Đồng Phụng Việt
30-4-2024
Lê Minh Nguyên vừa đưa lên trang Facecebook của ông bài lược thuật về tai nạn xảy ra ở Pleasanton – một thành phố nhỏ ở khu vực Bắc California, hôm 24/4/2024. Bài lược thuật đó không dài nên xin dẫn lại:
VinFast làm thinh – Báo Việt Nam không được đăng
Gia đình bốn người chết hết vì đi xe VinFast đụng vào cây sồi bốc cháy khoảng 9 giờ tối thứ tư 24/4 ở Pleasanton, Bắc California. Tốc độ cho phép lái trên đường Stoneridge Drive của thành phố này là 40 dặm một giờ, có nghĩa là tốc độ tương đối chậm, có thể thắng kịp khi gặp sự cố. Cảnh sát cho biết việc xe chạy quá tốc độ có góp một phần vào tai nạn và không có chỉ dấu gì là do rượu, ma túy hay giằng co, gây gổ. Xe va vào trụ lề đường rồi lạc tay lái đụng vào cây, bốc cháy dữ dội ngay sau đó và ông Larry Lai, sống gần đó cho biết, ông đang ở bên ngoài thì nghe thấy tiếng nổ vào thời điểm xảy ra tai nạn. Ông nói: “Cứ năm đến mười giây lại có một tiếng nổ lớn, có thể khoảng năm đến tám lần. Ba nguời chết đã được nhận diện là: Tarun Cherukara George, 41 tuổi. Rowan George, 13 tuổi, Aaron George, 9 tuổi. Người thứ tư do bị cháy quá tệ nên chưa thể nhận diện sớm được, chỉ biết là phái nữ.
VinFast từ chối sự tiếp xúc để xin ý kiến của hãng tin NBC Bay Area. Cho tới thời điểm này, VinFast vẫn còn làm thinh về tai nạn. Trong nước các báo loan tin thì bị gỡ bài. VinFast không thể và không nên ứng xử thờ ơ trước một tai nạn kinh khủng như vậy ở Mỹ, không nên đem cung cách ứng xử với nguời tiêu dùng ở Việt Nam để áp dụng ở Mỹ, vì sẽ thất bại ê chề!
Việc xe chạy quá tốc độ cho phép, vẫn còn chưa rõ là lỗi từ người lái – một kỹ sư làm việc cho Google và được láng giềng quý mến – hay từ phần mềm. Dù cuộc điều tra đang tiến hành để biết chính xác nguyên nhân xảy ra tai nạn nhưng cháy và nổ liên tục khi xe vừa đụng vào cây cho thấy người trong xe không có những phút giây cần thiết để tẩu thoát, người cứu nạn không có thời gian và điều kiện để tiếp cận giải cứu – đây là những điều mà Tesla đã cẩn thận làm và test tới test lui trước khi đưa ra thị trường.
VinFast bán xe nhưng nên hiểu là mạng người không rẻ rúng (1).
***
Thật ra đã có rất nhiều người trích dịch tin tức từ các cơ quan truyền thông ở Mỹ, trong đó có cả những cơ quan truyền thông hướng đến độc giả người Việt như RFA về vụ tai nạn thảm khốc này (2). Người viết bài chọn giới thiệu lược thuật của ông Lê Minh Nguyên về tai nạn liên quan tới sản phẩm của VinFast vì vài lý do: Có một số thông tin mới. Chừng mực. Đặc biệt, ông Nguyên cũng là người Việt nhưng chắc chắn không cần phải… đào tẩu và… xin tị nạn như… Sonnie Tran vì ông ở bên ngoài Việt Nam!
Sonnie Trần tên thật là Trần Mai Sơn, 38 tuổi, cũng là người Việt như ông Lê Minh Nguyên nhưng sống ở Việt Nam. Sonnie Tran nổi tiếng vì chuyên chắt lọc, tổng hợp thông tin từ các cáo bạch của Vingroup, đối chiếu với những tài liệu của các doanh nghiệp ngoại quốc như Tata, LongChuan,… để phân tích, nhận định về Vingroup và VinFast – một trong những sản phẩm nổi tiếng của Vingroup – trên mạng xã hội. Những phân tích của Sonnie Tran được thiên hạ chú ý vì chúng thuộc dạng… điền thế (cung cấp các thông tin, ý kiến về Vingroup hay VinFast mà thiên hạ quan tâm nhưng không thể tìm thấy trên hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam).
Tuy nhiên đó cũng là lý do Sonnie Tran gặp rắc rối. Từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, Sonnie Tran liên tục bị công an Việt Nam triệu tập để lấy lời khai vì các sản phẩm thông tin mà theo công an là có dấu hiệu “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Việc Sonnie Tran bị sách nhiễu đã khiến một số cơ quan truyền thông quốc tế ngạc nhiên và nêu ra như một hiện tượng vừa kỳ dị, vừa đáng ngại ở Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tuy nhiên điều đó không giúp giảm áp lực mà Sonnie Tran phải gánh chịu. Áp lực gia tăng đến mức Sonnie Tran phải trốn khỏi Việt Nam, tìm cách được hưởng quy chế tị nạn chính trị,…
Tin Sonnie Tran đào tẩu xuất hiện gần như cùng lúc với tin về vụ tai nạn thảm khốc ở Pleasanton. Gọi là đào tẩu vì theo Sonnie Tran, ông đã bị cấm xuất cảnh và rắc rối xuất hiện, áp lực càng ngày càng gia tăng bởi công an Việt Nam thực hiện yêu cầu của Vingroup (3). Vingroup đã từng làm như thế với nhiều người. Một trong những vụ từng khuấy động dư luận là chuyện ông Trần Văn Hoàng dám sử dụng YouTube để phàn nàn về những khiếm khuyết của chiếc VinFast mà ông đã mua rồi bị công an triệu tập…
***
Thiên hạ ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam đã từng và có lẽ sẽ còn tiếp tục bàn tán rất nhiều về việc tại sao hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam lại chọn phương thức hành xử theo kiểu “mũ ni che tai” trước những thông tin, sự kiện mà về mặt nghề nghiệp vốn dĩ không thể bỏ qua nhưng lại cương quyết không màng tới chỉ vì không có lợi cho sự nghiệp của Vingroup. Thiên hạ cũng không thể lý giải tại sao công an Việt Nam lại quan tâm và bảo vệ Vingroup tận tình như vậy?
Ông Tô Lâm – nhân vật lãnh đạo Bộ Công an – có biết hiện tượng hết sức bất thường này không? Đặc biệt là khi hiện tượng hết sức bất thường này trở thành “sự kiện và vấn đề” trên hệ thống truyền thông quốc tế, gây tổn hại cho nỗ lực vận động thiên hạ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh – vấn đề có tính chất sống còn đối với sự ổn định và phát triển của kinh tế, xã hội Việt Nam – chẳng lẽ hiện tượng hết sức bất thường đó nằm ngoài phạm trù an ninh kinh tế?
Trong quá khứ, ông Tô Lâm từng dính dáng đến chủ một thực thể vốn gần gũi với người đang nắm giữ quyền điều hành Vingroup. Thực thể đó là Công ty Nghe nhìn toàn cầu (AVG). AVG nằm trong tay của ông Phạm Nhật Vũ – bào đệ của ông Phạm Nhật Vượng. Năm 2014, ông Phạm Nhật Vũ quyết định bán 95% cổ phần cho Mobifone (doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thông tin truyền thông – TTTT). Giá trị thực của số cổ phần này chỉ có 1.900 tỷ đồng nhưng Mobifone lại mua với giá 8.900 tỷ đồng.
Sự việc vỡ lở, một Ủy viên BCH TƯ đảng đồng thời là cựu Bộ trưởng TTTT bị phạt tù chung thân (Nguyễn Bắc Son), một Ủy viên BCH TƯ Đảng kiêm Bộ trưởng TTTT lúc đó bị phạt 14 năm tù (Trương Minh Tuấn), Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone bị phạt 23 năm tù (Lê Nam Trà),… nhưng ông Phạm Nhật Vũ chỉ bị phạt ba năm tù vì hai… ngày trước khi Thanh tra của chính phủ (TTCP) công bố Kết luận Thanh tra (KLTT) đã chủ động đề nghị hủy thương vụ, trả lại toàn bộ tiền cho Mobifone.
Tuy TTCP khẳng định trong KLTT rằng Bộ Công an đã phát hành ba công văn “trái quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền”, đồng thời đề nghị “Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Công an trong việc tham mưu ban hành ba văn bản tham gia ý kiến với Bộ TTTT” (4) nhưng ông Tô Lâm khi ấy là Thượng tướng, Thứ trưởng Công an – người ký cả ba văn bản vẫn vô sự.
Phiên xử vụ án Mobifone – AVG cho thấy, cả ba văn bản mà ông Tô Lâm đã ký không chỉ dọn đường để Mobifone mua cổ phần của AVG với giá trên trời mà việc tùy tiện xếp thương vụ vào diện “Mật” hoặc “Tối mật” đã ngăn chặn tất cả mọi người tiếp cận, đề cập đến thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Sự việc vỡ lở chỉ vì một số thành viên của Mobifone kiên trì tố cáo không ngưng nghỉ cả bằng đơn, thư gửi đi khắp nơi lẫn bày ra những khuất tất trên mạng xã hội và tương quan thế lực ở thượng tầng thay đổi.
Một trong ba công văn (CV số 418/BCA-TCAN ngày 9/3/2015) đề nghị Bộ TTTT “chỉ đạo hai doanh nghiệp không công khai, tuyên truyền sự việc, quản lý chặt chẽ các thông tin, tài liệu liên quan đến việc chuyển nhượng vì đây là bí mật kinh doanh của doanh nghiệp”. Đồng thời Thượng tướng Tô Lâm còn “đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí không đưa tin, bài viết bình luận về hoạt động chuyển nhượng giữa hai doanh nghiệp” (5). Xem lại công văn này ắt thấy, “biện pháp nghiệp vụ” vừa kể đã được dùng nhiều lần, với nhiều đối tượng và đã dùng ắt vấn đề không nhỏ.
Chưa có bằng chứng nào về việc Bộ Công an nói chung và lực lượng an ninh thuộc Bộ Công an nói riêng, bảo kê cho Vingroup. Cũng chưa có bằng chứng nào về việc Vingroup dùng Bộ Công an, song chẳng lẽ tất cả đều là ngẫu nhiên? Ngạn ngữ có câu “trong ruộng dưa đừng cột dây giày, dưới gốc mận đừng sửa mũ”, hàm ý người tử tế nên tránh gây ngộ nhận. Cả Vingroup lẫn Bộ Công an dưới quyền điều hành của ông Tô Lâm chưa chú ý để tránh ngộ nhận và trong tương lai có muốn tránh chăng?
_________
Tham khảo:
(2) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vinfast-car-crash-4-deaths-04292024060743.html
Xe nào mà chả có tại nạn vô tình hay đen đủi , sao cứ hàng Việt là mấy bác bên kia bán cầu nhảy vào bôi nhọ xuyên tạc.
Nhột hén,,,người ta xía vô vì cách truyền thông của các anh.Nếu ra ngoài chiến 1 cách bình thường như bao hãng xe khác thì chẳng có gì phải nói.Nhớ kỹ hén.Còn nữa,nhờ anh nhắc dùm truyền thông chính thống của các anh cũng như vậy với những tai nạn khác.thì thiên hạ thái bình thôi.ca thán làm gì?Đừng NGẠO NGHỄ VIỆT NAM thì có sao.
Bán hàng mà dùng đến CA không khác gì trò trấn lột. Đơn giản là bà con đừng bao giờ sử dụng sản phẩm của Vin, vừa mất tiền vừa mang vạ vào thân. Nhà tôi có 2 xe, một của Huyndai, một Toyota loại vừa tiền, chạy maic chưa thấy hỏng!
Chỉ thương cho mấy người ngây ngô lẫn lộn giữa “lòng yêu nước” với việc mua hàng – khi mua hàng thì chỉ cần hai tiêu chí một là giá cả, hai là chất lượng; Chấm hết.
Chẳng phải Vinfét câm sau tai nạn làm chết 4 người trong cùng một gia đình nhưng Vinfét cũng thật sự chẳng biết chuyện gì đã xảy ra. Khi bạn mua hàng ở nơi mà bạn cũng đéo biết nó là cái gì thì khi gặp sự cố thì bạn
sẽ nói cái gì ? Thôi thì keep silent, tiếng việt gọi là câm cho tiện việc ăn uống, trà đá này nọ.
Ngạn ngữ răn dạy ai đó chứ không phải Tô Lâm.
Với bò vàng nhà ta thì :
“Trong ruộng dưa cứ buộc dây giày
Dưới gốc mận cứ sửa mũ”.
Đứa nào làm gì được tao?