Cuba (Kỳ 3)

Nguyễn Thông

22-3-2024

Tiếp theo kỳ 1kỳ 2

Hồi đầu năm 2016 thì phải, tivi mậu dịch VTV phát cái phóng sự của nhà báo Chử Trường Sơn quay và hỏi trực tiếp từ Cuba. Phim của VTV tức là bảo đảm không có “thế lực thù địch” chen vào. Phóng viên Trường Sơn cho biết, hiện tại dù Cuba đã có những cải cách nhất định nhưng đời sống vẫn rất khó khăn thiếu thốn, dân chúng rất khổ. Dù anh Sơn không nói ra nhưng người xem tivi đều hiểu chính quyền trung ương – đám cai trị Cuba suốt nhiều chục năm qua, vẫn rất tham lam, bố láo, coi dân như cỏ rác.

Năm 2016 chứ nào có xa xôi gì, khi gần như hầu hết nhân loại đã đi qua thời chỉ ao ước tột bậc có cơm ăn, áo mặc. Vậy mà những kẻ kế tiếp Fidel vẫn gần như cấm tiệt mọi quyền tự do của người dân. Muốn buôn bán cái quần, cái áo, cục xà phòng… cũng phải lén lút, giấu giấu giếm giếm, mắt trước mắt sau. Bị bắt là bị tịch thu hết.

Nhà nước quản lý độc quyền việc mua bán thịt bò. Muốn mua thịt bò ngon trong cửa hàng mậu dịch thì phải có phiếu, chỉ dành cho cán bộ. Những điểm bán cho dân chỉ bán thịt bò bạc nhạc, gân vụn, vậy nhưng cũng phải xếp hàng chen chúc. Nhà nước còn quản lý chặt việc bán… trứng gà (tôi xin nói lại: Trứng gà). Mỗi người chỉ được mua tối đa 5 trứng/ tháng. Ngoài chợ không có trứng, ai bán chui thì bắt.

Cuba vốn là đảo quốc giàu có và xinh đẹp, người dân lương thiện. Bây giờ thành địa ngục trần gian. Mẹ kiếp, thời này hay thời trung cổ vậy. Tất cả chỉ bởi cái chính quyền cộng sản khốn kiếp ở Cuba. Chỉ mong người dân Cuba thức tỉnh, làm cuộc cách mạng lật mẹ nó đi, chôn vùi nó xuống hố, đổ bê tông xi măng, cát sỏi lèn thật chặt không cho nó có thể ngo ngoe được nữa, rồi làm lại cuộc đời.

Trong 2 ngày 17 và 18.3.2024 vừa rồi, truyền thông thế giới đưa tin, hàng nghìn người, rồi cả vạn người dân Cuba đổ ra đường biểu tình. Báo Tuổi Trẻ xứ này rụt rè đăng tin nhưng bóp thành “một nhóm nhỏ người dân đã xuống đường biểu tình ôn hòa”. Làm báo mà sợ sệt như thế, ma nó đọc. Đó cũng là bi hài kịch của báo chí xứ ta trong cái vòng kim cô tuyên giáo.

Buồn cười ở chỗ, đám quân sự, công an nắm tuyên giáo cứ nghĩ thời nay cũng như thời cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, xét lại chống đảng, độc quyền công cụ thông tin, nói gì viết gì dân cũng phải tin, “nghe đài đọc báo của ta” thì mới mở mang được đầu óc. Họ không biết hoặc cố tình không thừa nhận thời ấy đã vĩnh viễn qua rồi, cánh cửa thông tin đã mở cho tất cả mọi người, có cấm cũng không được.

Khi xưa, họ nói Cuba tốt, giàu, sung sướng thì dân chúng phải tin rằng Cuba sung sướng, giàu, tốt, thiên đường, niềm mơ ước của con người. Có ai mò sang được Cuba đâu mà thực chứng. Giờ thì khác, chỉ cần báo Tuổi Trẻ nói “một nhóm nhỏ người dân” thì thiên hạ có ngay những hình ảnh quay tại hiện trường, người dân đổ ra đường như thác lũ. Thời 4 chấm 0 mà tính chuyện bịt mắt bịt tai dân, quả thật chỉ có khùng điên.

Họ, người Cuba biểu tình, đòi quyền sống, phản đối chính quyền, gây nên tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng lương thực, thực phẩm, điện. Trước đó mấy ngày, dân chúng cũng biểu tình sau khi nhà nước đột ngột tăng giá xăng đến… 500%. Họ lật đổ cả các bức tượng ông này ông nọ, quăng ra đường. Họ không hô “tự do hay là chết” nữa, mà hô “dân chủ hay là chết”, “quyền sống hay là chết”, “lương thực hay là chết”. Ở một quốc gia được mệnh danh nhà tù lớn như Cuba, ít khi xảy ra hành động “quá khích” đến vậy.

Sức chịu đựng của con người có hạn. Con giun xéo lắm cũng quằn. Tức nước vỡ bờ. Cổ nhân đã đúc kết từ lâu rồi. Chịu đựng nghèo đói, thiếu thốn, cơ cực, bị coi như con vật như thế đã quá lâu. Giờ mới thức tỉnh là quá muộn. Cuba nếu không thay đổi lúc này thì không còn lúc nào nữa, bao giờ nữa, phải chấp nhận mỗi tháng chỉ được phân phối 5 quả trứng. Xưa được coi là tiên phong cách mạng, còn giờ dù có làm gì, thay đổi gì thì cũng vẫn chỉ xách dép lẹt bẹt chạy ở vị trí chót của nhân loại.

Hôm rồi, mấy anh em ngồi với nhau đón xuân muộn. Tôi mở điện thoại đọc cho bạn nhậu nghe danh sách những nước hồ hởi gửi thư và điện mừng, thậm chí cả lẵng hoa, chúc mừng tên độc tài Nga Putin lại đắc cử. Tại sao y trúng cử, ai cũng biết rồi, quá quen kiểu này rồi, không cần nói nữa. Nào là những bạn hẩu Trung Quốc, Triều Tiên, Venezuela, Belarus, Tajikistan, Bolivia, Nicaragua, Iran. Và dĩ nhiên Cuba nhanh nhảu gửi thư điện hoa đầu tiên. Anh Bảy H cười, bảo, thì cũng là ngưu tầm ngưu mã tầm mã thôi, ai còn lạ gì chúng nó.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “Tự do hay là chết”.
    Tự do vẫn là nhu cầu cấp thiết nhất đối với mọi dân tộc, mọi đất nước.
    Nhưng ở các nước đã có tự do, dù chỉ là tương đối, họ không còn hô như vậy nữa.
    Bi kịch ở chỗ, những kẻ cầm quyền nào đó, mồm hô to khẩu hiệu, tay lại cướp đi tự do của người dân. Và người dân, mồm bị băng keo dán chặt, súng dí sau lưng, không thể hô hào, kêu gọi gì nữa.

  2. Báo Tiếng dân, giờ chả hiểu có nhận được “chỉ thị bí mật” gì từ tuyên giáo hay không, mà xét duyệt BL kỹ quá bác NT ạ . Hôm nay, mình đọc tất cả 7 bài viết, bài “cu cha”, “cu bố” (cũng là cu ba ) của bác là bài cuối cùng . Thế mà tuyệt nhiên, không thấy bất kì một BL nào cả ?!!
    Thấy bác bảo, mỗi tháng người dân Cuba chỉ mua được 5 trứng gà mà tức “trào máu họng” !
    Trứng gà là thức ăn rẻ tiền của người nghèo . Thế mà, bọn lãnh đạo không cho mua đủ ăn thế, chúng dành lại để làm gì ??
    Ở VN, ra chợ muốn mua trăm quả cũng có , chỉ 28. 30 ngán/ 1 chục .

    Bài viết mà không comment
    Khác nào mở tiệm vắng tanh khách hàng
    Bài viết mà có luận bàn
    Khác nào cô gái duyên càng thêm duyên

    _______

    Editor: Website của chúng tôi bị tấn công bằng kiểu khác, có hàng trăm comment từ những kẻ lạ kéo vào bình luận liên tục với đủ loại ngôn ngữ, nên hệ thống an ninh mạng tự động bật lên và chặn tất cả các comment mà nó nghi ngờ, để chờ chúng tôi đọc và duyệt từng comment. Chúng tôi không có thì giờ để chặn và duyệt từng comment, có thể sẽ đóng comment 1 thời gian.

    Ngoài ra, bên Facebook Tiếng Dân, chúng tôi cũng bị sách nhiễu hàng ngày, ngoài việc gây áp lực gỡ bài, chúng còn đe dọa, chửi bới, chặn tương tác. Ảnh chụp này chỉ là một ví dụ:
    https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/03/1-78.jpg

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây