuần khiết). Từ thể thức văn bản, cấu trúc văn phạm và khách thể được điều hướng đều tô đậm một thứ phẩm chất (mệnh lệnh/uy thế) của một hành động hành chính trong việc đưa ra một tuyên cáo về sự quản lý hơn là thông cáo theo lề lối tôn giáo” (6).
Biết nói sao bây giờ! Muốn biết cái Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội này thuộc đơn vị nào phải hỏi ngài Tô Đại Tướng, hàng năm họ đều nghiêm cẩn chúc tết bác Tô.
Không phải dư luận khách quan mà cả những quan chức có hiểu biết của nhà nước cũng bức xúc. TS Hoàng Đình Chung (Trưởng phòng Nghiên cứu lý luận và chính sách tôn giáo, Viện Nghiên cứu tôn giáo) có bình luận về văn bản của Giáo hội. Theo ông, Giáo hội chỉ nên lên tiếng khi người ta nhận nhầm ông ấy với một tu sĩ trong hệ thống mà Giáo hội quản lý.
Hoặc từ trường hợp này mà có người quay phim, chụp ảnh đưa ra thông điệp trái chiều mà ảnh hưởng đến dư luận xã hội mới cần lên tiếng.
“Miễn là người ta tin và tu hành theo Phật giáo thì người ta có quyền của người ta, không nhất thiết có chứng nhận của Giáo hội Phật giáo thì ông ấy mới là tu sĩ Phật giáo. Phật Giáo không phải của riêng ai, không phải của riêng Giáo hội Phật Giáo Việt Nam”, TS Chung bày tỏ.
TS Chung cũng cho rằng, bản thân ông Minh Tuệ phải chịu trách nhiệm về những việc làm của mình, chưa cần đến mức bên ngoài phải can thiệp sâu như thế. Thậm chí, ông ấy nhân thân thế nào, xuất phát thế nào đó là câu chuyện riêng tư và không được phép đem những việc đó để tấn công ông ấy với cuộc sống hiện tại.
“Theo tôi, văn bản của Giáo hội cần phải có nhìn nhận khách quan, giữ khoảng cách tốt hơn chút nữa. Những vấn đề liên quan đến dư luận, Giáo hội phải liên tục giữ gìn và chấn chỉnh hình ảnh của tăng sĩ trong Giáo hội của mình”, ông Chung nói (7).
Không thể trách các đồng chí Giáo hội nặng mệnh lệnh mà thiếu từ bi, giỏi “ní nuận” mà bất cần kinh điển. Trung thành tuyệt đối là quy tắc, là nguyên lý của đảng. Với Giáo hội Quốc doanh, khẩu hiệu “Đạo Pháp – Dân Tộc – Chủ Nghĩa Xã Hội” là để nói nhưng khi làm thì ngược lại. Chủ nghĩa xã hội phải là cái đầu tiên, quyết định, đạo pháp chỉ là thứ phông màn che mắt đại chúng. Tinh túy đạo pháp Phật giáo là đánh thức giá trị tốt đẹp của con người, trong đó cảnh giới cao nhất là tự do, thoát ra khỏi ràng buộc của danh lợi quyền, tham sân si.
Trong tầm nhìn của chư đồng chí quý thầy cấp Giáo hội, sự mê tín, tham cầu của phật tử, đại chúng, là nguồn thu vô tận. Phải “cúng dường bằng tiền mệnh giá cao” mới có nhiều phước. Phải cúng nhiều tiền để hưởng ở kiếp sau hoặc hóa độ cho người thân…
Nếu Phật tử giác ngộ theo chân lý của Phật, theo gương hành của sư Minh Tuệ, xem tiền tài vật chất là hư không, thậm chí là nguồn gốc phiền não, ai cũng sống thiểu dục hành thiền thì còn ai cúng dường?
Với tầm nhìn của cấp cao hơn, người dân cần phải ngoan ngoãn ràng buộc trong vòng xoáy xin – cho. Thần phục tuyệt đối trong sự lãnh đạo anh minh, tôn kính những cán bộ “ưu tú, thanh liêm” như Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ.
Phát đại nguyện hành trì khổ hạnh thoát ra mọi ràng buộc như Minh Tuệ là mầm mống nuôi dưỡng tự do, đó là điều tối kỵ. Càng nguy hiểm hơn, thầy Minh Tuệ đã tạo tiếng vang lớn, thu phục tình cảm yêu quý, sự kính trọng và nhất là ít nhiều đánh thức tâm đạo của công chúng.
Vòng kim cô Minh Tuệ “không phải là Tu Sĩ” không phải phải mới mẽ. Nó là khởi đầu cho trùng trùng kiếp nạn sẽ đổ xuống cho vị sư này. Hoạn nạn của cụ Lê Tùng Vân cũng bắt đầu từ vòng kim cô này. Tu không đăng ký, giả tu rồi sau đó là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 331, loạn luân.
Không thể lấy lòng ngay đo bụng kẻ gian. Không thể đoán được thầy Minh Tuệ sẽ phải hứng chịu những kiếp nạn gì nhưng chắc chắn rằng nó sẽ không nhẹ hơn cụ Tùng Vân.
Chú thích:
1- https://vnexpress.net/ong-thich-minh-tue-noi-chua-tung-nhan-la-tu-si-4747381.html
3- https://vatphamphatgiao.com/cu-si-la-gi/
BÙI CHÍ VINH
Chỉ cần một hạnh đầu đà
Tăng đoàn quý tộc lòi ra chín người
Thêm vài Minh Tuệ nữa thôi
Chùa to chùa lớn đi đời nhà ma
Chỉ cần một hạnh đầu đà
Trần gian của cải bỗng là sắc không
Thích tiền, thích gái, thích lông
Làm sao sánh được bềnh bồng Thích Ca
Chỉ cần một hạnh đầu đà
Lòi ra chín gã yêu ma trọc đầu…
Nguồn mạng.
Học giả: BÙI CHÍ VINH
Hai bên thiện ác chánh tà
Bên đạo hạnh, bên quỷ ma rành rành
Một bên bán Phật mua danh
Một bên nhân ái thiện lành từ tâm
Tham sân si lẫn tà dâm
Lộ ra ánh mắt, đố lầm được ai
Hạnh đầu đà chỉ chắp tay
Mà sao y bát bỗng đầy hào quang
Có câu “Chùa rách Phật vàng”
Hết thời bịp bợm : Bọn – quan – thầy – chùa !
Nguồn mạng
Gửi tà tăng, gian tăng, tặc tăng, bệnh tăng
Học giả BCV.
Người ta tu hạnh đầu đà
Sư dởm tu hạnh quỷ ma lộng hành
Người ta tu để vô danh
Sư dởm tu để lưu manh truyền đời
Người ta đi bộ khắp nơi
Sư dởm quanh quẩn chỗ ngồi kiếm “đô”
Người ta cái miệng “nam mô”
Sư dởm cái miệng “một bồ dao găm”
Nguồn mạng.
Gs VL
Tham tu chèn ép chân tu.
Là tối hại sáng là mù lấn tinh.
Những mong non nước an bình.
Tăng ni, phật tử giữ mình tu thân.
Nguồn mạng
GS VL
Chân trần, áo rách, tâm trong
Một đốm lửa sáng sưởi lòng lương dân.
Giúp đời gạt bỏ bụi trần
Nước nhà thêm đẹp người dân an lành.
Đức tin nay quá mong manh
Giờ tìm được đấng chân thành tu thân.
Không là thánh, chẳng phải thần
Ngài đang quét đám bất nhân tu tiền.
Nguồn mạng
Học Giả: BÙI CHÍ VINH
Cái dằm trong mắt của Thiền
Làm đau những kẻ ngó lên cột nhà
Cái dằm trong mắt của ta
Không làm đau cái cột nhà của em
Cái dằm cong giống trái tim
Làm rung con mắt của Thiền em ơi
Đạt Ma đang đứng bỗng ngồi
Huệ Năng đang khóc bỗng cười ha ha
Trong mắt ta cái dằm là…
Nên trong em, cái cột nhà thì như…
BỨT VÀ ĐỘNG
Bứt mây sợ bị động rừng
Cho nên ta bứt lung tung động trời
Bứt gì thì bứt ta ơi
Động sao cho thấu luân hồi mới ngon
Động là động đến càn khôn
Bứt là bứt đến biển cồn nương dâu
Bứt tóc xanh động bạc đầu
Bứt nay mà động nghìn sau để đời
Bứt em sợ động thành lời
Bứt ơi : bứt rứt. Động ơi : động phòng
Nguồn mạng
Rần rần chỉ một ông sư
Khiến cho giáo hội tâm tư quá trời
Chân trần y vá rạng ngời
Bước đi đưa đạo vào đời thiện lương.
Nguồn mạng
Gs VL
Cùng là họ Thích đi tu
Chân tu thời ít tham tu quá nhiều.
Người xưa thương xót nàng Kiều
Dân nay khinh đám tu điêu hại đời.
Chân tu tô đẹp cho đời
Tham tu vấy bẩn đất trời thời nay.
Thích Ca ngài hãy xuống tay.
Loại đám tu bẩn chỉ say kim tiền.
Nguồn Mạng
Không biết Hồ Chí Minh có phải là tu sỹ không mà được dựng tượng thờ trong chùa cùng với tượng Phật ?