Nghệ sĩ Nhân dân liệu có nằm trong lòng nhân dân không?

Lê Thiếu Nhơn

6-3-2023

Nghệ sĩ Nhân dân được mặc định cao hơn Nghệ sĩ Ưu tú. Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân được trao tặng lần đầu tiên vào năm 1984. Sáng nay, 6/3 tại Hà Nội, đã diễn ra lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân lần thứ 10, với nhắn nhủ đặc biệt của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: “Tôn trọng đặc trưng sáng tạo nghệ thuật, tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh”.

Với tất thảy 125 Nghệ sĩ Nhân dân được trao tặng năm 2024, thì nền nghệ thuật Việt Nam đã có tổng cộng 573 Nghệ sĩ Nhân dân. Lần này, cũng là đợt trao tặng nhiều nhất số lượng Nghệ sĩ Nhân dân, so với chín đợt trước.

Thậm chí, số lượng Nghệ sĩ Nhân dân vừa được trao tặng, còn cao hơn số lượng gộp lại của bốn lần đã trao tặng vào năm 1988 (13 Nghệ sĩ Nhân dân) năm 1997 (38 Nghệ sĩ Nhân dân) năm 2001 (22 Nghệ sĩ Nhân dân) và năm 2007 (36 Nghệ sĩ Nhân dân).

Trong 125 Nghệ sĩ Nhân dân vừa được xướng tên trên bục tưởng thưởng, người cao niên nhất là diễn viên cải lương Hùng Minh ở TP.HCM, sinh năm 1930; còn hai người trẻ tuổi nhất là diễn viên chèo Hoài Thu ở Hà Nội và diễn viên cải lương Hồ Ngọc Trinh ở Long An cùng sinh năm 1984.

Ở tuổi 40 được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân thực sự là một niềm hãnh diện lớn lao. Tuy nhiên, kỷ lục về độ tuổi được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân vẫn thuộc về thần tượng piano Đặng Thái Sơn. Sau khi đoạt giải thưởng quốc tế, Đặng Thái Sơn đón nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân lúc 26 tuổi.

Trên thế giới, gần như không còn quốc gia nào xét tặng danh hiệu tương tự Nghệ sĩ Nhân dân. Đó là sự trọng thị độc đáo mà Việt Nam dành cho giới biểu diễn. Hậu trường xét tặng danh hiệu vẫn có không ít chuyện đáng băn khoăn. Vì cơ chế xin – cho nên nhiều nghệ sĩ phải mất thời gian cân nhắc, khiến cho người thành danh trước lại nhận danh hiệu sau thế hệ hậu sinh.

Ví dụ, diễn viên Thanh Tú nổi tiếng với bộ phim “Sao tháng Tám” sản xuất từ năm 1976, nhưng đến nay mới được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân. Theo diễn viên Thanh Tú thì bà cũng giống như nhiều người khác, do ái ngại thủ tục hành chính và tự ái vì nhiều người được danh hiệu chưa xứng đáng nên đắn đo không làm hồ sơ xét tặng Nghệ sĩ Nhân dân.

Tâm tư của diễn viên Thanh Tú hoàn toàn có cơ sở. Xung quanh danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cũng có không ít tiếng bấc tiếng chì, mà Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoa từng than vãn: “Rất nhiều Nghệ sĩ Nhân dân mà nhân dân không biết mặt”. Mới đây, còn có cả một vụ đôi co khiếu nại khá ầm ĩ.

May ra, có trường hợp đặc cách phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân cho huyền thoại Tây Nguyên Y Moan vào năm 2010 và những Nghệ sĩ Nhân dân phong tặng đợt đầu tiên năm 1984 như Phùng Há, Ba Vân, Ngô Y Linh, Quốc Hương, Trà Giang, Thế Lữ, Hồng Sến, Hải Ninh, Thái Ly… đều được giới chuyên môn lẫn giới mộ điệu tâm phục khẩu phục.

Tuy nhiên, 40 Nghệ sĩ Nhân dân được phong tặng đợt đầu tiên cũng có sự thiệt thòi là họ chỉ có một tấm bằng chứng nhận Nghệ sĩ Nhân dân. Còn phần lớn Nghệ sĩ Nhân dân sau này đều có hai tấm bằng chứng nhận, vì được tấm bằng chứng nhận Nghệ sĩ Ưu tú rồi làm đơn xin tiếp tấm bằng chứng nhận Nghệ sĩ Nhân dân.

Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân có ý nghĩa với những người biểu diễn, còn với những người có ưu điểm về sáng tạo thì danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân không phải điều đáng để công chúng ghi nhớ. Người yêu nghệ thuật đích thực dường như chẳng nhớ đến danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, mà chỉ biết Tào Mạt là soạn giả chèo, Đặng Nhật Minh là đạo diễn điện ảnh, Đào Trọng Khánh là đạo diễn phim tài liệu, Lê Huy Quang là họa sĩ, Trọng Bằng là nhạc sĩ…

Tại lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân sáng 6/3, có hai hình ảnh xúc động. Hình ảnh thứ nhất là đạo diễn Hoàng Quân Tạo xuất hiện trên chiếc xe lăn. Đạo diễn Hoàng Quân Tạo có công xây dựng thương hiệu Nhà hát kịch Hà Nội đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhưng bây giờ ông mới được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân, muộn hơn lứa đàn em như Hoàng Dũng, Minh Hòa, Thu Hà, Trung Hiếu, Công Lý…

Tuy nhiên, Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Quân Tạo còn may mắn hơn ca sĩ Trần Khánh. Lý do, ca sĩ Trần Khánh mất năm 1981 ở tuổi 50, mãi đến năm 2007 mới được truy tặng Nghệ sĩ Nhân dân.

Hình ảnh thứ hai là nghệ sĩ cải lương Thanh Điền với hai tấm bằng chứng nhận Nghệ sĩ Nhân dân, một cho ông và một cho người vợ quá cố Thanh Kim Huệ. Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Điền ở tuổi 77 bày tỏ: “Giá mà bà xã tôi còn sống để cùng tôi chia sẻ hạnh phúc. Tôi vui nhưng cũng có chút buồn”.

Được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân hôm nay, đạo diễn Trần Lực góp phần nối dài danh sách cha và con cùng được tôn vinh danh hiệu này. Cha và con đều là Nghệ sĩ Nhân dân, tính đến thời điểm hiện tại, gồm có Thế Lữ – Nguyễn Đình Nghi, Trần Tiến – Lê Khanh, Phạm Văn Khoa – Nhuệ Giang, Hải Ninh – Nguyễn Thanh Vân, Trần Bảng – Trần Lực.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Không nằm thì mình cố nhồi nhét vào, rùi mọi thứ đều ổn cả thui . Nhà giáo Nhân Dân Phạm Toàn là 1 ví dụ . Nguyên Ngọc phang cho 1 giải thưởng Phan Chu Trinh về giáo dục, rùi Tiến Sĩ Mạc Văn Trang vinh danh, ca tụng, khen ngợi … nói chung đầy đủ lễ bộ mặc áo thụng vái nhau . Thì rồi Nhà giáo Nhân Dân Phạm Toàn trở thành 1 nhà giáo thật sự của Nhân Dân tụi bay, lộn, các bác . Những người khác thì chỉ nghĩ tới là rùng mình

  2. Phong danh hiệu này nọ là nhà cầm quyền “nắm bắt” được cái tâm lý háo danh (nói
    chung là tham lam) của con người trần tục nên họ cứ phong đến lạm phát !
    Phong danh hiệu cũng chẳng khác nào cách xua loài vật vào lồng vào chuồng để dễ
    quản lý khi chúng sẵn có “môi trường” để khoe khoang và kèn cựa lẫn nhau.
    Riêng dối với con người thì đó là cách “đoàn ngũ hóa” thuận tiện nhất vì lợi lộc ở trên
    ban xuống, tương đương với “ơn mưa móc” của vua thời phong kiến !
    Câu nói trên của Võ Văn Thưởng đã chứng tỏ anh ta học thuộc bài dối trá như đại đa
    số quan chức Cs. là tôn trọng TỰ DO SÁNG TÁC của giới nghệ sĩ. Ai tin, trừ những kẻ
    cố tình mê muội, thuộc loại “ngu lâu dốt bền” ?

  3. Cái danh hiệu “ưu tú” và “nhân dân” (nghệ sĩ và nhà giáo) là copy nguyên xi của Liên Xô, nay đã lùi hẳn vào quá khứ rồi.

  4. Đáng lý ra người nhận danh hiệu nghệ sỹ nhân dân cao quý đầu tiên phải là thi sỹ kiêm nghệ sỹ hài Hòi Chí Minh.

  5. Xem quá trình làm đơn từ để xét duyệt danh hiệu là rõ cả.
    Chế độ độc tài nào cũng cố gắng bằng mọi thủ đoạn để lôi kéo giới văn nghệ sỹ. Họ như những thỏi son , hộp phấn tô vẽ cho bộ mặt chế độ bớt nhem nhuốc .
    Giờ còn ai nhớ những người đã từng nhận giải thưởng Lê nin, Stalin hay Mai Trạch Đông không?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây