Với những vụ từ chức mới nhất, ‘Trò chơi vương quyền’ của Việt Nam càng trở nên dữ dội hơn

Diplomat

Tác giả: Huỳnh Tâm Sáng

Cù Tuấn chuyển ngữ

2-5-2024

Tóm tắt: Vụ trấn áp tham nhũng của Việt Nam, dẫn tới sự ra đi của hai lãnh đạo cấp cao trong những tuần gần đây, phản ánh sự leo thang đáng báo động của chủ nghĩa thân hữu và đấu đá nội bộ trong Đảng.

Vào ngày 26 tháng 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), cơ quan ra quyết định hàng đầu của Việt Nam, đã chấp thuận đơn từ chức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, theo yêu cầu của cá nhân ông. Theo Ủy ban, những vi phạm, khuyết điểm của ông Huệ đã “gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông“.

Thông báo này theo sau tin đồn rằng ông Huệ sẽ từ chức sau khi trợ lý lâu năm của ông, Phạm Thái Hà, bị bắt giữ. Theo Bộ Công an, ông Hà, người từng giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đã bị bắt hồi tuần trước với cáo buộc lạm dụng quyền lực. Ông bị bắt vì liên quan đến cuộc điều tra hối lộ tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An có trụ sở tại Hà Nội và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan. Trọng tâm của vụ bắt giữ hiện nay là việc Hà thể hiện mình là đồng minh trung thành của Huệ và là trợ lý đáng tin cậy trong Quốc hội.

Việc từ chức của ông Huệ diễn ra không lâu sau khi Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng từ chức chỉ sau một năm [giữ chức vụ này]. Cuộc điều tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc ông Thưởng vi phạm điều lệ Đảng đã dẫn đến kết luận tương tự như trường hợp của ông Huệ: Những vi phạm, khuyết điểm của ông Thưởng đã gây bất bình trong dư luận, hạ thấp uy tín của Đảng, nhà nước và bản thân ông. Mặc dù chưa rõ ràng, nhưng những tin đồn về sự ra đi của ông đã lan truyền trong một thời gian liên quan đến nhiệm kỳ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, giai đoạn năm 2011—2014 và trách nhiệm được cho là của ông về sự giả mạo, khai man sổ sách có chọn lọc đã diễn ra tại Công ty xây dựng và bất động sản hàng đầu Phúc Sơn, trong và sau khi ông Thưởng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.

Đáng chú ý rằng ông Thưởng đã được chọn để kế nhiệm cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ một tháng rưỡi sau khi ông [Phúc] đột ngột từ chức hồi đầu năm ngoái, do vi phạm và làm sai của các quan chức cấp cao làm việc dưới sự giám sát của ông [Phúc] trong thời gian ông làm Thủ tướng.

Vụ từ chức chưa từng có của hai nhân vật trong trong nhóm “tứ trụ” — những chức vụ quyền lực nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam — đã làm nổi bật nỗ lực chống tham nhũng với chiến dịch đốt lò do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 80 tuổi, một trụ cột mạnh mẽ nhất, khởi xướng.

Nhìn chung, nhiều nhà quan sát coi nỗ lực chống tham nhũng là một chiến dịch toàn diện chống lại nạn tham nhũng đã làm hoen ố danh tiếng của chính phủ Việt Nam, cả trong công chúng lẫn các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng. Năm 2022, ông Trọng tuyên bố không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong chiến dịch này. Việc từ chức và truy tố các chính trị gia cấp cao và cấp dưới của họ ở Việt Nam cho đến nay là bằng chứng cho thấy Đảng không khoan nhượng đối với các nhà lãnh đạo và quan chức tham gia vào các hoạt động gây tranh cãi hoặc làm việc không đạt tiêu chuẩn mà người ta mong đợi. Do những hành vi sai trái và những sai phạm liên quan đến tham nhũng, hàng trăm quan chức cấp cao, trong đó có các quan chức cấp cao của Đảng, đã từ chức hoặc bị buộc phải từ chức.

Nhưng những vụ bê bối tham nhũng và những vụ từ chức sau đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi quan sát kịch bản đang diễn ra ở Việt Nam. Hai yếu tố cần được chú ý. Thứ nhất, các quan chức Đảng và nhà nước bị sa thải thường có quan hệ mật thiết với tham nhũng và hành vi sai trái của cấp dưới. Thứ hai, những cuộc thanh trừng này có mối liên hệ mật thiết với chủ nghĩa thân hữu về kinh tế: Một hệ thống trong đó chính trị và kinh tế gắn bó với nhau, dẫn đến sự lạm dụng quyền lực của các quan chức Đảng và chính phủ.

Chủ nghĩa tư bản thân hữu, vốn phổ biến ở các nước đang phát triển, tạo ra một hệ thống không công bằng và không rõ ràng, với các mối quan hệ cá nhân giữa doanh nhân và quan chức chính phủ làm cản trở sự cạnh tranh công bằng. Ở một quốc gia độc đảng như Việt Nam, chủ nghĩa thân hữu — mối quan hệ cộng sinh giữa các cơ quan nhà nước tham nhũng với các quan chức và doanh nghiệp — hiện đóng vai trò then chốt trong việc phân bổ lợi ích kinh tế giữa những người giàu và các quan chức cấp cao. Quốc gia này từ lâu đã nổi tiếng với việc áp dụng chính sách ưu tiên trong việc cấp giấy phép, phân bổ trợ cấp của chính phủ và cấp ưu đãi thuế đặc biệt. Một ví dụ điển hình của chủ nghĩa thân hữu ở Việt Nam là việc phân bổ các chức vụ trong chính phủ hoặc sự thiên vị trong các doanh nghiệp nhà nước dành riêng cho các Đảng viên, người thân và bạn bè của họ.

Kể từ khi bắt đầu cuộc cải cách kinh tế được gọi rộng rãi là Đổi Mới hồi năm 1986, Việt Nam đã vươn lên từ nhóm các quốc gia nghèo nhất thế giới, trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình chỉ sau một thế hệ. Chính phủ Việt Nam cũng mong muốn đưa đất nước này trở thành một quốc gia phát triển với nền công nghiệp theo định hướng hiện đại vào năm 2025. Việt Nam được nhiều người ca ngợi là một nền kinh tế sôi động và đang phát triển, nhưng nền văn hóa chính trị của Việt Nam, vốn ưu tiên các mối quan hệ hơn là thành tích trong việc phân chia các lợi ích chính trị, chức vụ và lợi ích kinh tế, đang có khả năng củng cố cơ cấu quyền lực hiện tại và bóp nghẹt triển vọng kinh tế của đất nước này. Một khía cạnh nguy hiểm của thực tiễn lâu dài này là sự xuất hiện và củng cố của các nhóm và tổ chức dựa trên lợi ích của mối quan hệ thân hữu. Điều này có thể làm gia tăng tình trạng tham nhũng và chủ nghĩa bè phái ở một quốc gia vốn có sự lãnh đạo không minh bạch, từ đó có thể cản trở sự phát triển và sự bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, chiến dịch chống tham nhũng đã làm lu mờ uy tín của Đảng, gây nghi ngờ về tính liêm chính và sự ổn định chính trị của hệ thống. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra và sự bất ổn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, uy tín của nhà nước vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi xem xét những nỗ lực của Việt Nam trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Do sự thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào sự hỗ trợ đầu tư và công nghệ của phương Tây, cũng như mối quan hệ chặt chẽ với các nền kinh tế khu vực, các vụ trấn áp khi thực hiện chống tham nhũng trong thời gian gần đây có thể khiến cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng.

Bầu không khí chính trị ở Việt Nam ngày càng trở nên u ám hơn do sự từ chức gần đây của ông Thưởng và ông Huệ. Điều này đặt ra một câu hỏi không thể tránh khỏi: Ai sẽ bị ném vào lò kế tiếp? Sức nặng lâu dài của chủ nghĩa thân hữu đối với Việt Nam có nghĩa là chúng ta có thể tiếp tục chứng kiến các quan chức cấp cao và cấp dưới bị sa thải và bắt giữ trong một thời gian khá dài nữa. Nhưng vấn đề hấp dẫn nhất hiện nay là xung đột phe phái có thể đã nổ ra sau khi hai vị trí trong số tứ trụ bị bỏ trống.

Trong khi việc từ chức của các ông Phúc, Thưởng và Huệ có thể được coi là nỗ lực do Đảng khởi xướng nhằm giữ thể diện cho họ, thì việc hạ cánh an toàn của họ cũng làm “Trò chơi vương quyền” của Việt Nam ngày càng nóng lên. Hiện chỉ còn lại hai thành viên trên ngai vàng — Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính — khoảng trống [quyền lực] chính trị này có thể sẽ châm ngòi cho nhiều cuộc đấu đá nội bộ hơn trong Đảng.

Sau sự ra đi của ông Huệ, Bộ Chính trị hiện chỉ còn 13 ủy viên (con số xui xẻo ở Việt Nam), giảm 5 so với số 18 người hồi đầu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 năm 2021. Trong số năm ủy viên bị cách chức, ngoài Huệ, Thưởng, Phúc, còn có Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Khủng hoảng lãnh đạo ở Việt Nam có nhiều nguyên nhân, nhưng căn nguyên có lẽ là nạn tham nhũng trắng trợn và xung đột phe phái trong nội bộ Đảng CSVN. Trong bối cảnh đó, những đồn đoán nóng bỏng về việc ai sẽ được bổ nhiệm làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội kế tiếp là điều khó tránh khỏi. Sự thống trị, thỏa hiệp, đồng thuận và thậm chí cả cạnh tranh, tất cả đều diễn ra trong hậu trường, chắc chắn sẽ đặc biệt gay gắt, vì cuộc tranh giành các vị trí hàng đầu trước Đại hội Đảng kế tiếp vào đầu năm 2026 đã bắt đầu. Trong khi ĐCSVN có thể sẽ cố gắng duy trì sự cân bằng quyền lực trong nước thông qua cơ cấu lãnh đạo tập thể đã được thử nghiệm trong thực tế, khả năng duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời ngăn chặn nạn tham nhũng trong các quan chức cấp cao, vẫn không có gì là chắc chắn.

Đồng thời, các cuộc tranh giành quyền lực đầy tham vọng ngày càng gia tăng và nguy cơ gia tăng của các cuộc chiến chính trị này trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng, cuối cùng có thể làm lung lay cán cân quyền lực nội bộ mong manh của Đảng, với những hậu quả nghiêm trọng tiềm tàng trong tương lai.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây